Để startups và SMEs gặp nhau

Hi-Tech Konec, chuỗi sự kiện mở màn cho Ngày hội Khởi nghiệp KH&CN Việt Nam TECHFEST 2017 đã đưa ra một cách thức kết nối mới mẻ trong cộng đồng startup

Hi-Tech Konec, chuỗi sự kiện khởi động trước ngày hội khởi nghiệp khoa học công nghệ TECHFEST 2017 đưa ra một cách thức tổ chức hoàn toàn mới do ba đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp Kisstartup, Innovatube và Trung tâm dịch vụ tổng hợp khu CNC Hòa Lạc tổ chức. Thay vì kết nối giữa nhà đầu tư với các startup, Hi-Tech Konec là những cuộc gặp mặt giữa những doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ mới (Internet của vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo và Thực tế ảo) với…khách hàng tiềm năng của họ, những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, thay vì startup tập trung thuyết trình như ở nhiều sự kiện khác, ở đây, họ sẽ chỉ lắng nghe và học hỏi từ người khác.  

Hi-Tech Konec được tổ chức nhằm khởi xướng cho những hoạt động rút ngắn khoảng cách giữa những nhà chuyên môn và những nhà công nghệ, hi vọng tạo ra những đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh doanh truyền thống. Mỗi sự kiện của Hi-Tech Konec sẽ được điều phối bởi một – hai chuyên gia vừa có hiểu biết sâu sắc về xu hướng công nghệ, vừa có trải nghiệm thực tiễn.

Sự kiện đầu tiên vừa được tổ chức vào ngày 11/10 vừa qua với chủ đề về Internet vạn vật. Người điều phối lần này là anh Nguyễn Thế Trung, tổng giám đốc công ty DTT, một trong ba đối tác cùng với Dell và Intel sáng lập IoT Lab tại Vườn ươm Khu CNC Hòa Lạc. Anh cho biết, khối lượng dữ liệu mà internet của vạn vật tạo ra mỗi ngày sẽ bằng tất cả dữ liệu tạo ra trong lịch sử trước đó. Điều này cộng với sự hội tụ của công nghệ dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo sẽ cho phép tạo ra những sản phẩm dịch vụ “đo ni đóng giày” cho từng cá nhân trên thế giới. Tuy nhiên, theo anh Trung, hiện nay chúng ta mới chỉ sử dụng 1% dữ liệu này và đang bỏ qua nhiều cơ hội vì nhiều lí do. Thứ nhất, đa số chỉ nhìn các lĩnh vực một cách riêng lẻ chứ không nhìn trong tổng thể một bức tranh lớn, chẳng hạn như giao thông thông minh và du lịch thông minh là hai việc tách rời nhau hay thành phố thông minh và giao thông thông minh là khác nhau. Điều này dẫn đến lý do thứ hai là doanh nghiệp sẽ tập trung vào người dùng cá nhân (đồng hồ thông minh, điện thoại thông minh) mà bỏ qua người dùng doanh nghiệp. “Trao đổi thông tin và tích hợp hệ thống giữa các doanh nghiệp với nhau là một tiềm năng rất lớn” – Anh Trung nói. Chẳng hạn, trong một câu chuyện đơn giản, khi mỗi bộ phận của một chiếc xe ô tô gắn với một cảm biến, thì lượng dữ liệu sinh ra không chỉ có giá trị cho công ty vận tải mà còn cho cả công ty du lịch, logistic…Tuy nhiên, để giải quyết được lý do thứ hai thì lại nảy sinh lý do thứ ba, thiếu chuẩn để tương thích giữa các sản phẩm và hệ thống của các hãng sản xuất khác nhau. 


Anh Nguyễn Thế Trung (bìa trái) và chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh (bìa phải) trong sự kiện đầu tiên về IoT của Hi-Tech Konec

Thực tế trên đòi hỏi đội ngũ khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT có “hệ năng lực chuyên môn rất rộng”, vừa phải giỏi về bảo mật (vốn là các chuyên gia viễn thông), vừa giỏi về cơ khí, cơ điện (để có sản phẩm tốt, đẹp), giỏi về phần mềm nhúng. Một nhóm thường phải có ít nhất năm người, “tinh nhuệ” và lương cao. Quan điểm này của anh Thế Trung đã khiến nhiều nhóm startup, vốn xuất thân từ kĩ sư phần mềm, dự định tạo ra những sản phẩm, dịch vụ giá rẻ đã phải suy nghĩ lại.

Nhờ việc thay đổi tư duy và điều chỉnh nhu cầu của phía doanh nghiệp và startups, sự kiện đã kết nối với doanh nghiệp bất động sản Starlands, doanh nghiệp cung cấp phần mềm quản lý khách sạn ở Đông Nam Á EZClound và một startup trong việc hình thành ý tưởng tạo ra các thiết bị giúp khách hàng tự đăng ký và check in trong các khách sạn nhỏ mà không cần sự tham gia của lễ tân hay nhân viên phục vụ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung chưa thực sự quan tâm đến những công nghệ mới. Trong 6 doanh nghiệp được mời, chỉ có ba doanh nghiệp tới dự. Ngoài ra, theo chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh, người sáng lập KisStartup, trước khi sự kiện diễn ra, đã có một khảo sát nhỏ được gửi đến chủ các doanh nghiệp này và đa số đều tránh trả lời câu hỏi: “doanh nghiệp muốn công nghệ có thể giải quyểt vấn đề gì của mình”.

 

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)