Đề xuất khu công nghiệp sinh thái
Ngày 29/8/2018, hội nghị thường niên lần thứ 3 “Động lực tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm của Việt Nam: Sử dụng bằng chứng trong Hoạch định chính sách và Xây dựng dự án” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) phối hợp tổ chức đã rút ra những bài học về nâng cao năng lực sản xuất song hành với bảo vệ môi trường.
Chia sẻ những kết quả nghiên cứu và phân tích chính sách liên quan đến động lực tăng trưởng bền vững và bao trùm của Việt Nam dựa trên những đánh giá và dữ liệu thực chứng, các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung vào các giải pháp để Việt Nam có thể vừa nâng cao năng lực sản xuất song hành với bảo vệ môi trường. PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận xét một thực tế đang diễn ra ở Việt Nam: “Dù tăng trưởng xanh là con đường tất yếu để tăng trưởng và phát triển bền vững nhưng việc lồng ghép các chiến lược tăng trưởng xanh vào các chính sách phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương còn rất hạn chế.”
Đồng ý với quan điểm này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu Kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu, việc phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam dù đem lại lợi ích kinh tế, ví dụ tạo việc làm cho 3,2 triệu lao động, xuất khẩu 119 tỷ USD, đóng ngân sách hơn 3 tỷ USD trong năm 2017 nhưng lại gây ra hiện tượng lãng phí các nguồn lực tự nhiên, tăng phát thải nhà kính và hủy hoại môi trường xung quanh. Nếu tính riêng về phát thải khí thì theo tính toán của Worldbank, các ngành công nghiệp và năng lượng của Việt Nam trong năm 2012 đã phát thải đến gần 200 triệu tấn CO2, chiếm 78% tổng phát thải nhà kính của Việt Nam.
Khu vực rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng tại bản Nà Khoa 1, 2 (Điện Biên). Nguồn: forlandvn.wordpress.com
Để khắc phục điều này, ông Đông đề xuất phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam, trong đó các công ty có sự cộng sinh công nghiệp, ví dụ như sản phẩm thải của nhà máy này là đầu vào của nhà máy khác, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội. Mô hình này đã được áp dụng rộng rãi và thu được thành công ở nhiều nước, đặc biệt là Hàn Quốc và Đan Mạch. Hiện nay ở Việt Nam, Quỹ Môi trường Toàn cầu, Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp Quốc đang tài trợ dự án Triển khai sáng kiến Khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam nhằm chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống thành khu công nghiệp sinh thái. Kết quả của dự án sẽ là tiền đề để Chính phủ xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện mô hình khu công nghiệp sinh thái trong 5 năm tới đây.
Cũng liên quan đến giảm phát thải nhà kính do hoạt động công nghiệp, ông Phạm Thành Nam, chuyên gia Biến đổi khí hậu của Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ đề xuất thực hiện mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với hấp thụ và lưu giữ carbon. Theo đó, thay vì nộp thuế phát thải, các đơn vị phát thải lớn sẽ chi trả tiền cho người dân và các cộng đồng quản lý và bảo vệ bền vững rừng tại địa phương để họ trồng, quản lý và bảo vệ rừng. Mô hình này đã đạt được những thành công bước đầu ở Việt Nam, với khoảng 350 triệu USD đã được chi trả, 400.000 hộ gia đình đã nhận được tiền để bảo vệ rừng và 6 triệu hecta rừng được quản lý. Trong thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục được mở rộng ở Việt nam, nhờ sự hỗ trợ tích cực của Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới.