Di sản mùi hương châu Âu: Khi hương vị gợi mở đường về quá khứ
Không chỉ có những di sản hữu hình mà cả những di sản vô hình như mùi hương cũng cần được bảo tồn.
Giáo sư Matija Strlic ngửi một cuốn sách lịch sử tại Kho lưu trữ quốc gia Hà Lan. Nguồn: Matija Strlic.
Khó có giác quan nào kích hoạt cảm xúc giống như khứu giác. Chỉ cần lướt qua một tầng hầm ẩm thấp, một tấm chăn phủ đầy bụi, một quả dâu tây chín mọng, hoặc một bát mì Ý bốc khói có thể nhanh chóng gợi lên những cảm xúc và ký ức từ quá khứ. Tuy nhiên, khi nhắc đến việc tìm hiểu lịch sử, chúng ta hầu như không nghĩ đến những mùi hương từng phổ biến trong quá khứ. Các phòng trưng bày, viện bảo tàng là địa hạt của các tác phẩm nghệ thuật thu hút thị giác chứ hiếm khi gợi nhớ về mùi hương của mọi thứ – dù thơm phức hoặc hôi hám – vào thời kì tổ tiên chúng ta tồn tại trên Trái đất.
Khi ý tưởng bảo tồn di sản giác quan (sensory heritage) lặng lẽ xuất hiện trong lĩnh vực văn hóa và bảo tàng, thì dự án ODEUROPA đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng một thư viện về các mùi hương trong lịch sử nhằm tìm hiểu mùi hương đã định hình các cộng đồng trong quá khứ như thế nào.
Với 3,3 triệu USD do Chương trình Horizon tài trợ, dự án ODEUROPA mới được ra mắt vào đầu năm nay, thu hút sự tham gia của bảy đối tác châu Âu trong nhiều lĩnh vực, từ lịch sử, lịch sử nghệ thuật đến ngôn ngữ học tính toán, mạng ngữ nghĩa, thị giác máy tính, khoa học di sản và hóa học. Phát hiện của họ dự kiến sẽ được xuất bản trong Bách khoa toàn thư về di sản mùi hương, một cơ sở dữ liệu online để khám phá những câu chuyện đằng sau 120 mùi hương lịch sử.
“Một trong những mục tiêu của chúng tôi là giúp trải nghiệm văn hóa trở nên hữu hình hơn”, Inger Leemans, giáo sư lịch sử văn hóa và trưởng dự án ODEUROPA tại Học viện Khoa học và Nghệ thuật Hoàng gia Hà Lan (KNAW) giải thích. “Mùi hương là con đường rất trực tiếp để mọi người kết nối với quá khứ. Chúng tôi muốn giúp mọi người tìm hiểu về vai trò của chúng trong lịch sử và bảo tồn những mùi hương này cho các thế hệ tương lai”.
ODEUROPA muốn tìm về những ý nghĩa văn hóa và sự liên kết được tạo ra giữa những mùi hương khác nhau theo thời gian. Những đổi thay trong quan điểm về mùi thường gắn bó chặt chẽ với những bước chuyển văn hóa lớn, giống như điều nhà lịch sử đô thị và nhà văn người Mỹ Brian Ladd viết trong The Streets of Europe: The Sights, Sounds, and Smells That Shaped Its Great Cities (Đường phố châu Âu: Những tầm nhìn, âm thanh và mùi hương định hình các thành phố vĩ đại). Vào những năm 1800, khi càng thêm hiểu biết về y học và điều kiện vệ sinh, quan điểm của người châu Âu về các chức năng của cơ thể càng thay đổi, nhiều người trở nên thờ ơ hơn với mùi hương hữu cơ. Thậm chí vào cuối thế kỷ 19 còn có thuyết chướng khí cho rằng mùi độc hại là nguyên nhân lây lan các mầm bệnh như dịch tả và bệnh dịch hạch.
“Đóng chai” mùi hương trong thư viện
ODEUROPA đang tập trung nghiên cứu vào giai đoạn từ năm 1600-1920 vì có nhiều hình ảnh và văn bản miễn phí sẵn có về giai đoạn này, ngoài ra đây cũng là thời kỳ diễn ra những thay đổi lớn như quá trình công nghiệp hóa và sự ra đời của kỹ thuật khử mùi. GS. Leemans cho biết, dữ liệu về mùi hương giai đoạn này rất phong phú và khi đó, mùi hương được coi là một công cụ tri thức.
Một điều quan trọng của dự án là làm rõ ý nghĩa và việc sử dụng các mùi hương đã thay đổi như thế nào theo thời gian. “Chúng ta có thể thấy điều này qua lịch sử của thuốc lá, được du nhập vào châu Âu vào thế kỷ 16, ban đầu được coi là có mùi kì lạ, nhưng sau đó phổ biến nhanh chóng và trở thành một trong những mùi hương thông thường ở rất nhiều thị trấn châu Âu”, Tullett cho biết. “Đến thế kỉ 18, mọi người lại phàn nàn rất nhiều về việc hút thuốc lá trong rạp chiếu phim”. Hiện nay, mùi hương này đang dần biến mất trong thế giới khứu giác của chúng ta do các lệnh cấm hút thuốc.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học di sản cũng lên kế hoạch tạo ra một thư viện vật lý về mùi hương, trong đó có những mùi hương đóng chai có thể phân phối cho các bảo tàng quan tâm. Ý tưởng của họ là kết hợp các tác phẩm nghệ thuật cùng mùi hương để cung cấp cho khách tham quan thông tin bổ sung và nâng cấp trải nghiệm cảm xúc. Để tạo ra mùi hương, nhóm nghiên cứu sẽ khuếch đại các mẫu nhỏ mùi hương còn sót lại, chẳng hạn như một chút bột thuốc lá từ hộp đựng hoặc sử dụng thông tin từ dữ liệu đã thu thập để tạo ra một hỗn hợp hóa học gần giống với mùi đã biến mất. “Điều sẽ làm rõ về các mùi hương từng xuất hiện trong lịch sử, tất nhiên vẫn sẽ có phần nào hư cấu”, Cecilia Bembibre, một nhà khoa học di sản từ Viện Di sản Bền vững UCL ở Anh, một thành viên trong dự án, giải thích.
Tranh “Still Life with Cheese” Floris Claesz. van Dijck – Nguồn ảnh: USEUM.
Ngày nay, nhiều người sống ở các trung tâm đô thị, nơi có rất ít mùi hương mà tổ tiên chúng ta từng trải nghiệm. Do vậy, khi đứng trước những bức tranh sống động như thật, chúng ta vẫn có thể bỏ lỡ một số cảm xúc do chỉ nhìn ngắm bằng mắt. Nhưng nếu kết hợp mùi hương vào các hình ảnh trực quan trong một triển lãm, người tham quan có thể học được nhiều thứ hơn, GS. Leemans cho biết. “Khứu giác mang lại những câu chuyện mới và có sức gợi cao”, bà nhận xét, và không phải mọi câu chuyện về mùi hương đều dễ chịu. “Đó có thể là một nhà thờ tràn ngập hương trầm, một con kênh đầy nước thải, một quán cà phê ở thế kỷ 17, hoặc một cánh đồng tẩy trắng (một cánh đồng phơi vải hoặc quần áo để làm trắng bằng nước tiểu người, sữa chua và dung dịch kiềm). Nếu chúng tôi tìm thấy nhiều tài liệu trong đó mọi người phàn nàn về mùi hương, chúng tôi sẽ theo dõi cảm xúc xung quanh để xem có thể học được gì về cuộc sống trong quá khứ”.
Máy tính “học” cách cảm nhận mùi hương
Nhưng mục tiêu của dự án không chỉ có vậy. Các nhà nghiên cứu sẽ nhờ cậy đến các công cụ hiện đại để tạo ra ra giá trị mới của mùi hương. Ví dụ như máy tính sẽ học cách tìm kiếm trong các bộ sưu tập kỹ thuật số về nghệ thuật và văn học trong lịch sử, hướng đến các tài liệu liên quan đến mùi hương. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng thông tin do AI tạo ra để xây dựng một kho lưu trữ kỹ thuật số mã nguồn mở về mùi hương kèm theo ý nghĩa của chúng. “Trong đó sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về các mùi cụ thể trong quá khứ, mùi đó quan trọng với những nhóm người nào, có ý nghĩa gì với họ”, TS. William Tullett ở ĐH Anglia Ruskin tại Cambridge (Anh), một thành viên trong dự án cho biết. Chẳng hạn như với bác sĩ, “chúng ta có thể khám phá mùi hương của các loại thảo mộc như cây hương thảo dùng để chống dịch hạch, hay các loại muối ngửi trong thế kỷ 18 và 19 như một loại thuốc trị ngất xỉu”.
Đây sẽ là cả một quá trình phức tạp. “Tất cả các nhóm trên đều đang phải đối mặt với những thách thức khác nhau”, GS. Leemans cho biết. “Đầu tiên là làm thế nào để dạy máy tính tìm kiếm các tài liệu liên quan đến mùi hương trong sách vở và các hình ảnh? Rất ít người trong ngành khoa học máy tính phát triển các phương pháp theo dõi thông tin về mùi hương, và chắc chắn không thể áp dụng trên các tài liệu lịch sử với các ngôn ngữ khác nhau”. Bà cho biết bốn trong số các nhóm thuộc dự án đang giải quyết vấn đề này, họ đang phát triển các kế hoạch hướng dẫn, trong đó con người đào tạo máy tính tìm kiếm thông tin văn bản và hình ảnh liên quan đến mùi hương.
Một nhóm khác có nhiệm vụ lập danh mục và phân loại các tài liệu về mùi hương do AI tìm thấy, sau đó tìm các từ mô tả mùi hương trong lịch sử cho các khán giả hiện nay. “Với mỗi mùi, bạn phải quyết định ai sẽ ngửi và những gì gắn với trải nghiệm này”, TS. Bembibre cho biết.
Khi thực hiện công việc này, họ phải ngửi rất nhiều, kết hợp với những tài liệu về mùi hương, các nhà nghiên cứu đang cố gắng tạo ra một bức tranh toàn cảnh về mùi hương thoảng qua trong không khí ở một nơi cụ thể trong một thời điểm lịch sử nhất định. “Bạn thấy các nhân vật trong Kinh thánh bịt chặt mũi khi vòng quanh mộ Lazarus hoặc cổng địa ngục; ba đạo sĩ dâng các loại nhựa thơm như mộc dược (myrrh) và nhũ hương (frankincense) cho hài nhi Jesus; Mary Magdalene dùng dầu cam tùng (spikenard) xoa bóp chân Chúa Jesus; những căn nhà đậm mùi cà phê rang; tóc giả phủ bột; găng tay tẩm nước hoa; những đống phân và ống khói nhà máy đang tỏa mùi”, GS. Leemans giải thích. “Tất cả những thứ này giúp chúng tôi xây dựng các bức tranh về những nơi có mùi thơm”.
GS. Leemans nhận định một động lực mạnh mẽ để bảo tồn các mùi hương là việc duy trì kết nối với di sản, bên cạnh việc dân chủ hóa các bảo tàng. Những chuyến tham quan đầy mùi hương sẽ giúp người mù và người khiếm thị dễ dàng tiếp cận – điều mà các cuộc triển lãm chỉ có hình ảnh không bao giờ làm được. “Mùi hương cho phép chúng ta thoát khỏi lịch sử đã được thần thánh hóa và vũ khí hóa, đi kèm với những bức tượng nam giới. Thay vào đó, mọi người có thể chia sẻ kiến thức và giao tiếp thông qua mùi hương, chẳng hạn, họ có thể khám phá các thành phố có mùi như thế nào, và tất cả sẽ có chung cảm nhận. Mùi hương là con đường rất trực tiếp để kết nối với quá khứ. Chúng tôi muốn giúp mọi người tìm hiểu về vai trò của mùi hương trong lịch sử, từ rất lâu trước khi họ sinh ra”, Giáo sư Leemans nhận xét.
Mùi hương kết nối con người, cảnh quan
Giáo sư Leemans cho biết, dự án cũng hy vọng sẽ phát triển các chiến lược cho các chuyên gia và cộng đồng di sản để lưu trữ và bảo tồn di sản mùi hương.
Mặc dù mong muốn lưu giữ mùi hương có thể còn mới mẻ với nhiều người, nhưng ý tưởng này đang âm thầm nhận được sự ủng hộ từ nhiều nơi ở châu Âu. Tại triển lãm Fleeting — Scents in Color, thuộc bảo tàng Mauritshuis ở Hà Lan, du khách sẽ có cơ hội tham gia một chuyến du lịch lịch sử nhìn – và – ngửi vòng quanh thế giới. Đại dịch cũng không làm những người phụ trách bảo tàng nản lòng; giờ đây với một hộp nước hoa đặt mua tại nhà, người dùng có cơ hội đắm mình trong mùi thơm cũng như mùi khó chịu của thế kỷ 17 khi tham gia triển lãm trực tuyến.
Gần đây Pháp đã triển khai các bước nhằm bảo vệ các mùi đặc trưng của những lối sống nhất định, bao gồm việc thông qua đạo luật bảo vệ âm thanh và mùi hương của vùng nông thôn. Động thái này diễn ra sau nhiều năm nhiều người phàn nàn rằng các cảnh quan cảm giác (sensescapes) phổ biến khiến họ khó chịu. Gần như mọi khiếu nại, các vụ kiện về vấn đề này đều do những người mới đến từ thành phố. Luật mới sẽ xác định và bảo vệ các di sản giác quan của vùng đồng quê Pháp. “Những người đến vùng nông thôn đã phản đối tiếng gà gáy và mùi phân, nhưng giờ đây mối liên hệ quan trọng giữa con người và động vật sẽ được bảo tồn”, TS. Bembibre cho biết. Ông cũng cho rằng việc duy trì mối liên kết giữa con người và các trang trại chăn nuôi có thể đóng vai trò quan trọng với phúc lợi động vật. Do đó, những điều mà ODEUROPA đem lại có thể còn nhiều hơn mục tiêu ban đầu.
Giáo sư Leemans nói thêm: “Ở một số quốc gia, có nhiều cuộc thảo luận về việc các trang trại chăn nuôi biệt lập ở các thị trấn nhỏ, mọi người ít có sự kết nối về mặt tình cảm với các động vật trong trang trại khi họ không thể ngửi thấy chúng – chẳng hạn, họ không nghĩ đến trách nhiệm chăm sóc những con gà trong trại gà khi chúng hoàn toàn cách biệt. Do vậy, một lý do quan trọng để bảo tồn mùi hương vì đó là cách giúp mọi người nhạy cảm với những gì xảy ra trong thế giới động vật xung quanh họ”. □
Thanh An tổng hợp
Nguồn: https://phys.org/news/2021-08-ai-europe-historical.html
https://www.theguardian.com/science/2020/nov/17/scents-of-history-study-hopes-to-recreate-smells-of-old-europe