Doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo

Bộ chỉ tiêu đo lường năng lực đổi mới sáng tạo (ĐMST) doanh nghiệp do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) và DHVP Research phát triển thực hiện trong 2 tháng đầu năm 2014, với 19 thành viên của CLB Doanh nghiệp dẫn đầu (BSA/LBC); ghi nhận đóng góp trách nhiệm xã hội của nhóm doanh nghiệp sớm nhận thức giá trị của ĐMST toàn diện trong sản xuất và kinh doanh.

19 doanh nghiệp đầu tiên tham gia khảo sát hoạt động trong 8 nhóm ngành sản xuất. Nhóm doanh nghiệp này có quy mô tổng tài sản ước trên 24.000 tỉ đồng, sử dụng trên 28.000 lao động và ước đạt doanh thu 35.000 tỉ đồng trong năm 2013. Ba nhóm ngành có số doanh nghiệp tham gia nhiều nhất là gia dụng, dược phẩm và thực phẩm.

ĐMST được xem công việc khó, đòi hỏi nỗ lực đầu tư lâu dài, có ý nghĩa sống còn với doanh nghiệp trong duy trì ưu thế hiện tại trên thương trường, vừa kiến tạo tương lai doanh nghiệp. Ông Cổ Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Long, cho rằng không thể nói vì doanh nghiệp còn nghèo mà không đầu tư cho ĐMST nếu muốn công ty còn tiếp tục sống và phát triển. Còn theo Công ty PNJ và Saigon Food, thay vì huy động nhiều hơn đầu vào, họ gia tăng lượng thông tin đầu vào cho quá trình lọc thông tin đa tầng bằng việc tăng cường tiếp xúc, trao đổi với đội ngũ nhân viên hoặc tổ chức các cuộc thi ý tưởng.

Doanh nghiệp quá tập trung vào những phát kiến mới, liên tiếp đưa sản phẩm mới ra thị trường sẽ dẫn tới “ngộ độc” ĐMST. Một giải pháp để doanh nghiệp không cần ngần ngại với các phát kiến, đó là tuân thủ một kỷ luật sáng tạo liên ngành-liên lĩnh vực, theo đó hoạt động sáng tạo, phát kiến phải gắn chặt với quá trình hoạch định và triển khai chiến lược.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit, cho biết tại Vinamit, ĐMST phải làm liên tục, còn đem xài lúc nào thì phải tính kỹ. Khi doanh số sản phẩm truyền thống chững lại là lúc tung sản phẩm cải tiến. Còn với NaMilux và Traphaco, ĐMST phải đi liền với tinh thần trách nhiệm. Đó là trách nhiệm duy trì một nguồn cung ổn định cho các đối tác và người tiêu dùng của ông Nguyễn Mạnh Dũng (NaMilux). Đội ngũ NaMilux luôn phải tìm tòi các giải pháp cải tiến và đổi mới nhưng để ứng dụng phải trải qua một quá trình thử nghiệm và kiểm tra ngặt nghèo, kết hợp với tham vấn ý kiến chuyên môn của đối tác quốc tế. Đối với Traphaco, ĐMST không thể tiến hành bằng việc thay thế hàng chục, thậm chí hàng trăm công nhân bằng dây chuyền tự động hóa. Thay vào đó, ĐMST phải là những cách bán hàng thông minh hơn, gần gũi hơn với người tiêu dùng.

Trong mẫu khảo sát 19 doanh nghiệp dẫn đầu, người lãnh đạo doanh nghiệp có vai trò nổi bật trong thành công ĐMST. Thực tế này gợi lên băn khoăn về tính bền vững của năng lực ĐMST trong các doanh nghiệp và khả năng tiếp nối thành công của thế hệ kế cận. Phương pháp tổ chức quá trình lao động sáng tạo và tính kỷ luật trong thực thi phương pháp mà doanh nghiệp đang theo là dấu hiệu đáng tin cậy phản chiếu sức mạnh cạnh tranh ĐMST của doanh nghiệp trong tương lai.

Từ hơn 10 năm trước sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Minh Long đã phôi thai ý tưởng về một sản phẩm gốm đỉnh cao để đời. Sau đó là 5-6 năm tìm tòi ý tưởng. Tiếp theo là 3-4 làm thử, hỏng, và làm lại. Tận tới sáng ngày bàn giao, khi chiếc xe chuyên chở lùi vào trong xưởng thì chiếc chén ngọc – chỉ nung một lần mà rất hoàn chỉnh – mới được ra đời. Hoặc với sản phẩm ngựa cho năm Giáp Ngọ, Minh Long I đã bắt đầu 20 năm trước nhưng tới giờ mới hoàn thiện quy trình nặn tượng tới mức thợ lành nghề đều làm được ngay.

Trong đợt khảo sát ĐMST đợt này có 19 doanh nghiệp là Công ty TNHH Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam, Doanh nghiệp Tư nhân Bánh kẹo Á Châu,  Công ty CP Giấy Sài Gòn, Công ty CP Thiết bị Nhà bếp Vina, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân, Công ty TNHH Minh Long I, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, Công ty CP Thời trang Sơn Kim, Công ty CP Tập đoàn Thiên Long, Công ty CP Traphaco, Công ty CP Dược Hậu Giang, Công ty CP XNK Y tế Domesco, Công ty CP Vinamit, Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood, Công ty CP Chế biến Thủy hải sản Liên Thành, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản – Vissan, Công ty CP Sài Gòn Food.


Theo Gia Hiển (Người Lao Động)

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)