Để “hiện tượng” Rạng Đông được nhân rộng ?

“Cỗ xe Rạng Đông lâu nay đi nhanh là do có động cơ mạnh, ấy là đội ngũ chuyên gia R&D”, đó là nhận xét của TS Lê Đăng Doanh trong cuộc tọa đàm “Đưa tri thức thành động lực phát triển bền vững: Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông” tổ chức hôm 24/6 vừa qua tại Hà Nội. Cuộc tọa đàm không chỉ lý giải những kinh nghiệm giúp Rạng Đông thành công trong việc hợp tác với các nhà khoa học, chuyên gia để triển khai hoạt động R&D mà còn đưa ra những giải pháp để “mô hình Rạng Đông được nhân rộng”.


GS. TS Nguyễn Quang Thạch thực hiện nghiên cứu của Rạng Đông về nhân giống cây trồng bằng giải pháp chiếu sáng trong nuôi cấy mô.

20 năm trước ở Rạng Đông, như lời kể của một nhà khoa học tại hội thảo về kỷ niệm đến thăm nhà máy, vẫn còn cảnh công nhân thổi ruột phích nước theo cách thủ công, “20 cái thì hỏng 1 cái”, thì ngày nay, Rạng Đông đã khác trước nhiều, nhà máy đã có dây chuyền tự động sản xuất ruột phích tốc độ cao, mỗi năm làm ra 16 triệu sản phẩm, và không hề e ngại cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài. Thậm chí trong bối cảnh các nhà sản xuất Việt Nam gặp nhiều khó khăn trước hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, thì Rạng Đông lại mạnh dạn đưa sản phẩm của mình xuất khẩu sang Trung Quốc với số lượng lớn – “50% ruột phích của chúng tôi được xuất khẩu sang Trung Quốc”, Tổng giám đốc Đoàn Thăng tự hào chia sẻ. 

 Đó chỉ là một trong nhiều thành công ấn tượng của Rạng Đông, mà ẩn chứa đằng sau là nỗ lực đổi mới và sự mạnh dạn đầu tư vào R&D của ban lãnh đạo công ty. Năm 2011, ban giám đốc Rạng Đông đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chiếu sáng (R&D). Trong vòng năm năm, Rạng Đông đã đầu tư cho Trung tâm 308 tỷ đồng, tức là vào khoảng 60 tỷ đồng/năm. Đến nay, Trung tâm đã quy tụ 90 thành viên, trong đó có 40 nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực, tham gia làm việc tại bảy bộ môn: Nghiên cứu điện tử; nghiên cứu nguồn sáng và đo lường chất lượng; chiếu sáng thông minh; thiết kế chế tạo sản phẩm chiếu sáng tiên tiến; Hóa vật liệu; Chiếu sáng ứng dụng công nghệ cao và một xưởng sản xuất trên quy mô pilot.

Cần sự dũng cảm của cả doanh nghiệp và nhà khoa học

 Để nhà khoa học và doanh nghiệp hợp tác thành công, họ “phải trải qua một quá trình thích nghi” như lời bộc bạch của PGS. TS Đỗ Xuân Thành, giám đốc khoa học Trung tâm R&D của Rạng Đông. Đối với các nhà khoa học, những khác biệt khi làm việc với doanh nghiệp so với khi làm việc cho các tổ chức nghiên cứu mang tính hàn lâm khiến họ phải biết “gọt chân vừa giày”, tuân thủ những yêu cầu chặt chẽ của doanh nghiệp trong quá trình hợp tác. Hầu hết những đề tài nghiên cứu của nhà nước đều từ đề xuất của các nhà khoa học, trong khi làm việc ở doanh nghiệp đòi hỏi “tất cả những chương trình nghiên cứu đều phục vụ cho chiến lược phát triển của công ty cũng như chiến lược sản phẩm của công ty, và có thời hạn [hoàn thành] cụ thể…” Nếu các nghiên cứu ở môi trường hàn lâm còn có thể “du di” về mặt thời gian, được đề xuất gia hạn do những yêu cầu khách quan như cái cách mà các nhà khoa học vẫn thường trình bày với các cơ quan quản lý khi chưa hoàn thành đề tài theo dự kiến thì ở môi trường doanh nghiệp “có yêu cầu khắt khe về mặt thời gian”. Hơn nữa, “những đầu bài [cho nhà khoa học khi làm việc tại doanh nghiệp] rất cụ thể, rõ ràng với tiêu chuẩn cuối cùng là phải đạt được hai mục đích: đối với công nghệ nền, kết quả của nó phải là sản phẩm trí tuệ, tức là phải đăng ký được phát minh sáng chế – sản phẩm trí tuệ của công ty; đối với nghiên cứu phát triển sản phẩm mới thì phải góp phần thiết thực vào những sản phẩm chủ lực của công ty cũng như giải quyết được những vấn đề then chốt”, PGS. TS Đỗ Xuân Thành nhấn mạnh.  

 Một số tiến sỹ từ nước ngoài đã về đầu quân cho trung tâm R&D của Rạng Đông nhưng rồi lại ra đi vì không thể thích nghi. Có những người đề ra “những công nghệ tưởng chừng như rất hay, ý tưởng rất hay nhưng đem vào thực tiễn, với hoàn cảnh công nghệ, vốn đầu tư, với trình độ công nhân Việt Nam không dễ có cách thức triển khai phù hợp”. Vì vậy, “chọn lọc là điều bình thường ở Rạng Đông” và ngay cả “nhiều người làm nghiên cứu giỏi ở viện trường chưa chắc đã thích nghi được với môi trường nhiều thử thách ở doanh nghiệp”, PGS. TS Đỗ Xuân Thành giải thích.

 Về phía doanh nghiệp, PGS. TS Đỗ Xuân Thành cho rằng để hợp tác thành công với nhà khoa học thì “doanh nghiệp phải có quyết tâm rất cao, xây dựng một cơ chế rất thích hợp” [qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học làm việc]. Trên thực tế, Rạng Đông đã tạo ra một môi trường làm việc thích hợp cho nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học vật liệu, hóa học, nông nghiệp… có thể cùng ngồi lại giải quyết một vấn đề chung. Đặc biệt, việc cho phép tự do sáng tạo trong nghiên cứu là một động lực quan trọng, “cú hích lớn” để cho các nhà khoa học có ý tưởng triển khai ý tưởng của mình ở Rạng Đông”, PGS. TS Đỗ Xuân Thành nhận xét.
“Trong giai đoạn vừa rồi, Trung tâm R&D của Rạng Đông chủ yếu tập trung vào giải mã công nghệ, giải quyết những vấn đề bức xúc, những vấn đề kỹ thuật của sản xuất hiện tại và có lẽ là đã làm tròn vai trong giai đoạn vừa rồi. Nhưng R&D đúng nghĩa trong doanh nghiệp phải là động lực phát triển trong tương lai. Chính vì vậy, Rạng Đông cần phải đầu tư nghiên cứu dài hạn để trong phòng thí nghiệm phải có những sản phẩm của hai hoặc hay năm năm tiếp theo. Chúng ta cần phải biết cái đích chúng ta sẽ đến và chỉ có cách làm như vậy mới có thể phát triển bền vững”. (PGS. TS Phạm Thành Huy)Bên cạnh đó, người lãnh đạo doanh nghiệp phải có khả năng lắng nghe, chắt lọc từ các ý kiến của nhà khoa học. Theo PGS. TS Phạm Thành Huy (Viện Tiên tiến KH&CN AIST, trường ĐH Bách khoa), trưởng phòng thí nghiệm chung Rạng Đông – AIST, nhà quản lý cần nhận ra chân giá trị của người cộng tác và biết cách phát huy các giá trị đó. “Mỗi nhà khoa học đều có giá trị. Nếu như chúng ta biết lắng nghe họ, có thể một ý kiến không thể đem đến thành công nhưng nếu có 5, 10 ý kiến thì doanh nghiệp sẽ đúc kết được nhiều kinh nghiệm để tạo ra những sản phẩm tốt nhất để phục vụ mình”, PGS.TS Huy nói. Anh cho rằng đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến thành công của Rạng Đông, nơi Tổng giám đốc Đoàn Thăng là người không chỉ “luôn biết lắng nghe” mà còn có khả năng “kết hợp sức mạnh của nhiều nhà nghiên cứu” và “dũng cảm chìa tay [đón nhận] các kết quả nghiên cứu ứng dụng dù nghiên cứu có nhiều rủi ro”. 

Vì sao mô hình Rạng Đông chưa nhân rộng ?

 Trường hợp của Rạng Đông được GS. TS Trần Xuân Hoài (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nhìn nhận là một thành công mang tính đơn lẻ, “là một trường hợp hiếm có, là thành công cá nhân chứ không phải thành công của phong trào”. Ông đặt câu hỏi, “vậy tại sao không thể phát triển mô hình này ra được?”

 Đặt ra câu hỏi, đồng thời GS. TS Trần Xuân Hoài cũng tự đưa ra lời giải đáp. Theo ông “thành công này phụ thuộc rất nhiều vào con người, ở đây là sự gặp gỡ của một doanh nghiệp thực sự có tâm huyết và các nhà khoa học thực sự có tài… Sau bao nhiêu năm nay rồi vẫn không thể phát triển [mô hình] này lên được, là do số người, số doanh nghiệp – những nhà doanh nghiệp có tâm huyết, có tầm thực sự – và những nhà khoa học có tài ngày càng hiếm trong xã hội chúng ta hiện nay.”
“Chúng ta sống trong [hệ thống quản lý quan liêu] bao cấp lâu quá nên các nhà khoa học chỉ ngồi trong ‘tháp ngà’ còn các doanh nghiệp cứ lọ mọ tồn tại” 
 (TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN).

Vậy Nhà nước có thể làm gì để thúc đẩy mối quan hệ giữa nhà khoa học và doanh nghiệp? Theo TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, “việc đầu tiên là nhà nước phải xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ và khả thi để những người làm khoa học và doanh nghiệp có thể đến được với nhau”. Nhà nước sẽ giải quyết khó khăn trong vai trò chính phủ kiến tạo, và ông cho rằng chức năng kiến tạo đầu tiên ở đây của nhà nước, của chính phủ chính là xây dựng hệ thống luật pháp. Trong những năm qua, để tạo môi trường pháp lý thông thoáng, Bộ KH&CN đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành rất nhiều đạo luật quan trọng, sắp tới sẽ trình Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi thay thế Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006, “trong đó chắc chắn có rất nhiều nội dung đổi mới để thúc đẩy sự hợp tác giữa nghiên cứu ở các trường đại học, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, thậm chí chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài, và chúng ta cũng phải thay đổi hệ thống định chế trung gian, tức là những tổ chức chuyên nghiệp để kết nối giữa các viện nghiên cứu với các doanh nghiệp. Chính những định chế trung gian này sẽ đóng vai trò tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp để giới thiệu với cơ quan nghiên cứu, đồng thời tìm hiểu năng lực của cơ quan nghiên cứu để giới thiệu cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó bản thân các doanh nghiệp phải có ý thức và nỗ lực xây dựng các trung tâm nghiên cứu bài bản như ở Rạng Đông”, TS. Nguyễn Quân cho biết.  

  

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)