Đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để tăng trưởng năng suất
Đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là then chốt để tăng trưởng năng suất – đây là chia sẻ chung của các diễn giả tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017, do Bộ Kế hoạch Đầu tư và World Bank phối hợp tổ chức ngày 13/12 vừa qua.
Dù Việt Nam đã và đang có những thành tựu kinh tế ấn tượng như duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ổn định, bình ổn lạm phát ở mức một con số, kiểm soát tỷ giá hối đoái và duy trì vị thế xuất siêu, tuy nhiên ông Ousmane Dione – Giám đốc WB Việt Nam cho rằng thách thức hiện nay là tốc độ tăng trưởng năng suất còn thấp. Năng suất chính là yếu tố quyết định việc liệu các quốc gia liệu có khả năng thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” hay không, và Việt Nam cần quan tâm tới năng suất nếu muốn không đi vào vết xe đổ mà Thái Lan, Indonesia, Brazil,.. để lại – tăng trưởng nhưng lại không thể vươn lên thành nước phát triển.
Đóng góp của TFP vào tăng trưởng còn thấp so với khu vực
Phát biểu tại diễn đàn, GS. Kenichi Ohno (Học viện Quốc gia về Nghiên cứu Chính sách GRIPS, Nhật Bản) cho rằng tăng trưởng trong quá khứ của Việt Nam chủ yếu dựa vào thâm dụng vốn và lao động, không phải do chất. Những thay đổi trong năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam phản ánh những thay đổi của mức độ thâm dụng vốn – khối lượng đầu tư, trong khi đó Năng suất các nhân tố tổng hợp (Total Factors Productivity – TFP) không có nhiều thay đổi. Tỷ lệ đóng góp của TFP – phản ánh năng lực công nghệ của Việt Nam vào tăng trưởng GDP chỉ mới ở mức 20% trong giai đoạn 2000 – 2014, thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Thái lan (60%), Indonesia (30%), Philippines (39%), Malaysia (23%), Trung Quốc (37%),… Đồng thời, năng suất lao động của Việt Nam cũng còn thấp so với các nước trong khu vực. năm 2015, NSLĐ của Singapore gấp 14,3 lần Việt Nam, Malaysia là 5,7 lần, Philippines cũng gấp đến 1,8 lần.
Đồng thời, theo TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, doanh nghiệp Việt Nam thâm dụng vốn cao nhưng năng suất vốn lại thấp nhất trong khu vực, nghĩa là thâm dụng vốn không gắn với đầu tư đổi mới công nghệ. Và năng suất lao động tăng chủ yếu là nhờ chuyển dịch từ nông nghiệp –có NSLĐ thấp sang công nghiệp và dịch vụ – nơi có NSLĐ cao hơn.
Đây là bài toán khó đối với Việt Nam, bởi theo các chuyên gia tại Diễn đàn, Việt Nam cần phải tăng NSLĐ lên bình quân khoảng 6%/năm, tăng 26% so với giai đoạn 2011 – 2017 thì mới có thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,85%/năm trong năm 2018.
Ngoài ra, chất lượng chính sách nói chung và chính sách công nghiệp nói riêng còn nhiều hạn chế, theo đánh giá của GS. Ohno, Việt Nam đang ở trong nhóm các nước đạt mức thu nhập trung bình nhưng chính sách công nghiệp còn yếu. Trong khi đó, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng NSLĐ nhanh nhất cũng như nơi diễn ra phần lớn các hoạt động đổi mới sáng tạo. Một thực trạng bất ngờ hiện nay là theo khảo sát, đầu tư cho khoa học công nghệ lại chủ yếu diễn ra ở khu vực công, khu vực tư mới chỉ bắt đầu quan tâm còn vẫn tiếp tục chuyển giao công nghệ từ nước ngoài về. Điều này dẫn tới những hạn chế trong triển khai và lan tỏa hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Cải thiện chính sách ĐMST để giải phóng năng suất
Trước thực trạng đó, TS. Rajah Rasiah – Cố vấn cao cấp của UNDP tại Việt Nam đã nghiên cứu câu chuyện thành công của Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan để đưa ra những khuyến nghị tăng trưởng năng suất gồm: Tài trợ cho đổi mới, sáng tạo và Đầu tư xây dựng hạ tầng sáng tạo khoa học công nghệ. Chính phủ Đài Loan và Hàn Quốc đã dành những ưu đãi lãi suất và các khoản trợ cấp hoạt động R&D cho các công ty được xác định có khả năng nâng cấp công nghệ. Các nước này cũng đặt trọng tâm vào giáo dục khoa học, công nghệ cho các tập đoàn kinh tế lớn – nhân tố chính tác động lên chiến lược công nghiệp hóa (Hàn Quốc); xây dựng các viện nghiên cứu và công viên khoa học (Đài Loan, Singapore). TS. Rajah tổng kết: “Sáng tạo là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng năng suất”.
Cũng đồng tình với quan điểm trên, GS. Michael Woods – Nguyên phó chủ tịch Hội đồng năng suất quốc gia Australia đã lý giải sự trì trệ của năng suất đa nhân tố (Multi-factors Productivity – MFP) – yếu tố tác động tới tăng năng suất, là do các đổi mới sáng tạo lan tỏa chậm giữa các công ty trong ngành. Ông Sudhir Shetty (Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, WB) khuyến nghị khi Việt Nam phát triển các chính sách về đổi mới sáng tạo, không chỉ cần phải đầu tư hạ tầng, kỹ thuật mà còn cần cải thiện cả năng lực (quản lý, thực hành) của doanh nghiệp và chính quyền.
Thảo luận tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Phạm Đại Dương nhận xét các diễn giả đã nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ trong phát triển xã hội nói chung và nâng cao năng suất, chất lượng nói riêng. Tuy nhiên, đổi mới luôn đi kèm với rủi ro và chi phí lớn vì vậy vấn đề hiện nay là thúc đẩy đổi mới đồng thời giảm thiểu rủi ro liên quan. Thứ trưởng cũng kêu gọi các bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp có sự quan tâm đúng mức cho công tác đầu tư khoa học công nghệ Việt Nam cùng với đó là đổi mới cách thức triển khai hỗ trợ năng suất bằng cách cung cấp gói giải pháp tổng thể thay vì hỗ trợ các công cụ đơn lẻ.