Để nông nghiệp có giá trị gia tăng cao
Nền nông nghiệp Việt Nam từ trước tới nay xuất khẩu rất lớn, không chỉ là lúa gạo mà còn rất nhiều loại nông sản khác như: cà phê, điều, tiêu, cao su hay các loại rau, củ, quả… tuy nhiên sản lượng cao nhưng giá bán lại thấp và giá trị thực sự mang lại cho nền kinh tế Việt Nam không nhiều. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Ông Võ Trí Thành: Tính đến hiện nay, khu vực nông nghiệp so với sản xuất – chế tạo – dịch vụ chưa hấp dẫn nhiều, kể cả đầu tư trong nước lẫn nước ngoài vì những lý do sau:
Giá trị gia tăng trong nông nghiệp không được như những lĩnh vực khác. Thông thường mức giá trị gia tăng tạo ra mức độ tăng trưởng 3 – 4% trong nông nghiệp là khá tốt. Với ngành dịch vụ – sản xuất công nghiệp phải trên 6 – 9%. Yếu tố nền tảng thu hút đầu tư là kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực… khó có thể so được với các khu đô thị hoặc khu vực phát triển ngành nghề khác.
Nhưng gần đây, bức tranh ngành nông nghiệp bắt đầu thay đổi trong con mắt của nhà đầu tư. Người ta bắt đầu có cách nhìn khác về nông nghiệp. Lối sống gắn với điều kiện tự nhiên, gắn với sản phẩm nông nghiệp đang thay đổi mạnh. Nhu cầu này tạo ra giá trị gia tăng mới. Mặt khác, cái nhìn về tầm quan trọng của an ninh lương thực, thực phẩm ở khu vực và thế giới đang khác. Việc nhìn nhận này cũng tạo ra nhu cầu mới đối với ngành nông nghiệp.
Tiếp đến, cái nhìn thuần túy nông nghiệp chỉ tạo ra giá trị thấp cũng đang thay đổi. Nếu nhìn sản phẩm nông nghiệp gắn với công nghệ và chuỗi giá trị, sẽ tạo được giá trị gia tăng rất nhiều. Cách nhìn này đưa đến sự hấp dẫn mới cho nông nghiệp. Chính vì vậy, trong những năm trở lại đây các quỹ đầu tư vào nông nghiệp, các nhà sản xuất, kinh doanh lớn bắt đầu chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Lĩnh vực này bắt đầu đem lại lợi nhuận đáng kể, dòng tiền tốt và ổn định.
PV: Nói về ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp trong thời gian vừa qua chúng ta nói nhiều về mô hình của Israel, ông đánh giá như thế nào về các mô hình này khi ứng dụng vào Việt Nam?
Ông Võ Trí Thành: Thứ nhất, phải thấy vấn đề này có cả vai trò của nhà nước cũng như tín hiệu thị trường. Nhưng chúng ta đừng bao giờ quên công nghệ cao phải gắn với khả năng tạo giá trị, khả năng tạo lợi nhuận theo thị trường. Chúng ta làm công nghệ cao không phải để chứng minh mình có, mà công nghệ ấy phải được sử dụng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và mang lại lợi nhuận thực sự cho nông dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, muốn đưa công nghệ vào nông nghiệp phải có lợi thế về quy mô; Không tách rời những vấn đề tích tụ đất đai; Không tách rời vấn đề chuỗi giá trị để có lợi thế về mặt thị trường.
Thứ ba, công nghệ phải gắn liền với hỗ trợ nguồn nhân lực. Người dân phải hiểu cách làm, cách sử dụng công nghệ. Nói về công nghệ cao chúng ta thường hiểu nó là cái tân tiến, tinh xảo… cách hiểu ấy không sai nhưng không hoàn toàn đúng. Công nghệ theo định nghĩa khái quát là một cách làm. Hiểu theo nghĩa đó thì hoàn toàn không cần chờ quá nhiều vào nguồn lực cao. Chúng ta có thể cải tiến, sửa đổi, cải cách để nâng cao được năng suất và chất lượng. Bởi vậy, người ta thường nói không chỉ là công nghệ cứng và công nghệ mềm mà còn là cách quản trị.
PV: Hiện tại chúng ta xuất khẩu nông nghiệp giá trị gia tăng thấp. Theo ông, để tăng giá trị này cũng như nâng cao giá trị của các hợp đồng xuất khẩu chúng ta cần phải làm gì?
Ông Võ Trí Thành: Chúng ta nói giá trị gia tăng xuất khẩu nông nghiệp thấp, nhưng nông nghiệp là lĩnh vực hiện nay Việt Nam xuất siêu và đóng góp lớn. Chuyện tạo giá trị gia tăng cao cho xuất khẩu liên quan tới cách làm hiện hành, nếu chúng ta tăng được năng suất, giảm được chi phí thì bản thân điều ấy cũng làm tăng giá trị gia tăng.
Muốn tạo được giá trị gia tăng cao thì phải nhìn sản phẩm nông nghiệp từ A – Z và phải theo một chuỗi giá trị. Như nghiên cứu triển khai, đầu tư công nghệ, phân phối, làm thương hiệu, tiếp thị ở khâu cuối cùng đến người tiêu dùng… Tất cả những điều đó tạo ra giá trị gia tăng cao. Cùng là một mặt hàng nếu dịch vụ tốt, biểu hiện hàng hóa hay và chứng minh trên thực tế là tốt thì giá trị gia tăng có thể cao hơn bình thường. Tôi muốn nhấn mạnh một điểm, đầu tư công nghệ hiện đại nếu không xem xét đầy đủ mà chỉ để chứng minh ta có công nghệ ấy là không được.
Trần Quỳnh thực hiện