ĐBSCL: Cần có chiến lược quản lý thích ứng với áp lực môi trường và khí hậu

Trong vòng 50 năm qua, sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở ĐBSCL đã dẫn đến những sức ép về môi trường. Thách thức này càng thêm gia nhiệt bởi tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan, đòi hỏi phải có sự thích ứng trong quản lý sản xuất nông nghiệp.

Nông dân canh tác ở Châu Đốc, An Giang năm 2018. Ảnh: Sarah Nguyen/ Shutterstock 

Sự chuyển đổi sinh kế ở các đồng bằng châu thổ trên toàn thế giới đề xuất những phản hồi thích ứng của các cộng đồng để thay đổi các điều kiện kinh tế xã hội và môi trường hiện tại, vốn đang bị ảnh hưởng bởi các nhân tố như đô thị hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa. Sự chuyển đổi này thường rất phức tạp bởi liên quan đến những áp lực môi trường, cụ thể như biến đổi khí hậu (ví dụ như nước biển dâng, bão gia tăng, thay đổi mẫu hình mưa, chế độ dòng chảy…), ảnh hưởng trực tiếp đến sự sẵn có của nước cung cấp cho nông nghiệp. Hiện tượng lún đất, được kích hoạt bằng việc khai thác quá mức nước ngầm và nén trầm tích, đe dọa những khu dân cư ở đồng bằng, kích hoạt các rủi ro ngập lụt và ảnh hưởng đến sự bền vững của cơ sở hạ tầng như đường xá, tòa nhà, đê kè. Thêm vào đó, việc khai thác cát sông chưa được quản lý, thường do nhu cầu xây dựng, đô thị hóa, công nghiệp hóa, dẫn đến xói lở bờ sông cũng như suy yếu các hệ sinh thái đồng bằng và kích hoạt sự rủi ro của các cộng đồng mà cụ thể là sinh kế của họ.

Việc chuyển đổi sinh kế ở ĐBSCL đã trải qua nhiều thay đổi trong cách các cộng đồng khai thác, trồng trọt trước sức ép môi trường. Trong 50 năm qua, hàng triệu người đã nếm trải nhiều thách thức môi trường như tác động của biến đổi khí hậu, các đập thượng nguồn, lún đất, xâm nhập mặn, khai thác cát… Biến đổi khí hậu làm tăng cường sự xuất hiện của các hiện tượng thời tiết cực đoan, phá vỡ các thực hành canh tác truyền thống, xói lở bờ biển. Các sức ép môi trường đó nhấn mạnh vào sự cần thiết phải có những chiến lược toàn diện để tích hợp việc quản lý nguồn đất, nước bền vững và các cách thích ứng để cải thiện sự bền vững sinh kế cũng như hệ sinh thái ở ĐBSCL.

Nhóm các nhà nghiên cứu ở Viện nghiên cứu Tài nguyên và môi trường, ĐHQG TPHCM, ĐH Wageningen, ĐH Kyoto và ĐH Kỹ thuật Nanyang đã thực hiện một nghiên cứu, đưa ra (i) một cái nhìn toàn diện về phát triển nông nghiệp trong hơn năm thập kỷ qua ở ĐBSCL, (ii) hiểu về sự mở rộng của các sức ép môi trường tác động lên chuyển đổi dựa trên nông nghiệp, và (iii) thảo luận về những cách thích ứng để đạt được sự phát triển bền vững ở đồng bằng này.

Họ kết hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, bao gồm báo cáo chính phủ, nghiên cứu, hình ảnh vệ tinh, để đánh giá các xu hướng nông nghiệp trong quá khứ và hiện tại. Sử dụng các dữ liệu này, họ kiểm tra tác động của biến đổi khí hậu, phát triển đập thượng nguồn, khai thác nước ngầm, khai thác cát tác động lên việc sử dụng đất nông nghiệp để đánh giá sự chuyển đổi sinh kế khắp đồng bằng.

Họ nhận thấy có một vài chỉ số quan trọng, đó là vào năm 2020, gia tăng 419,5% diện tích nuôi trồng thủy sản ven biển so với năm 1990 ở ĐBSCL; thiệt hại kinh tế do đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2016 và năm 2020 lần lượt là 300 triệu USD và 500 triệu USD.

Trong quá trình xem xét tài liệu, họ nhận thấy các nghiên cứu trước đều lo ngại về các sức ép môi trường chính lên ĐBSCL và từ đó đánh giá sức ép môi trường lên sự chuyển đổi sinh kế dựa vào nông nghiệp. Trên cơ sở một khung khái niệm, họ nhận thấy biến đổi khí hậu kết hợp với mực nước biển dâng, đập thượng nguồn, khai thác nước ngầm, khai thác cát đều có tác động gián tiếp đến chuyển đổi sinh kế nông nghiệp ở ĐBSCL còn nơi này phụ thuộc trực tiếp vào nhu cầu thị trường và các chính sách quốc gia trong những bối cảnh kinh tế xã hội khác nhau. Các tác giả đã nêu dẫn chứng về sự thích ứng của nhiều đồng bằng trên có thể được đề cập tới, như Mississippi, sông Hằng, sông Hoàng Hà, hướng tới tăng cường sự bền vững và tăng sức chống chịu dưới các sức ép môi trường, dẫu giữa các đồng bằng châu thổ đều sự khác biệt về điều kiện tự nhiên khác nhau, các quá trình phát triển kinh tế xã hội, và văn hóa.

Ảnh: Shutterstock

Ví dụ, các đập thượng nguồn và biến đổi khí hậu đều làm thay đổi đáng kể mẫu hình dòng chảy sông ngòi trong nhiều đồng bằng, giảm khả năng lưu trữ nước và vận chuyển trầm tích trong mùa khô khi nhìn vào đồng bằng Mississippi và sông Hằng. Những thay đổi này làm phá vỡ thực hành canh tác và thúc đẩy người nông dân thích ứng với những chiến lược sinh kế mới. Ở ĐBSCL, nông dân đã chuyển đổi từ lúa vụ ba sang một vụ hoặc hai vụ, tích hợp trồng rau màu, cây ăn quả để đa dạng hóa thu nhập. Những biện pháp thích ứng trước sức ép môi trường mới phản ánh các xu hướng toàn cầu rộng lớn hơn ở các vùng đồng bằng, nơi nước ngọt và tích tụ trầm tích đang thay đổi nhanh chóng. Câu chuyện ở ĐBSCL nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc khám phá các thực hành canh tác của các đồng bằng khác (ví dụ các vụ mùa giá trị cao ở các hệ thống đê kè trong sự kết hợp với nuôi gia súc, hoặc nuôi tôm lúa, nuôi tôm dưới rừng ngập mặn ở các khu vực dễ bị xâm nhập mặn) và các chiến lược quản lý nước linh hoạt hơn (ví dụ tưới nước tiết kiệm) để bền vững sinh kế, dù có thay đổi các điều kiện thủy văn.

Hơn thế, sự kết hợp những thay đổi thủy văn thượng nguồn và nước biển dâng đã làm trầm trọng thêm tình trạng xâm nhập mặn ở vùng duyên hải, đưa ra nhiều thách thức nghiêm trọng với nông nghiệp và nước ngọt. Để phản hồi, ĐBSCL đã có chuyển đổi sinh kế trên diện rộng, cụ thể là các tỉnh ven biển, nơi nông dân đã chuyển từ lúa hai vụ sang canh tác lúa tôm. Sự chuyển đổi này cũng phản ánh những chuyển đổi tương tự ở các vùng đồng bằng phải đối diện với xâm nhập mặn như đồng bằng sông Hằng ở Bangladesh và đồng bằng sông Nile ở Ai Cập. Sự tập trung của ĐBSCL vào thay đổi giống lúa, thay đổi các lịch và tăng cường trữ nước ngọt đã đem đến một cách mới cho các đồng bằng khác giải quyết vấn đề tác động ngày một gia tăng của xâm nhập mặn do nước biển dâng.

Ở quy mô nông hộ, các nông hộ đã tự áp dụng một số phương thức như nông dân ở An Giang và Đồng Tháp chuyển ba vụ thành hai vụ để tránh thoái hóa đất do lạm dụng thuốc trừ sâu sau nhiều năm lúa vụ ba ngày một trở nên kém năng suất và đất thiếu phù sa. Thu nhập của nông dân trồng lúa vụ ba thấp hơn so với nông dân khác, cụ thể với những nông hộ sở hữu ruộng nhỏ hơn 0,5 ha, do sự gia tăng chi phí sản xuất và năng suất giảm. Nhiều người đã phải trồng thêm rau trong diện tích trồng lúa để tăng thu nhập. Ở vùng ven biển như Bến Tre và Tiền Giang, nông dân phải chấp nhận các giống lúa chịu mặn, trồng xoauf và thay đổi lịch canh tác do thay đổi mẫu hình mưa (ví dụ lượng mưa ít hơn, diễn ra sớm hơn…). Tuy nhiên, họ cần được hỗ trợ nhiều hơn từ chính quyền, các tổ chức xã hội và khoa học để tăng cường năng lực, ví dụ nông dân vẫn sử dụng kinh nghiệm canh tác cha truyền con nối nhưng họ có thể học hỏi thêm việc sử dụng biện pháp tưới thông minh, tiết kiệm nước với các thiết bị, công nghệ mới (ví dụ hệ thống tưới tiêu tự động, các cảm biến giám sát đo đạc chất lượng nước và đất…). Thêm vào đó, hoàn thiện tích hợp các thực hành quản lý có thể giúp nông dân đảm bảo sử dụng nước bền vững. Trong khi thị trường địa phương bấp bênh trong bối cảnh chịu nhiều sức ép môi trường thì việc đa dạng hóa mùa vụ có thể giúp người nông dân giảm thiểu rủi ro thất bát mùa vụ và tăng cơ hội và mong muốn chuyển đổi mùa vụ.

Không giống như sức ép môi trường từ bên ngoài, sức ép nội tại có thể được xử lý tốt hơn ở nhiều quy mô. Các cách thích ứng cần một chiến lược với nhiều bên tham gia để làm thiểu việc khai thác nước ngầm quá mức và khai thác cát. Các chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, các nhà khoa học cần có những giải pháp giúp người nông dân và cư dân đồng bằng thích ứng với những thay đổi từ bên ngoài trong khi những chính sách kiểm soát và quản lý phù hợp cần ở các giai đoạn đầu. Ví dụ, cấm khai thác nước ngầm và khai thác cát ở nơi nó đã bị khai thác quá mức hoặc giới hạn khai thác bằng các hướng dẫn đi kèm với chỉ tiêu rõ ràng theo năm, có thể là 10 đến 15% với sử dụng nước ngầm hoặc đưa ra những giới hạn nghiêm khắc với việc đào giếng, đảm bảo cho việc bảo tồn tài nguyên nước. Cùng với việc đưa ra các hướng dẫn như vậy, cần có những giải pháp thay thế như vật liệu thay thế cát, các nguồn nước mưa để làm giảm áp lực lên các nguồn này.

Về các sức ép quản lý từ bên trong, các bài học từ ĐBSCL nhấn mạnh vào tầm quan trọng của kiểm soát khai thác nước ngầm và cát. Cách tiếp cận của ĐBSCL là cấm khai thác quá mức các khu vực quan trọng và tìm các nguồn tài nguyên khác như các phế liệu công nghiệp.

Các phát hiện được nêu chi tiết trong bài báo “Environmental pressures on livelihood transformation in the Vietnamese Mekong Delta: Implications and adaptive pathways”, xuất bản trên tạp chí Journal of Environmental Management.

Anh Vũ, theo “Environmental pressures on livelihood transformation in the Vietnamese Mekong Delta: Implications and adaptive pathways”, Journal of Environmental Management.

Nguồn: https://doi.org/10.1016/j.jenvman.2025.124597

Tác giả

(Visited 140 times, 4 visits today)