Đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị nông sản: Khi nào cây chủ lực là cây làm giàu?
Mặc dù bơ, sầu riêng và chanh leo hiện được coi là ba loại cây ăn trái chủ lực ở Tây Nguyên nhưng làm thế nào để chuỗi giá trị xây dựng quanh chúng có thể đem lại nhiều giá trị gia tăng nhất?

Khảo sát nhóm cây chủ lực
Khó có nơi nào ở Việt Nam hội tụ nhiều điểm mạnh về điều kiện trồng trọt như Tây Nguyên – đất đai màu mỡ, đa dạng, chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, hệ thống sông ngòi, hồ đập phong phú… Đó là nơi mà diện tích một số cây trồng vượt trội so với cả nước: cà phê chiếm 96% diện tích cả nước, hồ tiêu chiếm 66%, sầu riêng chiếm 50%, chanh leo chiếm 70%. Tuy nhiên có một nghịch lý là hiếm có cây trồng nào ở đây có được thương hiệu nổi bật trên thị trường quốc tế. Ngay cả cà phê, cây trồng đem lại vị trí thứ hai cho Việt Nam trong danh sách những quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, cũng không là một ngoại lệ.
Nhìn lại cả quá trình cây cà phê được đưa vào Việt Nam và lịch sử phát triển rộng lớn hơn của cà phê trên toàn cầu, có thể thấy cà phê Việt Nam đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để xuất hiện trên bản đồ thế giới. Kể từ thời kỳ Đổi mới, sau mấy chục năm gây dựng cơ đồ, các doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu nghĩ đến việc làm thương hiệu cho sản phẩm cà phê của mình, khi đó gần như khẩu vị cà phê thế giới và các chuỗi giá trị đã định hình. Vô cùng khó để các doanh nghiệp Việt Nam định vị được mình trong chuỗi giá trị ấy nên để tránh việc chỉ bán, xuất khẩu sản phẩm thô dạng hạt, họ chỉ có thể lựa chọn những cách làm khả thi là chọn thị trường ngách hoặc chủ động áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo trong hoạt động của mình. Đổi mới sáng tạo có tiềm năng tạo ra một không gian rộng lớn giúp họ đưa được những giải pháp mới hiệu quả ở bất kỳ khâu nào trong trong chuỗi giá trị, từ đó tạo ra những sản phẩm đa dạng, khác biệt, như cà phê đặc sản hay cà phê hữu cơ…
Trong khuôn khổ một dự án hỗ trợ đổi mới sáng tạo ngành cà phê và cây ăn quả của Chương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam-Australia (Aus4Innovation), tiến sĩ Pablo Juliano Otero, Trưởng nhóm Chuỗi cung ứng và Chế biến thực phẩm tại Cơ quan Nghiên cứu khoa học Quốc gia Australia (CSIRO), cùng các đồng nghiệp đã đến Tây Nguyên để khảo sát ba loại cây chủ lực là bơ, sầu riêng và chanh leo. Trao đổi với Khoa học và Phát triển/Tia Sáng, ông cho rằng, đổi mới sáng tạo sẽ là ‘lối thoát’ không chỉ của riêng cây cà phê mà còn nhiều cây trồng khác, vốn bấy lâu nay chưa bứt phá được khỏi cái vòng luẩn quẩn tạo giá trị gia tăng thấp. Tuy vậy, đổi mới sáng tạo lại chính là mảnh ghép còn thiếu ở Việt Nam.
Một bức tranh phân mảnh
Hiện nay ngoài việc tiêu thụ trực tiếp quả tươi, phần lớn các sản phẩm trái cây ở Tây Nguyên được chế biến thành thực phẩm dưới dạng sấy khô hay ép thành đồ uống nhằm tăng thời gian bảo quản và sử dụng thực phẩm. Cách thức này phần nào giải quyết được thách thức ‘được mùa mất giá’. Tuy nhiên, có rất ít cân nhắc về những gì thị trường cần hoặc sản phẩm mới mà doanh nghiệp nên tạo ra. Mặt khác, sự manh mún về diện tích trồng trọt, thiếu liên kết giữa các nông hộ và hoạt động kém hiệu quả của các hợp tác xã đang “gây khó khăn cho cả các doanh nghiệp thu mua”. Thêm vào đó, sự không đồng nhất về tiêu chuẩn chế biến, chất lượng sản phẩm và phương thức canh tác của các nông hộ càng làm cho “doanh nghiệp không thể đưa ra mức giá cao.”
“Tôi nghĩ một trong những thách thức lớn nhất với nông hộ nhỏ ở Tây Nguyên là việc gắn kết với thị trường và công nghệ bảo quản chế biến. Khi hiểu được thị trường mà ta muốn phục vụ, ta có thể tập trung vào việc phát triển các công nghệ phù hợp cho sản phẩm của mình”, TS. Pablo Juliano Otero bình luận.

Trong nhiều buổi trao đổi với các doanh nghiệp, nhóm của ông nhận thấy rằng không chỉ các nông hộ nhỏ mà ngay cả những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lớn cũng gặp thách thức với vấn đề này.
Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), hầu như chưa ai quan tâm đến việc tìm hiểu, đánh giá và phân tích thị trường một cách kỹ lưỡng nên họ “chủ yếu chế biến thô những sản phẩm quen thuộc và bán lại cho các bên thu mua”, chị Vũ Hương Mai, cán bộ quản lý đối tác của đoàn khảo sát nói. Ở những doanh nghiệp này, cả về mặt tư duy thị trường và công nghệ đều rất hạn chế. Tức là họ mới chỉ nghĩ và làm theo tư duy đám đông, ví dụ thấy mọi người có công nghệ sấy thì họ cũng sấy. “Tất cả đều ùa đi tìm công nghệ sấy và nghĩ đó là giải pháp duy nhất và tối ưu”, chị Mai chia sẻ thêm.
Với các doanh nghiệp lớn, tuy tầm nhìn của họ đã khác khi định hình rõ chuỗi cung ứng của mình và áp dụng các công nghệ như truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị xuất khẩu, nhưng khi được hỏi về chiến lược phát triển công nghệ chế biến để có giá trị gia tăng cao hơn thì “câu trả lời cũng không rõ ràng”. Chẳng hạn, một công ty sở hữu hơn 450 ha sầu riêng rộng lớn cho biết hiện công ty mới chỉ có kế hoạch tập trung vào việc làm đông lạnh thịt quả và có thể sử dụng một phần để sản xuất kem.
“Đó là giới hạn của những gì họ có thể nghĩ tới”, TS. Pablo Juliano Otero nói, “Nếu mạnh dạn dám nghĩ khác đi cách làm truyền thống, doanh nghiệp này hoàn toàn có thể khám phá những cơ hội khác để có được những sản phẩm sầu riêng có thời hạn sử dụng lâu hơn. Ví dụ, tại sao lại chỉ phụ thuộc vào mỗi đông lạnh và chuỗi làm lạnh? Thịt sầu riêng có thể làm thành bột, hoặc lên men để tăng cường giá trị dinh dưỡng và các thành phần có đặc tính sinh học tiềm năng khác chứ?”
Hơn nữa, việc nghĩ khác đi về sản phẩm không nên chỉ gói gọn trong việc tạo ra những sản phẩm mới từ phần giá trị vốn được khai thác từ lâu, mà còn là việc tạo ra những sản phẩm mới từ phụ phẩm bỏ đi trước đây. Ví dụ, hạt sầu riêng có thể rang xay để nghiền thành bột, từ bột này có thể tạo ra phụ gia quan trọng (pectin) cho ngành công nghiệp thực phẩm, chất thay thế cà phê hoặc bột không chứa gluten để nướng bánh. Vỏ sầu riêng có thể được tái sử dụng theo nhiều cách như làm nhiên liệu và sợi tự nhiên. Nhìn chung, có rất nhiều thị trường B2B cho những sản phẩm độc đáo như vậy.
“Tuy nhiên, khi chúng tôi trao đổi với công ty thì họ mới chỉ nghĩ đến việc tận dụng phụ phẩm làm thức ăn gia súc vì họ có mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Điều này chứng tỏ một cách nghĩ truyền thống, vốn gắn với những công nghệ cơ bản, ít rủi ro và nhất là chưa cởi mở với các ý tưởng sáng tạo hoặc đòi hỏi nhiều thử nghiệm hơn”, TS. Paolo Juliano Otero nhận xét.

Một hạn chế khác nữa là ngay cả khi đã hiểu được công nghệ chế biến là chìa khóa để gia tăng giá trị cho các sản phẩm truyền thống hoặc tạo ra những sản phẩm mới, các nông hộ nhỏ và kể cả doanh nghiệp lớn đều gặp khó khăn khi không biết phải tìm nguồn công nghệ đó ở đâu. Có một khoảng cách khá lớn giữa những người cần công nghệ và người cung cấp công nghệ ở Việt Nam – điều mà đại diện của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO từng nhận xét là “các tổ chức nghiên cứu ở Việt Nam như bị cô lập trong ốc đảo”.
Qua các cuộc hội thảo, tiếp xúc ở Tây Nguyên, nhóm của TS. Pablo Juliano Otero khá ngạc nhiên khi thấy rằng nhiều đơn vị nghiên cứu chủ chốt như Đại học Tây Nguyên, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) hay Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (VIAEP) đã có hầu hết những công nghệ chế biến thực phẩm cơ bản mà doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hợp tác xã cần đến và có thể áp dụng phù hợp với năng lực và quy mô của họ, nhưng lại gần như không được biết đến.
“Chúng ta nên coi viện trường là nơi cung cấp sản phẩm chất xám, công nghệ và giải pháp ở một mức độ nhất định, dù đâu đó cũng còn hạn chế ở giai đoạn hiện nay”, chị Vũ Hương Mai khẳng định.
Thấp thoáng những điểm sáng
Trong bức tranh toàn cảnh về năng lực công nghệ của chuỗi giá trị cây chủ lực tại Tây Nguyên, bên cạnh những gam màu trầm quen thuộc vẫn có một vài điểm sáng.
“Chúng tôi đã gặp một cô gái là chủ một doanh nghiệp SME kinh doanh sản phẩm trà được làm từ vỏ quả cà phê sấy khô – trà Cascara. Hoa cà phê, trước đây thường để rụng, nay cũng được cắt về để làm trà. Khi hỏi về việc liệu có xem xét việc dùng lá cà phê không thì cô ấy trả lời ngay lập tức là đang triển khai một dự án nhỏ để thử làm sản phẩm mới từ lá cà phê vì nghĩ rằng chúng cũng chứa caffeine”, TS. Pablo Juliano Otero đánh giá cao tư duy này. “Những cách nghĩ sáng tạo và dám thử nghiệm như thế này rất đáng được khích lệ. Cách tiếp cận này cũng có thể áp dụng đối với những cây trồng khác như chanh leo, bơ, sầu riêng”.
Cách nhìn rộng ra toàn chuỗi giá trị cũng như toàn bộ các khía cạnh của cây trồng cũng thấp thoáng ở một số doanh nghiệp tiên phong về công nghệ trong khu vực. Một trong những doanh nghiệp lớn mà đoàn đến thăm đã thành lập riêng một trung tâm R&D và sẵn sàng hợp tác với các viện, trường nghiên cứu trong nước để cùng nghiên cứu giải pháp cho các vấn đề của quả chanh leo, vốn là cây trồng chủ lực của họ. Doanh nghiệp này cũng đang ấp ủ khát vọng tạo ra một dòng sản phẩm hoàn toàn mới từ hạt và vỏ chanh leo, có thể dùng cho công nghiệp hóa mỹ phẩm. Họ đã bắt đầu các nghiên cứu sơ bộ trong phòng lab.
“Sự dám nghĩ dám làm của cả doanh nghiệp cà phê siêu nhỏ và doanh nghiệp quy mô lớn trong ngành sản xuất chế biến chanh leo đã chỉ ra rằng đổi mới sáng tạo không nhất thiết phải gắn liền với công nghệ đắt tiền, mà có thể đến từ một tư duy sáng tạo hay cách làm mới ở bất kỳ khâu nào trong chuỗi giá trị hay quy trình quản trị tổ chức”, bà Michaela Cosijn, chuyên gia về Đổi mới sáng tạo bền vững của CSIRO, nhận xét. “Đổi mới sáng tạo có thể xuất phát từ bất kỳ quy mô doanh nghiệp nào nếu doanh nghiệp đó có tầm nhìn chiến lược và nuôi dưỡng một văn hóa cởi mở, đón nhận những tư duy, cách làm mới nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường.”

Dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực để đầu tư vào R&D, và cũng không phải hộ kinh doanh nào cũng có được tư duy đổi mới. Các chuyên gia vì thế nghĩ đến việc xây dựng một nền tảng chung như mạng lưới hoặc trung tâm R&D, nơi các doanh nghiệp có thể tiếp cận công nghệ mới và hợp tác với nhau, từ đó giải quyết các vấn đề riêng biệt hoặc kết nối với các nông hộ nhỏ. Đây cũng là nơi khởi xướng những dự án nghiên cứu mang tính dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển sản phẩm mới cho toàn vùng.
Chuyển động như vậy đã bắt đầu. Thông qua tài trợ của Chương trình Aus4Innovation, Viện WASI đã chính thức khởi động một Mạng lưới Đổi mới sáng tạo ngành rau hoa quả (Horticulture Innovation Club in Central Highlands – HICC) ở khu vực Tây Nguyên vào tháng 10/2024.
“Đây là nền tảng thứ ba mà chúng tôi khởi động ở Việt Nam, bên cạnh một câu lạc bộ ở miền Bắc và một câu lạc bộ ở miền Nam đã đi vào hoạt động từ năm 2018 và thu hút hơn 1,500 doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà quản lý, hợp tác xã, nông dân tham gia”, bà Michaela Cosijn cho biết.
Các nhà khoa học trong mạng lưới đặt niềm tin vào sự thay đổi ở quy mô nhỏ. “Mạng lưới này sẽ bắt đầu với các liên kết nhỏ, kết nối giữa các bên trong chuỗi giá trị, giữa những người có công nghệ và cần công nghệ, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp và nông dân…Chẳng hạn, chúng tôi đang phát triển một dự án về các phương pháp chế biến có thể triển khai gần trang trại để tạo ra các sản phẩm cô đặc hoặc dạng sệt ổn định ở nhiệt độ phòng – đây là các sản phẩm trung gian không phụ thuộc vào chuỗi lạnh và có thể được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp thực phẩm. Quy trình và thiết bị sẽ không quá phức tạp để triển khai trong các nhà xưởng nhỏ gần trang trại, nhưng các sản phẩm này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xung quanh ít phụ thuộc hơn vào chuỗi lạnh, cải thiện hiệu quả, cho phép họ tích hợp chúng vào sản phẩm của mình”, TS. Pablo Juliano Otero tiết lộ.
Những điều đáng suy ngẫm
Khi được hỏi về những lời khuyên dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong việc cải thiện hiệu quả sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua công nghệ và đổi mới sáng tạo, TS. Pablo Juliano Otero đã chia sẻ ba điểm chính:
- Xem xét nhu cầu thị trường trước tiên: vì đây là yếu tố giúp định hướng việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ phù hợp và hiệu quả;
- Đừng “phát minh lại bánh xe”: Học hỏi từ những mô hình thành công sẵn có sẽ giúp rút ngắn con đường;
- Hợp tác cùng nhau: Cộng tác với các nhà nghiên cứu và các bên liên quan trong ngành là điều cần thiết để tận dụng nguồn lực chung, phát huy thế mạnh và chia sẻ rủi ro.
Tuy nhiên, còn muôn vàn vấn đề khác cần phải giải quyết để hình thành những sản phẩm mới và những chuỗi giá trị mới, đòi hỏi quy tụ nhiều nguồn lực khác nhau của xã hội, ví dụ như khả năng tiếp cận các nguồn tài chính để cập nhật công nghệ mới của các nông hộ và hợp tác xã nhỏ – như lưu ý của bà Michaela Cosijn: “Rõ ràng họ thiếu vốn và thật khó để họ có thể đầu tư vào những thiết bị cơ bản như sấy hoặc lên men, ngay cả khi chúng có tiềm năng làm gia tăng giá trị sản phẩm”.
Đó sẽ là vấn đề lớn hơn về chính sách hỗ trợ và khuyến khích của chính phủ. Còn trong trước mắt, TS. Pablo Juliano Otero cho rằng việc vận hành các nền tảng kết nối các bên, thúc đẩy trao đổi hợp tác giữa các bên trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sẽ là giải pháp có thể thực hiện được để tạo ra sự thay đổi theo chuỗi công nghệ – sản phẩm – thị trường.
Bài viết được thực hiện theo hoạt động hợp tác và chia sẻ thông tin từ Chương trình Aus4Innovation.
Bài đăng KH&PT số 1332 (số 8/2025)