Doanh nghiệp khởi nghiệp: Phân chia quyền sở hữu và lợi nhuận như thế nào?

Khi quyết định thu hút thêm nhà đầu tư, nhà sáng lập cốt lõi phải đưa ra nhiều quyết định quan trọng về người đồng sáng lập, vai trò của mỗi người và cách phân chia quyền sở hữu hay còn gọi là “Bộ 3R” - mối quan hệ (Relationship); vai trò (Role) và lợi nhuận (Reward).


Nguồn: Internet.

LỢI NHUẬN

Phân chia cổ phần và bồi thường tiền mặt

Việc phân quyền sở hữu trong một startup gây tranh cãi và xung đột nhiều hơn cả việc phân chia vai trò và chức danh. Nhiều nhà sáng lập thậm chí muốn sở hữu cổ phần hơn là nhận lương, dù cổ phần trong các startup này thường có giá trị nhỏ hơn số tiền mà họ kiếm được khi làm bất cứ công việc nào khác.

Nên phân chia cổ phần khi nào?

Các nhà sáng lập có thể chọn phân chia cổ phần ngay từ khi mới thành lập hoặc vài tháng sau đó. Dữ liệu nghiên cứu của Noam Wasserman cho thấy 73% đội ngũ phân chia cổ phần ngay tháng đầu tiên khi thành lập, một con số bất ngờ cho thấy sự thiếu chắc chắn nghiêm trọng trong thời kỳ đầu thành lập doanh nghiệp. Thực tế, việc phân chia ngay từ đầu rất dễ đánh giá thấp công sức của người này trong khi đánh giá quá cao công sức của người khác. Những sai lầm như vậy có thể gây tổn thương nhiều người. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng những “mỏ neo” tâm lý ban đầu có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến những cuộc đàm phán về sau cũng như kết quả cuối cùng, khiến mọi người, thậm chí là cả các chuyên gia, khó có thể vượt qua được những hậu quả do những mỏ neo tâm lý này gây ra.

Trái lại, hành động trì hoãn phân chia cổ phần trong vài tháng hoặc thậm chí lâu hơn có thể tạo cơ hội cho các nhà sáng lập hiểu rõ ai là người sở hữu kỹ năng và mối quan hệ có thể đóng góp nhiều nhất cho doanh nghiệp, mỗi nhà sáng lập cam kết ra sao với doanh nghiệp, v.v..

Tuy nhiên, bất cứ lợi ích nào cũng đi kèm với rủi ro. Việc trì hoãn phân chia cổ phần (dù giúp nhà sáng lập có sự chuẩn bị tốt hơn và khiến họ luôn có động lực) có thể khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội thu hút các nhà đồng sáng lập tiềm năng.

Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng khác cần được cân nhắc khi trì hoãn phân chia cổ phần, đó là yếu tố thuế đánh vào thu nhập từ mỗi cổ phiểu – khoản tiền thông thường sẽ tỉ lệ thuận với quãng thời gian trì hoãn và mức độ tác động tới mỗi đồng sáng lập không giống nhau.

Tiêu chí phân chia cổ phần

Nếu các nhà đồng sáng lập quyết định đàm phán phân chia cổ phần thì họ nên cân nhắc những tiêu chí nào? Thực tế, không có câu trả lời “chính xác” hay các tiêu chí khách quan nào là tuyệt đối; kết quả hoàn toàn mang tính chủ quan liên quan đến cuộc đàm phán giữa các nhà đồng sáng lập. Mặt khác, theo dữ liệu phân tích của Noam Wasserman thông qua kiểm chứng chuyên sâu hệ thống phân chia cổ phần thực sự, có ít nhất 4 tiêu chí có thể khiến các cuộc đàm phán phân chia cổ phần trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, gia tăng cơ hội hình thành nên một thỏa thuận bền vững. Những tiêu chí này bao gồm: đóng góp trước đây với doanh nghiệp, chi phí cơ hội, những đóng góp trong tương lai đối với doanh nghiệp và các động lực của nhà sáng lập.

Những đóng góp trước đây

Đầu tiên, cổ phần của mỗi nhà sáng lập thường được dựa trên một phần công sức của mỗi nhà sáng lập trong quá trình xây dựng doanh nghiệp từ trước đến nay. Quy mô đóng góp có thể phụ thuộc vào thời gian phân chia cổ phần – ngay lúc thành lập doanh nghiệp hoặc vài tháng sau đó – nhưng cho dù họ phân chia cổ phần từ khi thành lập đi chăng nữa, nhà sáng lập cũng phải đóng góp ít nhất một ý tưởng hoặc tài sản trí tuệ nào đó cho doanh nghiệp hoặc đầu tư vốn ươm mầm để thành lập doanh nghiệp.

Chi phí cơ hội

Một số nhà sáng lập không tình nguyện nghỉ công việc đang làm khi thành lập doanh nghiệp mới. Ví dụ như khi thành lập Ockham, Ken Burrows đang ở đỉnh cao sự nghiệp và công việc đó đảm bảo cho họ sự an toàn về tài chính khó có thể bỏ qua. Đối với doanh nghiệp mới khởi nghiệp, chi phí cơ hội của việc gia nhập doanh nghiệp rất cao và trách nhiệm của nhà sáng lập cốt lõi là phải tăng sức hấp dẫn của việc gia nhập doanh nghiệp nhằm thu hút được các nhà đồng sáng lập tiềm năng.

Đóng góp tương lai

Mặc dù đó là những yếu tố khó đánh giá nhất nhưng lại quan trọng nhất để phân chia cổ phần. Khả năng đóng góp của một nhà sáng lập cho startup trong tương lai thường được ước tính bằng việc xem xét nền tảng kết hợp với mức độ cam kết của từng người.

Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng kinh nghiệm thành lập doanh nghiệp có giá trị đối với tỷ lệ tăng trưởng của doanh nghiệp hơn bất cứ kinh nghiệm làm việc và nguồn vốn con người có được do giáo dục. Các doanh nhân giàu kinh nghiệm thường được kỳ vọng sẽ sở hữu nguồn vốn con người và xã hội mạnh mẽ (và có thể có cả nguồn tài chính dồi dào), vì thế, được kỳ vọng sẽ đóng góp nhiều giá trị hơn cho tổ chức. Nhiều phân tích của Thomas Hellmann cũng chỉ ra rằng kinh nghiệm thành lập doanh nghiệp trước đây tương ứng với 7-9% cổ phần ưu đãi.

Mức độ đóng góp tương lai phụ thuộc vào lượng thời gian mà một nhà sáng lập có thể hoặc sẽ cam kết cống hiến cho doanh nghiệp. Các nhà sáng lập toàn thời gian có xu hướng nhận được nhiều cổ phần hơn các nhà sáng lập bán thời gian.

Động lực và quyền ưu tiên của nhà sáng lập

Các động lực của nhà sáng lập giữ một vai trò quan trọng trong việc phân chia cổ phần. Các nhà sáng lập có động lực thiên về lợi ích kinh tế sẽ ưu tiên việc tối đa hóa quyền lợi của mình. Những động lực khác có thể sẽ khiến nhà sáng lập ưu tiên cho vai trò, chức danh và sự đa dạng về phong cách sống cụ thể nào đó.

PHÂN CHIA CÔNG BẰNG HAY KHÔNG?

Khó có thể xác định chính xác đóng góp của mỗi nhà đồng sáng lập vào giá trị của doanh nghiệp bởi chi phí cơ hội và động lực của mỗi người khác nhau. Vì thế, theo logic, nếu việc phân chia cổ phần phản ánh khả năng đóng góp tương ứng của một người thì việc chia đều cổ phần công bằng rất hiếm khi xảy ra. Việc phân chia cổ phần thường dựa vào:

1. Đóng góp trước đây: Nhà sáng lập đã đóng góp như thế nào trong quá trình xây dựng doanh nghiệp từ trước đến nay?
– Đóng góp ý tưởng: Các nhà sáng lập đóng góp ý tưởng ban đầu đem lại giá trị lớn cho doanh nghiệp nên nhận được cổ phần lớn hơn.
– Góp vốn: Các nhà sáng lập có đóng góp vốn ươm mầm cho doanh nghiệp nên nhận được cổ phần lớn hơn.

2. Chi phí cơ hội: Các nhà sáng lập phải hy sinh gì để theo đuổi ý tưởng thành lập và xây dựng doanh nghiệp?

3. Đóng góp tương lai: Phần lớn công việc để phát triển doanh nghiệp thành công vẫn còn ở tương lai và đóng góp của nhà sáng lập rất khó đoán trước. Mỗi nhà sáng lập được kỳ vọng sẽ đóng góp bao nhiêu vào giá trị của doanh nghiệp trên con đường phát triển?

– Các nhà sáng lập giàu kinh nghiệm: Các thành viên của đội ngũ sáng lập từng điều hành doanh nghiệp mới khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ đóng góp nhiều nguồn vốn xã hội và con người hơn cho doanh nghiệp.

– Mức độ cam kết: Các nhà sáng lập cam kết làm việc lâu dài, toàn thời gian cho doanh nghiệp được kỳ vọng đóng góp nhiều giá trị hơn cho doanh nghiệp.
– Chức danh: Các vị trí chính thức của mỗi thành viên trong đội ngũ sáng lập đều ảnh hưởng đến việc phân chia quyền sở hữu, trong đó CEO nhận được mức ưu đãi cổ phần lớn hơn.

4. Quyền ưu tiên và động lực của nhà sáng lập
– Các động lực về kinh tế khiến các nhà sáng lập ưu tiên tăng sở hữu cổ phần.
– Khả năng tránh rủi ro và sự lạc quan sẽ ảnh hưởng đến mức độ mà nhà sáng lập ưu tiên tăng sở hữu cổ phần hay thu nhập bằng tiền mặt.
– Khả năng chịu đựng xung đột sẽ ảnh hưởng đến sự sẵn lòng của nhà sáng lập trong việc tham gia vào các cuộc đàm phán.
•    Các mối quan hệ trước đây có thể ảnh hưởng đến các kỳ vọng về cổ phần.

PHÂN CHIA CỐ ĐỊNH HAY LINH HOẠT

Việc phân chia cổ phần cố định ngay từ đầu và không cho phép thay đổi là một trong những sai lầm lớn nhất của nhà sáng lập. Với sự tự tin vào bản thân và doanh nghiệp, niềm đam mê dành cho công việc cũng như khao khát ổn định động lực mong manh trong đội ngũ vẫn còn non trẻ, các nhà đồng sáng lập có xu hướng lên kế hoạch với những tiềm năng tươi đẹp nhất. Họ cho rằng không có sự kiện nào có thể thay đổi được cơ cấu của đội ngũ. Họ cũng “coi thường” những yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc phân chia cổ phần. Họ đánh giá quá cao giá trị đóng góp của mình với doanh nghiệp trong vài tháng đầu tiên so với giá trị mà họ muốn xây dựng vài năm sau đó, vì thế đánh giá quá cao những đóng góp trước đó so với những đóng góp tương lai cần thiết. Họ coi trọng đóng góp của mình hơn đóng góp của người khác, đánh giá chi phí và nỗ lực của bản thân theo cách phớt lờ chi phí cũng như những nỗ lực của người khác…

Tất cả những cách tiếp cận như vậy mang lại nhiều rủi ro, bởi sự bất định có mặt ở khắp nơi. Giáo sư Scott Shane cho rằng, “khoảng một nửa (49,6%) các nhà sáng lập tại startup thừa nhận rằng các ý tưởng kinh doanh sẽ thay đổi trong khoảng thời gian từ khi họ nảy ra ý tưởng đến thời gian khảo sát tiền khả thi”.

Trong những trường hợp như vậy, thậm chí việc phân chia cổ phần thoải mái nhất cũng có thể bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

N.L.H. dịch (Nguồn: Noam Wasserman, The Founder’s Dilemmas: Anticipating and Avoiding the Pitfalls That Can Sink a Startup).

 

Tác giả

(Visited 39 times, 1 visits today)