Đổi mới vẫn bị tụt hậu do khủng hoảng kinh tế
Theo Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế, đổi mới vẫn tụt hậu do khủng hoảng kinh tế, tuy nhiên, Trung Quốc và Hàn Quốc lại đang phát triển bùng nổ.
Các nước công nghiệp đã đặt hy vọng vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để thúc đẩy phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế. Nhưng những hy vọng này chủ yếu vẫn chưa hoàn thành, theo báo cáo “Triển vọng Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp năm 2012” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới được công bố ngày vào ngày 13 tháng 9.
Do cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua, tất cả các lĩnh vực trên toàn thế giới đều giảm đổi mới trong năm 2009. Trung bình chi tiêu cho R&D ở các doanh nghiệp thuộc 30 nước thành viên của OECD giảm kỷ lục khoảng 4,5% trong năm đó. Dù ở nhiều nơi mức chi này lại được nâng lên nhưng vẫn không trở về được mức trước khủng hoảng, theo ông Dominique Guellec, người đứng đầu người đứng đầu Bộ phận Nghiên cứu và tầm nhìn ở các quốc gia trong Ban Giám đốc KH&CN và công nghiệp của OECD ở Paris.
Chính phủ các nước thành viên OECD từng coi đổi mới là động lực then chốt để phục hồi, đặt mục tiêu tăng tổng chi tiêu cho R&D lên 9% vào năm 2009. Điều này phần nào bù đắp sự sụt giảm đầu tư của khối doanh nghiệp, nhưng lại khiến ngân sách các nước sớm chịu nhiều áp lực. Trong năm 2010, các nước thành viên OECD (đến 2010 có 34 thành viên) đã cắt giảm mức chi công cho R&D tổng cộng 4%.
Ở các nước đông và nam Âu như Hy Lạp, nơi có tỉ lệ thất nghiệp cao và chi tiêu R&D thấp, cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Ngược lại, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác ở châu Á đang đổi mới vượt trội so với phương Tây. Lượng hồ sơ sáng chế ở các nước này đã tăng từ năm 2007, và “có thể sẽ tiếp tục trong tương lai”, báo cáo dự đoán. Tỷ trọng chi tiêu của Trung Quốc trong chi tiêu R&D toàn cầu đã nhảy vọt từ 7% năm 2004 đến 13% trong năm 2009, và vấn đề đổi mới cũng đã được quan tâm chú trọng hơn trong các chương trình nghị sự tại Ấn Độ và Brazil.
Đôi khi kinh tế khó khăn có thể đánh thức tinh thần kinh doanh của một quốc gia, nhưng điều đó không xảy ra với đa số các nước trong vòng bốn năm qua: tỉ lệ mở công ty mới cũng như đầu tư mạo hiểm vẫn còn thấp hơn đáng kể so với năm 2007. “Điều này đặc biệt đáng lo ngại”, ông Guellec nói. “Do triển vọng kinh tế vẫn còn nhiều rủi ro, ít có các nhà đầu tư mạo hiểm xuất hiện”.
Báo cáo cho thấy, cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy những thay đổi trong chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo ở các nước thuộc OECD. Các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy R&D – như ưu đãi thuế, hỗ trợ bằng sáng chế, cải thiện các quy định về sở hữu trí tuệ và cơ sở hạ tầng mới cho công nghệ thông tin và truyền thông – đã được áp dụng rộng rãi hơn so với trước khủng hoảng.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ trích các chính phủ chưa có chính sách hỗ trợ đủ mạnh để khuyến khích đầu tư. “Nếu cả khu vực công và tư không chú ý nhiều hơn đến đổi mới và nghiên cứu phát triển, họ sẽ không thể đạt các mục tiêu khôi phục tăng trưởng kinh tế và việc làm ở mức độ có thể chấp nhận được”, Guellec đưa ra cảnh báo.
Thu Quỳnh dịch
Nguồn: http://www.nature.com/news/innovation-still-lags-after-economic-crisis-1.11414