Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp
Đổi mới sáng tạo (ĐMST) không chỉ là R&D mà nên hiểu là một quá trình học hỏi để cải tiến một cách liên tục. Hệ thống ĐMST nên được hiểu là một mạng lưới các tổ chức, các tác nhân cùng với các thể chế chính sách góp phần tạo ra sản phẩm mới, quy trình mới, phương thức tổ chức mới, được áp dụng để mang lại lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội. Với cách tiếp cận như vậy ta sẽ hiểu về ĐMST trong nông nghiệp một cách rộng hơn, cho phép sự tham gia, hợp tác của mọi đối tác, trong đó bao gồm các doanh nghiệp và nông dân, ở mọi quy mô sản xuất - kinh doanh. Bản thân người nông dân có thể tham gia vào quá trình ĐMST, chứ không chỉ thụ động chờ đợi được chuyển giao công nghệ từ các nhà khoa học.
Kỹ sư Hồ Quang Cua liên tục đổi mới, cải tiến để đáp ứng nhu cầu không ngừng thay đổi của thị trường. Nguồn: Báo Nông nghiệp VN.
Đó là những ý được nêu trong báo cáo “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào” được Ngân hàng Thế giới đưa ra tháng chín vừa qua mà tôi rất tán thành.
Một ví dụ điển hình về vai trò tham gia tích cực của người nông dân trong ĐMST là trường hợp kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự trong doanh nghiệp Hồ Quang. Quá trình ĐMST của họ là quá trình miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, cải tiến từng loại giống lúa, và làm việc trực tiếp với nông dân trong từng quy trình, từng việc làm để tạo ra các dòng sản phẩm lúa thơm đặc sắc, trong đó mỗi một sản phẩm mới đều qua nhiều lần thử nghiệm cho đến lúc đạt được sự tối ưu để có thể đưa ra thị trường, và rồi lại tiếp tục được đổi mới, cải tiến để đáp ứng nhu cầu không ngừng thay đổi của thị trường.
Một ví dụ khác là trường hợp ông Nguyễn Lâm Viên của công ty Vinamit. Tại Hội thảo về “Phát triển thị trường cho gạo Việt sạch và nông sản an toàn hữu cơ” tổ chức ở Hà Nội ngày 7-10, ông chia sẻ rằng cách đây mấy năm ông từng nghĩ nông nghiệp hữu cơ (organic) là cái gì đó mới mẻ, ứng dụng những công nghệ rất hiện đại của thế giới. Nhưng rồi ông nhận ra rằng một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã tiệm cận organic, vì được canh tác theo phương pháp truyền thống lâu đời: nuôi trồng tự nhiên, không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật. Vậy là ông lên những vùng núi phía Bắc gặp nông dân trồng lúa nương và các cây trái vườn nhà, về miền Tây gặp những người trồng mít, trồng dừa theo kiểu truyền thống, và khuyến khích họ: “cứ làm theo cách truyền thống cho tôi, đừng đưa những cái mới theo kiểu bón phân này để cây tăng trưởng nhanh, phun hóa chất kia diệt sâu bệnh…”.
Với cách tiếp cận như vậy, những người nông dân không chỉ đóng vai trò thụ động tiếp nhận công nghệ, mà chính họ có thể tham gia, cung cấp kinh nghiệm bản địa cho doanh nghiệp và những người làm công nghệ về những cách thức sản xuất hợp lý hơn, tiết kiệm, ít tốn đầu vào, mang lại sản phẩm chất lượng tốt, sạch và đáng tin cậy hơn cho người tiêu dùng.
Cả hai ví dụ nêu trên cũng cho thấy quá trình vừa triển khai, vừa tiếp nhận phản hồi và điều chỉnh liên tục là vô cùng quan trọng trong ĐMST. Rộng hơn, ĐMST không chỉ gắn với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, mà còn là quá trình tương tác liên tục giữa những cá nhân, các tổ chức, thể chế… liên quan trong xây dựng, thực hiện chính sách KH&CN, mở rộng thị trường cho công nghệ và sản phẩm của nó. Nếu khâu tương tác cần thiết nào đó bị bỏ qua thì ta sẽ bị hụt hẫng, không đồng bộ hoặc lỡ nhịp. Những người sáng tạo và những người ứng dụng sản phẩm sáng tạo rất cần hợp tác, cũng như những đổi mới lớn cần đi cùng với những đổi mới riêng lẻ trong quá trình tương tác và phát triển liên tục thì mới có thể hoàn thiện và tạo nên đột phá.
Cá biệt hóa và tôn trọng sự đa dạng
Chúng ta cần cá biệt hóa các sản phẩm, các quy trình, sao cho phù hợp với điều kiện của từng nơi, từng nhóm người tiêu dùng. Sự phát triển của các ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay cho phép khả năng cá biệt hóa rất cao, đáp ứng nhu cầu chi tiết, cụ thể của từng nhóm tiêu dùng nhỏ. Ví dụ, ngành sữa hay ngành gạo hoàn toàn có thể làm những sản phẩm riêng cho những nhóm người bị bệnh tiểu đường, mỡ máu, huyết áp, hay những người ăn kiêng, hiện đang rất phổ biến trong nước cũng như trên thế giới.
Mặt khác, dù ĐMST cần những đột phá, nhưng đồng thời cũng phải chấp nhận cả những bước đi từ từ. Sự đa dạng trong xã hội và những khác biệt giữa các vùng đòi hỏi bước đi phải phù hợp với từng nơi, không thể yêu cầu tất cả cùng nhảy vọt. Có chỗ vượt lên, có chỗ cần chấp nhận đi chậm hơn, đừng ép tất cả mọi người phải đi như nhau. Những người vượt lên sau này sẽ dẫn dắt hoặc tạo điều kiện cho những người đi sau. Chúng ta đã trải qua bao nhiêu bài học về hậu quả của việc áp đặt một hệ thống chung cho tất cả mọi người. Những cú nhảy vọt luôn kèm theo rủi ro, mà nếu áp đặt tiến hành trên quy mô rộng thì rủi ro sẽ dội lên tất cả. Vì vậy, chấp nhận sự đa dạng theo vùng, miền, thậm chí theo từng cộng đồng, chính là một giải pháp nhằm hạn chế rủi ro. Đơn cử như vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có những mô hình phong phú đa dạng, có nơi một lúa một tôm, có nơi hai lúa, có nơi một lúa một màu …, thuận theo tự nhiên.
Tương tự như vậy, cần áp dụng các điều kiện tín dụng linh hoạt, phù hợp cho các đối tượng khác nhau. Dĩ nhiên ai cũng mong muốn Nhà nước có một cơ chế tín dụng ưu đãi tối đa cho mình, nhưng phải hiểu bản chất các ngân hàng thương mại cũng là những người kinh doanh, với những trách nhiệm và yêu cầu cần thiết nhằm tránh rủi ro kinh doanh của họ. Bản thân những người tham gia các khâu khác nhau trong chuỗi kinh doanh nông nghiệp cũng có năng lực và mức độ rủi ro khác nhau, vì vậy đòi hỏi tất cả mọi đối tượng làm nông nghiệp đều đáp ứng những điều kiện như nhau để được những ưu đãi như nhau về tín dụng là điều không thể được.
Những vấn đề cần giải quyết để tránh khúc mắc giữa nông dân và doanh nghiệp
Thứ nhất, mọi khúc mắc nói chung thường xuất phát từ lợi ích, do vậy vấn đề quan trọng nhất là làm sao hài hòa được lợi ích của các bên. Doanh nghiệp thường biết tính toán cho lợi ích xa hơn, rộng hơn, trong khi người nông dân luôn phải lo cuộc sống hằng ngày nên cách nhìn lợi ích có phần ngắn hạn và hẹp hơn. Để dung hòa khác biệt này, doanh nghiệp phải tự đặt mình vào vị thế của nông dân, phải nghĩ một cách sòng phẳng xem lợi ích của nông dân cần được đảm bảo như thế nào, từ đó mới thuyết phục và xây dựng được lòng tin giữa hai bên.
Thứ hai, giữa nông dân và doanh nghiệp ở nước ta có chênh lệch lớn về vị thế. Nông dân là người có đất thật đấy, nhưng chỉ là quyền sử dụng đất với quy mô hạn chế và giá trị của đất trong nông nghiệp không được cao, trong khi doanh nghiệp có vị thế kinh doanh với nhiều cách thức khai thác mang lại giá trị lớn hơn. Nhìn vào chuỗi giá trị thì điều này càng rõ. Nông dân phần nhiều chỉ nắm khâu sản xuất nông sản, còn doanh nghiệp là người nắm cả đầu vào lẫn đầu ra trong chuỗi giá trị, dẫn tới vị thế của doanh nghiệp cao hơn nhiều so với nông dân. Chính vì vậy doanh nghiệp cần có cách phân công hợp lý, thuyết phục, hỗ trợ nông dân để người ta có thể đi cùng với mình và có vị trí được nâng cao dần trong cả chuỗi.
Thứ ba, về tiếp cận các nguồn lực như thông tin, kiến thức, tri thức cần thiết trên thị trường, nông dân không thể có điều kiện bằng doanh nghiệp, phần lớn họ không biết cụ thể thị trường cần gì, giá cả trên thị trường biến động như thế nào, bán ở trong nước hay xuất khẩu có lợi hơn, v.v. Họ cũng không thể nhanh nhạy như doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn công nghệ, kỹ thuật hay dịch vụ hỗ trợ. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần chia sẻ và hỗ trợ nông dân thực hiện cách làm phù hợp hoặc ứng dụng công nghệ mới, tổ chức lại quy trình sản xuất, nâng cao năng lực của nông dân trong quản trị hộ sản xuất, tổ hợp tác hay hợp tác xã. Nông dân cũng cần cố gắng học hỏi để có thể làm việc được với doanh nghiệp ngày một hòa hợp và bình đẳng hơn.
Vấn đề cuối cùng là yếu tố pháp lý của việc hợp tác. Lâu nay liên kết bốn nhà khó thành công một phần bởi công cụ pháp lý không đảm bảo. Khi xảy ra tranh chấp hợp đồng thường rất khó xử lý, vì cứ vướng giữa tình và lý. Trên thực tế, nhiều khi doanh nghiệp phải chịu thiệt thòi hơn vì xã hội và Nhà nước nói chung thường đứng ra bênh vực người nông dân, kể cả khi người nông dân vi phạm hợp đồng – ví dụ đã tiếp nhận đầu tư của doanh nghiệp nhưng lại đem bán sản phẩm cho ai trả giá cao hơn chứ không bán cho người đã đầu tư cho mình. Rất cần có thể chế pháp lý nghiêm minh, bảo đảm sự tuân thủ các cam kết trong hợp đồng, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên, như vậy mới có thể tạo niềm tin lâu dài. Bên cạnh đó cũng không thể thiếu thể chế pháp lý và hệ thống giám sát cần thiết để thúc đẩy toàn ngành nông nghiệp phát triển theo yêu cầu mới, đảm bảo chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc và có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.