Đổi mới sáng tạo là cứu cánh của doanh nghiệp
“Đổi mới hay phá sản?” – Đó là câu hỏi mà Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nêu ra tại hội thảo “Doanh nghiệp và vấn đề sống còn: đổi mới quản trị” do Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội DN Hàng VN Chất lượng cao và Sở khoa học Công nghệ TP.HCM tổ chức hôm 25.9.
Phát biểu tại hội nghị với hơn 100 đại diện của các sở ban ngành, các viện trường và doanh nghiệp cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng: “Doanh nghiệp là trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ của đất nước và là địa chỉ để ứng dụng những kết quả nghiên cứu của giới nghiên cứu của giới khoa học trên cả nước. Bộ KH&CN hết sức coi trọng vai trò của các doanh nghiệp đặc biệt là những doanh nghiệp có tình thần khoa học, dám ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong nước và nước ngoài để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập quốc tế”.
Bộ trưởng cũng chia sẻ một số chính sách mới mà Bộ Khoa học và công nghệ đang thúc đẩy nhằm tối ưu hóa không gian đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp cũng như cảnh báo một số điểm hạn chế mà Bộ cũng đang cố gắng tháo gỡ cho doanh nghiệp: Quỹ đổi mới công nghệ sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2014; đổi mới cơ bản cơ chế tài chính như cấp phát kinh phí nghiên cứu, đổi mới công nghệ qua các quỹ khoa học; thay đổi định mức chi, đinh mức thanh quyết toán khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, để thuê chuyên gia, mua công nghệ, trả thù lao thiết kế….
Là một trong những người gắn bó với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp của cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng đề cao vai trò của các doanh nghiệp dũng cảm đi đầu và tạo ra những bước đột phá trong sản xuất kinh doanh thông qua việc đầu tư cho nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ quản trị.
Đẩy mạnh tam giác Nhà nước – Viện trường – Doanh nghiệp
Tại hội thảo, ban tổ chức đưa ra hai phiên thảo luận với hai nhóm đề tài: Đẩy mạnh quan hệ nhà nước và DN về đổi mới sáng tạo và Làm thế nào để gia tăng hợp tác giữa doanh nghiệp và viện trường.
Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan “than thở” là chúng tôi lập quỹ KH&CN cách đây 10 năm với mức trích 10%/năm lợi nhuận trước thuế. Gần đây Nhà nước thay đổi quy định trích lợi nhuận sau thuế, có nghĩa là doanh thu và lợi nhuận đều phải cao hơn hẳn trước đây và điều này là không tưởng vì hiện nay đầu vào ngày càng tăng, sức mua kém, lấy đâu ra tiền để trích 10%. Còn bà Chủ tịch HĐQT dược Hậu Giang thì đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Quân cần có giải pháp giúp cho công ty của bà có cách tiêu được hàng trăm tỉ đồng của quỹ đổi mới công nghệ của công ty tồn đọng từ nhiều năm nay. Một mô hình tư nhân hoàn toàn khác là ông Cổ Gia Thọ, chủ tịch công ty Thiên Long thì nói những sản phẩm của công ty đến nay không những chỉ cạnh tranh được trên thị trường trong nước mà còn xuất khẩu chủ yết do nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, từ lúc còn rất nhỏ thì trích phần tiền nhỏ, cứ nuôi bộ phận nghiên cứu phát triển (R&D) và truyền lửa liên tục, sự hợp tác với các viện trường hầu như không đáng kể. Cũng như thế, bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc SaigonFood chạy đi chạy về với trường ĐH Nông Lâm – vốn là trường cũ của bà nhưng cũng không đạt được các công việc nghiên cứu sản phẩm mà công ty mong đợi. Đó là chưa kể đến việc “không biết các trường, các thầy có công trình gì để đi tìm mà hợp tác”. Đó là những ví dụ khá điển hình về mối liên kết còn lỏng lẻo và hiệu quả thấp giữa viện, trường và doanh nghiệp.
Vậy làm gì để thay đổi tình hình này? Cần công khai danh mục các nghiên cứu để doanh nghiệp tiếp cận. Bà Vũ thị Thuận, chủ tịch công ty Traphaco nói, doanh nghiệp nên chủ động tìm tới các Viện trường. Một số ý kiến cho rằng, Bộ chỉ nên cấp tiền cho nghiên cứu những công trình nào đã có DN đặt hàng, tránh tình trạng công trình xong bỏ vào ngăn tủ.
Ông Phan Minh tân, giám đốc sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cũng là giảng viên Đại học Bách Khoa nói về việc Sở có liên kết với 3 trung tâm ươm tạo, DN nên qua Sở tiếp cận: ĐH Bách Khóa TP.HCM, ĐH Nông Lâm và Khu Nông nghiệp CN Cao. Ông Tân cũng đề nghị DN nên lập bộ phận hay phân công người quản lý công nghệ (CTO).
Đi tìm một hướng phát triển chung
Với tiêu chí cùng nhau bàn luận, hợp tác, xây dựng và cùng nhau phát triển, hội nghị đã thu hoạch được những kết quả khả quan từ các bên Nhà nước, doanh nghiệp và viện trường hay còn gọi là tam giác đổi mới sáng tạo. Nhận thức về vấn đề quan trọng trong đổi mới sáng tạo trong khoa học và công nghệ, hơn ai hết doanh nghiệp đã nhân cơ hội này để bày tỏ những nguyện vọng được hợp tác với giới nghiên cứu khoa học để đầu tư phát triển công nghệ, đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng cạnh tranh với hàng hóa trên thị trường đồng thời cũng mong nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi từ các cơ quan nhà nước.
Là đơn vì đồng hành cùng doanh nghiệp trong hơn 17 năm qua, Hội DNHVNCLC đã luôn cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trong nhiều lĩnh vực từ xây dựng thương hiệu cho đến việc hỗ trợ đưa sản phẩm đến khâu người tiêu dùng. Tuy nhiên, sẽ là không đủ khi mà hiện nay chúng ta bị sức ép của các hiệp định thương mại quốc tế, các cuộc hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới trở nên thành hơi nóng tỏa phía sau lưng rất mạnh mẽ và quyết liệt. Hội DNHVNCLC đã cùng ngồi với các doanh nghiệp để “bắt mạch” và trở thành cầu nối tìm ra những giải pháp đổi mới sáng tạo trong khoa học và công nghệ để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững. Ngoài đề án hợp tác với Bộ, Hội DNHVNCLC cũng đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM thực hiện chương trình “Doanh nghiệp và vấn đề sống còn: Đổi mới công nghệ và quản trị” với nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cụ thể như hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí chuyển giao công nghệ trong chương trình hỗ trợ phát triển các sản phẩm quốc gia đến năm 2020; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động R&D, đổi mới công nghệ trong chương trình đăng ký chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ; hỗ trợ 100% lãi vay các dự án đầu tư như cơ khí, điện tử – CNTT, hóa dược – cao su,… trong chương trình kích cầu đầu tư; …
Hội thảo 25/9 là dấu mốc quan trọng trong hành trình kết nối cùng nhau tận dụng những thế mạnh và cùng nhau phát triển giữa Nhà nước – Viện trường – Doanh nghiệp.
6 nội dung hợp tác giữa Hội DN Hàng VN Chất lượng cao với bộ KH&CN Khảo sát thực trạng Đổi mới sáng tạo hàng năm và kiến nghị chính sách. Xây dựng Câu lạc bộ Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo: Tập hợp các doanh nghiệp có quan tâm, có hoạt động Đổi mới sáng tạo ; các chuyên gia, Viện trường trên cơ sở nòng cốt là CLB doanh nghiệp dẫn đầu LBC; kết nối với các cơ quan chức năng của Bộ KH&CN để tư vấn, hỗ trợ DN về chuyên môn, về nguồn lực (tài chính, nhân lực, giải pháp…). Hợp tác về Sở hữu trí tuệ: kết nối cơ quan chuyên trách của Bộ, tạo điều kiện để DN am hiểu,bảo vệ, thực hiện quyền SHTT. Mỗi quý, tổ chức tọa đàm cho doanh nghiệp để trang bị kiến thức, hướng dẫn, giải quyết các trường hợp bị xâm phạm quyền SHTT. Tổ chức phổ biến kiến thức về Sở hữu trí tuệ cho DN và lực lượng truyền thông; Phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức 2 cuộc hội thảo chuyên đề /năm. Xúc tiến thị trường công nghệ: Tìm nguồn vốn cho hoạt động đổi mới sáng tạo từ ngân sách Nhà nước và các nguồn khác; trợ vốn đầu tư rủi ro cho sản phẩm công nghệ mới; và thử nghiệm hình thức “Gọi vốn cộng đồng” (crowdfunding). Đồng thời xúc tiến thị trường công nghệ trong nước: Tổ chức các hoạt động (họp báo, triển lãm mini về ĐMST trong không gian hội chợ HVNCLC năm 2014), giới thiệu về thành tựu đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ của DN tại hội chợ công nghệ trong nước và quốc tế, tham gia tổ chức “Tuần lễ ĐMST KHCN và quản trị kinh doanh”. Truyền thông: Trung tâm BSA (BSA Media) kết hợp với Tạp chí Tia Sáng và hợp tác với các chương trình truyền thông do các cơ quan của Bộ KHCN kết hợp thực hiện với các báo đài; tổ chức các chương trình mới có chủ đề doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo trên cơ sở các công cụ truyền thông của Hội hay theo các mô hình hợp tác vốn có của Hội DNHVNCLC với các báo đài. Hỗ trợ một số doanh nghiệp hạt giống tiếp nhận sự trợ giúp của Bộ, từ tài chính đến các tư vấn về thủ tục, về kiến thức khoa học và công nghệ để tiến hành đổi mới công nghệ. |