Doanh nghiệp KH&CN trong nước cần một sân chơi bình đẳng để tồn tại và phát triển

 Hội nghị Phát triển Doanh nghiệp KH&CN được tổ chức ngày 09/11 là cơ hội để nhiều doanh nghiệp KH&CN bày tỏ về những khó khăn, vướng mắc mà lâu nay họ phải đối diện.

Đây là Hội nghị được tổ chức bởi Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN. Theo số liệu do Cục cung cấp, hiện nay trên cả nước đã có 87 doanh nghiệp KH&CN, với mức doanh thu trung bình năm của mỗi doanh nghiệp đạt 59,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, những chia sẻ tại hội nghị từ đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp cho thấy còn rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp KH&CN, như thiếu nguồn vốn vay, khó tiếp cận chính sách thuế ưu đãi cho doanh nghiệp, thiếu sự bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, và thiếu sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là tại các địa phương.
Có doanh nghiệp như Công ty Ngân Hà của Bác sỹ Phạm Thị Kim Loan, mặc dù đã được cấp bằng sáng chế tại nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Thụy Sĩ, nhưng việc đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn nhất, và thị trường Việt Nam cũng là nơi sản phẩm bị làm giả, làm nhái nhiều nhất.
Trái lại, có doanh nghiệp như Công ty Nhựa Hoàng Thắng của ông Phạm Hoàng Thắng, mặc dù có bằng sáng chế tại Việt Nam từ năm 2000, và đã có những sản phẩm đem lại lợi ích lớn cho người nông dân và xã hội như sáng chế thiết bị gieo hạt và máy gặt đập liên hợp – giải nhất cuộc thi Sáng chế năm 2013 – nhưng cho tới nay doanh nghiệp chưa hề được hưởng bất kỳ chính sách ưu đãi nào của Nhà nước, và phải tới gần đây mới được xét duyệt đăng ký là doanh nghiệp KH&CN nhờ sự can thiệp của Cục PTTT&DNKHCN.
Ông Diệp Bảo Cánh, TGĐ Công ty CP Năng lượng Mặt trời đỏ – công ty đầu tiên tại Việt Nam sản xuất tấm pin mặt trời – bày tỏ nỗi bức xúc vì chính sách thuế gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp sản xuất, cụ thể là doanh nghiệp rất khó giải trình với cơ quan thuế mỗi khi phải bán hàng dưới giá thành để thu hồi vốn, đồng thời chịu thuế nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất cao hơn cả thuế nhập khẩu hoàn chỉnh. Ông kiến nghị Nhà nước cho phép các doanh nghiệp KH&CN nhập khẩu thuế suất bằng 0% với những nguyên liệu sản xuất mà trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đủ. Bên cạnh đó, ông Cánh cũng than phiền vì Nhà nước thiếu hàng rào kỹ thuật cần thiết, khiến doanh nghiệp trong nước bị cạnh tranh bởi những sản phẩm kém chất lượng, hoặc những sản phẩm gian dối về các tiêu chuẩn chất lượng.
Cùng quan điểm với ông Diệp Bảo Cánh, ông Trần Anh Khiêm nhận định rằng chính sách quản lý của Nhà nước chưa thực sự đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp trong nước, ví dụ như hệ thống quy chuẩn chất lượng một số sản phẩm ở Việt Nam chưa được nghiên cứu để phù hợp với đặc thù trong nước, nhiều khi được hợp chuẩn một cách không cần thiết theo tiêu chuẩn của nước ngoài, khiến các sản phẩm của nước ngoài thắng thầu các dự án dù sản phẩm trong nước không thua kém chất lượng và có hiệu quả cao hơn trong đặc thù của Việt Nam. Quy định đấu thầu nhiều dự án Nhà nước là không công bằng, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp KH&CN, ví dụ như quy định công ty tham gia thầu phải có 3-5 năm kinh nghiệm, hoặc thậm chí 10 năm kinh nghiệm, khiến các doanh nghiệp KH&CN trẻ không có cơ hội tham gia các dự án lớn, mà nếu chỉ bán cho khách hàng lẻ thì họ sẽ không thể phát triển.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các cơ quan Nhà nước đã thẳng thắn tiếp thu những ý kiến trăn trở từ các doanh nghiệp. Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội, cho rằng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề đặc biệt quan trọng để phát triển thị trường, yếu tố sống còn cho các doanh nghiệp KH&CN. Ông đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục xem xét, nghiên cứu để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hơn nữa những cơ sở pháp lý giúp bảo vệ và hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp KH&CN. Về phía Bộ KH&CN, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị các doanh nghiệp KH&CN chưa được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước sớm liên hệ trực tiếp để được Cục PTTT&DNKHCN cùng phối hợp giải quyết. Ông cũng khuyến khích các doanh nghiệp KH&CN khai thác nguồn kinh phí từ các quỹ KH&CN của Nhà nước và đề nghị các cấp quản lý Nhà nước tích cực đặt hàng các doanh nghiệp KH&CN một cách bình đẳng với các tổ chức KH&CN khác, đồng thời không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp của Nhà nước với doanh nghiệp của khu vực tư nhân.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)