Điểm nghẽn trong cơ chế tài chính giáo dục đại học

Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) của Việt Nam, phải tiến hành đổi mới đồng bộ mô hình quản trị và cơ chế tài chính. Một nền GDĐH dù được thiết kết và quản trị tốt đến mấy nhưng nếu không đủ nguồn lực tài chính hoặc nguồn lực không được phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả thì nền GDĐH cũng không thể tạo được những đột phá về chất lượng. “Điểm nghẽn trong cơ chế tài chính GDĐH” là phần I của loạt bài viết “Đổi mới cơ chế tài chính để nâng cao chất lượng đào tạo và công bằng xã hội trong GDĐH” của tác giả Trần Đức Viên*.

Thí sinh thảo luận sau khi làm bài thi đại học. Nguồn ảnh: Zing.

Từ nhiều năm nay, cơ chế tài chính của hệ thống GDĐH Việt Nam đang đối mặt với ba vấn đề lớn: (1) thiếu kinh phí, (2) bất bình đẳng và (3) thiếu tự chủ tài chính và không thống nhất về chính sách tài chính trong GDĐH.

Thiếu kinh phí

Thiếu kinh phí là vấn đề cần bàn đầu tiên bởi khi thiếu nguồn lực tài chính thì một nền giáo dục đại học dù được thiết kế và quản trị tốt đến mấy cũng sẽ không thể hoàn thành được những mục tiêu mà xã hội đang mong đợi về đảm bảo chất lượng nghiên cứu khoa học và giảng dạy cũng như dân chủ nội bộ và tự do học thuật. Thực tế các đại học ở Việt Nam cho thấy do thiếu kinh phí các trường buộc phải tăng quy mô đào tạo, tăng quy mô lớp, giảm giờ nghiên cứu khoa học cho cán bộ giảng dạy, giảm giờ thực tập, thực hành của sv…; sinh viên phải đóng thêm ‘chi phí hỗ trợ đào tạo’ trong khi giảng viên quá tải, không còn đủ thời gian cho nghiên cứu khoa học.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu kinh phí trước hết là do mức đầu tư của nhà nước cho các đại học còn thấp, chỉ chiếm 14% đầu tư của ngân sách nhà nước cho giáo dục, so với GDP thì tỷ lệ đầu tư công cho giáo dục đại học là 0,9%, thấp hơn mức 1% của các nước OECD và Mỹ. Do GDP của Việt Nam thấp nên nếu tính theo số tuyệt đối, đầu tư của nhà nước cho GDĐH ở Việt Nam còn thấp hơn các nước nêu trên rất nhiều.

Mức học phí cho các trường công cũng rất thấp do bị chặn tại mức trần theo quy định của Nghị định 49/2010/NĐ-CP (Bảng 1 và Bảng 2). Nếu chiếu theo mức học phí trung bình tính trên GDP đầu người ở các trường đại học thuộc nhóm xếp hạng khá ở Mỹ thì học phí ở Việt Nam sẽ cần tăng lên từ hai đến ba lần so với mức hiện nay. Tương tự như vậy, nếu chiếu theo mức học phí của Đại học Bắc Kinh là 26.000-30.000 NDT/năm, tương đương 60-70% GDP đầu người của Trung Quốc thì học phí của đại học Việt Nam cũng cần tăng lên khoảng 25-30 triệu VND/năm theo thời giá hiện tại. Các nghiên cứu của GS Martin Hayden về chính sách giáo dục Việt Nam (1990, 2005 và 2009) cũng chỉ ra rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo đại học Việt Nam, học phí nên ở mức 1.000-2.500 USD/năm. Công bố của Ngân hàng thế giới 2016 khi nghiên cứu chi phí đào tạo đại học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam (nghiên cứu điển hình) cũng cho kết quả tương tự. Chế độ học phí hiện hành mang nặng tính bao cấp của một thời đã qua, đó chính là tư tưởng của chủ nghĩa bình quân, cào bằng trong GD-ĐT, đang có nguy cơ làm triệt tiêu động lực trong GD-ĐT [1].

Bảng 1. Mức trần học phí với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 (Đơn vị: Triệu đồng/tháng/sinh viên).

Bảng 2. Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020 – 2021 (Đơn vị: Triệu đồng/tháng/sinh viên).

Các nguồn thu khác như nguồn thu từ dịch vụ xã hội, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, từ viện trợ, tài trợ, hiến tặng cũng quá thấp, trung bình chỉ khoảng 3% tổng nguồn thu hiện nay của các trường đại học.

Trong bối cảnh đó, để tăng chất lượng đào tạo, chỉ có hai cách: hoặc là giảm chỉ tiêu tuyển sinh để đảm bảo tỷ lệ giảng viên/sinh viên theo đúng tinh thần của Quyết định 09/2005/QĐ-TTg về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của TTCP, hoặc là tăng đầu tư nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học. Tăng học phí hay giảm chỉ tiêu để tăng chất lượng đào tạo đều có khả năng làm mất cơ hội học tập của một số sinh viên, nhất là con nhà nghèo. Tuy nhiên, giải pháp tăng học phí kèm theo chính sách cho sinh viên vay vốn học tập sẽ làm giảm nhẹ nguy cơ này hơn là giảm chỉ tiêu tuyển sinh [2].

Bất bình đẳng

Dường như cách tiếp cận học phí của chúng ta hiện nay là giữ học phí thấp để người nghèo có thể tiếp cận đại học. Tuy nhiên, cách tiếp cận này là sai lầm và nó có thể càng làm tăng bất bình đẳng xã hội vì (a) học phí thấp làm cho các trường không có đủ nguồn thu để cấp học bổng cho sinh viên nghèo, (b) học phí thấp dẫn đến đa số nguồn lực của trường phải dựa vào ngân sách nhà nước, nghĩa là chi phí đào tạo cho sinh viên, trong đó phần đa số là con em các gia đình khá giả chứ không phải các gia đình nghèo, lại được nhà nước bao cấp.

Một giải pháp cho vấn đề này là chương trình học bổng và tín dụng cho sinh viên nghèo. Hiện nay, học bổng cho sinh viên nghèo ở nước ta đã có nhưng không đáng kể. Về tín dụng, từ năm 2007, Nhà nước đã ban hành chương trình tín dụng sinh viên theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg và giảm được một phần gánh nặng cho một số sinh viên nghèo. Tuy vậy, mức cho vay còn thấp, chỉ đủ chi trả một phần chi phí sinh hoạt, học phí của sinh viên. Mặt khác, vì đối tượng cho vay dàn trải, và vì chưa áp dụng hình thức điều chỉnh mức cho vay theo khả năng tài chính và năng lực học tập của sinh viên nên Chương trình 157 chưa thực sự hỗ trợ được sinh viên nghèo, và cũng chưa tính đến khả năng chi trả của họ sau khi tốt nghiệp đại học.

Bất cập trong cơ chế tự chủ và giải trình về tài chính

Cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình về mặt tài chính còn nhiều bất cập. Các chính sách nhà nước (từ Nghị định 43/2006/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV, Nghị quyết 77/2014/NQ-CP, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP) đã bước đầu trao nhiều quyền tự chủ nói chung và tự chủ tài chính nói riêng cho các trường đại học, nhưng vẫn chưa đủ mạnh và linh động để giúp các trường có khả năng chủ động tự điều chỉnh chính sách của mình nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển và sự biến động nhanh chóng của thực tiễn quản lý. Ngay những trường được thí điểm có tự chủ về phần “thu” vẫn bị hạn chế rất nhiều về phần “chi”, ví dụ như quyền quyết định lương cho giảng viên, cán bộ, quyền quyết định chi các hoạt động tái đầu tư, liên doanh, hợp tác, mua sắm tài sản, trang thiết bị, xây dựng cơ bản, v.v…

Về phía các trường, vẫn còn thói quen ỷ lại, trông chờ bao cấp từ phía nhà nước. Các nhà quản lý thì còn e ngại, chưa dứt khoát trao quyền tự chủ nói chung và tự chủ tài chính nói riêng cho các trường đại học, một phần là do vẫn thiếu những cơ chế quy định trách nhiệm giải trình mà các đại học tiên tiến trên thế giới đang áp dụng như cơ chế quản trị chia sẻ được thể hiện qua quy định về chức năng và nhiệm vụ của Hội đồng trường, hoặc cơ chế đánh giá hiệu quả thực sự hoạt động của trường đại học như sự hài lòng của sinh viên và các nhà tuyển dụng. Cũng có người cho rằng, nguyên nhân sâu xa là do cán bộ thừa hành của các cơ quan quản lý nhà nước về GD-ĐT và  các bộ/ngành chủ quản chưa thực sự muốn trao quyền tự chủ cho các trường, do lo ngại mất quyền lực chi phối và quyền lợi thụ hưởng mà họ, dù muốn dù không, đã nghiễm nhiên được hưởng từ nhiều năm nay!

(Đón đọc phần 2: Giải pháp đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đại học)

——

Chú thích:
* Bài viết có sự đóng góp nội dung số liệu của PGS.TS Nguyễn Việt Long, TS. Trần Quang Trung, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

[1] Về quy mô, mục tiêu của giáo dục đại học Việt Nam đến 2020 là đạt 200 SV/vạn dân, nên không thể giảm quy mô tuyển sinh

[2] Theo khảo sát năm 2012 về chi phí đào tạo của Bộ GD&ĐT tại 65 trường ĐH, học phí chỉ đáp ứng 50% so với chi phí đào tạo theo các chuẩn đầu ra của năm 2012.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)