Điện mặt trời sáng trên những làng nằm xa điện lưới ở châu Phi
Tuy còn rất khiêm tốn so với các dự án năng lượng tái tạo đang được triển khai ở các nước công nghiệp phát triển nhằm cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, nhưng chính các hệ thống điện mặt trời nhỏ bé đang đóng một vai trò lớn lao và thiết yếu tại một số quốc gia châu Phi.
Nhu cầu sử dụng điện của Sara Ruto trở nên cấp thiết vào năm ngoái khi cô mua chiếc điện thoại di động đầu tiên, phương tiện không thể thiếu để cô nhận các khoản chuyển tiền, liên lạc với thân nhân ở thành phố, hay kiểm tra giá thịt gà ở chợ gần nhất.
Sạc điện thoại không phải vấn đề đơn giản ở nông thôn đặc biệt là những vùng xa lưới điện ở Kenya. Mỗi tuần, Ruto đi hai dặm để thuê một chuyến môtô chở khách, và chuyến đi mất tới 3 giờ để đến được Mogotio, thị trấn có điện gần nhất. Đến nơi, cô để điện thoại lại một cửa hàng và sạc điện với giá là 30 xu. Tuy nhiên, dịch vụ này đông khách tới mức cô phải để điện thoại lại sau 3 ngày mới có thể trở lại lấy.
Hệ thống điện mặt trời mini
Nhưng vào tháng hai cô không phải tiếp tục lịch trình nhọc nhằn này nữa vì gia đình cô đã bán một số vật nuôi và lấy số tiền đó để mua một hệ thống điện mặt trời được làm từ Trung Quốc với giá khoảng 80 đô. Hiện tại trên nóc mái tôn của nhà cô, bảng năng lượng mặt trời này được cài đặt ngay ngắn, cung cấp đủ điện để sạc điện thoại và chạy bốn đèn sáng có kèm theo công tắc.
“Chiếc điện thoại là nguyên nhân chính ban đầu, nhưng việc lắp đặt hệ thống điện đã thay đổi nhiều thứ khác nữa”, Ruto ngồi thư giãn trong 1 căn lều vách đất mà cô chung sống cùng chồng và các con năng lượng tái tạo quy mô nhỏ trở nên rẻ, ổn định và hiệu quả hơn, nó đem lại nguồn điện cho những người sống ở xa lưới điện hay xa các đường ống dẫn nhiên liệu ở các nước đang phát triển. Tuy còn rất khiêm tốn so với các dự án năng lượng tái tạo đang được triển khai ở các nước công nghiệp phát triển nhằm cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, nhưng chính các hệ thống nhỏ bé này đang đóng một vai trò lớn lao và thiết yếu.
Kể từ khi Ruto kết nối với hệ thống điện này thì những đứa con nhỏ của cô đạt điểm số cao hơn vì chúng có đủ ánh sáng để học tập. Những đứa bé hơn thì tránh được những nguy hiểm từ đèn dầu. Và mỗi tháng, cô tiết kiệm được khoảng 15 đô chi phí cho dầu và pin, và 20 đô trước kia vẫn phải dùng cho các chuyến đi sạc điện thoại ngoài thị trấn.
Thực tế là bây giờ những người hàng xóm trả cô 20 xu để sạc nhờ điện thoại, tuy rằng công việc kinh doanh kiểu này sẽ sớm phải giải tán vì gần đây đã có 63 gia đình ở Kiptusuri cài đặt của hệ thống điện mặt trời cho gia đình của mình.
“Bạn có thể bỏ qua nhu cầu dùng đến những đường dây tải điện cố định cung cấp cho các khu vực”, ông Adam Kendall, người đứng đầu dự án năng lượng châu Phi vùng hạ Sahara của McKinsey & Company, một công ty tư vấn toàn cầu. “Nguồn năng lượng tái tạo ngày càng trở nên quan trọng hơn tại các nước đang phát triển”.
Liên Hiệp Quốc ước tính rằng 1.5 tỉ người trên toàn cầu vẫn không có điện để dùng trong đó ở Kenya có tới 85% dân số sống thiếu điện, và hiện có 3 tỉ người vẫn nấu và đun hằng ngày bằng củi hoặc than.
Không có số liệu chính xác về sự lan rộng của nguồn năng lượng tái tạo ở quy mô nhỏ tại những vùng nằm xa các lưới điện quốc gia, một phần vì các dự án thường được thực hiện bởi các cá nhân họăc là các tổ chức phi chính phủ rất nhỏ.
Nhưng Dana Younger, cố vấn cấp cao về năng lượng tái tạo tại Tổng công ty Tài chính Quốc tế, nguồn vay tư nhân của nhóm Ngân hàng Thế giới, nói rằng không có gì phải nghi ngờ nữa rằng xu hướng trên đang ngày một gia tăng. “Đó là một hiện tượng đang lan rộng khắp Thế giới, một số lượng lớn các hệ thống này đang được cài đặt khắp nơi” Dana Younger nói.
Với sự ra đời của các bảng điện mặt trời giá rẻ và những chiếc đèn LED đầy hiệu quả, có thể giúp thắp sáng một căn phòng với chỉ 4W điện, thay vì phải dùng 60W, những hệ thống điện mặt trời loại nhỏ nay có thể cung cấp nguồn điện hữu ích với mức giá mà ngay cả người nghèo cũng có đủ khả năng để sử dụng. “Bạn có thể thấy những người gia súc ở khu vực Nội Mông sử dụng các bảng điện mặt trời được lắp ngay trên lều của họ”, ông Younger nói.
Tại châu Phi, các hệ thống thị trường mới đã nổi lên ở Ethiopia, Uganda, Malawi và Ghana cũng như ở Kenya, cho biết từ Francis Hillman, một doanh nhân về năng lượng, người gần đây đã chuyển công việc kinh doanh từ các dự án năng lượng tái tạo lớn được tài trợ bởi các tổ chức phi chính phủ sang kinh doanh những hệ thống nhỏ có thể lắp đặt trên mái nhà.
Ngoài các dự án năng lượng tái tạo nhỏ, công nghệ năng lượng tái tạo được thiết kế cho người nghèo còn bao gồm các buồng khí sinh học đơn giản dưới lòng đất để làm nhiên liệu và điện từ phân của những con bò, và những trạm thuỷ điện loại nhỏ có thể khai thác điện năng từ một con sông địa phương cho toàn bộ ngôi làng.
Cần mạng lưới phân phối hiệu quả
Dù các hệ thống điện tự phát nằm xa lưới điện này đã chứng tỏ được giá trị của chúng, nhưng việc thiếu một mạng lưới phân phối hiệu quả và thiếu một phương thức ổn định để chi trả cho những chi phí ban đầu đã ngăn chặn chúng phổ biến hơn.
“Vấn đề lớn đối với chúng ta hiện nay là chúng ta chưa có mô hình kinh doanh chuẩn nào”, theo lời ông John Maina, điều phối viên của tổ chức Dịch vụ Phát triển Cộng đồng bền vững, hay còn gọi là Scode, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Nakuru, Kenya, nay đang nỗ lực với mục tiêu đưa điện về nông thôn.
Một vài năm trước, ông Maina đã nói, “đèn năng lượng mặt trời” đã chỉ đơn thuần là những chiếc đèn lồng cơ bản, mờ và không ổn định.
“Cuối cùng, các sản phẩm mới đã xuất hiện, người dân yêu cầu được cung cấp và họ và sẵn sàng trả chi phí. Nhưng chúng tôi không thể đáp ứng được”, ông nói. Những tổ chức nhỏ ở châu Phi như tổ chức của ông không có khả năng và quan hệ để tự đặt hàng với số lượng lớn từ các nhà sản xuất từ xa, buộc họ phải vật lộn tìm mua mỗi khi có một chuyến hàng được nhập khẩu vào.
Một phần của vấn đề là do các hệ thống mới này trái với những khuôn mẫu truyền thống, trong đó năng lượng điện được tạo ra bởi một số ít các công ty lớn của chính phủ có vai trò mở rộng dần lưới điện vào các khu vực nông thôn. Các nhà đầu tư không muốn đổ tiền vào các sản phẩm phục vụ thị trường rải rác của người tiêu dùng nghèo ở nông thôn vì họ nhìn thấy rủi ro là quá cao.
“Có rất nhiều dự án nhỏ thành công, nhưng chúng cần phải mở rộng quy mô”, ông Minoru Takada, giám đốc chương trình năng lượng bền vững của Liên Hợp Quốc cho biết. “Hệ thống điện tự phát ngoài lưới là lời giải đáp cho người nghèo. Nhưng những người kiểm soát nguồn vốn tài trợ còn phải xem xét lựa chọn này liệu có thể điều phối một cách khả thi hay không”.
Ngay cả các chương trình của Liên Hiệp Quốc và các quỹ chính phủ Hoa Kỳ thúc đẩy nguồn năng lượng than thiện với khí hậu ở các nước đang phát triển cũng thiên vềcác dự án lớn như các trang trại điện gió hoặc những dự án năng lượng điện mặt trời với quy mô công nghiệp đủ để cung cấp vào lưới điện. Tài trợ vào một dự án năng lượng mặt trời khoảng 300 triệu USD là dễ dàng để cấp vốn và kiểm soát hơn là tài trợ cho một dự án với 10 triệu hệ thống điện quy mô gia đình cho các hộ nghèo trên một lục địa.
Kết quả là, tiền không chảy vào những khu vực nghèo nhất. Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã ước tính rằng trong số 162 tỉ đô đầu tư vào năng lượng tái tạo thì có 44 tỉ đô đã được chi tiêu chung cho Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, và chỉ có 7,5 tỉ đô chi cho các quốc gia nghèo hơn.
Chỉ có 6-7% tấm pin mặt trời được chế tạo để sản xuất điện mà không đưa vào lưới điện, trong đó bao gồm các hệ thống như của Ruto và những tấm pin sử dụng năng lượng mặt trời chiếu sáng ở các bãi đậu xe, và các sân vận động ở Mỹ.
Tuy nhiên, một số mô hình mới đang nổi lên. Husk Power Systems, một công ty trẻ được sự hỗ trợ bởi các nguồn đầu tư của tư nhân và các quỹ phi lợi nhuận, đã xây dựng 60 nhà máy điện quy mô cỡ làng ở nông thôn Ấn Độ, sản xuất điện từ vỏ trấu tại 250 thôn, bản từ năm 2007.
Ở Nepal và Indonesia, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc đã tài trợ xây dựng rất nhiều nhà máy thủy điện nhỏ, mang điện cho các cộng đồng miền núi xa xôi. Ma Rốc trợ cấp 100 USD cho mỗi hệ thống cung cấp điện mặt trời ở các vùng sâu vùng xa nông thôn, nơi mà việc mở rộng điện lưới quốc gia quá tốn kém.
Thị trường hứa hẹn cho năng lượng tái tạo
Điều đã làm một số chuyên gia trong lĩnh vực này cảm thấy ngạc nhiên là sự xuất hiện gần đây của một thị trường thực sự ở châu Phi đối với các hệ thống cấp điện tái tạo ở quy mô gia đình và các thiết bị giúp tiêu thụ ít năng lượng hơn. Do chi phí của các thiết bị chất lượng ổn định được giảm xuống, các gia đình sẵn sàng hơn bao giờ hết để mua chúng, ví dụ như bằng cách bán một con dê, hay mượn tiền từ những người thân quen ở hải ngoại.
Sự bùng nổ của việc sử dụng điện thoại di động ở vùng nông thôn châu Phi là một nguyên nhân thúc đẩy lớn. Nhiều vùng nông thôn châu Phi không có ngân hàng, nên điện thoại di động được dùng như một dụng cụ cho các giao dịch thương mại cũng như thông tin liên lạc cá nhân, khiến người dân buộc phải có nhu cầu cần sạc điện thoại.
M-Pesa, hãng dịch vụ chuyển tiền qua điện thoại lớn nhất của Kenya, hàng năm chuyển một lượng tiền tương tương lên tới hơn 10 % tổng sản phẩm quốc nội, hầu hết là qua thực hiện các giao dịch nhỏ hiếm khi vượt quá 20 USD.
Các hệ thống năng lượng tái tạo rẻ tiền cũng cho phép người nghèo nông thôn tiết kiệm tiền bằng việc đỡ phải sử dụng nến, than, pin, gỗ và dầu hỏa. “Vì vậy, người dân có khả năng chi trả và sẵn sàng trả,” ông Younger của Tổng công ty Tài chính Quốc tế cho biết.
Ở một làng Kenya khác, Lochorai, Alice Wangui 45 tuổi và Agnes Mwaforo 35 tuổi, trước đây đều là những nông dân làm đủ ăn, hiện giờ đang điều hành một doanh nghiệp phát đạt với việc bán và lắp đặt những chiếc bếp lò tiết kiệm nhiên liệu bằng đất sét và kim loại để đun nấu củi với chi phí là 5 USD. Mặc đồng phục với áo và váy màu cam sáng, họ đi bộ xuống những con đường đất với điện thoại di động thường trực gắn ở tai, lách qua những con dê và những chú cún để đến phục vụ những khách hàng đang trong danh sách chờ.
Khom mình trên chiếc bếp mới, bà Naomi Muriuki 58 tuổi nấu một nồi hầm khoai tây và đậu. Bà cho biết thiết bị này đã giúp giảm đi hơn một nửa lượng củi đun của bà. “Củi đun trở nên đắt tiền và khó kiếm hơn khi mà chính phủ đang cố gắng hạn chế nạn phá rừng” bà nói thêm.
Ở Tumsifu, bà Virginia Wairimu, 35 tuổi, một nông dân chăn nuôi bò sữa với cuộc sống khá giả hơn một chút, nay được hưởng lợi từ một bể ngầm chứa phân thải từ 3 con bò của bà, chuyển hoá số phân này thành khí sinh học sau đó bơm qua một ống cao su để sử dụng làm gas đun nấu.
“Tôi chỉ việc thức dậy và làm bữa sáng” bà Wairimu nói. Hệ thống này được tài trợ bằng một khoản vay 400 USD từ một dự án thí điểm từ lâu đã bị ngừng hoạt động.
Ở Kiptusuri, các hệ thống đèn Firefly LED được mua bởi bà Ruto có thể coi là một dụng cụ thiết yếu. Chiếc nhỏ nhất có chi phí là 12 USD bao gồm một bảng thu năng lượng mặt trời có thể được đặt trên cửa sổ hoặc trên mái nhà và được kết nối với một chiếc đèn bàn và bộ sạc điện thoại. Những chiếc có dung lượng lớn hơn có thể dùng để chạy radio và ti vi đen trắng.
Tất nhiên, những hệ thống như vậy không thể so sánh được với điện lưới ở các nước công nghiệp. Nếu trời mưa trong một tuần sẽ tương ứng với việc không có điện để dùng. Và các vật dụng như tủ lạnh sẽ cần nguồn năng lượng lớn hơn và ổn định hơn so với lượng điện mà một bảng điện mặt trời có thể cung cấp.
Tuy nhiên ở Kenya, điện lưới cũng thất thường và tốn kém, các gia đình phải trả hơn 350 USD để được nồi điện.
“Với hệ thống này, bạn nhận được ánh sáng thực sự với mức chi phí bằng lượng dầu hỏa bạn dùng trong một vài tháng”, ông Maina ở tổ chức Dịch vụ Phát triển Cộng đồng bền vững cho biết. “Khi bạn có thể thắp sáng nhà và sạc điện thoại, điều đó thật giá trị”.
(Elisabeth Rosenthal, New York Times)