ĐH Công nghệ tạo cầu nối giữa nhà nghiên cứu và DN
Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội vừa ra mắt Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và hợp tác doanh nghiệp (CARBC) nhằm tạo điều kiện cho nhà khoa học bắt tay doanh nghiệp trong thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
Trong buổi lễ ra mắt ngày 11/4 vừa qua, TS. Võ Đình Hiếu – Giám đốc CARBC – cho biết, Trung tâm đang triển khai một số các hoạt động như: Tổ chức các chương trình hợp tác đào tạo liên quan đến thương mại điện tử với công ty SmartOSC, Kiểm thử phần mềm với công ty GEM; Tổ chức các chương trình hợp tác đưa sinh viên đi thực tập, tham quan doanh nghiệp, tư vấn nghề nghiệp; Tổ chức tuyển dụng sinh viên; Hỗ trợ sinh viên tổ chức/tham gia các cuộc thi phần mềm công nghệ và các hoạt động ngoại khóa; Hỗ trợ học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và sinh viên có thành tích xuất sắc; Phối hợp triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học xử lý thông tin với Viettel R&D và Dự án về an ninh trên môi trường di động và proxy cho các hệ thống mail với GEM…
TS. Võ Đình Hiếu cam kết, CARBC sẽ hỗ trợ các đối tác trong việc tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn theo đặt hàng của doanh nghiệp, tập đoàn công nghiệp, hỗ trợ tuyển dụng và thực hiện các hợp tác nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Đại học Công nghệ, Khoa Công nghệ thông tin hiện có đội ngũ cán bộ nghiên cứu đông đảo, được đào tạo ở các trường đại học, viện nghiên cứu về công nghệ thông tin uy tín trên thế giới, và có nhiều đề tài ứng dụng vào thực tế như: Hệ thống cung cấp video 360 độ, Phân tích quan điểm cộng đồng… Khoa còn là đầu mối hợp tác và triển khai một số hoạt động đào tạo, nghiên cứu theo đặt hàng của Toshiba, Panasonic, NEC, Mitani Sangyo, Qsoft, GEM, Viện nghiên cứu và phát triển Viettel (Viettel R&D), Framgia, RikkeiSoft, SmartOSC, Ominext, Fsoft, NTT Data, FPT …
Hiện có tới 70% sinh viên của Khoa thực tập, thực nghiệp ở các công ty, doanh nghiệp đối tác, số còn lại tham gia các nhóm nghiên cứu của giảng viên. Vì vậy, việc tăng cường sự gắn kết, thỏa thuận về cả nghiên cứu và đào tạo thông qua CARBC sẽ đem lại cơ chế mở để cả hai bên cùng hợp tác phát triển.