Để đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững

Một số chuyên gia cho rằng đổi mới sáng tạo hiện nay chưa tập trung giải quyết những vấn đề xã hội và môi trường cấp bách nhất trên toàn cầu. Vậy làm thế nào để định hướng lại quá trình này? Cuộc trò chuyện của Khoa học và Phát triển cùng GS. Andrew J. Hall, nhà khoa học cao cấp tại CSIRO – Cơ quan Khoa học Quốc gia Australia, và là trưởng nhóm Chính sách Đổi mới Sáng tạo của Chương trình Đổi mới sáng tạo Australia - Việt Nam (Aus4Innovation) dưới đây sẽ hé lộ những bước đi đầu tiên của thế giới và Việt Nam trên con đường này.

Giáo sư Andrew J. Hall (CSIRO) chia sẻ về hệ thống đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hồi tháng 10/2024. Ảnh: Aus4Innovation

KH&PT: Việt Nam mới quen thuộc với thuật ngữ đổi mới sáng tạo trong những năm gần đây nhưng đổi mới sáng tạo xã hội và đổi mới sáng tạo có trách nhiệm thì có lẽ nhiều người chưa từng nghe qua. Ông có thể chia sẻ kĩ hơn với chúng tôi về hai khái niệm mới này?

GS. Andrew Hall: Đổi mới sáng tạo xã hội (Social Innovation) là một phạm trù rộng lớn, có thể bao gồm việc tạo ra các sản phẩm phục vụ mục tiêu xã hội; hoặc là một quá trình đổi mới mang tính bao trùm, tạo điều kiện cho mọi người tham gia; hoặc là những đổi mới trong cách tổ chức các nhóm xã hội nhằm đạt được các mục tiêu khác nhau.

Một ví dụ về đổi mới sáng tạo phục vụ mục tiêu xã hội trong các dự án thuộc chương trình tài trợ của Aus4Innovation là dự án cải thiện chẩn đoán ung thư vú bằng trí tuệ nhân tạo. Ở đây, chúng tôi không chỉ tích hợp các yếu tố công nghệ vào công tác chẩn đoán hình ảnh trong hệ thống y tế, mà còn khuyến nghị các thay đổi trong chính sách bảo hiểm y tế để phụ nữ nông thôn cũng có thể tiếp cận với các dịch vụ tầm soát y khoa có thể cứu sống họ.

Một quá trình bao trùm trong đổi mới sáng tạo xã hội có nghĩa là đảm bảo rằng mọi nhu cầu của cộng đồng đều được tính đến trong quá trình đổi mới sáng tạo trong tương lai. Chẳng hạn, chúng tôi có một dự án liên quan đến việc xây dựng một công cụ kiểm tra dạng checklist để đánh giá các quy định pháp luật liên quan tới đổi mới sáng tạo cho Việt Nam. Trong checklist đó, chúng tôi đặt ra nhiều hạng mục để xác định những tác động của các chính sách đổi mới sáng tạo ở cả khía cạnh môi trường và xã hội: Liệu nó có giảm cơ hội việc làm của phụ nữ? Liệu nó có gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường? Liệu nó có gạt sang bên lề những doanh nghiệp quy mô nhỏ? v.v

Bằng cách tích hợp các yếu tố bao trùm vào trong quá trình đổi mới sáng tạo – trong trường hợp này là quy trình ra chính sách đổi mới sáng tạo mới – ta có thể loại bỏ các lựa chọn chính sách và quy định pháp lý có khả năng gây hậu quả tiêu cực cho xã hội và môi trường, đảm bảo rằng đổi mới được thực hiện theo hướng bền vững và công bằng hơn.

Và cuối cùng là tổ chức các nhóm xã hội và đổi mới sáng tạo, ví dụ như sáng kiến “Câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo Ngành rau hoa quả” ra mắt năm 2018 ở miền Bắc và năm 2022 ở miền Nam. Sáng kiến này tập hợp các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã nông dân, chính quyền địa phương và chuyên gia từ nhiều lĩnh vực để cùng nhau xác định những thách thức và cơ hội thị trường, huy động tri thức và nguồn lực của nhau để giải quyết vấn đề. Đó là ví dụ điển hình về việc tổ chức các nhóm người theo một cách hoàn toàn khác để sự đổi mới sáng tạo có thể diễn ra, từ đó mọi người có thể tiếp cận các thị trường có giá trị cao hơn, giải quyết các vấn đề sâu bệnh mới nổi, hoặc thử nghiệm công nghệ mới.

Bên cạnh đổi mới sáng tạo xã hội, có một khái niệm “họ hàng” khá gần là đổi mới sáng tạo có trách nhiệm (Responsible Innovation). Khái niệm này ra đời do những quan ngại về các công nghệ mới nổi trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, cách mạng công nghiệp 4.0, Internet vạn vật, và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI.

Khi những công nghệ mới này xuất hiện, nó có thể vận hành theo hai hướng: hoặc tạo ra những tác động tích cực, có ý nghĩa về mặt xã hội, môi trường và kinh tế; hoặc gây ra những tác động rất, rất tiêu cực. Đó là con dao hai lưỡi, và chúng ta đang thấy rõ điều này với trí tuệ nhân tạo. Công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể được dùng để giải quyết vấn đề sức khỏe, giáo dục hoặc giao thông, nhưng nó cũng có thể bị lợi dụng để xâm phạm quyền riêng tư hoặc lừa đảo. Ý tưởng của đổi mới sáng tạo có trách nhiệm là đưa ra một khung hành động để định hướng việc ứng dụng những công nghệ này thế nào, để chúng được dùng một cách có trách nhiệm, có đạo đức thay vì bừa bãi và phi nghĩa.

Dĩ nhiên, thoạt nhìn, hai khái niệm về đổi mới sáng tạo này có vẻ giống nhau, nhưng “đổi mới sáng tạo xã hội” có thể xuất phát từ bất kỳ nơi nào, bất cứ công nghệ nào, bất cứ lĩnh vực nào mà chúng ta muốn có được kết quả xã hội có thể đoán trước được từ nó, còn “đổi mới sáng tạo có trách nhiệm” thường chỉ tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mới nổi, nơi có nhiều rủi ro và mức độ không chắc chắn rất cao về kết quả khi được áp dụng.

Ông từng nói rằng bằng chứng toàn cầu cho thấy đóng góp của đổi mới sáng tạo trong việc phát triển bền vững là rất đáng thất vọng. Tại sao lại như vậy?

Lý do đổi mới sáng tạo vốn rất kém trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường là vì động lực chủ yếu của nó là thị trường. Thực ra, chúng ta chưa từng điều phối đổi mới sáng tạo: chúng ta tạo ra các ý tưởng, tung nó ra thị trường, và thị trường tự quyết định cách “tốt nhất” để ứng dụng nó. Mà động lực chính của thị trường thường là lợi ích kinh tế, lợi nhuận. Tất cả những điều này được lồng ghép vào chính sách đổi mới sáng tạo của các quốc gia, nơi các chính sách chỉ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP v.v

Cho đến gần đây người ta mới thực sự suy nghĩ về cải thiện chất lượng tăng trưởng. Đó không thể chỉ là cải thiện các chỉ số kinh tế mà còn phải là các chỉ số xã hội, môi trường. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng mọi người vẫn chưa suy nghĩ thấu đáo về điều này. Người ta nghĩ rằng chỉ cần giải phóng đổi mới sáng tạo là mọi vấn đề xã hội sẽ được giải quyết. Và điều đó rõ ràng không xảy ra.

Nó không chỉ không tự xảy ra, mà cách thị trường tự đuổi theo lợi nhuận còn tạo ra những hậu quả to lớn, chẳng hạn như khí thải nhà kính, biến đổi khí hậu và những hậu quả xã hội như gia tăng khoảng cách giàu nghèo – điều này không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà cũng là của Australia. Đổi mới sáng tạo trở nên chia rẽ xã hội như vậy là bởi nó hoàn toàn bị bàn tay thị trường điều khiển.

Rất nhiều thảo luận quốc tế gần đây đang nói về “định hướng đổi mới sáng tạo”, nghĩa là các chính sách quốc gia phải chủ đích dẫn dắt đổi mới sáng tạo hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Một trong những giải pháp quan trọng để điều hướng đổi mới sáng tạo đó là thiết lập các sứ mệnh. Chẳng hạn như sứ mệnh đưa con người lên mặt trăng vào năm 1961, cách tiếp cận dựa trên một bài toán lớn này là để huy động tất cả các tài nguyên, chuyên môn, công nghệ v.v hướng đến một mục tiêu, và họ đã thành công. Giờ đây, việc thiết lập sứ mệnh có thể được dùng để giải quyết những vấn đề như xóa đói giảm nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.v.v Các quốc gia phải làm sao để xác định được những bài toán lớn của mình, để rồi tìm ra lời giải bằng cách tập hợp các công nghệ, nguồn lực, xây dựng các hệ thống để ứng dụng những công nghệ đó.

Dự án nâng cao khả năng chẩn đoán ung thư vú thông qua công nghệ AI nhận diện hình ảnh x-quang, hợp tác giữa Đại học Sydney và Viện Chiến lược & Chính Sách Y tế của Bộ Y tế năm 2020. Ảnh: Aus4Innovation

Vậy, đóng góp của đổi mới sáng tạo vào việc giải quyết các mục tiêu xã hội đáng thất vọng liệu có phải là do lỗi của chính sách không? Bởi các chính sách đã để thị trường tự định đoạt hướng đi của đổi mới sáng tạo trong một thời gian dài?

Tôi chưa bao giờ muốn đổ lỗi cho chính sách. Trách nhiệm thuộc về những tư tưởng tân tự do mà nó cho rằng, “Thị trường mới biết điều gì là tốt nhất. Chính phủ không nên can thiệp. Hãy để thị trường làm. Hãy để tư nhân làm!”

Không thể phủ nhận rằng khu vực tư nhân và tinh thần khởi nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, nhưng những yếu tố này không phải là tất cả. Nếu cứ để thị trường định đoạt, ta có thể có tốc độ tăng trưởng kinh tế phi mã nhưng với cái giá phải trả rất đắt về môi trường và xã hội. Bởi vậy cần một cơ chế kiểm soát và đối trọng.

Tuy nhiên, hơn cả việc kiểm soát, chúng ta cần có sự đầu tư chủ động cho các nội dung đổi mới sáng tạo hướng đến những mục tiêu mới bền vững, cần thay đổi các cơ chế khuyến khích để khối doanh nghiệp, khối công nghiệp thay đổi những lựa chọn đổi mới sáng tạo. Chẳng hạn như Liên minh châu Âu (EU) đang áp đặt thuế carbon lên các sản phẩm nhập khẩu vào địa phận của họ. Điều đó có nghĩa là các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam vào EU sẽ bị đánh thuế dựa trên lượng phát thải trong quá trình sản xuất. Điều đó tạo ra động lực lớn cho các đổi mới sáng tạo giảm phát thải trong các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Tôi có thể hiểu là với đổi mới sáng tạo nói chung, thị trường là động cơ chính. Nhưng trong đổi mới sáng tạo xã hội và đổi mới sáng tạo có trách nhiệm, sứ mệnh mới là động cơ chính?

Nó không hẳn là động cơ, mà nó là yếu tố điều chỉnh “sân chơi”. Nó nghiêng sân chơi về phía các lợi ích về xã hội và môi trường.

Một trong những điều tôi nghĩ ta phải cẩn thận khi nói về câu chuyện định hướng này: điều đó không có nghĩa là ta không cần tăng trưởng kinh tế. Ta vẫn cực kì cần tăng trưởng kinh tế. Chỉ là ta phải gắn kết nó với một vài yếu tố khác: gắn kết tăng trưởng kinh tế với bền vững về môi trường và đổi mới sáng tạo xã hội.

Các quốc gia trên thế giới vẫn đang chật vật để tìm ra đâu mới là chính sách tốt nhất để tạo ra các điều kiện kéo chúng ta theo một hướng tốt hơn. Dẫu vậy, thiết lập sứ mệnh vẫn là một giải pháp cụ thể, rõ ràng mà các chính phủ đang bắt đầu triển khai trên toàn cầu. Bởi nó tạo ra một điểm tập trung để thu hút các chuyên môn, nguồn lực…Nó không phải là một viên đạn bạc. Nhưng nó là một thử nghiệm ban đầu để ta chứng kiến chính sách đổi mới sáng tạo cho phát triển bền vững có thể thành hình như thế nào.

Ông có nói rằng ta không nên đổ lỗi cho chính sách vì đã để đổi mới sáng tạo đi sai hướng. Nhưng chính sách lại đóng vai trò cốt lõi trong việc chỉnh lại hướng đi của đổi mới sáng tạo?

Theo quan điểm của tôi, đúng là như thế. Một cách khác để điều chỉnh hướng đi của đổi mới sáng tạo là thông qua các cơ chế thị trường toàn cầu. Nhưng bản thân cơ chế thị trường toàn cầu cũng hình thành thông qua chính sách của các quốc gia.

Một chính sách của một quốc gia Châu Âu cũng có thể gửi đi thông điệp khiến những người nông dân ở Việt Nam thay đổi phương thức canh tác cà phê. Đó là cách hệ thống thương mại toàn cầu vận hành: một quốc gia ban hành một vài chính sách và rồi nó tạo ra một tác động lan tỏa mạnh mẽ.

Nhưng đồng thời bản thân chính phủ mỗi quốc gia cũng cần phải có các chương trình dựa trên bài toán lớn để huy động một vài lĩnh vực chuyên biệt hoặc cả nền kinh tế giải quyết các vấn đề xã hội.

Câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo Ngành rau hoa quả (Horticulture Innovation Club – HIC) là một sáng kiến tập hợp các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã nông dân, chính quyền địa phương và chuyên gia từ nhiều lĩnh vực để cùng nhau giải quyết những thách thức và cơ hội thị trường. Hiện có 3 câu lạc bộ đã được triển khai ở miền Bắc (2018), miền Nam (2022) và Tây Nguyên (2024) đi vào hoạt động với sự quan tâm lớn của hàng trăm nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Ảnh: HIC

Vậy, ông có thể lấy ví dụ một vài chương trình dựa trên bài toán lớn – một dạng thiết lập sứ mệnh được không? Trong ngành nông nghiệp chẳng hạn?

Trọng tâm của R&D trong ngành nông nghiệp trong khoảng 80 năm qua là làm sao để phát triển các công nghệ nhằm tăng năng suất cây trồng: các giống gạo, lúa mì, ngô năng suất cao; nguyên liệu đầu vào hiệu suất hơn: phân bón nitrogen; nhiều biện pháp kiểm soát sâu bệnh hơn: thuốc trừ sâu. Đó rõ là một kiểu tiếp cận từ trên xuống. Và nó từng rất hiệu quả.

Nhưng ta bắt đầu thấy cỗ máy này đang rệu rã, bài toán của nông nghiệp không còn là tăng năng suất nữa. Có những vấn đề rõ rệt nảy sinh: Nó phải đương đầu với biến đổi khí hậu. Nó phải đương đầu với giảm phát thải.

Hãy nói về biến đổi khí hậu. Khi người nông dân phải thích ứng với biến đổi khí hậu, thực ra là họ phải đương đầu với một tình huống rất cụ thể bởi biến đổi khí hậu ảnh hưởng mỗi nơi mỗi khác. Nếu là người nông dân ở ĐBSCL, bạn phải lo về mức độ xâm nhập mặn ngày càng cao. Nếu là người nông dân ở miền Bắc, bạn phải đối mặt với hạn hán và lũ lụt. Điều đó có nghĩa rằng đổi mới sáng tạo cần phải mang tính địa phương rõ rệt. Nhà khoa học không còn có thể ngồi ở các viện nghiên cứu và đưa ra một giải pháp toàn cầu như giống cây năng suất cao và các loại phân hóa học nữa.

Đây là một bài toán mới và một trong những cách giải là tổ chức các nhóm xã hội theo một cách mới, như cách làm của Câu lạc bộ đổi mới sáng tạo ngành rau hoa quả của chúng tôi. Đó là huy động người nông dân, và nhà khoa học, và các mắt xích trong chuỗi giá trị tại một vùng để giải quyết những thách thức riêng tại nơi đó.

Đó cũng là cách vai trò của R&D sẽ thay đổi. R&D truyền thống có thể là toàn bộ đầu vào của quá trình đổi mới sáng tạo, nhưng còn có những dạng tri thức khác ngoài kia cũng quan trọng không kém, đến từ những người nông dân tự thử nghiệm cách quản lý nước, cách kiểm soát sâu bệnh, những tri thức bản địa…Nhìn sâu vào cách đổi mới sáng tạo diễn ra trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều khi ta sẽ thấy các tổ chức cộng đồng, tổ chức phi chính phủ tiên phong trong việc tìm ra những cách tổ chức đổi mới sáng tạo phù hợp với địa phương, nhưng nhiều trong số sáng kiến đó không có cơ hội gắn kết với chính sách quốc gia. Trong tương lai, ta cần nghĩ về việc tổ chức lại hệ thống hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo sao cho các yếu tố địa phương đóng vai trò chủ đạo. Hệ thống này vẫn cần bao gồm R&D, nhưng nó sẽ phải thu nhận những nguồn tri thức khác nữa.

Theo những gì ông vừa nói thì thiết lập sứ mệnh liên quan đến rất nhiều người, nhiều ngành khác nhau, với những chuyên môn, quan điểm, lợi ích khác nhau. Vậy làm sao để dẫn dắt họ cùng đi đến một mục tiêu chung?

Tôi đã nói về cách đổi mới sáng tạo xã hội và đổi mới sáng tạo có trách nhiệm thể hiện như thế nào trong các dự án riêng lẻ của Aus4Innovation, nhưng tôi nghĩ đằng sau đó là một câu chuyện lớn hơn về cách lồng ghép những nguyên tắc này trong toàn bộ chương trình.

Chúng tôi thiết lập một quá trình lên kế hoạch rất rõ ràng để bắt đầu hành trình mà chúng tôi gọi là “Lý thuyết của sự thay đổi” (Theory of Change). Chúng tôi xác định rõ ràng logic của những gì mình đang làm: cuối cùng, thứ chúng tôi muốn là đổi mới sáng tạo bền vững và bao trùm, phục vụ lợi ích của tất cả mọi người. Từ đó, chúng tôi tiếp tục suy nghĩ rõ ràng về những gì cần phải làm để đạt được điều đó. Lật đi lật lại, mục tiêu đó phải được thể hiện trong mọi quyết định chúng tôi đưa ra và mọi thiết kế chương trình, dự án chúng tôi thực hiện. Chúng tôi cũng có những ví dụ rõ ràng về việc thế nào mới là “rõ ràng”, nếu bạn cho phép tôi nhắc lại từ này hai lần.

Chúng tôi cũng thiết lập các nguyên tắc cụ thể đối với việc tài trợ cho các dự án đổi mới sáng tạo để đảm bảo rằng chúng đều tập trung vào sự bao trùm, sự bền vững. Đồng thời, chúng tôi cũng xây dựng một khung báo cáo giải trình giúp cả chúng tôi và những người thực hiện dự án theo dõi việc thực hiện những mục tiêu đó ra sao. Điều này nghe có vẻ là những thứ vặt vãnh. Nhưng nếu bạn nghĩ về các chương trình chính phủ tài trợ cho đổi mới sáng tạo khi chúng được áp dụng những quy tắc này và xác định rõ ràng những mục tiêu muốn đạt được, thì đây thực sự là một công cụ mạnh mẽ.

Cảm ơn ông vì đã dành thời gian!

Hảo Linh – Ngô Hà thực hiện.

Bài đăng KH&PT số 1330 (số 6/2025)

Tác giả

(Visited 95 times, 67 visits today)