Điều gì ảnh hưởng đến năng lực đầu tư cho các công nghệ xanh?

Các nhà nghiên cứu cho rằng, giữa vô vàn yếu tố ảnh hưởng thì quan điểm đầu tư vào R&D và việc có sẵn Chứng nhận Tiêu chuẩn Môi trường (ESC) là yếu tố quan trọng để các công ty vừa và nhỏ Việt Nam đầu tư vào các công nghệ xanh.

Nơi sản xuất mỳ Chũ Trại Lâm với sản phẩm mỳ ngũ sắc Thuận Hương được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Nga, Singapore… Ảnh: Mỹ Hạnh

Đó là nội dung của công trình “Effects of R&D, networking and leadership roles on environmental innovation adoption in Vietnam’s SMEs” (Các ảnh hưởng R&D, mạng lưới hợp tác và những vai trò dẫn dắt lên sự chấp thuận trong môi trường đổi mới sáng tạo ở các công ty vừa và nhỏ Việt Nam) được xuất bản trên tạp chí Economic Research-Ekonomska Istraživanja của nhà xuất bản Francis& Taylor 1. Công trình do nhóm tác giả Lê Thanh Hà (ĐH Kinh tế quốc dân HN), Đoàn Ngọc Thắng và Tô Trung Thành (Học viện Ngân hàng) thực hiện nhằm “tìm hiểu tác động trực tiếp và vai trò điều tiết của nhà quản lý đối với các tính chất dựa trên mối liên hệ giữa định hướng quốc tế của một công ty, nguồn lực nội tại và các quyết định đổi mới sáng tạo xanh của nó” như thế nào.

Để thực hiện nghiên cứu này, họ đã sử dụng bộ dữ liệu có sẵn trong khảo sát doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam giai đoạn năm 2011 đến năm 2015, do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thực hiện 2. Cuộc khảo sát được tiến hành trên 2.600 doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo tại các 10 tỉnh, thành phố bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An. Các nhà nghiên cứu đánh giá, “trong cơ sở dữ liệu này, hầu hết các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều có quy mô siêu nhỏ (59,52%) hoặc quy mô nhỏ (39,4%)”.

Các nhà nghiên cứu giải quyết vấn đề dựa trên các vấn đề: 1) Việc đầu tư cho R&D với giả thuyết “R&D liên quan tích cực đến việc thực hiện đổi mới xanh”; 2) Năng lực tổ chức với giả thuyết “Chứng nhận Tiêu chuẩn Môi trường có sẵn sàng thúc đẩy sự thi hành các đổi mới sáng tạo xanh”; 3) Mạng lưới hợp tác với hai giả thuyết “việc có hợp tác với các ngân hàng, cơ quan chính phủ và mạng truyền thông nội bộ thúc đẩy thi hành đổi mới sáng tạo xanh của công ty”, “Có các mối hợp tác với những đối thủ cạnh tranh có làm giảm thi hành đổi mới sáng tạo xanh”; 4) Vai trò lãnh đạo với giả thuyết “các đặc điểm cá nhân của nhà quản lý, như giới, trình độ học vấn, hiểu biết quy định luật pháp về môi trường, liên quan gì đến sự thi hành đổi mới sáng tạo xanh”: 6) Hiệu quả điều phối của lãnh đạo với giả thuyết “các đặc điểm cá nhân của nhà quản lý điều phối mối quan hệ giữa xuất khẩu, R&D, và thi hành đổi mới sáng tạo xanh”.

Kết quả phân tích dựa trên dữ liệu cho thấy, 16% doanh nghiệp được khảo sát đã thực hiện các đổi mới liên quan đến môi trường, gần 10% doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, 90% doanh nghiệp có hợp tác với đối thủ cạnh tranh, gần 83% với ngân hàng và gần 71% có quan hệ với các cơ quan chính phủ. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp nhận được hỗ trợ của chính phủ chỉ gần 18%), tỷ lệ doanh nghiệp có nối mạng Internet, có web site và email lần lượt là 32,9%, 17,1% và 17,9%. Về đặc điểm của chủ doanh nghiệp, gần 20% cán bộ quản lý là nam giới và chỉ dưới 18% có kiến ​​thức tốt về pháp luật môi trường.

Hầu hết các doanh nghiệp có Chứng nhận Tiêu chuẩn Môi trường chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. “Căn cứ vào Nghị định 80/2006 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường, các doanh nghiệp phải nộp bản đánh giá tác động môi trường (EIA) để được cấp Chứng nhận Tiêu chuẩn Môi trường. Đánh giá tác động môi trường yêu cầu các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề môi trường khác nhau, bao gồm chất lượng không khí, ô nhiễm nước, xử lý chất thải, suy thoái đất, tiếng ồn và nhiệt. Nếu họ tuân thủ các yêu cầu này, doanh nghiệp họ sẽ nhận được chứng nhận ESC”, các nhà nghiên cứu nhận xét.

Trong năm 2011, gần 40% trong ngành thực phẩm và đồ uống, ngành cao su và chế biến, chế tạo nhưng đến năm 2015, các công ty có Chứng nhận Tiêu chuẩn Môi trường trong ngành thực phẩm và đồ uống giảm nhưng tăng trong một số ngành như may mặc, da, gỗ và chế biến chế tạo.

Sau khi triển khai dữ liệu trên các mô hình tính toán, kết quả cho thấy vai trò quan trọng của R&D, năng lực tổ chức, tổ chức mạng lưới và vai trò lãnh đạo. Đặc biệt, cả R&D và Chứng chỉ chứng nhận môi trường đều liên quan tích cực với việc thực hiện đổi mới sáng tạo xanh ở Việt Nam. “Nói cách khác, các công ty có đầu tư R&D hoặc có Chứng chỉ chứng nhận môi trường ESC có nhiều khả năng thực hiện các đổi mới xanh hơn so với các công ty không có hai yếu tố này”, các tác giả viết trong công bố.

Mặt khác, họ cũng nhận thấy, việc hợp tác với các bên khác nhau, bao gồm cả các công ty đối thủ cạnh tranh, ngân hàng và các cơ quan công…, ảnh hưởng đến quyết định của các công ty về đổi mới xanh. Các đặc điểm cá nhân của các nhà quản lý như giới tính, trình độ học vấn và kiến ​​thức về luật môi trường đóng vai trò quyết định trong các quyết định này.

—————

  1. https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/1331677X.2021.1962381
  2. https://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=34886&idcm=188

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)