Đi tìm cánh buồm nâu

Cánh buồm nâu ngược gió Bạch Đằng giờ chỉ còn là quá khứ. Đã nửa thế kỷ nay không ai còn thấy bóng dáng một cánh buồm nâu nào nữa, ngay cả ở vùng Quảng Yên, Quảng Ninh, cái nôi sinh ra của nó… Vậy ai có thể đưa nó trở lại hiện tại để đánh thức một ký ức đa diện về kỹ thuật hàng hải dân gian, lịch sử giao thông của người Việt?


Thuyền buồm Phạm Huy Thông – Bạch Đằng 01. Ảnh: Ken Preston. Nguồn: kens-vietnam-adventures.blogspot

Cứu lấy một di sản trăm năm

 

Thật kỳ lạ là ý tưởng đó lại bắt nguồn từ một người ngoại quốc – Pierre Paris, thành viên Viện Viễn Đông Bác cổ từ đầu thế kỷ trước. Ông đã nhận xét, nghiên cứu các nền văn minh hàng hải khó mà tiến triển được nếu không có những nghiên cứu về tàu thuyền. Có lẽ vì điều đó mà chính ông đã đưa ra những khảo tả đầu tiên về thuyền bè Việt Nam trong cuốn Phác thảo về dân tộc học hàng hải Việt Nam “những cánh buồm trông gần giống như một cái tai. Buồm làm bằng tre phân chia bởi những hàng tre quấn đầy lá. Khi kéo buồm lên hay hạ xuống, nó phát ra tiếng động hệt như mở hay khép lại một cái quạt”.

Nhưng rất tiếc cho đến hiện nay, dù việc nghiên cứu kinh tế biển và phát triển hàng hải ngày càng được chú trọng ở Việt Nam thì nhìn về quá khứ, hiểu biết về truyền thống thuyền bè Việt Nam với hàng mấy chục loại khác nhau suốt từ Bắc chí Nam vẫn còn là một khoảng trống. Do đó, kể từ cuốn sách Paris viết cách đây 100 năm trăm trôi qua, “chúng ta vẫn chưa có được những nghiên cứu bài bản, có hệ thống về lịch sử, truyền thống thuyền bè Việt Nam”, kỹ sư Đỗ Thái Bình, Phó Chủ tịch hội Khoa học kỹ thuật tàu thủy Việt Nam, không khỏi trăn trở. “Trong khi đó, cùng với miền Nam Trung Quốc, Việt Nam là nơi khởi phát, đóng góp cho nhân loại hai phát minh quan trọng trong việc sử dụng sức gió để đẩy thuyền, đó là chiếc buồm cánh dơi và chiếc xiếm”.

Điều mà ông Đỗ Thái Bình muốn nhắc tới là những con thuyền buồm cánh dơi, đã từng được dùng rất phổ biến làm phương tiện chuyên chở người, chở hàng, đánh cá trên khắp các con sông cho đến ven bờ biển Đông Bắc từ thế kỷ 13-14. Giờ đây những con thuyền buồm đó đã vắng bóng và từ lâu những ngôi làng chuyên đóng thuyền từ Hải Phòng đến Quảng Ninh không còn dùng buồm mà chuyển sang dùng động cơ quạt nước. Những người cuối cùng từng đóng thuyền buồm ba vát vượt gió chạy trên sông Bạch Đằng đã lần lượt về nơi thiên cổ. Trong số con cháu họ, những ai còn nhớ được cách cha ông đóng cũng đã bước sang tuổi xế chiều và hầu như cũng không còn mấy ai biết cách “lèo lái” những cánh buồm ngược gió.

Việc phục dựng những con thuyền buồm cánh dơi, chuyển tải những tri thức dân gian ấy bằng ngôn ngữ khoa học hiện đại có lẽ là một mơ tưởng đẹp trong nghiên cứu khảo cổ học, dân tộc học thuyền bè ở Việt Nam. Nếu để những kiến thức này chết theo những người nghệ nhân đóng thuyền cuối cùng còn lại ở miền Bắc, có thể chúng ta sẽ vĩnh viễn mất đi tri thức của tổ tiên tích lũy từ nhiều trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm lịch sử hàng hải, bởi vì “các bằng chứng hiện nay mà tôi tìm được cho thấy tổ tiên chúng ta sử dụng buồm từ rất sớm, trên các con thuyền mà chúng tôi phát hiện được từ thế kỷ 13 đã có các trụ dựng buồm”, TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á, cho biết. Ông còn tin rằng, có thể buồm đã được tổ tiên chúng ta sử dụng, từ thời Đông Sơn, dù chưa có trong tay bằng chứng khảo cổ học. Mặc dù chưa có sử liệu nhưng nhiều người nơi đây còn tin rằng những con thuyền này đã từng tham gia vào những trận chiến lẫy lừng trên sông Bạch Đằng…

Khác với buồm bình thường, mỗi tấm buồm chỉ gồm một miếng thì buồm cánh dơi được chia thành nhiều miếng nhỏ nhờ các thanh lát (còn gọi là thanh nan, được luồn vào trong từng túi nhỏ của chiếc buồm) như những chiếc nan của một cái quạt giấy. Nhờ các thanh lát này mà buồm có thể giương hết để đón gió hay thu nhỏ diện tích lại như xếp một chiếc quạt. Để điều khiển thuyền buồm cánh dơi, phải sử dụng một hệ thống dây bao gồm dây nâng buồm, dây lèo để điều khiển tùy theo hướng gió và dây thu buồm để điều khiển các thanh lát. Đó là nói về lý thuyết và “tưởng tượng” bởi hiện nay không nhà nghiên cứu nào còn thấy bóng dáng một con thuyền buồm cánh dơi trên sông, biển miền Bắc.


Một phần bản vẽ kỹ thuật thuyền buồm ba vát, một nỗ lực hiện đại hóa kiến thức dân gian. 

Để làm sống lại một di sản quý giá có liên quan đến nhiều khía cạnh lịch sử như truyền thống kỹ thuật chế tác, sử dụng cũng như cuộc sống trên sông nước và công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh hải của dân tộc, năm 2016, TS Nguyễn Việt đã nghĩ tới việc “cấp cứu” di sản thuyền buồm cánh dơi này bằng toàn bộ nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học của Quỹ Phạm Huy Thông thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á. Việc xoay xở cho ra một khoản cỡ 500, 600 triệu để làm thuyền đã là thu vén trọn vẹn số tiền nghiên cứu của Quỹ trong năm, quá sức chi trả của một đơn vị nghiên cứu độc lập không được sự hỗ trợ của ngân sách. Tuy nhiên, ông kỳ vọng, phục dựng con thuyền này không chỉ hữu ích cho nghiên cứu, mà còn góp phần quảng bá cho hình ảnh cánh buồm truyền thống của Quảng Yên đi xa, làm một mẫu thử (pilot) để từ đây các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân có thể học hỏi, phát triển phục vụ du lịch gắn với tri thức truyền thống hàng hải Việt Nam.

 

Sống lại “quy trình công nghệ” dân gian

 

Sau khi đi khảo sát và lựa chọn làng Phong Cốc có truyền thống đóng thuyền ở đảo Hà Nam, Quảng Yên, Quảng Ninh, TS Nguyễn Việt may mắn tìm được nghệ nhân Lê Đức Chắn, một trong những truyền nhân cuối cùng còn biết làm và sử dụng buồm ở nơi từng là chiến địa lừng lẫy chứng kiến chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng. Ông Chắn cho biết, sẽ chế tạo con thuyền buồm cánh ba vát (hay chính là “ba vách”, gồm một long cốt – xương thuyền ở đáy, hai sườn cong vát dần về hai bên). Ba thập niên trước, cũng chính người dân làng này đã may chiếc buồm nâu để bè tre Sầm Sơn của Tim Severin giương lên vượt sóng gió Thái Bình Dương, cho phép nhà thám hiểm và sử học người Anh chứng minh giả thiết về sự giao lưu văn hóa bằng đường biển giữa châu Mỹ và châu Á thời cổ đại.

Cuộc trò chuyện giữa người đi tìm và người giữ “công nghệ” cổ xưa đã đem ra một giao ước về việc làm thuyền. Đến đây nảy sinh một vấn đề, đó là nếu chỉ có nhà nghiên cứu khoa học xã hội cùng những người cuối cùng còn gìn giữ tri thức dân gian ấy cùng phục dựng, kể về cách làm con thuyền của ông cha trong quá khứ thì nó vẫn hoàn toàn là ngôn ngữ dân gian. Cả hai bên đều không có khả năng giải thích rành mạch về cấu tạo của buồm cánh dơi và chiếc xiếm, đo lực bằng ngôn ngữ khoa học hiện đại.

Chính khó khăn đó đã đẩy TS Nguyễn Việt và kỹ sư Đỗ Thái Bình, hai người ở hai đầu đất nước chưa từng gặp gỡ, chỉ biết nhau qua những trang sách từ hai chục năm trước khi một bên viết về quân thủy trong lịch sử Việt Nam, một bên tìm hiểu về lịch sử hàng hải Việt Nam, bắt tay nhau phục dựng bằng được di sản.

Thật ra, quá trình phục dựng cũng là quá trình mà ông Đỗ Thái Bình học hỏi nhiều điều. Bởi đến khi chạm tay vào từng thớ gỗ của con thuyền, chứng kiến từ lễ phạt mộc (lễ khởi công thuyền) rồi hoàn thiện, vẽ lại toàn bộ các bản vẽ kỹ thuật của thuyền buồm ba vát, ông mới biết tường tận cơ chế hoạt động của con thuyền này mà trước đây chính giới am tường kỹ thuật thuyền bè vẫn còn mơ hồ. “Khi dịch cuốn sách của Pierre Paris, có từ ‘ván tè’, tôi tra cứu khắp các từ điển tiếng Việt, các sách về kỹ thuật hàng hải nhưng không đâu giải thích ‘ván tè’ là gì. Đến khi ông Chắn giải thích ‘ván tè’ dùng để tiếp nối giữa long cốt và sườn thuyền vát dần về hai bên, tôi mới ngỡ ngàng”, kỹ sư Đỗ Thái Bình kể lại.

Theo cách như thế, những kiến thức dân gian đã trở lại, “mới” một cách lạ lùng với những người như ông Đỗ Thái Bình và Nguyễn Việt. Giờ họ mới biết được kỹ thuật sử dụng lửa hơ ván cho đủ độ đàn hồi để uốn cong các tấm ván thuyền vẫn còn được bảo lưu ở vùng này. “Giới nghiên cứu về lịch sử và kỹ thuật tàu thuyền trên thế giới rất ngạc nhiên về điều này bởi hiện nay trên khắp thế giới, để sản xuất tàu gỗ không ai còn đốt lửa nữa. Lửa là cách làm từ lúc loài người manh nha làm thuyền cả ngàn năm trước, vẫn còn sót lại đến ngày nay”, ông Đỗ Thái Bình nhận định.

 

Lần ngược lại lịch sử, nghiên cứu về con thuyền nhỏ gọn và linh hoạt, cơ động này cũng có thể hé lộ cho chúng ta biết một giai đoạn chuyển tiếp từ thuyền độc mộc sang thuyền ba vát. “Chính từ thuyền độc mộc ban đầu, trong một giai đoạn nào đó nó được đưa trở thành long cốt”, TS Nguyễn Việt nhận định từ việc khai quật hơn hai chục con thuyền độc mộc từ dưới sông Kinh Thầy cho thấy sự chuyển tiếp ấy. Ông cũng ngờ rằng kể từ khi có lưỡi cưa sắt do người phương Tây mang tới Việt Nam thì tổ tiên ta mới chuyển từ những con thuyền độc mộc sang tam bản vì các kết quả khai quật có thuyền tam bản đều cho thấy dấu vết gỗ được cưa dọc thân cây chứ không phải sử dụng rìu đẽo, tạc vào thân gỗ. Nhưng để chứng minh được phán đoán này, sẽ phải tiếp tục tìm kiếm các bằng chứng khảo cổ học về thời điểm xuất hiện lưỡi cưa.


Hình ảnh con thuyền ba vát trên bưu ảnh thời Pháp thuộc.

Sau một năm khởi công, con thuyền được hoàn thành, dài 1.100 cm, rộng 360 cm, mớn nước 120cm, sức chứa khoảng 20 MT, có một cột buồm, xiếm lái lòng và lái mũi, một chèo nụ và một thuyền lái, được TS Nguyễn Việt đặt tên Phạm Huy Thông-Bạch Đằng 01 với kỳ vọng sau con số 01 này sẽ còn nhiều người khác tiếp tục nghiên cứu về thuyền buồm cánh dơi để có nhiều số nối tiếp. Con thuyền này chỉ khác với thiết kế truyền thống hàng trăm năm về trước ở một điểm duy nhất: thay vì để trống lòng thuyền để chở hàng thì trong khoang thuyền chính bố trí ngăn tủ, bàn, ghế đủ chỗ cho 12 du khách với tiện nghi đầy đủ cho hành trình và sinh hoạt trên thuyền.

Các nhà kỹ thuật thuyền bè của Hội Khoa học kỹ thuật Tàu thủy Việt Nam đã phân tích tính ổn định, tính nổi của thuyền đáp ứng các yêu cầu được của tiêu chuẩn ISO 12217-2 áp dụng cho các tàu thuyền được đẩy chủ yếu bằng buồm dài từ 6 đến 24 m và công bố trên tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Các tài liệu lưu trữ, hồ sơ kỹ thuật được TS Nguyễn Việt lưu lại ở Trung tâm tiền sử Đông Nam Á và mở cho bất kỳ ai có nhu cầu tra cứu, tìm hiểu sâu về thuyền buồm cánh dơi. Ông tự hào, quá trình phục dựng, lưu tư liệu về con thuyền này trở thành “mẫu mực” cho việc nghiên cứu tìm hiểu về thế giới thuyền bè truyền thống Việt Nam, vừa có câu chuyện, kiến thức dân gian, vừa có kiến giải bằng tri thức khoa học hiện đại. “Bây giờ muốn có bảo tàng hàng hải thì phải nghiên cứu như thế, chứ không thể cứ tìm rồi đưa cái thuyền vào bảo tàng, ném vào đấy nhưng không ai biết nó có gì đặc biệt cả. Khi anh nghiên cứu sâu, chỉ cần phân tích một điểm như ‘ván tè’ trong kinh nghiệm dân gian là gì, trong con thuyền có vai trò gì thì người đời sau mới hiểu được giá trị của kiến thức cha ông”, kỹ sư Đỗ Thái Bình nói.

Hoàn thành công việc tưởng chừng quá khó ấy, tưởng chừng ai cũng sẽ vồ vập lấy nó nhưng thực tế lại khiến người ta tuyệt vọng: sau ba năm khi con thuyền Phạm Huy Thông – Bạch Đằng 01 hạ thủy rời bến giương buồm trên sông Bạch Đằng thì nhóm nghiên cứu cũng chưa nhận được sự quan tâm tìm hiểu từ các trường đại học, học viện hay các cơ quan quản lý văn hóa. Ước mơ một ngày Việt Nam có bảo tàng hàng hải tương xứng với tri thức về sông biển cha ông để lại của TS Nguyễn Việt, kỹ sư Đỗ Thái Bình vẫn chưa thấy hi vọng trở thành hiện thực.

Một lần nữa, quan tâm đến con thuyền buồm Việt Nam lại là những người nước ngoài. Tim Severin và Ken Preston, hai vị khách yêu thuyền cổ Việt Nam đến Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á. Tim quay trở lại Việt Nam hội ngộ những người yêu thuyền bè sau hành trình đưa bè tre Sầm Sơn vượt Thái Bình Dương và lên gặp Nguyễn Việt. Còn Ken Preston, từng cùng John Doney theo đuổi giấc mơ “gìn giữ quá khứ hàng hải của Việt Nam” và khởi xướng lập Quỹ di sản thuyền gỗ Việt Nam1 đã tìm đến TS Nguyễn Việt để được xem toàn bộ tư liệu về con thuyền buồm ba vát được phục dựng này. Sau đó ông viết riêng một bài “A Vietnamese junk carries tradition into the future” [Thuyền buồm Việt Nam chở truyền thống vào tương lai] trên tạp chí Wooden Boat số tháng 5 năm 2018 để nhằm giới thiệu con thuyền truyền thống của Việt Nam đến đông đảo độc giả ở Mỹ, như trong lá thư Ken gửi cho Nguyễn Việt và Đỗ Thái Bình sau khi trở về. Kỹ sư Đỗ Thái Bình cho biết, với toàn bộ bản vẽ mà nhóm nghiên cứu đã dày công xây dựng, giới kỹ thuật thuyền bè có thể phục dựng con thuyền buồm cánh dơi cổ bất kỳ lúc nào. Ông cũng đã tặng một mô hình thuyền Phạm Huy Thông – Bạch Đằng 01 theo tỉ lệ 1/30 và tặng cho hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson vào năm 2018 khi con tàu cập bến Đà Nẵng để quảng bá hình ảnh thuyền bè Việt Nam.
 

“Dân gian mình có cả một kho tàng công nghệ dân gian về vấn đề đóng thuyền, để giải thích về kinh nghiệm đóng thuyền hằng nghìn năm nay. Nhưng tiếc là trước nay không ai ghi lại cả”, kỹ sư Đỗ Thái Bình chia sẻ. Ông kể với chúng tôi, ông biết thêm nhiều từ chuyên môn từ “những pho từ điển sống”. Ví dụ ông biết từ “chạy vát” là mô tả khi thuyền buồm đi ngược gió phải điều chỉnh hai cánh buồm lấy sức đẩy con thuyền và xiếm chống lực giạt để chạy ngược, sát gió. Những đứt gãy trong hiểu biết về tri thức dân gian mà ông bà ta chắt lọc trong câu thành ngữ dân gian vùng Đông Bắc “Chênh tè, nghểnh mạn, đứng đường hai/ Chạy vát đường dài chẳng kém ai” đến giờ mới được chắp nối. Để hiểu được câu ông Chắn đọc cũng là câu phổ biến mà người dân vùng Quảng Yên đọc, thì phải hiểu được về hàng hải, từ chạy vát lực như thế nào, mô men tác động vào cánh buồm như thế nào, thả xiếm ra sao… “đấy là cả một khoa học”, như ông Đỗ Thái Bình đánh giá.

Không thể giữ mãi con thuyền ở Quảng Yên nên TS Nguyễn Việt quyết định mang con thuyền mơ ước của mình trở về Trung tâm tiền sử Đông Nam Á ở Kim Bôi, Hòa Bình. Ngày chúng tôi lên viết bài này cũng là ngày con thuyền từ ven bờ biển Quảng Yên được đưa lên container “leo” lên đỉnh đồi ở Kim Bôi rồi yên vị ở đó để phục vụ công tác nghiên cứu của Trung tâm tiền sử. Kỹ sư Đỗ Thái Bình không khỏi tiếc nuối “chính ông Paris nêu một tấm gương đầu tiên, phác thảo ra vấn đề này, thế hệ của chúng ta đáng nhẽ phải đào sâu nhưng giờ chưa có ai tiếp nối…”.□

1 http://tiasang.com.vn/-khoi-nghiep/john-doney-me-thuyen-viet-4833

Tác giả

(Visited 153 times, 1 visits today)