Đi tìm bí ẩn giếng Chăm
Nhắc tới Chăm pa, nhiều người thường liên tưởng đến những đền tháp, tác phẩm điêu khắc, đồ gốm chứ ít ai nghĩ tới kĩ năng tìm các mạch ngầm nước ngọt gần như độc nhất vô nhị của người Chăm. Vì vậy, trong rất nhiều năm, chúng tôi đã đi dọc dải đất miền Trung khảo sát chỉ để tìm câu trả lời: giếng Chăm có vị trí thế nào trong đời sống Chăm?
Nếu tháp Chàm được xem là biểu trưng của thượng tầng văn minh Champa thì giếng vuông Chàm là biểu tượng đặc thù của đời sống bình dân Chăm. Nguồn: Zing.
Những khảo sát trong quá khứ
Chúng tôi, những nhà nghiên cứu ở Viện Khảo cổ (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) không phải là người đầu tiên trong lịch sử quan tâm đến giếng Chăm. Vinh dự đó thuộc về các học giả Pháp, những người đã khảo tả, phân loại các công trình khai thác nước này từ những năm đầu thế kỷ 20, và công đầu thuộc về M.Colani bởi trong suốt những năm từ 1912 đến 1940, bà đã tiến hành nhiều đợt khảo sát trên một địa bàn rộng, gồm các vùng đất thuộc Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ. Nhờ nỗ lực khai phá của bà – chắc hẳn bà đã gặp lắm trở ngại về đường xá, phương tiện vào thời điểm đó, chúng ta đã có được những khảo chứng có giá trị với một hệ thống các bản vẽ, sơ đồ, bản ảnh khá chi tiết, nhiều người đã sử dụng chúng như những tư liệu gốc, đặc biệt là khi đề cập đến một số công trình đã bị phá hủy, cải tạo hay bỏ đi không dùng nữa…
Trong các chuyên khảo của mình, M. Colani đã sử dụng thuật ngữ “Système” (hệ thống) khi nhắc đến những công trình khai thác nước bằng đá xếp tiêu biểu ở Gio An. Theo quan điểm của bà, một “Système” hoàn chỉnh nhất gồm nhiều bộ phận với công dụng chức năng riêng và các bộ phận này sắp xếp liên hoàn từ cao xuống thấp theo bình độ hạ dần của chân sườn đồi. Một nét quan trọng khác là bà sử dụng thuật ngữ “Puits” (giếng) chỉ những hố hình tròn hay vuông để lấy và chứa nước ngầm, vách được kè đá để chống sụt lở…; thuật ngữ “Bassin” (bể hay vũng)1 để chỉ những công trình xếp đá hình tròn hoặc bầu dục ở ngay cửa mạch nước ngầm, phía ngoài có cửa thoát nước ra mương dẫn hay ruộng… Có thể những “Bassin” kết hợp với nhau tạo thành một “Système”, nối giữa chúng là các máng (hay còn gọi là vòi) được chế tác bằng các khối đá tổ ong. Đáng chú ý vào năm 1937, M. Colani đã tiến hành đào một số hố thám sát quanh một số bể và trên các con đường bậc thang dẫn xuống các công trình “Giếng Đào”, “Giếng Kình”, “Giếng Đìa”, “Giếng Ông”, và phát hiện ra một số những mảnh gốm cổ, những mảnh gốm hiện đại, vài đồng tiền niên hiệu Gia Long, Tự Đức, Thiệu Trị…
Bằng việc so sánh với các công trình thủy lợi ở Phan Rang và một số dân tộc thiểu số chịu ảnh hưởng của Chămpa, cũng như hệ thống thủy lợi truyền thống của người Việt, Thái, Khmer, bà đã đưa ra một nhận định khá bất ngờ: chúng “thuộc về một dân tộc ngoại lai đã để lại hậu duệ của mình ở Quảng Trị, song số lượng ít, chìm vào tổng thể”, tuy không khẳng định hướng thiên di nhưng bà cho rằng, thời điểm có mặt của tộc người này có lẽ là vào những thế kỷ sau Công nguyên.
Dựa vào đó, một nhà nghiên cứu Pháp khác là linh mục L. Cadière đưa ra một số giả thiết: chủ nhân của những công trình khai thác nước bằng đá xếp là một tộc người ở đại dương đã từng tiến vào khu vực dọc bờ biển Quảng Trị và dấu vết còn lại là một thương điếm (eporium) ở làng Mai Xá có tên là Phường Hàng và một số thương điếm khác trên Cửa Việt. Tộc người này có mặt ở đây vào những thế kỷ sau Công nguyên và họ đã bị tiêu diệt vào nửa sau thế kỷ 16 – khi đám tù binh Mạc của tướng Lập Bạo bị chúa Nguyễn Hoàng đày lên xứ Cồn Tiên… Năm 1972, L.Bezacier khi nghiên cứu về văn minh Việt Nam cũng cho những “công trình thủy lợi cổ ở Gio Linh – Quảng Trị thuộc vào thời sơ sử trước Bắc thuộc”
Những tài liệu khảo sát và nhận định của M.Colani, L.Cadière sau này ảnh hưởng không ít đến nhận thức của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đặc biệt, dựa vào những tài liệu của M.Colani, nhiều học giả Việt Nam cũng bắt đầu tiếp cận và coi giếng Chăm như một chủ đề nghiên cứu tiềm năng. Năm 1985, trong cuốn “Văn minh lúa nước và nghề trồng lúa nước Việt Nam”, Bùi Huy Đáp đã coi hệ thống “các công trình thủy lợi cổ ở Gio Linh – Quảng Trị” là sản phẩm của cư dân thời đại đồ đá mới ở Việt Nam.
Vài năm sau, trong cuốn “Người Chăm ở Thuận Hải”, Phan Ngọc Chiêu bất ngờ đưa ra một quan niệm khá mới mẻ: những công trình khai thác nước bằng đá xếp ở Gio Linh – Quảng Trị có thể là của cư dân Chămpa. Đồng tình với nhận định này, nhà nghiên cứu Đào Hùng viết: “Căn cứ vào vết tích hệ thống dẫn thủy vào hồ chứa nước mà M.Colani đã phát hiện ở Gio Linh – một địa bàn cư trú của người Chăm và một số dấu vết tìm thấy trong ảnh chụp một số tỉnh miền Trung, ta có thể hình dung đến hệ thống kênh mương đưa nước vào ruộng của người Chăm xưa” “Về phương thức trồng lúa của người Chăm cổ”, tạp chí Đất Quảng số 61).
Đào Hùng, Lê Duy Sơn và một số nhà nghiên cứu khác, trong đó có chúng tôi, đã khai thác những tư liệu của M.Colani và những người đi trước, đồng thời tiến hành nhiều đợt điền dã, khảo sát ở Gio Linh và Vĩnh Linh đã đi đến một kết luận: những công trình khai thác nước bằng đá xếp ở Gio Linh và Vĩnh Linh là sản phẩm độc đáo của cư dân Chămpa vốn đã từng sinh sống trên đất Quảng Trị.
Tuy nhiên, cũng có những quan điểm khác, một trong số đó là Tạ Chí Đại Trường. Trong “Về dấu vết thủy lợi sử dụng chất liệu đá xếp ở vùng Gio Linh (Quảng Trị)” trên tờ Văn Lang (California – Hoa Kỳ) năm 1991, ông đã phản bác quan điểm của M.Colani và của L.P.Cadière, chỉ ra những điều bất hợp lý và cuối cùng đã đi đến kết luận: Hệ thống thủy lợi dùng cho sinh hoạt và nông nghiệp ở Gio Linh là của những chiến tù 15722.
Giếng cổ Gio An, Quảng Trị. Nguồn: Baodantoc.
Việc có những quan điểm khác biệt trong nghiên cứu khoa học là chuyện bình thường, nếu không nói là có giá trị, bởi trong trường hợp này, những “vấn nan” mà Tạ Chí Đại Trường đưa ra cũng như kết quả của đợt khảo sát thực địa mà các nhà nghiên cứu Khoa sử trường ĐH KHXH (lúc đó là Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội) tiến hành ở Quảng Trị vào tháng 3/1992 đã gợi ý cần rà soát lại các kết luận, dù đã đương nhiên được chấp nhận. Do đó, sau khi điểm lại tình hình nghiên cứu và đưa ra những thông tin mới để đi đến kết luận của Lâm Thị Mỹ Dung: “Chúng tôi thiên về ý kiến cho rằng người Chăm là chủ nhân của các hệ thống bể giếng vùng đất đỏ Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ”.
Giếng Chăm và sự ứng xử với môi trường sống
Hơn 20 năm trước, khi còn là những người mới bước vào nghề và tuổi đời còn rất trẻ, chúng tôi không ngờ rằng, câu chuyện về những cái giếng đá suốt dọc dải đất miền Trung còn ẩn chứa nhiều nét độc đáo. Những năm 1990 đó, chúng tôi đã cùng các đồng nghiệp ở Quảng Trị lăn lội khắp các trảng cát Gio Linh, các đồi đất đỏ bazan Vĩnh Linh, Cam Lộ và tìm hiểu một loạt những giếng mà ngay lúc đó chúng tôi đã gọi là giếng đóng (giếng truyền thống), giếng mở (kiểu thủy hệ Gio Linh, Cam Lộ) và sau này bổ sung giếng nửa mở. Trên địa bàn các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận…, chúng tôi đã tìm thấy nhiều giếng đóng và mở ấy. Vậy giếng Chăm có gì lạ và có gì khác biệt? Thật ra, khi đặt tên giếng, chúng tôi muốn đề cập đến những điều đặc trưng của nó.
Giếng đóng là loại phổ biến nhất, phân bố cũng rộng nhất, suốt dọc miền Trung Việt Nam ngày nay (Chăm Pa xưa), đa số ở vùng biển, các làng chài, bên cồn cát, bãi ngô, ruộng lúa… Giếng hình vuông, tùy tình hình nguyên liệu mà giếng được lát gạch hay đá. Nơi có nhiều đá, nhất là đá ong thì giếng được lát đá suốt từ trên xuống dưới, nơi nhiều gạch thì được xây gạch dầy và chắc chắc toàn bộ lòng giếng… Dưới đáy luôn luôn có một cái khung gỗ bản chắc và không bị mục. Dù cố công tìm hiểu nhưng chúng tôi vẫn chưa giải thích được công dụng của tấm gỗ này.
Giếng mở mang nhiều nét đặc biệt không kém, nó lấy nước mạch từ sườn đồi, núi thấp với ba phần: phần một chảy vào khu vực được đào và kè đá, nước trong, chất lượng tốt và chỉ để ăn uống; phần thứ hai rộng hơn, cũng được kè đá, dùng để tắm giặt…; cấp ba nước chảy gần như tràn ra một hố rộng ngay trên bờ ruộng được ngăn lại bằng đá xếp sơ sài, đây là nơi trâu bò, súc vật uống và cuối cùng chảy xuống ruộng. Vài ba cái giếng như vậy đủ cung cấp nước cho cả chục mẫu ruộng.
Giếng cổ Xó La ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Hệ thống giếng Chăm ở đây vẫn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho cư dân trên đảo. Nguồn: Thanhnien.
Giếng nửa mở thường lấy nước từ những mạch nguồn ở chân những cồn cát, có nơi gọi là giếng bộng vì giữ nước bằng một khúc thân cây khoét rỗng, hoặc tấm đá lớn đục bỏ lõi, nước chảy dâng lên và thoát ra. Tuy nhiên người dân ít khi sinh hoạt quanh giếng loại này mà để nước chảy tự nhiên quanh năm ngày tháng, thoải mái tràn ra ruộng đồng. Dân Việt hiện nay gọi là Giếng Mọi, chỉ giếng của người Chăm Pa xưa. Trên thực tế, khi đặt các hệ thống giếng vào trong bối cảnh mà chúng tồn tại, chúng tôi phát hiện ra một nét văn hóa của những chủ nhân của các giếng cổ: sự trân trọng với từng hạt nước – hạt ngọc qua từng tầng nấc sử dụng ở giếng mở, hay sự hào phóng với ruộng đồng, nơi làm ra những hạt gạo trân quý ở giếng nửa mở. Ngày xưa con người ứng xử với thiên nhiên đẹp thế đấy.
Câu chuyện tìm hiểu về giếng Chăm với chúng tôi cũng là việc phát hiện ra ở độ sâu nào, kích thước nào thì giếng vẫn luôn có nước, không bao giờ cạn kiệt, dù xưa kia mỗi giếng đều cung cấp nước cho một cộng đồng chừng 30-40 hộ dùng. Để thử kiểm chứng nhận xét này, tôi đã thử dùng hai máy bơm hiệu Koler bơm liên tục mà giếng không hề cạn đến đáy, dù ngay trong mùa khô với mức nước chỉ khoảng 1m. Điều đặc biệt là ngay cả ở những giếng sát gần biển cũng đem lại dòng nước ngọt lành. Đây cũng là hệ quả ứng xử khác với môi trường sống của cư dân sống lâu đời ở miền Trung Việt Nam. Không giống nhiều vùng đất khác của đất nước, thiên nhiên ở đây vô cùng khắc nghiệt, mùa mưa lũ sông khiến nước bẩn, nước đấy chảy cuồn cuộn đấy mà không thể dùng, còn mùa khô sông nước cạn và bị nhiễm mặn. Do đó người ta phải biết tìm mạch nước tốt và đào giếng lấy nước để sống.
Trong bài “Miền Trung Việt Nam và văn hóa giao thoa (một cái nhìn địa văn hóa)”, nhà sử học Trần Quốc Vượng đã từng viết: “cần bổ sung ở nhóm sinh thái nước ngọt – nước đọng một loạt giếng (xếp đá hay/và xây gạch) của người Chămpa (“Giếng Hời” theo cách gọi của dân gian hiện tại). Đi dọc ven biển từ cửa Ròn – cửa Gianh (Quảng Bình) qua Hội An – Cửa Đại – Trung Phường – Tam Kỳ (Quảng Nam) tới cam Ranh (Khánh Hòa)… Từ năm 1982, tôi và giới khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện được một loạt giếng Chàm ngay ở bờ biển, nước rất ngọt, không bao giờ cạn, nhiều giếng ấy hiện dân gian Kinh – Việt vẫn đang sử dụng và theo thư tịch cổ Ả Rập – Ba Tư (Xem L, Ferrand 1912) từ thế kỷ VIII-XVI người Chămpa vẫn cung cấp – xuất khẩu nước ngọt từ các giếng ấy cho thuyền buôn quốc tế. Điều bất ngờ nhất, tháng 8 năm 1995, khi chúng tôi phát hiện cái giếng Chàm ở sát cửa Ròn, bà chủ nhà đang quản lý cái giếng đó nói với chúng tôi rằng cho đến nay, thuyền tàu Trung Hoa đi qua vẫn ghé xin nước ngọt ở giếng của bà. Mùa khô nóng cạn kiệt mà mức nước giếng vẫn trên 50cm, mùa mưa, nước giếng dâng lên trên 1m”.
Những suy ngẫm về giếng Chăm
Theo nhận định của nhà sử học Trần Quốc Vượng, việc xây dựng hệ thống giếng là một thiên tài, một thần thái (genius) bản sắc văn hóa Chămpa. Bản sắc đó có một sức sống thật bền bỉ và khả năng giao thoa với những bản sắc văn hóa khác, ví dụ có một điều đặc biệt thú vị là kĩ thuật đào giếng, kiến thức về mạch nước và văn hóa sử dụng nước sạch (dùng nước giếng có chất lượng tốt) của người Chăm đã được lan truyền ra Đại Việt (vùng đất Bắc Việt Nam ngày nay). Qua điều tra nghiên cứu ở miền Bắc Việt Nam, trên địa bàn các tỉnh Bắc Bộ như Hà Nội (địa bàn Hà Tây cũ), Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái… có rất nhiều giếng cổ có kĩ thuật Chăm Pa. Giếng có dạng hình tròn, cũng có nơi có dạng hình vuông, hình chữ nhật, đáy có khung gỗ quây như cũi, nước có chất lượng rất cao và không bao giờ bị cạn.
Với mật độ giếng rất dày ở Hà Tĩnh, đặc biệt là vùng Kỳ Anh, chúng tôi cho rằng miền đất này trước khi trở thành đất Đại Việt đã có rất nhiều người Chăm sinh sống, thậm chí sau thế kỷ 10, vào thế kỷ 11, 12 thì vùng này vẫn còn nhiều người Chăm.
Giếng Chăm Pa là một loại hình di vật văn hóa vật chất rất thú vị và đáng để nghiên cứu. Giờ đây, khi các thành quách đền đài của người Chăm trên dải đất miền Trung đã bị hư hại theo thời gian, chỉ còn lại những cái giếng tràn trề nước ngon (cách nói của người miền Trung) luôn là nguồn cung cấp nước không chỉ nuôi sống cộng đồng mà còn là của quý giá cho các thương thuyền qua lại trên biển Đông ngày đó. Trong những món đồ bán cho những thương thuyền ấy không thể thiếu những thùng nước sạch từ những cái giếng bên bờ biển Chăm Pa. Nước sạch cũng là một nguồn hàng quan trọng của người Chăm bán cho những đoàn thương thuyền trong lịch sử. Ngày nay, tại các đảo ven bờ dọc biển miền Trung như đảo Lý Sơn, đảo Phú Quý, Côn Đảo, đảo Cồn Cỏ… cũng còn nhiều giếng nước kiểu này. Và quan trọng nhất là người dân trên đảo vẫn dùng nước của các giếng này hằng ngày vì không có nguồn nước nào tốt hơn và dồi dào hơn. Các con thuyền đánh cá khi đi khơi xa vẫn đến lấy nước từ những giếng này bởi chất lượng nước tốt, để lâu mà không bị hỏng.
Không chỉ là một góc quan trọng của văn hóa Chăm, một phần không thể thiếu của cuộc sống thường nhật đã góp phần tạo nên một văn minh rực rỡ trong lịch sử, các giếng Chăm cũng là một cách làm hữu hiệu để người dân miền Trung có được nguồn nước quý mỗi khi gặp hạn hán hay bão lũ, những hiện tượng thời tiết ngày một trở nên cực đoan hơn trong tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi suy ngẫm nhiều nhất là hiện nay ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, vùng đất của Chăm Pa cũ, các giếng vuông của người Chăm đã gần như bị bỏ và lấp gần hết. Trong khoảng 15 năm trở lại đây, do có kỹ thuật khoan giếng ngầm nên người dân đã bỏ giếng truyền thống, có thể dẫn đến nguy cơ giếng cổ Chăm Pa sẽ biến mất. Kỹ thuật đào giếng và tìm mạch nước tốt của người Chăm cùng với hệ thống giếng của họ là một di sản văn hóa. □
——
* TS. Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Chú thích:
1 Để tiện sử dụng,chúng tôi xin dùng thuật ngữ “bể”
2 Những tù binh Mạc của tướng Lập Bạo bị chúa Nguyễn Hoàng đày lên xứ Cồn Tiên năm 1572.