Điêu đứng số phận Motorola
Một năm trước Google mua lại Motorola và sự kiện này trở thành một tiêu điểm chấn động trong ngành công nghệ. Một năm sau Google mở màn một cuộc “đại phẫu” cho Motorola: Cắt giảm 4.000 nhân viên trên toàn thế giới, đóng cửa 1/3 các cơ quan.
Google dùng 12.5 tỉ đô la mua lại Motorola, nhân viên trong công ty không ai không nghĩ tới chuyện sẽ có một cuộc cải tổ lại cơ cấu, điều chỉnh nhân viên, cắt giảm nhân viên. Vì vậy, không thiếu những luận điệu bi quan, cho rằng điều Google quan tâm chỉ đơn giản là những bản quyền sáng chế của Motorola, sau khi hết giá trị lợi dụng thì Motorola cũng không còn bất cứ giá trị nào.
Công cuộc cắt giảm nhân viên này cho thấy với 13 năm phát triển của mình Google vẫn còn thiếu một vốn văn hóa ứng xử, họ hoàn toàn không quan tâm tới nhân viên, thiếu công bằng và nhẫn nại trong việc xử lý cắt giảm nhân sự. Điều này cũng có thể gây ảnh hưởng tới hình tượng của Google.
Biên tập Marcus Wohlsen của tạp trí Wired nói rằng, lần cắt giảm nhân viên này không giống như cách hành xử của Google, bởi Google chưa từng có một cuộc cắt giảm nhân viên nào với quy mô lớn như vậy. Năm 2009 Google chỉ cắt giảm hơn 200 nhân viên, và với tình trạng suy thoái kinh tế lúc bấy giờ thì đó không coi là một cuộc cắt giảm.
Trên thực tế Google luôn luôn xuất hiện với hình tượng “Ông chủ tốt nhất”. Phòng làm việc thoải mái, nhà ăn với thức ăn phong phú, thoải mái trong những kỳ nghỉ phép. Gần đây thông tin về phúc lợi cho nhân viên của Google càng làm cho người ta phải ngưỡng mộ: Nếu nhân viên bị chết thì người vợ hay chồng có thể nhận một nửa số lương của nhân viên trong vòng mười năm. Con cái chưa tới tuổi vị thành niên có thể nhận được 1000$ cho tới khi 19 tuổi.
CEO mới của Motorola do Google cử tới là Dennis Woodside bản thân khét tiếng thẳng tay. Hành động đầu tiên cũng cho thấy Dennis Woodside đã thẳng thừng làm một cuộc “đại phẫu” đối với Motorola.
Số phận của Motorola sẽ ra sao?
Chuyển đổi hay tiếp tục bị bán rẻ? Dennis Woodside cho biết, ngoài việc cắt giảm nhân viên, công ty còn có kế hoạch cắt giảm những thị trường đầu tư thiếu giá trị, ngừng các sản phẩm thấp, không sử dụng chiến thuật sản xuất hàng loạt mà chỉ làm một số ít. Đồng thời Google còn tái cơ cấu quản lí của Motorola, cắt giảm 40% số lượng phó tổng. Tương lai, Motorola sẽ giảm thị phần ở Ấn Độ và Châu Á, đưa việc nghiên cứu chủ yếu về Chicago, Sunnyvale và Bắc Kinh.
Hiện nay với mục tiêu phát triển điện thoại di động của mình Google chắc chắn sẽ không để cho Motorola giữ quá nhiều công việc về marketing, mà chỉ đơn giản là một cánh cửa bước ra ngoài thị trường của Google. Điều mà Google quan tâm có lẽ chính là 17000 bằng sáng chế của Motorola và hi vọng điều đó sẽ giúp Android chống lại với sự áp đảo thị trường của Apple.
Cũng không loại trừ khả năng Google sẽ học Apple mà đưa các nguồn lực sẵn có của mình vào việc phát triển Motorola. Motorola sẽ trở thành một bước đột phá tiến ra thị trường di động của Google. Gần đây còn có những thông tin về việc Google sẽ nghiên cứu hệ thống phần mềm độc lập cho Motorola.
Apple – Samsung chiếm lĩnh thị trường
Sự suy thoái hàng loạt từ các hãng điện thoại di động trên thực tế có thể không liên quan tới việc suy thoái kinh tế. Đương nhiên, trước mắt tất cả các công ty di động trên thế giới đều gặp phải khó khăn. Không phải mình Motorola lâm vào tình trạng khó khăn, đến như Nokia gần hai tháng trước cũng đưa ra kế hoạch cắt giảm 10000 nhân viên từ nay cho tới cuối năm 2013, đồng thời cũng bán đi thương hiệu Vertu của mình.
Nokia hoàn toàn đặt cược vào hệ thống WP của Microsoft. Blackberry thì càng thê thảm hơn, thậm chí có khả năng bị bán. Công tác vận hành yếu kém khiến lợi nhuận giảm sút thể hiện qua những báo cáo tài chính không lợi nhuận của HTC, ngoài ra còn lâm vào tình trạng tăng lượng mà không tăng doanh thu.
Trái ngược với hiện tượng này thì Apple và Samsung vẫn đang phát triển một cách mạnh mẽ. Ít tuần trước Apple đạt kỷ lục mới, trở thành công ty có giá trị lớn nhất trên thế giới. Thị trường Smartphone cho tới nay vẫn cứ là một thị trường béo bở, nhưng đang cạnh tranh quá kịch liệt. Thị trường này đang bị chi phối trong tay Samsung và Apple. Khó khăn cho những công ty còn lại là chuyện đương nhiên.
Đây là một cuộc đào thải. Từ khi iPhone của Apple xuất hiện, tất cả mọi thứ đều đã thay đổi, Motorola mất đi vị thế từng đình đám một thời, Nokia cũng không còn giữ được ngôi bá chủ.
Năm 2007 khi Apple thử nghiệm Iphone đời đầu đã có không thiếu những tiếng cười chế nhạo. Nhưng bây giờ những đối thủ của Apple đã phải trả giá về sự chủ quan của mình, do iPhone đã hoàn toàn thay đổi cách sử dụng của người dùng. Tuy nhiên, cũng không ít công ty vận dụng sự thay đổi này và chớp được cơ hội để đạt được thắng lợi như Samsung.
Đầu năm nay, di động của Samsung được bán ra cao hơn hẳn so với Nokia, giành vị trí đứng đầu về điện thoại. Trên thị trường smartphone trong năm 2012 Samsung và Apple chiếm tới 49.2% thị phần, HTC, Nokia, Blackberry, ZTE chiếm 17.5% thị phần, còn lại là Motorola và rất nhiều các thương hiệu khác. Để tiếp tục không ngừng cải tiến kĩ thuật, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng gắt gao của người tiêu dùng, và tạo được một sự bứt phá lên ngôi cho các công ty khác là chuyện không hề dễ dàng!
Nhị Giang dịch