Điều chỉnh tỷ giá – giải pháp tạm thời nhưng buộc phải làm

Việc điều chỉnh sâu tỷ giá VND/USD của Ngân hàng Nhà nước mới đây là bước đi không tránh khỏi, nhưng nó không giúp giải quyết bài toán lớn hơn là thay đổi một cơ cấu sử dụng, chi tiêu ngoại hối bất cân đối của quốc gia, mà đây mới thực sự là vấn đề nhức đầu của Chính phủ.

Việc tăng tỷ giá VND/USD thêm 9,3% của Ngân hàng Nhà nước gần đây thực sự là một cơn sốc đối với thị trường. Từ trước đó thị trường đã ít nhiều dự đoán về việc không tránh khỏi điều chỉnh tỷ giá, nhưng ít người hình dung Ngân hàng Nhà nước lại tiến hành điều chỉnh sâu một cách đột ngột như vậy.

Việc điều chỉnh có thể tránh khỏi không?

Một số ý kiến của chuyên gia cả trong nước lẫn nước ngoài cho rằng cách làm này của Ngân hàng Nhà nước là chưa hợp lý, vì hai lý do. Thứ nhất, điều chỉnh để đồng USD tăng giá so với VND khiến hàng hóa nhập khẩu tăng giá, gây sức ép lên lạm phát và gián tiếp gây sức ép lên cả lãi suất. Hệ lụy này gây khó cho cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất. Thứ hai, đồng USD lên giá khiến các khoản vay bằng đồng USD càng trở nên khó trả nợ hơn. Có khả năng sẽ xuất hiện thêm các đơn vị đi vay phải xin hoãn thanh toán nợ, tương tự như Vinashin gần đây. Như vậy, việc điều chỉnh tỷ giá bị cho là gây tác động tiêu cực tới cả tiêu dùng, sản xuất, và vay trả nợ của doanh nghiệp, tựu chung lại sẽ khiến Chính phủ phải hy sinh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều chuyên gia chưa lưu tâm đúng mức là: trong khoảng ngắn hạn, Chính phủ có cách điều hành nào tốt hơn không?

Bức tranh tỷ giá trực tiếp phản ánh tình trạng cán cân thanh toán của quốc gia. Từ nhiều năm nay, dòng tiền vào từ nguồn thu xuất khẩu chênh lệch trầm trọng so với nguồn chi cho nhập khẩu. Mức nhập siêu trong năm 2010 là 12,4 tỷ USD (1), tức là trung bình mỗi tháng hơn 1 tỷ USD. Để bù đắp lượng thâm hụt thương mại khổng lồ này, Việt Nam thường dựa nhiều vào nguồn ngoại hối từ đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) hoặc gián tiếp, kiều hối, các khoản vay nước ngoài, và trích bù đắp từ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, việc bù đắp nói trên chỉ có thể coi là giải pháp mang tính thời vụ. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ngày càng mỏng. FDI năm 2010 giảm, chỉ bằng 82,2% so với 2009. Vay nợ không thể coi là giải pháp nghiêm túc để bù đắp cán cân thanh toán, đặc biệt là khi tất cả các ngưỡng an toàn nợ công mà Chính phủ đang cân nhắc gần đây (60% hay 65% GDP?) đều đang lần lượt có nguy cơ bị đe dọa vượt ngưỡng (2). Các khoản đầu tư nước ngoài gián tiếp kiểu đầu tư vào chứng khoán lại càng mang tính chất thời vụ, không phải là nguồn ngoại hối lâu dài để có thể bù đắp cho thậm hụt thương mại.

Qua đó thấy rằng về cơ bản, để cân bằng cán cân thanh toán trong lâu dài thì cán cân thương mại phải tự nó sẽ phải cân bằng, hoặc tiến triển theo xu hướng dần dần tự cân bằng. Những nguồn ngoại hối khác chỉ có thể phần nào bù đắp trong ngắn hạn.

Trong năm 2010 Ngân hàng Nhà nước phải gồng mình sử dụng biện pháp cực chẳng đã là bào mòn quỹ dự trữ ngoại hối. Cách làm này không lâu dài, và thường xuyên vấp phải chỉ trích từ các tổ chức đánh giá tín nhiệm tài chính quốc gia. Trong năm 2011, Ngân hàng Nhà nước cũng vẫn có thể tiếp tục biện pháp tạm thời và khá mạo hiểm này, giống như đánh một canh bạc với hi vọng rằng trong năm 2011 các nguồn ngoại hối khác sẽ bằng phép màu nào đó tự nhiên đầy lên để cùng chung sức gồng gánh sức ép ngày một đè nặng lên quỹ dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, có lẽ họ cũng đã dự kiến về nguồn vay và đầu tư nước ngoài rồi, thấy rằng những nguồn này có lẽ là không đủ để có thể dựa vào.

Tại sao 9,3%?

Như vậy, việc giảm giá VND so với USD là tất yếu, nhưng tại sao lại điều chỉnh tới 9,3%?

Có thể đây là con số mà Ngân hàng Nhà nước đã tính toán và thấy là cần thiết để giúp cân bằng cán cân thanh toán trong một khoảng thời gian tương đối dài (có thể là 6 tháng – 1 năm).

Vậy tại sao không điều chỉnh ít một từng bước để thị trường dần dần thích nghi (ví dụ: mỗi tháng 1-2%)? Câu trả lời có lẽ Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra là chính sách điều chỉnh kiểu từ từ sẽ tạo ra tâm lý kỳ vọng. Thị trường sẽ dự đoán trước được khá sát mức điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước và điều này tạo ra động cơ găm giữ đồng USD xuyên suốt cả năm. Tâm lý này sẽ đẩy giá USD trên thị trường chợ đen cao hơn mức cân bằng cung cầu, càng gây khó khăn hơn cho tiêu dùng và sản xuất. Trong khi nếu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh quyết liệt một lần, và thể hiện sự trung thành với mức giá mới trong một thời gian đủ lâu thì thị trường sẽ có đủ cơ sở để tin vào tín hiệu mà những người làm chính sách tiền tệ đã đưa ra. Tâm lý găm giữ ngoại tệ sẽ sớm được giải tỏa sau khi cơn sốc ban đầu qua đi.

Có phải là giải pháp lâu dài?

Chắc chắn là không! Nhưng nó cần thiết để từng bước định hình một chính sách tỷ giá giúp nền tài chính tiền tệ phát triển bền vững hơn. Việc Ngân hàng Nhà nước  điều chỉnh tỷ giá sâu như đã làm vừa qua khiến các ngân hàng thương mại mất một nguồn thu mua USD với giá rẻ từ Ngân hàng Nhà nước, làm tăng nhu cầu mua từ thị trường tự do và qua đó gián tiếp đội giá USD trên thị trường tự do. Tuy nhiên, như thế mới là gần với giá thực tế của đồng USD so với VND khi nền kinh tế không còn phải ăn bám từ quỹ dự trữ ngoại hối.

Điều cần làm tiếp theo là củng cố các tiền đề để giúp cán cân thanh toán được cân bằng mà không cần phải điều chỉnh giảm giá một cách quyết liệt tương tự trong tương lai.

Trước mắt giá USD tăng có thể tạm thời làm nhu cầu mua hàng hóa nhập khẩu như ô tô và iPhone giảm xuống, giúp phần nào giảm nhập siêu. Nhưng về lâu dài mục tiêu chiến lược phải là một những nguồn thu ngoại hối ổn định và bền vững hơn. Nguồn thu đó phải bắt nguồn từ sản xuất hàng hóa xuất khẩu thay vì xuất đi tài nguyên và nguyên liệu thô khác. Cần ghi nhận rằng nguồn thu từ xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua đã bớt dần lệ thuộc vào xuất khẩu dầu thô.

Tuy nhiên, điều đáng lo là khả năng ứng dụng công nghệ của các nhà sản xuất còn thấp, khiến Việt Nam phải nhập nhiều hàng hóa đã chế biến sẵn từ nước ngoài, vì vậy hàm lượng nhập khẩu bên trong hàng hóa xuất khẩu vẫn quá cao.

Công nghệ thấp, trình độ quản lý hạn chế, nên dù nhân công rẻ thì dòng ngoại hối từ bên ngoài không chảy vào đầu tư sản xuất, mà chủ yếu vẫn đầu tư vào bất động sản. Năm 2010 đầu tư nước ngoài cho bất động sản là 6,8 tỷ USD, tức là hơn 36% FDI. Như vậy, một phần lớn lượng FDI vào Việt Nam không trực tiếp tạo ra của cải để đổi lấy ngoại tệ giúp cân bằng cán cân thanh toán. Một phần nào đó trong số FDI đầu tư vào bất động sản này có thể sẽ tạo ra các khu công nghiệp, các văn phòng cho thuê, giúp kéo ngoại hối vào Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả sẽ chỉ là động thái nhất thời nếu nền sản xuất của chúng ta không được cải thiện. Những chung cư cao tầng do nhà đầu tư nước ngoài dựng lên hiện nay đang hút ngược thu nhập của người Việt, để lợi nhuận của nhà đầu tư chuyển thành ngoại hối chảy về chính quốc.

Quay lại việc điều chỉnh sâu tỷ giá VND/USD của Ngân hàng Nhà nước, đó là bước đi không tránh khỏi. Nhưng nó không giúp giải quyết bài toán lớn hơn là thay đổi một cơ cấu sử dụng, chi tiêu ngoại hối bất cân đối của quốc gia. Đây mới thực sự là vấn đề nhức đầu của Chính phủ, trong bối cảnh bản thân Nhà nước cũng đang gặp vấn đề về cân đối thu chi ngân sách, và chưa thể hiện được một giải pháp rõ ràng để cải thiện hiệu quả sử dụng đồng tiền. Tuy nhiên, chính trong bối cảnh đó, việc giảm giá lại càng cần thiết, để các nhà quản lý và làm chính sách cảm nhận rõ hơn hơi thở nóng từ thực tế nền tài chính tiền tệ của Việt Nam.

(1) Các số liệu trong bài viết này lấy từ Tổng cục Thống kê.
(2) Trong bài An toàn nợ công – Những câu hỏi cốt lõi đăng trên Tia Sáng hồi tháng 6/2010, tác giả đã nhận định rằng 60% GDP là ngưỡng an toàn không nên bị phá.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)