Điều hành chính sách tiền tệ: Rất cần sự mềm dẻo và linh hoạt

Nhân sự kiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đưa ra kế hoạch phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc đối với các ngân hàng, chúng ta cùng xem xét nguyên nhân cũng như những vấn đề liên quan đến quyết định này.

Nguyên nhân của quyết định?
Năm 2007, khi chỉ số giá tăng đột biến, một số người, nhất là những người có trách nhiệm trong việc điều hành chính sách tiền tệ và giá cả cho rằng nguyên nhân chính là do những yếu tố khách quan (giá dầu tăng cao chẳng hạn) chứ không phải là do nguyên nhân tiền tệ.
Đến nay, quá trình tranh cãi đã qua, hầu hết mọi người đều thừa nhận rằng giá cả tăng cao là do trong nền kinh tế, tiền đã tăng nhiều hơn so với lượng hàng hóa được tạo ra (người viết không phủ nhận tác động của cầu kéo và chi phí đẩy). NHNN, cơ quan có trách nhiệm chính trong việc điều hành chính sách tiền tệ đã đã bắt tay vào việc kiềm chế lạm phát và coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm 2008 (thực ra, nhiệm vụ ổn định giá cả trong nước và giá cả so với bên ngoài hay tỷ giá hối đoái luôn là nhiệm vụ quan trọng nhất của ngân hàng trung ương hầu hết các nước).
Hàng loạt biện pháp nhằm rút bớt tiền ra khỏi lưu thông để giảm sức tăng của giá cả đã được đưa ra. Đầu tiên là nâng thêm 1% tỉ lệ dự trữ bắt buộc, tiếp đến là tăng lãi suất ở tất cả các loại hình có thể. Gần đây nhất quyết định phát hành 20.300 tỉ đồng tín phiếu bắt buộc mà thực ra là một loại hình dự trữ bắt buộc với một khác biệt nhỏ là nó có thời hạn và có lãi suất. Động thái này cho thấy, NHNN đang thể hiện quyết tâm kiềm chế lạm phát của mình.

Rủi ro thanh khoản trước mắt
Việc NHNN đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát là hoàn toàn đúng đắn. Lạm phát phải được khống chế để không ảnh hưởng tới cuộc sống của những người ăn lương Nhà nước và những người lao động nghèo có thu nhập không đua kịp giá cả.
Nhưng việc đưa ra các quyết định dồn dập, nếu không nói là gây sốc, có thể tạo ra những tác động không tốt cho hệ thống tài chính nói riêng, nền kinh tế nói chung. 20.300 tỉ đồng tương đương với 2% tổng vốn huy động trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Nghĩa là tương đương với việc nâng dự trữ bắt buộc lên 2% đối với tất cả các loại tiền gởi. Nếu chỉ tính tiền đồng thì con số này sẽ trên 3%, cộng với 11% hiện tại thì tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng đã lên gần 15%.
Hơn thế, nếu loại trừ các tổ chức tín dụng nông thôn có tổng số dư huy động chiếm khoảng ¼ toàn hệ thống thì mức dữ trữ bắt buộc của các ngân hàng phải mua tín phiếu còn cao hơn nữa. Tỉ lệ này tương đương với Trung Quốc hiện nay nhưng đối với Việt Nam thì khá cao trong lúc nền kinh tế đang cần tiền nhất. Vậy điều gì có thể sẽ xảy ra?
Quan sát trong thời gian qua, lãi suất liên ngân hàng đã có lúc lên tới trên 40%, đây là một mức không tưởng được.
Những thông tin được đăng tải cho thấy, sau quyết định của NHNN, nhiều ngân hàng đã đóng cửa không cho vay, nghĩa là khả năng thanh khoản của các ngân hàng có vấn đề. Khách hàng đến vay, ngân hàng có quyền từ chối. Nhưng trong trường hợp khách hàng đến rút tiền thì ngân hàng không thể từ chối được. Đến rút tiền mà không có tiền thì đầu tiền họ sẽ đặt câu hỏi sau đó là hành động và có thể tạo ra phản ứng dây chuyền từ mất thanh khoản cục bộ dẫn tới mất thanh khoản, thậm chí sụp đổ cả hệ thống.
Nguyên nhân của thị trường nóng lên bất thường có lẽ một phần là do tâm ý cố thủ của các bên liên quan khi đón nhận thông tin đột ngột và có thể vì trước tết lãi suất liên ngân hàng quá cao (lên đến 27%) nên một số lượng lớn hồ sơ bị gác lại thay vì hoàn tất xong xuôi như quan niệm và mong muốn của mọi người.

Rủi ro hệ thống lâu dài
Ở Việt Nam, trong hơn chục năm qua, chưa bao giờ lãi suất huy động vượt quá 10%. Khi lãi suất lên đến 12% có thể sẽ chạm tới ngưỡng tâm lý làm nhiều người hồi tưởng đến những sự kiện cuối những năm 80 và đầu những năm 90.
Mặt khác, lãi suất huy động quá cao, hoạt động tín dụng có khả năng sẽ gặp vấn đề bởi lãi suất cho vay cũng sẽ cao. Lúc này, chỉ có doanh nghiệp nào làm ăn với suất sinh lợi cao mới có khả năng vay vốn. Trong kinh doanh, nơi nào đầu tư sinh lời cao thì tiềm ẩn rủi ro cũng cao mà nó đồng nghĩa với nguy cơ vỡ nợ cao và vì thế, nguy cơ tạo ra nợ xấu cũng rất cao. Nợ xấu nhiều ngân hàng buộc phải tăng lãi suất để bù đắp lại. Lúc này, các dự án rủi ro cao hơn mới có khả năng vay được, những dự án có suất sinh lời vừa phải, nhưng an toàn thì bó tay.
Thêm vào đó, khó khăn chồng chất khó khắn đối với những ngành hàng có suất sinh lợi không cao nhưng tạo ra nhiều công ăn việc làm và kim ngạch xuất khẩu như ngành dệt may chẳng hạn. Chi phí lãi vay tăng thêm năm ba phần trăm, trong khi doanh thu lại giảm một vài phần trăm so tiền đồng tăng giá sẽ làm cho các doanh nghiệp kiểu này khó mà trụ nổi.
Không chừng với lãi suất cao như vậy, chỉ còn có những khoản vay kinh doanh bất động sản hay những người có khả năng “lướt sóng” tốt trên thị trường chứng khoán với suất sinh lời rất cao là chịu nổi.
Lúc này, sự lựa chọn ngược có thể lên đến đỉnh điểm, các khoản vay của ngân hàng toàn là các dự án có mức độ rủi ro rất cao và nguy cơ khủng hoảng hệ thống là khó tránh khỏi. Nợ xấu nhiều, lãi suất huy động cao thì thu nhập từ cho vay chưa chắc đã đủ để trả lãi huy động và có ngân hàng phải lấy tiền gốc để trả lãi. Mô hình kim tự tháp ngược sẽ hình thành, và ngân hàng như vậy sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Một điều đáng lưu ý là khác với các loại hình kinh doanh khác, chỉ cần một tổ chức tín dụng có vấn đề nếu không có cách hành xử hợp lý có thể xảy ra đổ vỡ cho cả hệ thống.
Một nữa người viết xin nhắc lại việc NHNN đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên cách thức thực hiện nên uyển chuyển và mềm mại hơn để tránh gây sốc cho thị trường. Như Trung Quốc chẳng hạn, để tăng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc từ 10% lên 15%, họ đã tiến hành trong một thời gian khá dài với mỗi lần chỉ tăng 1% (thậm chí là 0,5%). Với quy mô hệ thống tài chính Việt Nam hiện nay, việc tăng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc khoảng 5% trong thời gian hơn 1 tháng là gấp.
Để kiềm chế lạm phát, Việt Nam cần phải có một gói giải pháp kết hợp giữa chính sách tiền tệ (kể cả việc điều hành tỷ giá) và chính sách ngân sách một cách linh hoạt và nhất quán, nhất là chính sách tiền tệ, cần dựa theo dòng chảy của thị trường để có những sự uốn nắn điều chỉnh hợp lý.

Huỳnh Thế Du

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)