Để trẻ không “thờ ơ” khi tham quan di sản

“Khi nào em lại được đi Văn Miếu?” là câu hỏi cho thấy sự hào hứng của rất nhiều học sinh trường tiểu học Lý Thường Kiệt, Q. Đống Đa, Hà Nội sau khi được trải nghiệm di sản một cách chủ động tại Văn Miếu trái với tâm lý thờ ơ, chán nản khi tham quan di sản mà chúng ta thường thấy.


Học sinh lớp một cùng thảo luận về hình ảnh con hổ tại Văn Miếu.

Đó là những kinh nghiệm về hiệu quả trong cách giáo dục di sản mới được chia sẻ tại Tọa đàm giáo dục di sản do Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám phối hợp với Mạng lưới các bảo tàng Việt Nam tổ chức vào ngày 17/5 vừa qua.

Trẻ chưa thích vì “bị động”

Cho đến nay, hoạt động tham quan di sản vốn được đánh giá là chưa thu hút, hấp dẫn, chưa tạo được tính chủ động của học sinh trong suốt quá trình tham quan. Một hiện tượng khá phổ biến là các em học sinh luôn rất “thờ ơ” với di tích lịch sử và không có nhiều ấn tượng trước những kiến thức lịch sử khá khô cứng. “có năm chúng tôi miễn toàn bộ vé cáp treo vào mùa hè cho học sinh nhưng không em nào đến tham quan. Tại sao? Chúng tôi cho rằng tại chính các hoạt động tham quan di sản của chúng ta chưa thực sự thu hút các em”, ông Lê Trọng Thanh, Giám đốc Công ty Tùng Lâm đầu tư vào khu du lịch Yên Tử (Quảng Ninh) chia sẻ. Ngay cả các khu di tích có lượng khách tham quan và học sinh đông thì “cách tổ chức tham quan cũ chưa phát huy được tính tương tác, tính chủ động của các em học sinh”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám cho biết.

Trái ngược với cách giáo dục di sản khô cứng ở Việt Nam, giáo dục di sản ở nhiều nước luôn đề cao tính chủ động trải nghiệm ở trẻ em, “ví dụ, chủ đề nghệ thuật thời tiền sử tưởng như rất khô khan, nhưng các bảo tàng lịch sử nghệ thuật ở Thụy Sĩ không thuyết minh để học sinh hiểu ‘thụ động’ mà dẫn dắt các em trải nghiệm với việc tạo dụng cụ vẽ, màu tự nhiên bằng lá cây, đất, cát… và hướng dẫn các em vẽ lên tường giống như những người tiền sử. Các trải nghiệm như vậy đánh thức trí tò mò, kích thích các em tiếp tục tìm hiểu”, theo PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai, PGĐ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.


Một bức tranh do học sinh lớp một vẽ hổ và muông thú sau khi tìm hiểu bức phù điêu “Mãnh hổ hạ sơn” tại Văn Miếu.

Hướng tới tính chủ động của trẻ

Trước những bất cập đó, Văn Miếu Quốc Tử Giám đã thí điểm xây dựng cách tiếp cận mới về giáo dục di sản, trong đó: đổi mới cách tham quan di sản, hướng tới cách tiếp cận các giá trị đa dạng của di sản, kích thích tính sáng tạo, chủ động của học sinh gắn liền với chương trình giáo dục đào tạo, phù hợp với chuẩn kiến thức của cấp học, khối lớp và yêu cầu của từng môn học. Học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm thông qua một khung chương trình do cán bộ giáo dục tại di tích thiết kế theo 3 bước: trước thăm quan, trong thăm quan và sau thăm quan. Trước tham quan là hoạt động do giáo viên tổ chức tại lớp học, giúp học sinh chuẩn bị trước chuyến thăm quan, trải nghiệm tại di tích; gắn kết di sản với chương trình của học sinh. Trong tham quan là hoạt động tại di tích: cán bộ giáo dục hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động trải nghiệm đã được thiết kế theo chủ đề. Sau tham quan là hoạt động đặc biệt được chú trọng, đòi hỏi sự sáng tạo của học sinh và thầy cô giáo. Việc giáo viên định hướng đúng và khéo léo, linh hoạt bố trí, sắp xếp đủ thời gian sẽ giúp học sinh có được những sản phẩm sáng tạo hiệu quả sau một chuyến thăm quan trải nghiệm. Ví dụ, khi tìm hiểu về chủ đề “Lớp học xưa” tại Văn Miếu, thay vì thuần túy nghe thuyết trình về lịch sử, các em học sinh lớp bốn được chia nhiều nhóm khác nhau để mài mực tàu, vẽ tranh, in chữ, chơi đất nặn.. trong bước Trong tham quan. Khi trở về lớp học, trong bước Sau tham quan, các em tiếp tục trải nghiệm đóng kịch, học hoặc thậm chí tự viết ra những bài vè, đồng dao về lớp học thời xưa, lớp học thời nay.

Một số trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội như Tiểu học Nghĩa Tân, Q. Cầu Giấy, Tiểu học Cát Linh, Q. Giảng Võ, Tiểu học Lý Thường Kiệt, Q. Đống Đa… đã thí điểm cùng với Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám cho học sinh trải nghiệm tham quan di sản theo quy trình mới này. “Các tiếp cận mới này đã tạo hứng thú cho học sinh rất lớn. Các em luôn háo hức hỏi chúng tôi là ‘khi nào con lại được đi Văn Miếu?’”, bà Nguyễn Kim Toàn, trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, Q. Đống Đa, Hà Nội cho biết.

Đánh giá cao thí điểm này của Văn Miếu Quốc Tử Giám, TS. Nguyễn Thành Nam, Giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, người từng tham gia biên soạn sách của nhóm Cánh Buồm cho rằng các khu di tích có thể tự tổ chức và trang trải kinh phí cho hoạt động tham quan di sản theo cách tiếp cận này. Bởi vì, khi xây dựng các gói tham quan hấp dẫn phụ huynh và học sinh, thì các khu di tích hoàn toàn có thể thương mại hóa, bán các gói tham quan.

Về phía nhà quản lý, ông Trương Minh Tiến, phó GĐ Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Nội cho biết “sẽ phối hợp với ngành giáo dục nhân rộng mô hình này ra toàn thành phố Hà Nội, bởi ở mỗi làng quê, xã phường đều có di tích gắn liền với truyền thống ở quê hương. Các chương trình này sẽ giáo dục cho em về lịch sử quê hương mình tốt hơn, thông qua đó bảo vệ gìn giữ phát huy giá trị di sản”.

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)