Đổi mới sáng tạo và đột phá KH&CN

Tư duy một cách có trách nhiệm, khao khát soi xét các vấn đề một cách thấu đáo, chuyên nghiệp, trí tuệ và liêm chính, GS. Pierre Darriulat cho rằng đây là những phẩm chất quan trọng để ngành KH&CN có thể thực hiện thành công Nghị quyết 57, như chia sẻ trong bài viết lần này.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp gỡ 30 nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam đang sống và làm việc tại khối các nước nói Tiếng Pháp vào tháng 10/2024. Trong buổi này, ông đề xuất kiều bào “góp sức đào tạo nhân tài” ở Việt Nam. Ảnh: Minh Nhật

Ban biên tập Tia Sáng mời tôi viết về Nghị quyết 57 gần đây về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nhưng trước khi chia sẻ suy nghĩ của mình, tôi xin được bắt đầu bằng một câu chuyện nhỏ. 

Dĩ nhiên, tôi đã biết về Khoán 10 – một biểu tượng cho việc mở cửa nền kinh tế trong thời kì đổi mới – nên khi nghe mọi người gần đây thường liên hệ Khoán 10 với Nghị quyết 57, với hàm ý cả hai cùng có cách tiếp cận chú trọng hiệu quả đầu ra hơn phương thức thực hiện – tôi muốn tìm hiểu người trẻ ngày nay suy nghĩ gì về dấu mốc này trong quá khứ. Kết quả tra cứu dẫn tôi đến một công trình nghiên cứu mới được xuất bản gần đây, có tên là “Nông nghiệp Việt Nam trước và sau khi mở cửa nền kinh tế”. Nội dung chính của bài báo không có gì đặc biệt, nói rằng Khoán 10 đã chuyển đổi nền kinh tế vốn chỉ có các nông trường và hợp tác xã do nhà nước sở hữu sang các hoạt động đa dạng hơn, tạo điều kiện cho nền kinh tế thị trường phát triển. Tuy nhiên, bài báo có những lỗi sai nghiêm trọng, trong đó tôi xin nêu ra hai ví dụ: mở đầu bài báo nói rằng “Pháp chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 1954!” (xin miễn bình luận!); kết thúc bài báo khẳng định một trong những thách thức lớn nhất của nông nghiệp đất nước là biến đổi khí hậu! Những chuyên gia nông nghiệp hẳn phải biết rằng nguyên nhân chính của lũ lụt ở Việt Nam không đến từ nước biển dâng mà do các tác nhân từ con người, như sự sụt lún của đồng bằng, phá rừng ngập mặn và ảnh hưởng của đô thị hóa bờ biển. Trang web của tạp chí đăng tải bài báo này còn gợi ý đọc các bài liên quan nhưng nội dung chẳng dính dáng gì đến Đổi mới hay Khoán 10, như “Sự bất thường của tầng điện ly trước và sau trận động đất Agadir 1960” và “Những đặc điểm của chất Ligin trước và sau khi đi qua đường tiêu hóa của động vật nhai lại”. Hẳn là do một phần mềm dạng ChatGPT thấy tiêu đề của tất cả các bài báo này đều có cụm từ “trước và sau” nên cho rằng chúng liên quan. Những lỗi sai này hẳn do trang web quá phụ thuộc vào “trí tuệ nhân tạo”. Tôi tự hỏi rằng tại sao những người bình duyệt và biên tập viên lại ẩu đến mức như vậy, nhưng hóa ra tạp chí này là một thành viên của Nhà xuất bản Scientific Research, một tạp chí săn mồi chuyên dùng email để tấn công, lôi kéo các nhà khoa học nộp bài, lợi dụng “truy cập mở” để khai thác tiền của họ tạo doanh thu. Những tạp chí như vậy giống như một nơi dễ dãi để các tác giả nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) xuất bản quốc tế nhằm thăng tiến trong sự nghiệp học thuật.  


Nghị quyết 57 là một cơ hội chưa từng có để thay đổi cung cách sẽ giúp cải tiến khoa học và công nghệ, rộng hơn là các kĩ năng và tri thức của quốc gia. Chúng ta không nên bỏ lỡ điều đó và cần phải nỗ lực hết sức để nó thành công.

Trước khi đọc Nghị quyết 57, câu chuyện này gợi cho tôi những suy nghĩ thận trọng khi nhìn về thực tại ở Việt Nam, với những hạn chế về năng lực, sự tồn tại của tham nhũng, và nguy cơ của sự hời hợt không thực chất khi chạy theo các trào lưu.

Nó cũng thúc đẩy tôi tìm hiểu để biết Nghị quyết 57 chỉ ra đâu là những trở ngại ngăn cản sự tiến bộ, tương tự như các “nông trường hợp tác xã do nhà nước sở hữu”, và đâu là yếu tố đóng vai trò chìa khóa cho tương lai, tương tự như “nền kinh tế thị trường” trước đây.

Nghị quyết 57 dùng một văn phong mới, khác biệt so với các văn bản hành chính, với nhiều từ ngữ thịnh hành như đổi mới sáng tạo, bền vững, đột phá, trí tuệ nhân tạo, công nghệ truyền thông di động 5G và 6G, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, v.v. Đặc biệt, nó có khoảng 1/3 nội dung nói về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số. Hẳn vậy, vào năm 2030, Nghị quyết đặt mục tiêu “Phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hóa số đạt mức cao của thế giới. Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu về an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu.” Điều này có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh Việt Nam? Chúng cần được ưu tiên ra sao trong việc phát triển kinh tế đất nước? Đây là những câu hỏi quan trọng mà ta chưa có câu trả lời rõ ràng; chúng cần phải được cân nhắc với sự nghiêm cẩn và xứng đáng xem xét nghiêm túc với hiểu biết và tri thức hết sức kĩ càng về môi trường của Việt Nam. Nếu không đầu tư đủ nỗ lực vào việc phát triển những lĩnh vực này có thể trì hoãn sự tiến bộ trong một thời gian dài, nhưng nếu đầu tư một cách thiếu hiệu quả thì lại dẫn đến lãng phí lớn. Chúng ta thừa biết từ những kinh nghiệm quá khứ, điều này có thể nguy hại thế nào. 

GS. Pierre Darriulat đã nhiều lần nhấn mạnh phải đảo ngược hiện tượng chảy máu chất xám, đưa đất nước phát triển từ một nền kinh tế dựa trên lao động giá rẻ sang nền kinh tế tri thức. Ảnh: Shutterstock

Tuy vậy, chúng ta nên hưởng ứng mạnh mẽ những mong muốn thay đổi thể chế của Nghị quyết 57. Đây là những mục tiêu ấn tượng được đặt ra: 

– Cần có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, mang tính chiến lược và cách mạng để tạo xung lực mới […] để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường

– Thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

– Bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao.

– Loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

– Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội.

– Phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

– Cải tiến nâng cao hiệu quả công việc, năng suất lao động, khơi dậy tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc,

Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; 

– Khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về khoa học, công nghệ, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế… để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, 


Cụm từ “khẩn trương” được nhắc lại nhiều lần trong Nghị Quyết 57 khiến tôi có đôi chút phân vân. Điều này có lẽ nên được hiểu rằng, để triển khai nghị quyết 57, ta không nên lãng phí thời gian, chứ không có nghĩa là ta nên ưu tiên tốc độ hơn là những suy tính cẩn trọng.  

– Cải cách cơ chế quản lý tài chính, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính; giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

– Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo. 

– Thống nhất, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo. Đầu tư, nâng cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cùng các cơ sở nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trọng điểm quốc gia. Sáp nhập, giải thể các tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động không hiệu quả. 

– Tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao.

– Bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển.

– Có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi; Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng trên các lĩnh vực; Ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống.

Đó cũng chính là những thay đổi mà chúng ta đã kêu gọi trong vòng hai thập kỷ qua. Nhưng tiếc rằng chúng ta không nhìn thấy nhiều chuyển biến trong việc thực hiện. 

Bài nói của GS. Pierre Darriulat về phát triển vật lý thiên văn ở Việt Nam: Những nỗ lực hơn hai thập kỷ tại Tuần lễ Thiên văn Cộng đồng Toàn quốc 2024. Ảnh: Thiên văn Đà Nẵng.-

Gần đây, trong một sự kiện của Tuần lễ Thiên văn Cộng đồng Toàn quốc 2024, thu hút các nhà nghiên cứu thiên văn và sinh viên ở Quy Nhơn, cả những người làm việc chuyên nghiệp lẫn những người không chuyên, tôi được mời nói về chủ đề “Phát triển Vật lý thiên văn ở Việt Nam: Những nỗ lực hơn hai thập kỷ”. Tôi chia sẻ đóng góp khiêm tốn của mình vào sự phát triển của khoa học Việt Nam, với việc tạo dựng một nhóm nghiên cứu nhỏ trong lĩnh vực vật lý thiên văn, giờ đây đã phát triển thành công và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đây là lời kết của bài nói chuyện: “Chúng tôi đã có vinh hạnh to lớn được gặp những người Việt Nam có vị trí quan trọng: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thị Bình, …; gần gũi với những nhà khoa học xuất sắc như: Shelly Glashow, Jack Steinberger, Jim Cronin, Gerard t’Hooft, Michel Mayor, Ngô Bảo Châu, Ada Younath; có những người bạn thân thiết như: Việt Phương, Hoàng Tụy, Phạm Duy Hiển, Nguyễn Quang Riệu, Đàm Thanh Sơn…; được vinh danh với rất nhiều giải thưởng. Nhưng chúng tôi vẫn thất bại trong việc bày tỏ những điều sau với những người có thẩm quyền: 

– Sự cần thiết phải đảo ngược hiện tượng chảy máu chất xám.

– Sự cần thiết hiểu về những ưu tiên trong khoa học, nghiên cứu và giáo dục, đặc biệt là thừa nhận vai trò quan trọng của vật lý thiên văn với vai trò tiên phong trong tri thức nhân loại hiện nay. 

– Sự cần thiết phải hỗ trợ làm việc nhóm.

– Sự cần thiết trong việc coi trọng việc cân bằng giữa lý thuyết và thực nghiệm/quan sát.

– Sự cần thiết trong việc coi trọng thiết bị máy móc khoa học: việc mua sắm phải dựa trên những thảo luận chặt chẽ của những người sẽ vận hành, duy trì và khai thác chúng. 

– Sự cần thiết trong việc coi trọng nghiêm ngặt những nguyên tắc căn bản của liêm chính, trí tuệ và sự nghiêm cẩn trong khoa học, và phải phạt nặng những sai phạm; 

– Sự cần thiết trong việc sử dụng một cách thông minh hỗ trợ của quốc tế, khuyến khích và tôn trọng những lời khuyên được đưa ra bởi những tổ chức và hội đồng quốc tế độc lập.


Nghị quyết 57 được đặt trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư cùng sự tư vấn của một hội đồng gồm các nhà khoa học, quản lý và doanh nhân hiện đang được thiết lập. Hãy cùng kỳ vọng nó sẽ có hiệu quả trong việc biến mơ ước về sự tiến bộ, được diễn đạt mạnh mẽ và quyết liệt trong Nghị quyết 57 trở thành hiện thực. 

– Sự cần thiết trong việc hiểu rằng tương lai nằm ở trong tay thế hệ trẻ của chúng ta và họ cũng tài năng và chuyên nghiệp không kém gì người trẻ ở các quóc gia khác. 

– Sự cần thiết trong việc trao cho họ một mức lương và tài trợ đủ để nghiên cứu và học tập

– Sự cần thiết trong việc đánh giá và tưởng thưởng cho những tài năng và thành tựu của các nhà khoa học và các nhóm nghiên cứu. 

Mười năm trước khi tôi làm việc ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, chúng tôi được mời nói lên mong muốn của mình. Để làm điều đó, chúng tôi đã viết một báo cáo, mong ước của chúng tôi rất đơn giản và rất phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 57. Nhưng những yêu cầu của chúng tôi hầu như không được quan tâm. 

Hai mươi năm qua viết cho Tia Sáng, tôi đã kêu gọi đảo ngược hiện tượng chảy máu chất xám, để giúp đất nước phát triển từ một nền kinh tế dựa trên lao động giá rẻ sang một nền kinh tế tri thức, chống tham nhũng, lắng nghe lời khuyên của những nhà khoa học giàu chuyên môn, bất kể là trong nước hay nước ngoài, ưu tiên cách quản trị từ dưới lên hơn là từ trên xuống, khuyến khích tự do biểu đạt, nâng cao năng lực quản trị hiệu quả nguồn lực về con người và tài chính. Mặc dù cũng chưa được lắng nghe, tôi vẫn tiếp tục nhắc đi nhắc lại những lời kêu gọi ấy. 

Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano tới văn phòng quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh thuận vào năm 2014.

Nghị quyết 57 là một cơ hội chưa từng có để thay đổi cung cách sẽ giúp cải tiến khoa học và công nghệ, rộng hơn là các kĩ năng và tri thức của quốc gia. Chúng ta không nên bỏ lỡ điều đó và cần phải nỗ lực hết sức để nó thành công. Dĩ nhiên chúng ta không ngây thơ, từ những kinh nghiệm quá khứ chúng ta hiểu rằng để tiến lên khó khăn thế nào, những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong một thế giới không ngừng thay đổi khắc nghiệt ra sao. Sẽ thật hời hợt khi nghĩ rằng những từ khóa đổi mới, đột phá và sáng tạo là những cây đũa thần có thể bỗng nhiên giải quyết được tất cả những vấn đề của chúng ta. Không chỉ hời hợt mà còn nguy hiểm nếu chúng ta quên bài học của quá khứ, đầu tư vào những dự án tốn kém như đã từng xảy ra, những dự án mang lại lợi ích cho người khởi xướng nhưng chưa chắc mang lại lợi ích thực sự cho đất nước. 

Chúng ta cần hành động có trách nhiệm, tư duy và phân tích thấu đáo, tránh sa vào những hiện tượng thời thượng hào nhoáng bề nổi mà không gắn với tình hình thực tế của Việt Nam. Nghị quyết 57 là một sự khích lệ mạnh mẽ và sâu sắc trong việc khởi xướng những thay đổi, những giải pháp giúp thúc đẩy sự tiến bộ. Nhưng chúng ta còn phải chủ động tìm ra con đường thực hiện các giải pháp này. Chúng ta cần phân tích, nhìn ra điều gì đã kìm hãm sự phát triển trong quá khứ. Chúng ta cũng cần cân nhắc việc chuyển đổi số toàn diện như thế nào là thiết thực phục vụ sự thịnh vượng của đất nước. Dĩ nhiên Nghị quyết 57 không phải là nơi luận bàn về các chi tiết, về tầm quan trọng của những điều này, chẳng hạn khi nói rằng cần “đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chú trọng nghiên cứu cơ bản”, chúng ta cần tìm ra hàm ý chính sách thực sự của những từ ngữ này. Để xác định sự cân bằng tối ưu giữa hai lĩnh vực nghiên cứu nêu trên là điều quan trọng, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của quốc gia trong cả ngắn hạn và dài hạn, đòi hỏi những phân tích mạch lạc và nghiêm cẩn, nằm ngoài phạm vi cho phép của Nghị quyết 57. 

Phần cuối cùng của nghị quyết nói về các cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghị quyết bao gồm: Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng. Theo tôi, ban chỉ đạo cần phải nhanh chóng thiết lập các tổ tư vấn gồm những nhà khoa học và kĩ sư giàu chuyên môn và liêm chính trước khi đưa ra các quyết định, và cho các nhóm này thời gian để nghiên cứu thấu đáo. Một điều đáng mừng là Bộ trưởng Bộ KH&CN có lẽ ý thức rõ về những điều này khi gần đây khẳng định phải “quản lý theo mục tiêu, không theo cách làm” và “trao quyền tự chủ cho người làm”. Trong Nghị quyết 57 có một số lần sử dụng từ “khẩn trương”, chúng ta hiểu điều này hàm ý không được phép để lãng phí thời gian. Tuy nhiên, đồng thời chúng ta hẳn cũng biết rằng không thể ưu tiên việc gấp rút hoàn thành công hơn sự cẩn trọng thấu đáo trong hành động.

Hãy để tôi kết thúc bài viết bằng một ví dụ minh họa cho những vấn đề mà Nghị quyết 57 đang đưa ra: trường hợp điện hạt nhân. Với nhu cầu dùng điện ngày càng tăng và nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, Việt Nam cần phát triển các hình thức năng lượng khác. Mặt trời và gió thì có những giới hạn mà ai cũng biết và thủy điện thoạt nhìn có vẻ phù hợp với môi trường của Việt Nam, nhưng trên thực tế đối mặt với những khó khăn lớn, đặc biệt nếu xét đến những điều kiện thời tiết cực đoan. Trong bối cảnh đó, điện hạt nhân là một con đường rõ ràng đáng để khai phá và khai thác. Nó có lợi thế là không thải ra khí carbon dioxide, rất phải đạo về chính trị trong bức tranh toàn cầu. Nó đáng lẽ là một lựa chọn hiển nhiên từ nửa thế kỉ trước nhưng Việt Nam đã thất bại trong việc xem xét nó một cách nghiêm túc và thấu đáo, dẫn đến việc sau khi đã tiêu tốn nhiều nguồn lực, Việt Nam đã dừng dự án điện hạt nhân 10 năm trước. Việc dẫn dắt dự án và vận hành các lò phản ứng hạt nhân đòi hỏi cách tiếp cận vô cùng chuyên nghiệp, bởi một nhóm những người có kĩ năng thành thục và được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, Việt Nam đã không dành đủ nỗ lực để tập hợp và đào tạo những đội ngũ như vậy. Tôi đã viết rất nhiều bài trên Tia Sáng về vấn đề này và đây không phải là nơi nhắc lại những gì tôi đã nói. Giờ đây, chính phủ đang muốn khởi động lại dự án điện hạt nhân. Hy vọng chúng ta sẽ học được bài học từ thất bại trước đây và sẽ quản lý nó tốt hơn. Viện trưởng Viện NLNT Việt Nam, TS. Trần Chí Thành có chia sẻ gần đây rằng: “Sau khi có chủ trương dừng các dự án điện hạt nhân, phần lớn các cán bộ được đào tạo từ Nga và Nhật Bản đã chuyển sang làm việc với chuyên ngành khác, một số lượng nhỏ cán bộ về làm việc tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Có khoảng 4-5 cán bộ Việt Nam sau khi tốt nghiệp trường Đại học Quốc gia nghiên cứu hạt nhân MEPhI (Nga) được Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (ROSATOM) tuyển dụng làm việc tại dự án điện hạt nhân của Bangladesh. Hơn 10 năm qua, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng gửi khoảng gần 100 cán bộ nghiên cứu sang Nga và một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… làm thạc sĩ hoặc nghiên cứu sinh, sau khi làm xong tiến sĩ, một số cán bộ tiếp tục ở lại nghiên cứu ở nước ngoài. […]Nhìn vào các con số nêu trên có thể thấy lực lượng nghiên cứu, triển khai nghiên cứu, ứng dụng cũng như đội ngũ quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử đang rất mỏng, khó có thể đáp ứng được thực tiễn và nhiệm vụ đặt ra hiện nay. Trong trường hợp Việt Nam quay lại các dự án điện hạt nhân, số lượng nguồn nhân lực cần thiết sẽ cao hơn rất nhiều. Do đó, Việt Nam cần phải xây dựng một kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân, để có thể đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ mới”. Cái chúng ta cần không chỉ là đổi mới, sáng tạo hay đột phá. Quan trọng hơn cả số hóa, dữ liệu lớn, internet vạn vật, điện toán đám mây, 5G và 6G, chúng ta cần một tư duy có trách nhiệm, là khao khát soi xét các vấn đề một cách thấu đáo và chuyên nghiệp, với trí tuệ và liêm chính. Thiếu điều này, chúng ta sẽ thất bại như đã từng xảy ra. 

Sau khi viết xong bài báo này, tôi biết được từ một người bạn rằng nhiều nội dung của Nghị quyết 57 đã được đề cập trong Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2012.  Nghị quyết trước là về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Việc cụ thể hóa nó đã mở đường cho Luật Khoa học và Công nghệ (2013), các nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ (2014, 2015). Tiếc rằng sau đó, theo những gì tôi hiểu, những nội dung tiến bộ từng được đề ra, dù có tinh thần tương tự như Nghị quyết 57, đã không được triển khai thành công trong thập kỷ sau đó. Khác với Nghị quyết 20, việc triển khai Nghị quyết 57 được đặt trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư cùng sự tư vấn của một hội đồng gồm các nhà khoa học, quản lý và doanh nhân hiện đang được thiết lập. Hãy cùng kì vọng nó sẽ có hiệu quả trong việc biến mơ ước về sự tiến bộ, được diễn đạt mạnh mẽ và quyết liệt trong Nghị quyết 57 trở thành hiện thực. Đồng thời, hãy cùng hy vọng rằng nhiệt huyết và quyết tâm cho sự thay đổi thể chế sẽ song hành với sự thông thái, chuyên nghiệp, trí tuệ và liêm chính. □

Hảo Linh dịch

Bài đăng Tia Sáng số 8/2025

Tác giả

(Visited 33 times, 33 visits today)