Để nông dân ĐBSCL có được lẽ công bằng

Khái quát bức tranh nông nghiệp, nông thôn và nông dân hiện nay ở ĐBSCL là: Sản xuất nông nghiệp hàng hóa khá dồi dào và phong phú.

Chỉ riêng tỉnh An Giang đã có sản lượng lúa trên 3,3 triệu tấn lớn nhất nước, sản lượng cá da trơn cũng lớn nhất nước với kim ngạch xuất khẩu trên 500 triệu USD/năm, nhưng kém tính cạnh tranh do năng suất, chất lượng không cao và không có thương hiệu; hơn phân nửa người chủ đất chỉ có 5 -7 ngàn mét vuông đất nông nghiệp và một đội ngũ lao động trẻ hùng hậu trên dưới 30 tuổi đời mà trình độ học vấn, tay nghề đang thật sự bị tụt hạng từng ngày, cho dù có một bộ phận trong họ có cố gắng, đi lao động ở các khu công nghiệp nhưng cũng chỉ bán sức lao động bằng cơ bắp, thu nhập không hơn gì ở nông thôn đi cắt lúa mướn; đó là nạn hàng gian, hàng giả, ô nhiễm công nghiệp và những “mặt trái của kinh tế thị trường”.
Cơ sở hạ tầng giao thông, học vấn, nhà ở là yếu kém nhất nước. Trong khi đó tỷ lệ phụ nữ lấy chồng ngoại và đi “bán bia” có lẽ nhiều nhất nước. Ngược lại, trong tầng lớp tinh hoa của đất nước thì rất thưa vắng những nhà quản lý, những nhà khoa học, người giàu có lớn… có gốc rễ từ đồng ruộng Cửu Long. Tình cảnh nông dân cảm thấy bị lẻ loi không được luật pháp và chính quyền bảo vệ, cùng với một nền hành chính nặng tính chính trị mà thiếu tính chuyên nghiệp và tính hệ thống thống nhất, nặng phân cấp đã tạo ra nhiều kẽ hở mà không ít nơi ở cấp địa phương, nhất là cấp xã vấn đề pháp luật và dân chủ là tùy vào một số người hành xử như ” ban phát” hoặc “từ tâm”.
Một vùng lúa gạo, trái cây và nuôi trồng thủy sản có sản lượng và xuất khẩu lớn nhất nước (nông nghiệp) mà vậy sao? Điều này không phải hoàn toàn do người nông dân, chính quyền địa phương có trách nhiệm phần lớn mà Chính phủ TW phải có trách nhiệm chung cuộc. Nó không thể sòng phẳng như phân chia trách nhiệm và lợi ích trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Đó là lẽ công bằng mà trong hạch toán kinh tế – chính trị không thể tính bằng số thập phân hay phân số mà giải mã được.
Nguyên nhân của thực trạng và nỗi bức xúc của ĐBSCL hiện nay là do có sự lệch pha, khoảng cách giữa việc làm của các bộ, ngành, địa phương với các Nghị quyết, Chỉ thị của TW và Chính phủ. Đó là điều làm cho ai quan tâm cũng “than thở” thậm chí “nghi ngờ”. Nếu chỉ kể từ Thủ tướng Chính phủ có quyết sách chiến lược về khai thác Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đến nay, đã trên dưới 20 năm, những quyết định cụ thể về những danh mục đầu tư cụ thể, nhất là hạ tầng giao thông – thủy lợi – nhà ở cũng đã có trên dưới 10 năm, vậy mà có nhiều đoạn quốc lộ về ĐBSCL thi công đến nay qua 3 thời kỳ Thủ tướng mà chưa xong. Đường quốc lộ mà kẹt xe như trong nội đô Hà Nội, Sài Gòn. Hàng chục triệu tấn hàng hóa đi về vùng này phải qua xe tải và xà lan tăng bo về cảng đầu mối thì thật là không hiểu nổi. Năm, mười năm đầu đổi mới, cả nước xem ĐBSCL là “mảnh đất vàng”, còn bây giờ với không ít người, kể cả một số người có trách nhiệm, nhìn ĐBSCL chỉ là “một vùng ngập lũ”. Những chương trình: cho vay “chuộc đất”, “xóa đói giảm nghèo”, “cứu trợ lũ lụt”, “xóa nhà tre lá”, xây “nhà tình nghĩa – nhà tình thương”v.v… đều là những giải pháp nhất thời, chữa cháy, không giải quyết đến tận gốc của vấn đề.
Sinh ra và lớn lên ở vùng châu thổ Cửu Long từ ngày Bác Hồ tuyên ngôn độc lập. Và ngần ấy thời gian theo Đảng để chống giặc ngoại xâm, chống giặc đói, giặc dốt cho đến gần hết cuộc đời, trở về đời sống thường dân càng thấy rõ “mặt bằng” cuộc sống của ĐBSCL nó thấp như cao trình mặt đất vùng này so với mặt biển và so với mặt bằng cả nước. Điều tôi mong ước là các nhà hoạch định và thực thi chính sách quan tâm đến lẽ công bằng trong phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.
—————–
* Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Nguyễn Minh Nhị *

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)