ĐMST – Học từ châu Âu

Trong 27 nước EU, Đức đứng đầu về thành công nhờ đổi mới sáng tạo, tiếp đến là Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan.

Phần Lan cũng là một trong số những nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, hiện nằm trong top 10 quốc gia đứng đầu thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo và đầu tư cho R&D (nghiên cứu và phát triển). Năm 1950, Phần Lan vẫn chỉ là quốc gia nông nghiệp, nền kinh tế dựa vào lâm nghiệp là chính.

Từ thập kỷ 1990, quốc gia Bắc Âu này đã chuyển mạnh sang công nghiệp điện tử- viễn thông- thông tin, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, chế tạo máy, sản xuất xanh và giáo dục- đào tạo. Mỗi năm, Phần Lan dành hơn 2 tỷ USD cho R&D, nhưng con số này mới chỉ chiếm 30% tổng đầu tư cho R&D, điều đó có nghĩa khu vực tư nhân và nhất là doanh nghiệp cũng đầu tư lớn cho nghiên cứu đổi mới công nghệ.

Nhờ đẩy mạnh phát triển công nghệ cao, công nghệ xanh dựa trên nền tảng giáo dục và tri thức, Phần Lan trở thành một quốc gia thịnh vượng “nhất nhì” châu Âu với hệ thống phúc lợi được đánh giá tốt nhất thế giới. Năm 2012, Phần Lan là nước thứ hai thế giới được công nhận là thành công nhất về đổi mới sáng tạo, thu nhập đầu người đạt 46.000 USD/năm.

Một trong những thương hiệu nổi tiếng của Phần Lan được thế giới biết đến là Nokia. Nói đến Nokia, người ta thường nghĩ đến điện thoại di động, nhưng không phải ai cũng biết rằng khởi đầu, Nokia từng là tên một nhà máy sản xuất bột gỗ và giấy công nghiệp được thành lập năm 1865.

Sau một thế kỷ phát triển, Tập đoàn Nokia ra đời trên cơ sở thành lập ba công ty là Nokia Company (Nhà máy sản xuất bột gỗ làm giấy), Finnish Rubber Works Ltd. (Nhà máy sản xuất cao su) và Finnish Cable Works (Nhà máy sản xuất cáp). Ngoài trụ sở chính tại ngoại ô Thủ đô Helsinki. Nokia còn có nhiều nhà máy sản xuất ở Trung Ọuốc, Đức, Indonesia, Brazil,..

Nokia khai trương Trung tâm R&D không chỉ ở Phần Lan mà tại các quốc gia đông dân như Trung Quốc, Mỹ nhằm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới – cơ sở để sản xuất ra những sản phẩm “bỉểu tượng” của Phần Lan – điện thoại di động. Công nghệ thế giới biến đổi không ngừng và để đáp ứng sự biến đổi ấy, năm 1991, Nokia tạo bước đột phá khi quyết định từ bỏ những lĩnh vực hoạt động khác không phải là thế mạnh để tập trung vào “kỷ nguyên kỹ thuật số”, cung cấp mạng GSM cho hàng chục quốc gia trong và ngoài châu lục.

Sau nhiều thập kỷ phát triển, Nokia đã khẳng định vị trí số một về điện thoại di động: liên tục dẫn đầu châu Âu về doanh thu và lợi nhuận, từng xếp thứ 5 thế giới về thương hiệu toàn cầu. Thời hoàng kim, Nokia chiếm 90% thị phần trong nước và hơn 35% thị phần thế giới về điện thoại di động, mang lại 4% GDP cho quốc gia. Hiện nay, do ảnh hưởng của việc bán thiết bị cho Microsoft kinh doanh của tập đoàn giảm sút đáng kể nhưng không ai có thể phủ nhận rằng, Nokia là minh chứng rõ rệt nhất của đất nước Phần Lan về thành công nhờ đổi mới công nghệ.

Còn khi nói đến Đức, người ta nghĩ ngay đến đất nước luôn giữ vững vị trí tiên phong trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), Đức dẫn đầu với 79,3% doanh nghiệp có các hoạt động đổi mới.

Ngành công nghiệp quan trọng nhất của nước này là chế tạo máy, xe hơi và đây chính là động lực đổi mới của Đức trong lĩnh vực cơ khí: khoảng 30% tổng đầu tư của các doanh nghiệp Đức dành cho nghiên cứu và phát triển ngành ô tô. Đức có một số hãng ôtô nổi tiếng như BMW, Audi, VW, Daimler… Để ngành này không ngừng phát triển, Đức đang tiếp tục nghiên cứu các loại động cơ thân thiện với môi trường, như động cơ Hybrid và các loại động cơ điện khác.

Bên cạnh đó, ngành công nghệ thông tin và truyền thông cũng thuộc một lĩnh vục kinh tế lớn của Đức. Về công nghệ sinh học và công nghệ gen, chính phủ Đức đặt mục tiêu tới năm 2015 sẽ trở thành nước đứng đầu châu Âu về thực vật và tạo giống cây trồng. Về công nghệ nano, Đức luôn giữ vị trí dẫn đầu châu lục từ nhiều năm nay với tiềm năng trí thức lớn.

Ngoài chiến lược đổi mới ở một số ngành trọng điểm, Đức cũng đang nỗ lực đổi mới nông nghiệp. Một số công ty đang thực hiện chiến lược đổi mới phát triển nông nghiệp như Gut Darß và Gut Borken. Họ không đơn thuần tạo ra sản phẩm từ các loại động vật rồi đưa vào thị trường mà có chiến lược đổi mới trong kinh doanh: sản xuất các sản phẩm sinh học bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện từ khâu phân phối tới người tiêu dùng và tạo môi trường sinh thái, du lịch “Ecological Farming” cho du khách tại các vùng chăn nuôi.

Các sản phẩm, dịch vụ của CHLB Đức luôn được đánh giá cao, không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp mà còn cho toàn bộ nền kinh tế. Sản phẩm, dịch vụ đó thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ sinh học, nano, công nghệ thông tin, truyền thông, sinh trác học hàng không, vũ trụ, kỹ thuật điện, cơ khí chế tạo máy, năng lượng tái tạo… Bí quyết mang lại những thành công này chính là đổi mới. Nhờ áp dụng đổi mới vào nghiên cứu và phát triển (R&D), Đức đã luôn duy trì vị thế của mình với vai trò là trung tâm KHCN hàng đầu của châu Âu.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)