Đề án QG về khởi nghiệp: Những điểm khuyết thiếu
Sau khi được thông tin về  khung đề án “Chương trình Quốc gia hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025”, một số chuyên gia đã gửi cho Tia Sáng góp ý của họ.  
Trần Trí Dũng*: Bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam 2025 sẽ như thế nào?
Đề án “Chương trình Quốc gia hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020” do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (NATEC), Bộ KH&CN xây dựng và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 10-2015 là tín hiệu rất phấn khởi đối với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khởi nghiệp công nghệ. Đây là nỗ lực cụ thể khẳng định ưu tiên quan tâm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Chính phủ. Quan trọng hơn, sau khi Đề án được đệ trình và phê duyệt, nhiều hoạt động và cả cơ chế sẽ được thực thi và hình thành với mục tiêu kép: (i) tạo nền tảng pháp lý và hạ tầng; và (ii) trực tiếp tác động vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo qua từng công việc triển khai cụ thể.
Với kỳ vọng Đề án sẽ có những tác động đáng kể tới hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, tôi quan tâm những vấn đề sau đây khi nghiên cứu nội dung Khung Đề án:
Cách thức tiến hành khảo sát, nghiên cứu và thiết kế nội dung Đề án là căn cứ thuyết phục rằng việc xây dựng Đề án đã tuân thủ các chuẩn mực của phương pháp tiếp cận khoa học, đảm bảo độ tin cậy, tính hợp lý và tính khả thi của những đề xuất trong Đề án. Khuôn khổ giới hạn 12 trang của Khung Đề án chưa trình bày nội dung này. Kết quả tra cứu thông tin trên các hệ thống truyền thông đại chúng cũng không tìm thấy kết quả nghiên cứu, khảo sát nào của NATEC về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Phương pháp triển khai, giám sát và điều chỉnh hoạt động chưa được đề cập trong Khung Đề án. Mục tiêu và kết quả cụ thể cần đạt được trong quá trình thực thi được trình bày rất rõ ràng. Tuy nhiên, các căn cứ để đảm bảo tính hợp lý và tính khả thi của những mục tiêu và kết quả này chưa được nhắc tới trong Khung Đề án.
Hợp tác quốc tế và hợp tác với khu vực tư nhân sẽ mang lại đóng góp quan trọng về nguồn lực, năng lực chuyên môn, và cơ hội tiếp cận thị trường cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Khung Đề án không trình bày nhiều về những nội dung này. Có lẽ, Khung Đề án được xây dựng dựa trên phép tính chủ động từ NATEC và chưa có nhiều thời gian trao đổi với các đối tác tiềm năng.
Đề án hướng tới cải thiện và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng chưa phác họa bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong tương lai. Tới năm 2025, khi kết thúc triển khai Đề án, thì hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam sẽ có vóc hình ra sao? Từng tác nhân sẽ ở vị thế nào và có đóng góp gì vào hệ sinh thái này?
Như thế, chúng ta sẽ đồng ý với nhau rằng việc thực thi các nội dung của dự thảo Đề án như hiện nay sẽ tác động tốt tới hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, còn tốt thế nào thì chưa biết.
Những hoạt động và kết quả dự kiến trong Khung Đề án được đặt ra đầy đủ và cụ thể nhưng các hoạt động này phối hợp và bổ trợ nhau ra sao, làm sao để đảm bảo sẽ đạt các kết quả, và tác động lan tỏa và bền vững của các kết quả sau khi kết thúc hoạt động của Đề án thì chưa được đề cập đến.
Tôi xin góp ý một số hoạt động cụ thể như sau:
Giải pháp “Kết nối các thành phần của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo” cần được đặc biệt quan tâm bởi đây là công việc có tiềm năng thúc đẩy các giải pháp khác, đồng thời, kích hoạt nguồn lực (vốn luôn không đủ) chưa được khai thác hoặc sử dụng chưa hiệu quả trong hệ sinh thái. Tuy nhiên, việc “Hình thành đơn vị một cửa của nhà nước để thu thập và cung cấp thông tin về khởi nghiệp cho tất cả các đối tượng quan tâm” không nhất thiết phải là của nhà nước mà có thể là tổ chức cung cấp dịch vụ công với sự tham gia của các đối tác tư nhân.
Thông tin là một loại tài sản và đầu vào của nhiều dịch vụ giá trị gia tăng. Cần làm rõ rằng thông tin được tập hợp là nhằm mục đích chia sẻ và phục vụ cộng đồng, không nhằm duy nhất mục tiêu quản lý nhà nước. Đơn vị tập hợp và vận hành hệ thống có quyền khai thác các dịch vụ giá trị gia tăng trên thông tin (báo cáo phân tích, nghiên cứu và dự báo xu thế) nhưng đồng thời cũng có trách nhiệm chia sẻ và đáp ứng yêu cầu thông tin cơ bản (sẽ định nghĩa cụ thể) của cộng đồng khởi nghiệp. Chẳng hạn, danh sách doanh nghiệp KH&CN, những đơn vị được hưởng ưu đãi, có khả năng được nhận hỗ trợ của Nhà nước từ nguồn ngân sách hình thành từ thuế, cần được công bố đầy đủ (thông tin liên lạc, giới thiệu sản phẩm, dự án).
Việc “Bộ KH&CN xây dựng tiêu chuẩn và cấp giấy chứng nhận cho những nhà đầu tư thiên thần, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, các tổ chức đào tạo khởi nghiệp, đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp, đào tạo nhà đầu tư khởi nghiệp” tạo sự e ngại về việc sinh thêm thủ tục hành chính, yêu cầu pháp lý, cản trở sự phát triển của các tổ chức và cá nhân này trong lúc đang cần cổ vũ và thúc đẩy. Hiệu quả thực thi của các quy định này khi đưa vào triển khai cũng cần được xét tới.
Nguyễn Anh Thi **: Không nên đặt ra quy định cấp giấy chứng nhận
Ông Nguyễn Anh Thi
Các nhóm giải pháp Đề án đưa ra phù hợp với ba quan điểm quan trọng trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đã được kiểm nghiệm bởi các nghiên cứu khoa học và thực tiễn như sau: Thứ nhất, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp hay cộng đồng khởi nghiệp cần những chính sách mang tính “quan hệ” (relational policies), hỗ trợ cho việc kết nối các bên liên quan trong hệ sinh thái khởi nghiệp1. Thứ hai, trung tâm và lãnh đạo hệ sinh thái khởi nghiệp phải là doanh nghiệp2. Thứ ba, nhà nước thúc đẩy, khuyến khích và thu hút đầu tư cho khởi nghiệp có thể thực hiện thông qua hai cơ chế là cơ chế đẩy (dùng quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia và cơ chế đầu tư đối ứng) và cơ chế kéo (là quá trình đào tạo nhiều doanh nhân khởi nghiệp tài năng với các dự án khởi nghiệp chất lượng để khởi nghiệp gia tăng một cách tự nhiên).
Tuy nhiên, Đề án không nên đặt ra quy định cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, các tổ chức đào tạo khởi nghiệp, đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp, đào tạo đầu tư khởi nghiệp, bởi vì đối với môi trường làm khởi nghiệp cần đơn giản tối đa các thủ tục hành chính.
Giấy chứng nhận không có ý nghĩa nhiều đối với người khởi nghiệp hay các huấn luyện viên khởi nghiệp. Ta vẫn biết rằng nhà đầu tư quyết định đầu tư vào các dự án khởi nghiệp dựa vào hai yếu tố: nhà sáng lập doanh nghiệp (founder), và tiềm năng và tính khả thi của dự án. Tuy nhiên, thử hỏi nhà đầu tư có dựa vào giấy chứng nhận của Bộ KH&CN để đánh giá về founder không? Người ta cũng sẽ không chọn huấn luyện viên khởi nghiệp (mentor) cho mình hay tổ chức của mình chỉ vì người đó có giấy chứng nhận của Bộ KH&CN mà dựa trên kinh nghiệm/thành tựu khởi nghiệp của mentor. Do vậy, việc cấp giấy chứng nhận không mang lại “giá trị thực sự” gì và do vậy tất yếu cũng sẽ “không có tính khuyến khích” (mọi người đi học).
Không nên yêu cầu tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp phải sở hữu giấy chứng nhận như là điều kiện để được nhận hỗ trợ của Quỹ Đầu tư khởi nghiệp Quốc gia. Hỗ trợ của nhà nước cần rộng mở cả cho các tổ chức mới, có tiềm năng để nâng mặt bằng chung về chất và lượng của cộng đồng khởi nghiệp. Quyết định hỗ trợ chỉ nên dựa trên hiệu quả hoạt động được đánh giá theo một số tiêu chí phù hợp nhất định do Bộ KH&CN quy định.
Vấn đề “kiểm soát chất lượng” nên để thị trường tự điều tiết. Ví dụ, các startup sẽ lựa chọn các tổ chức thúc đẩy kinh doanh giúp họ “đi đúng hướng” và có thể huy động vốn thành công. Những tổ chức thúc đẩy kinh doanh không làm được điều đó sẽ không thể cạnh tranh và tự diệt vong.
Sean Lâm***: Nên ưu tiên hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương
Ông Sean Lâm
Bên ngoài những hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, còn nhiều khu vực khác tiềm năng cho ngành công nghệ chẳng hạn như Đà Nẵng và Cần Thơ. Tuy nhiên tại đây, các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp như VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp và các cơ sở ươm tạo trong trường đại học hầu như không hoạt động hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp, nhất là hướng đến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp cho địa phương.
Chương trình quốc gia hỗ trợ “Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020” cần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ở các địa phương bằng cách tập trung vào ba điểm sau:
1) Nên ưu tiên hỗ trợ các sự kiện khởi nghiệp và cấp địa phương vì hai nơi trung tâm là Hà Nội, TP HCM không cần có chương trình quốc gia thì những người có tâm huyết từ lĩnh vực tư nhân (private sector) và những nhà/quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế cũng đã tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp.
2) Hình thành và phát triển các gói hỗ trợ khởi nghiệp về cơ sở vật chất – kỹ thuật (tạo ra mạng lưới các cơ sở công lập và tư nhân cung cấp không gian làm việc chung và hỗ trợ đường truyền, máy chủ cho các công ty khởi nghiệp).
3) Hình thành và phát triển mạng lưới thông tin kết nối các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp. Để làm một cổng thông tin cung cấp các dữ liệu về hệ sinh thái khởi nghiệp chỉ cần khoảng 30 triệu đồng và sau đó có thể kinh doanh (cung cấp dịch vụ có phí) trên nền tảng này.
————
* Ông Nguyễn Anh Thi là Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ITP) – một hệ sinh thái khởi nghiệp với chương trình tăng tốc khởi nghiệp iStartX do UBND TP Hồ Chí Minh tài trợ, cung cấp không gian làm việc, dịch vụ CNTT và hoạt động kết nối cộng đồng.
** Ông Trần Trí Dũng đã có trên 10 năm kinh nghiệm tư vấn quản trị chiến lược doanh nghiệp, tham gia nhiều dự án nghiên cứu ứng dụng về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hiện là chuyên gia M&E (Giám sát & Đánh giá) của Tigers@Mekong – dự án thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại các quốc gia tiểu vùng hạ lưu sông Mekong, gồm Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ.
*** Ông Sean Lâm là đồng sáng lập Panda & ETM Partners – nhóm khởi nghiệp tại Cần Thơ, đang xúc tiến xây dựng hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp Cần Thơ và thành lập không gian làm việc chung (co-working space).
Chú thích:
1. Startup community: building an entrepreneurial ecosystem in youy city, Brad Feld (2012)
2. Entrepreneurial ecosystems and growth oriented entrepreneurship, Mason C. and Brown R. (2014)