Để đồng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp trở nên hiệu quả
Sau hơn một thập niên kiên trì đeo đuổi, cuối cùng thì những phiên đàm phán mệt mỏi và dai dẳng cũng kết thúc và vào ngày 07/11/2006 vừa qua, tại Genève, Thụy Sỹ, nghi thức kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chính thức diễn ra. Đây là một niềm vui, rất vui cho NGƯờI VIệT NAM vì chướng ngại vật lớn nhất cản trở quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của chúng ta, một xu thế không thể đảo ngược đã được dỡ bỏ; đồng thời nó cũng chính là áp lực rất lớn làm cho cho một số ít người hay nhóm lợi ích vì quyền lợi cá nhân, quyền lợi cục bộ đang cố tình trì hoãn con đường đi đến phồn vinh, khả năng “sánh vai với các cường quốc năm châu” của Việt Nam không thể thực hiện ý đồ của mình.
Có lẽ thấy rõ những thách thức đặt ra mà trong Hội nghị sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2006 – 2010 được tổ chức vào ngày 7/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, nhất là đẩy mạnh công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Ngay trước thời điểm được kết nạp trở thành thành viên WTO, vào ngày 06/11, Quốc Hội đã tập trung thảo luận và đưa ra những quyết sách cho vấn đề này. Thêm vào đó, các vấn đề liên quan đến ngân sách đã trở thành một trong những quan tâm hàng đầu của các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp đang diễn ra.
Làm sao để các doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả và làm sao để tạo nguồn thu thay thế cho thuế nhập khẩu bị cắt giảm và nguồn dầu thô đang cạn kiệt là vấn đề đang được quan tâm. Bài viết xin đề xuất một giải pháp góp phần giải quyết vấn đề này.
Quản lý đồng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp như thế nào?
Đến thời điểm hiện nay, chắc không còn nhiều người chưa nhận ra tầm quan trọng và sự cần thiết việc cải cách và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, nhất là việc cổ phần hóa. Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đây mà câu hỏi đặt ra là phải chăng cổ phần hóa là liều thuốc đặc trị có thể chữa căn bệnh kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước? Thêm vào đó, các doanh nghiệp trọng điểm không nằm trong diện cổ phần hóa thì làm thể nào để chúng hoạt động có hiệu quả?
Câu trả lời nằm ở doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được thành lập mới trong quá trình cải cách các doanh nghiệp nhà nước. Đó chính là Tổng công ty Đầu tư vốn nhà nước (State Capital Investment Corporation – SCIC), doanh nghiệp được thành lập để quản lý nguồn vốn của nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp.
Nếu đi đúng lộ trình và mục tiêu đặt ra khi thành lập, khi tất cả phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp hiện nay được chuyển giao, SCIC sẽ có một số tiền gần 300 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 19 tỷ đô la). Một số tiền khổng lồ. Một siêu công ty (so với quy mô Việt Nam). Câu chuyện lúc này trở nên đơn giản hơn nhưng cũng có nhiều điểu đáng quan tâm hơn. Đơn giản là vì nếu SCIC hoạt động hiệu quả theo đúng nghĩa của nó thì lúc đó gánh nặng và những khó khăn của nhà nước trong việc quản lý hàng nghìn doanh nghiệp được dỡ bỏ, hiệu quả đồng vốn nhà nước được phát huy. Ngược lại, rủi ro sẽ nhiều hơn trong trường hợp SCIC hoạt động không hiệu quả. Chắc chắn một điều là tác hại của nó sẽ lớn hơn nhiều trong trường hợp SCIC không tồn tại.
Về phía nhà nước, cơ chế quản lý phần vốn của mình sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều. Hàng năm nhà nước chỉ yêu cầu SCIC trả một tỷ lệ “cổ tức” (lãi) trên phần vốn của mình đúng bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm hiện tại.
Sẽ có lập luận cho rằng, gánh nặng quản lý phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp hiện tại không mất đi mà chẳng qua nó được chuyển sang SCIC. Khi đó, quy mô của SCIC sẽ phình to và gây thêm rắc rối cho các doanh nghiệp cũng như tiêu tốn ngân sách nhà nước. Thực ra, nếu căn cứ vào mục tiêu lợi nhuận thì không hề có gánh nặng quản lý cho SCIC và nhiệm vụ của họ trở nên đơn giản hơn. Lúc này SCIC có vai trò như một quỹ đầu tư thụ động với danh mục đầu tư được rải đều trong tất cả các ngành. Điều không thể bàn cãi là suất sinh lợi của danh mục đầu tư này tối thiểu phải bằng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế (Thực ra, về nguyên tắc suất sinh lợi phải cao hơn, nhưng nhà nước chỉ lấy bằng tăng trưởng kinh tế, phần còn lại sẽ được tái đầu tư để gia tăng lợi nhuận cho các năm sau).
Đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước, nhất là khi phần vốn nhà nước chiếm vị trí chi phối, SCIC chỉ yêu cầu họ trả cho mình một tỷ lệ “cổ tức” bằng suất sinh lợi chung của toàn ngành. Để đảm bảo khách quan và ổn định, tránh trường hợp viện dẫn khó khăn, tỷ lệ trả “cổ tức” sẽ được giao trong một khoảng thời gian từ 3-5 năm thay vì hàng năm. Nếu doanh nghiệp nào không đạt được mức sinh lợi chung của toàn ngành thì SCIC sẽ đưa ra quyết định có nên duy trì số vốn của mình trong doanh nghiệp đó không hay đầu tư vào nơi khác… Trong tình huống này, áp lực hoạt động kinh doanh hiệu quả sẽ được trả về cho chính doanh nghiệp. Các thông lệ và chuẩn mực thị trường sẽ đi vào thực tế Việt Nam nhiều hơn.
Một mũi tên bắn trúng nhiều đích
Nếu thu được tỷ lệ “cổ tức” trong phần vốn hiện tại tương đương với tốc độ tăng trưởng kinh tế (7,5-8%), thì hàng năm, nhà nước sẽ có thêm gần 25 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 10% ngân sách và tương đương với số thu thuế nhập khẩu theo dự toán ngân sách năm 2006. Một con số rất có ý nghĩa bù đắp cho những nguồn thu bị giảm sút sau khi gia nhập WTO.
Thêm vào đó, vấn đề hiệu quả của phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đã được giải quyết. Với một danh mục đầu tư vào toàn nền kinh tế SCIC không có lý do gì để bao biện rằng họ không thể trả nhà nước một suất sinh lợi bằng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Cũng dựa trên nguyên tắc lợi nhuận, các doanh nghiệp không có lý do gì để chống chế cho việc không đạt được suất sinh lợi bình quân chung của ngành. Các doanh nghiệp phải hiệu quả, SCIC phải hiệu quả là điều không thể bàn cãi.
Một ích lợi khác của việc áp dụng cơ chế này là mọi thứ trở nên minh bạch hơn rất nhiều. Một số doanh nghiệp không thể dựa vào cái cớ thực hiện các nhiệm vụ do nhà nước giao nhằm thoái thác nghĩa vụ nộp “cổ tức”. Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ của nhà nước sẽ minh bạch hơn. Doanh nghiệp cứ vì mục tiêu lợi nhuận của mình. Khi cần đầu tư vào các vùng khó khăn, lĩnh vực ưu tiên, nhà nước sẽ dùng tiền của mình để “ký hợp đồng” trực tiếp với doanh nghiệp. Thay vì cứ chỉ đạo các doanh nghiệp làm sau đó ghi thu ghi chi với những con số không rõ ràng hoặc áp dụng các chính sách có tính chất riêng biệt theo từng trường hợp cụ thể rất khó kiểm soát. Khi mà mọi thứ trở nên minh bạch hơn thì môi trường kinh doanh sẽ tốt hơn và Việt Nam sẽ không còn chịu lép vế khi các đối tác dựa vào cái cớ môi trường không minh bạch để ép chúng ta trong nhiều quan hệ.
Đề xuất có vẻ đơn giản, nhưng việc triển khai không hề đơn giản một chút nào vì nó phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề liên quan và các mối quan hệ lợi ích khác nhau. Để làm được vấn đề này, đòi hỏi phải có một ý chí và một sự quyết tâm cao độ. Đây là điều không đơn giản trong đời sống thực tế. Nhưng nếu quyết tâm, chắc chắn sẽ làm được.