Doanh nghiệp tư nhân ĐƯƠNG ĐẦU VỚI CUỘC CHƠI MỚI
Sự bành trướng của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, sự xuất hiện của các hệ thống phân phối hiện đại do nước ngoài làm chủ đang dần dần dẫn tới sự lép vế trong phát triển thị trường của các doanh nghiệp hàng tiêu dùng Việt Nam ngay trên “sân nhà”- thị trường nội địa. Cuộc “gặp gỡ doanh nhân” trong số này với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc Công ty cà phê Trung Nguyên xoay quanh chủ đề nói trên. Qua đó muốn nói lên một nguy cơ không chỉ đối với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam mà cả với nền kinh tế trong nước.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ (ĐLNV): Nguy cơ bị sụp đổ, mất khả năng kiểm soát kênh phân phối truyền thống do hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại xâm nhập, dẫn đến nền kinh tế quốc gia bị mất sự tự chủ và thiếu ổn định trong việc phát triển kinh tế. Mới đây, Vissan và kem Kido đã tuyên bố không thể tiếp tục đưa hàng vào Metro vì không chịu nổi mức đòi hỏi chiết khấu quá cao do Metro đề nghị. Mấy anh em doanh nghiệp trong nước khác tự hỏi: bao lâu nữa sẽ tới lượt mình? Và ngoài kia còn bao nhiêu doanh nghiệp bé nhỏ hơn sẽ không bao giờ có cơ hội đưa hàng vào các hệ thống siêu thị bán lẻ hiện đại.
Rõ ràng rằng với nguồn tài lực dồi dào và kinh nghiệm, thì các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang mở rộng sự ảnh hưởng của họ đối với nền kinh tế địa phương bằng cách xây dựng nhiều rào cản như siết chặt chính sách tín dụng, đẩy cao mức chiết khấu, điều kiện giao hàng…để khắt khe hơn với sản phẩm địa phương. Tạo điều kiện và lý do cho họ hợp tác, bắt tay phân phối với các sản phẩm nước ngoài đang muốn xâm nhập vào Việt Nam qua hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại.
Hệ thống phân phối truyền thống không còn trụ được…?
Ô. ĐLNV: Trên thực tế thì 90% việc phân phối hàng hóa là theo phương thức truyền thống, manh mún nhỏ lẻ và mang tính cát cứ địa phương. Nhưng với ý thức kém, tư duy kinh doanh theo kiểu tiểu thương trước một sức ép nhanh và mạnh của kênh phân phối hiện đại thì khả năng bị thu hẹp, mất dần cả về thị trường, lợi nhuận của kênh phân phối truyền thống là điều tất yếu. Năm 1995, tại Thái Lan tỷ lệ phân phối truyền thống là 90%, năm năm sau tỷ lệ này giảm xuống 20%, đến nay tỷ lệ này chỉ còn 40 – 30% phân phối bán lẻ truyền thống và dự báo đến năm 2010 thì tỷ lệ này chỉ còn là 10%.
Xuấn thân khởi nghiệp của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đều bằng đồng vốn ít ỏi, bằng kinh nghiệm truyền thống kinh doanh của gia đình nên đa phần các doanh nghiệp đầu tư rất nhiều công sức, tài lực và vật lực vào hệ thống phân phối truyền thống hiện hữu. Vì vậy một khi kênh phân phối truyền thống này mất kiểm soát thì doanh nghiệp cũng mất toàn bộ hệ thống phân phối hàng hóa và nguy cơ phá sản hàng loạt sẽ xẩy ra. Các doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập thì càng khó có khả năng thiết lập một kênh phân phối và càng không thể đưa hàng vào kênh phân phối bán lẻ hiện đại.
Và điều gì sẽ xảy ra?
Ô. ĐLNV: Một khi kênh phân phối truyền thống sụp đổ thì toàn bộ lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp sẽ bị các tập đoàn bán lẻ hiện đại kiểm soát và khống chế. Điều này dẫn đến mất sự tự chủ của nền kinh tế quốc gia, mất huyết mạch giao thương hàng hóa, mất cân bằng trong việc ổn định phát triển kinh tế quốc gia và hình thành sự lệ thuộc từ bên ngoài.
Trong khi đó, ý thức và bản lĩnh tiêu dùng hàng Việt của người tiêu dùng Việt còn thấp, tâm lý sính ngoại khá phổ biến. Làn sóng văn hóa phim ảnh ngoại nhập cùa Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… du nhập một cách mạnh mẽ trên sóng truyền hình khiến ngưới tiêu dùng bị dẫn dắt, bị ảnh hưởng bởi lối sống tiêu dùng.
Thương hiệu Trung Nguyên trong những năm vừa qua, cố gắng phát triển ra thị trường nước ngoài nhưng thực tế lại gặp nhiều khó khăn ở thị trường trong nước. Giải quyết vấn đề này như thế nào?
Ô. ĐLNV: Thách thức lớn nhất của chúng tôi là chuẩn bị nguồn lực. Sau những bước đi đã qua, chúng tôi nhận thấy hạ tầng cơ sở của Việt Nam chưa đáp ứng được tốc độ phát triển, chưa sẵn sàng để làm bệ phóng. Ví dụ, hiện có rất ít người am hiểu về mô hình franchise (nhượng quyền thương hiệu) để hợp tác với chúng tôi hoặc trong thiết kế mô hình quán Trung Nguyên. Chúng tôi muốn có một mô hình mang tính quốc tế ở bề ngoài và chiều sâu văn hóa Việt Nam ở bên trong. Chúng tôi không chỉ bán cà phê mà còn muốn cung cấp một địa chỉ thư giãn mang tính văn hóa. Dù có khó khăn, song bước tiếp theo của chúng tôi trong việc chuyển đổi hình ảnh sắp tới sẽ nhanh hơn. Franchise là một phương thức tốt nhưng chúng tôi muốn cà phê Trung Nguyên sẽ có thể xuất hiện bất cứ đâu, chứ không phải chỉ là những quán cao cấp ở các thành phố lớn nên sẽ có nhiều quy chuẩn khác nhau để áp dụng phù hợp. Hiện chúng tôi chưa hài lòng với những mô hình mà mình đang có, còn khi đã có được mô hình vừa ý thì việc nhân rộng sẽ rất nhanh.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng hóa Việt? Làm thế nào để người tiêu dùng thay đổi thói quen sính hàng ngoại, để người Việt dùng và yêu mến hàng Việt?
Ô. ĐLNV: Khi nhắc đến Honda, nhắc đến Sony người ta biết ngay là đang nói đến Nhật Bản, nhắc đến Samsung, đến LG thì biết ngay đến Hàn Quốc hay nói đến Coca Cola, đến Mac Dolnald là biết đến nước Mỹ…Hình ảnh thương hiệu sản phẩm đã trở thành biểu tượng của cả một đất nước, của cả một quốc gia để đối thoại với người tiêu dùng trên thế giới. Dù Nhật Bản, Hàn Quốc không phải là một quốc gia giàu có về tiềm năng nông sản, có những sản phẩm nông sản của họ còn đắt hơn nhập khẩu của nước ngoài nhưng trên bàn ăn của người Nhật vẫn là gạo Nhật, món ăn truyền thống của người Hàn Quốc vẫn là món ăn kim chi. Vấn đề là ý thức chọn lựa và tiêu dùng sản phẩm của người tiêu dùng.
Hiện nay, người tiêu dùng đang bị bao vây bởi những làn sóng quảng cáo, tràn ngập những thông điệp truyền thông của các sản phẩm nước ngoài. Nếu họ không ý thức trong việc chọn lựa hàng hóa là một hành động tiếp sức rất quan trọng giúp cho các thương hiệu Việt vững mạnh để trở thành biểu tượng của cả một đất nước – tất nhiên khi đó là những thương hiệu Việt xứng đáng. Những cạnh tranh của các công ty tập đoàn lớn mạnh cùng với sức mạnh về truyền thông sẽ không có đất cho những sản phẩm Việt của những doanh nghiệp mới đầu khởi nghiệp, họ không có cơ hội nhiều để giới thiệu, quảng bá và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Trong một cuộc cạnh tranh không cân sức như vậy ngay trên đất nước mình thì chỉ có lòng tự tôn dân tộc về thương hiệu Việt, sự đồng lòng ủng hộ về sản phẩm Việt của người dân Việt Nam mới là sức mạnh quật khởi để có được nhiều hơn nữa những thương hiệu Việt mang hình ảnh của quốc gia, làm sứ giả kinh tế khi ra thế giới.
Các công ty Việt Nam cần nhất điều gì trong thương trường cạnh tranh ác liệt thời hội nhập?
Ô. ĐLNV: Chắc chắn cuộc chiến sẽ rất khó khăn, sẽ có những hy sinh và tổn thất nhưng điều quan trọng là ý chí không lùi bước, không khiếp nhược trước những sức mạnh của các “đại gia” lớn đến từ nước ngoài. Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói rằng “doanh nhân là những chiến sĩ thời bình”, vậy những chiến sĩ thời bình không chỉ cần trang bị hệ thống nền tảng về lý luận, về phương thức ý tưởng kinh doanh mà họ phải có một tinh thần xả thân vì sự nghiệp chung, vì hình ảnh thương hiệu của cả quốc gia.
Xin cám ơn ông.
Báo Tia Sáng số 16-5.11.2005