Đón nhận sự thông minh vượt bậc của AI
Sự thông minh của AI không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn mở ra những chân trời mới cho nhân loại. Tuy nhiên, chính sự vượt trội này cũng khiến ta bất an. Suốt hàng triệu năm, trí thông minh là tài sản lớn nhất khiến chúng ta vượt qua tất cả những loài khác, trong đó có những loài to, khỏe, và nhanh hơn chúng ta. Chúng ta làm chủ hành tinh này vì chúng ta là những cá thể thông minh nhất. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta tạo ra những cỗ máy thông minh hơn chính mình?

Năm 2025, có lẽ không ai là chưa từng nghe đến cụm từ trí tuệ nhân tạo (AI). Nếu như trước đây, mọi người từng thỏa mãn với Google – coi đây như một công cụ “biết tuốt” vì nhờ nó, có thể tiếp cận với lượng tri thức khổng lồ của nhân loại chỉ bằng một vài cú gõ bàn phím. Thì giờ đây, AI còn khiến ta kinh ngạc hơn vì nó còn tiện hơn và thông minh hơn thế. Các cỗ máy AI giờ đây đã trở thành một nhà thông thái trả lời đích xác bất kì câu hỏi từ đơn giản đến phức tạp của bạn: từ việc con nhỏ bị dị ứng thì nên uống thuốc gì, đến việc nên mua vé chuyến bay nào để đi từ Việt Nam đến Úc vào tháng tám năm sau.
Dường như không mấy ai trong chúng ta chưa sẵn sàng để đón nhận các cá thể thông minh vượt bậc này. Sự phản ứng với những tiến bộ của AI đầy chia rẽ: Nhiều người lo sợ AI sẽ biến chúng ta thành nô lệ hoặc chí ít là lệ thuộc vào máy móc giống như cảnh tượng trong những bộ phim như The Matrix, The Terminator, Her…; Nhiều người khác lại quả quyết cho rằng AI vẫn không thông minh. Hai hướng suy nghĩ này đều không thực tế và không hiệu quả.
Trong bài viết này, tôi điểm qua những thành tựu của AI, qua đó nhìn thẳng vào hiện thực rằng AI đã vượt qua con người trong nhiều lĩnh vực, và rất sớm thôi, AI sẽ vượt qua con người trong gần như mọi lĩnh vực. Theo tôi, chúng ta nên chấp nhận sự tiến bộ này của AI, qua đó tìm được định hướng tốt nhất cho bản thân mình.
AI VƯỢT CON NGƯỜI: THỰC TẾ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN
Từ khi máy tính được phát minh, nhân loại đã tranh cãi rằng chúng có thông minh hay không. Một điểm thú vị là khái niệm trí thông minh vốn không được định nghĩa và đo đạc một cách cố định. Tuy nhiên, có rất nhiều “biểu hiện” của trí tuệ mà chúng ta từng cho rằng đó là lãnh địa “bất khả xâm phạm” của con người mà máy tính khó có thể vượt qua. Có một quá trình đã trở thành quy luật, lặp lại nhiều lần trong lịch sử phát triển trí tuệ nhân tạo:
1. Chúng ta đưa ra một thước đo nào đó cho sự thông minh. Chúng ta cho rằng một cỗ máy chỉ biết tính toán thì không thể “thông minh” được theo thước đo này.
2. Qua một thời gian, các nhà khoa học chế tạo được một cỗ máy vượt qua thước đo trên.
3. Chúng ta không chấp nhận, đưa ra một thước đo mới.
Theo thời gian, ta ngày càng thấy AI không chỉ bước chân vào những khả năng tưởng chừng chỉ chúng ta mới có mà còn thể hiện khả năng vượt trội hơn con người rất nhiều lần. Nó bắt đầu từ thử thách như cờ vua, tiến đến nhận diện hình ảnh, hiểu ngôn ngữ rồi gần đây là tư duy trừu tượng với đặc trưng là giải quyết những bài toán phức tạp. Mỗi bước tiến của AI đều là lời nhắc chúng ta đang gần hơn với việc tạo ra những thực thể thông minh hơn chính mình.
Cờ vua
Một trong những cuộc “đọ sức” về trí tuệ đầu tiên giữa con người và máy móc thu hút sự chú ý của đại chúng đó là trong việc chơi cờ vua: 64 ô đen trắng, 32 quân cờ là cơ sở cho hàng tỉ tỉ thế cờ phức tạp không ngừng thách thức các kỳ thủ trong nhiều thế kỷ. Chúng ta cho rằng các cỗ máy chỉ có thể thực hiện các phép tính khô khan, máy móc, chứ làm sao hiểu được thiên biến vạn hoá của bàn cờ. Cờ vua – một trong những trò chơi chiến thuật nổi tiếng nhất của nhân loại tưởng chừng chỉ là sàn thi đấu trí tuệ của riêng con người. Các nhà khoa học máy tính và tâm lý nhận thức nổi tiếng Allen Newell, J.C.Shaw và H.A.Simon từng viết trong một bài báo của mình vào năm 1958 “Nếu ai đó tạo ra một chiếc máy chơi cờ vua thành công, người đó đã xuyên được vào tâm của việc chinh phục trí tuệ con người”.
Thế rồi năm 1997, cỗ máy DeepBlue của IBM đã hạ vua cờ Garry Kasparov. Sau khi thua trước DeepBlue, Kasparov tố cỗ máy này… ăn gian. Lời tố cáo của ông nhanh chóng rơi vào quên lãng. Bởi lẽ ngày nay, không còn một kỳ thủ nào có thể chơi cờ vua thắng được máy tính nữa. Đừng nói đến một cỗ máy khổng lồ như DeepBlue, đến chiếc iPhone mà chúng ta bỏ vừa trong túi áo cũng thừa sức hủy diệt Magnus Carlsen – kỳ thủ được đại đa số giới cờ vua công nhận là giỏi nhất mọi thời đại. Như vậy, máy tính đã hoàn toàn vượt qua con người ở cờ vua. Mà không chỉ cờ vua, trong các cuộc “đối đầu” công khai, máy tính giờ đây máy tính đã vượt qua con người trong tất cả các trò chơi chiến thuật.
Nhưng chúng ta lại chưa công nhận đó là thông minh.
Hình ảnh và ngôn ngữ
Còn gì gần với con người hơn là một thứ có thể “nhìn”, “nghe”, “nói” và “viết”? Tiêu chuẩn về trí thông minh là khả năng phải nhận diện được hình ảnh và hiểu được ngôn ngữ âu cũng hợp lí. Giáo sư về nhận thức máy Josh Tenenbaum của Viện Công nghệ Massachussett (MIT) cũng đồng tình “Không đời nào ta có thể coi một hệ thống AI là giống con người nếu cốt lõi của nó không phải là khả năng về ngôn ngữ”. Ông nhấn mạnh đó là “thứ rõ ràng nhất tạo nên sự khác biệt của trí tuệ con người”. Còn về khả năng nhận diện hình ảnh, GS. Fei-Fei-Li về khoa học máy tính của Đại học Stanford đã khẳng định: “Trí thông minh hình ảnh là khía cạnh căn bản của trí tuệ toàn năng”.
Có thể họ đúng, tạo ra một cỗ máy có những khả năng này khó hơn việc tạo ra một cỗ máy biết chơi cờ vua rất, rất nhiều. Nói nôm na thì khi máy tính chơi cờ vua, máy sẽ liệt kê tất cả các nước đi để lựa chọn nước đi tốt nhất. Còn khi trò chuyện với chúng ta, sau mỗi từ, AI sẽ xem xét nói gì tiếp theo từ kho từ vựng của mọi ngôn ngữ trên thế giới. Trong khi mỗi thế cờ chỉ có cùng lắm là vài trăm nước đi, từ vựng rút gọn của các ngôn ngữ trên thế giới có tổng cộng khoảng 200 nghìn từ (chúng tôi thường nói đùa rằng AI “uốn lưỡi 200 lần trước khi nói”).

Khởi đầu từ phát minh ra mạng convolution – mô hình có khả năng nhận biết được các chữ số trên các gói bưu kiện của Yann LeCun vào năm 1998, cho đến công trình tạo ra word embeddings của Yoshua Bengio tạo ra những viên gạch đầu tiên để máy tính có thể nhận diện hình ảnh và hiểu ngôn ngữ tự nhiên. Và hơn một thập kỉ sau đó, với hai bước ngoặt mang tính bản lề, thử thách về trí thông minh này không còn là một chướng ngại vật của máy tính nữa.
Bước ngoặt thứ nhất diễn ra vào năm 2014, khi các nhà khoa học ở Google Brain công bố mô hình Inception, đạt đến sai số 6.8% trong bài toán nhận diện hình ảnh trên ImageNet. Cùng năm, Andrej Karpathy – một chuyên gia về AI – thử dạy cho… chính ông cách nhận diện hình ảnh trong ImageNet; kết quả thì ông đạt được 5.1% sai số, tức là không quá khác biệt so với Inception. Những năm về sau, các mô hình mới hơn như ResNet, ResNeXt, EfficientNet, v.v., nhanh chóng đạt đến sai số 4%, 3%, rồi 2%, còn Karpathy thì mãi dừng lại ở 5.1%. Như vậy, nếu đo đạc khả năng nhận diện hình ảnh, các mạng neuron đã vượt xa con người.
Bước ngoặt thứ hai đến vào năm 2019, khi OpenAI công bố GPT-3, mô hình mà sau này trở thành nền tảng cho phiên bản đầu tiên của ChatGPT vào năm 2022. Khi GPT-3 ra đời, mô hình có thể trả lời các truy vấn ngôn ngữ ở hầu như tất cả các thể loại, với độ chính xác cao đáng ngạc nhiên, và chắc chắn là vượt hơn khả năng của con người ở rất nhiều lĩnh vực.
Một lần nữa máy tính lại vượt qua tiêu chuẩn của sự thông minh mà chúng ta đặt ra: hiểu được hình ảnh và ngôn ngữ của con người. Dĩ nhiên, con người vẫn chưa thấy thỏa mãn, các cỗ máy như ResNet và ChatGPT vẫn khiến nhiều người chưa tâm phục khẩu phục: dẫu sao, đó vẫn chỉ như một con vẹt không có chính kiến. Chúng vẫn bị đưa ra làm ví dụ cho những luận điểm cho rằng con người chưa tạo ra được máy móc có trí tuệ giống mình.
Tư duy trừu tượng
Một trong những thử thách gần đây nhất dành cho trí thông minh của máy tính là: tư duy trừu tượng. Và có thể nói, một trong những tiêu chuẩn đo lường năng lực này đó chính là khả năng giải bài toán phức tạp. GS. Gary Marcus về tâm lý nhận thức tại Đại học New York cho rằng AI chỉ một thứ vô tri tự động hoàn thiện một chuỗi kí tự và phải có tư duy logic, suy luận toán học thì nó mới có thể biết kiểm chứng câu trả lời của chính mình là đúng hay sai.
Và thử thách giải toán này đã bị vượt qua trong thời gian còn ngắn hơn cả cờ vua hay hiểu hình ảnh và ngôn ngữ. Cụ thể, tháng 7/2024, Google DeepMind công bố cỗ máy AlphaProof của họ đã tham gia Olympiad Toán học Quốc tế (IMO) và giành được huy chương bạc, và chỉ thiếu 1 điểm (trên tổng điểm 24) để được huy chương vàng. Tháng 12 cùng năm, OpenAI lại công bố o3, phiên bản mới nhất của ChatGPT tại thời điểm đó, đã tham gia và giành huy chương vàng tại Olympiad Tin học Quốc tế (IOI).
Cần biết rằng IMO và IOI được coi là các cuộc thi đỉnh cao để đánh giá khả năng giải các bài toán khó. Mỗi năm, mỗi quốc gia chỉ có sáu học sinh xuất sắc nhất về toán và bốn học sinh xuất sắc nhất về tin học được tham gia IMO và IOI. Việt Nam chúng ta tham gia IMO từ năm 1974 và cho đến năm 2024, giành tổng cộng 69 huy chương vàng, IOI từ năm 1989, và giành tổng cộng 21 huy huy chương vàng. Như vậy, nếu lấy việc giải các bài toán khó làm tiêu chuẩn để cho sự thông minh, thì còn bao nhiêu người Việt Nam thông minh hơn được trí tuệ nhân tạo?
Sẽ có nhiều người không đồng tình cho rằng trí tuệ của con người rộng hơn rất nhiều so với những khía cạnh đơn lẻ nêu trên. Nhưng cờ vua, hình ảnh, ngôn ngữ đến tư duy trừu tượng chỉ là một vài dấu mốc tiêu biểu trong vô vàn thử thách khác mà AI đã vượt qua con người. Có thể tôi đang khái quát quá mức khả năng của AI, nhưng hãy tưởng tượng AI giống như một đứa trẻ: học môn gì cũng giỏi, vấn đề nào cũng giải quyết được ngay lập tức, và nếu có thử thách nào “người bạn này” cần thời gian suy nghĩ thì ngay hôm sau sẽ đưa ra đáp án. Liệu ta có dè chừng nghĩ rằng, đứa trẻ này rồi lớn lên sẽ vượt xa mình không? Lịch sử phát triển của trí tuệ nhân tạo đã cho thấy, khi con người đưa ra bất kì một định nghĩa mới nào về trí thông minh, máy tính đều không những đạt được mà còn vượt xa cả con người. Bản thân GS. Gary Marcus nói trên và Francois Chollet – nhà nghiên cứu AI từng làm việc tại Google, hai người bảo thủ về AI được trích dẫn nhiều nhất, liên tục đưa ra các tiêu chuẩn cho thấy AI chưa thể vượt qua con người thì tất cả các thử thách của họ đều “bị” AI vượt qua trong vòng từ vài tháng đến 1-2 năm. Lần gần đây nhất là vào năm 2024, Chat GPT o3 đã giải quyết nhanh chóng thử thách của Francois Chollet trong cuộc thi về tư duy trừu tượng và suy luận máy tính (ARC Challenge). Năm ngoái, khi Trung tâm An toàn AI (Center for AI Safety) và Công ty Scale AI cho ra mắt Humanity’s Last Exam – Bài kiểm tra cuối cùng của nhân loại dành cho AI, Chat GPT phiên bản lúc đó được 2/100 điểm, nhưng phiên bản o4 hiện nay đã được 20/100 điểm và cuối năm nay, các AI nổi bật hiện nay được dự đoán sẽ đạt được 90/100 điểm. Nhóm nghiên cứu đằng sau bài kiểm tra này đang phát triển Humanity’s Last Exam 2.0 và cho rằng rằng nhân loại đang cạn ý tưởng để tạo ra các bài kiểm tra mà AI không thể vượt qua.
Việc tranh cãi liệu AI có thông minh hơn con người hay không có lẽ không còn nhiều ý nghĩa. Càng lao vào cuộc tranh cãi này, ta càng rơi vào vòng luẩn quẩn “thước đo – vượt qua – thước đo” không có hồi kết. Thay vào đó, chúng ta cần chấp nhận thực tế: AI thông minh hơn con người trong nhiều lĩnh vực, và rất sớm thôi, sẽ vượt qua chúng ta ở hầu hết mọi lĩnh vực. Điều quan trọng là tìm cách hợp tác để tận dụng sức mạnh của AI.
HỢP TÁC VỚI AI: CON ĐƯỜNG TẤT YẾU
Những người đầu tiên nghĩ ra cách hợp tác hiệu quả với AI có lẽ là các lập trình viên. Họ cho các AI kiểm tra code mình viết, rồi tiến đến việc cho AI viết code chung với mình. Jeff Dean – lãnh đạo của Google DeepMind – từng nói rằng 25% code của Google được viết bởi AI. Nhưng con số thực tế có lẽ cao hơn rất nhiều. Ngày nay, gần như công ty công nghệ nào ở thung lũng Silicon cũng sử dụng AI để viết code chung với các lập trình viên của mình.
Mới đây, đầu tháng 4/2025, Tobias Lütke, CEO của Công ty Shopify – một startup danh tiếng ở Thung lũng Silicon, đã đưa ra một yêu cầu kỳ lạ đối với nhân viên của mình. Điều kiện của ông là phòng ban nào của Shopify muốn tuyển dụng nhân sự, cần phải thuyết phục cấp trên rằng AI không thể làm được công việc của nhân sự mới. Tuyên bố này nhằm nhấn mạnh cho yêu cầu của ông rằng mọi nhân viên của công ty đều phải học cách hợp tác với AI.
Xa hơn lập trình một chút là toán. Giáo sư Terence Tao, người từng giành huy chương vàng IMO và sau này là huy chương Fields danh giá khi mới 24 tuổi, là một nhà toán học đi đầu trong việc hợp tác với AI. Hiện tại, AI chưa đủ thông minh để hợp tác với ông, nhưng ông cho rằng sẽ sớm đến ngày AI làm được điều này. Theo giáo sư Tao, hy vọng đầu tiên của ông là AI sẽ kiểm tra lại các phép chứng minh trong các công trình của ông.
Nếu bạn chưa biết, lời giải của các bài toán trong toán cao cấp thường rất dài. Ví dụ: chứng minh của định lý lớn Fermat do Andrew Wiles công bố năm 1994 dài 150 trang, còn chứng minh của giáo sư Ngô Bảo Châu cho bổ đề cơ bản dài 188 trang. Mỗi lần các nhà toán học công bố một chứng minh mới, cần có một hội đồng các nhà toán học cùng đọc lại các công bố này để kiểm tra và xác nhận tính chính xác của các chứng minh này. Quá trình này rất tốn thời gian. Ví dụ, gíáo sư Ngô Bảo Châu từng chia sẻ rằng các nhà toán học mất hơn một năm để thẩm định phép chứng minh bổ đề cơ bản của ông.
Để rút ngắn quá trình này, hy vọng của giáo sư Tao là AI sẽ có thể thay cho các hội đồng khoa học để làm việc này. Bản thân tôi cho rằng AI sẽ đạt được khả năng này trong năm 2027.
Xa hơn lập trình và toán là các lĩnh vực như truyền thông (nơi mà AI có thể hỗ trợ xác nhận tính chính xác của các nguồn tin hoặc lên ý tưởng), luật (nơi mà AI giúp tóm tắt các bộ luật để tìm ra các luận điểm quan trọng), tài chính – kế toán – thuế (nơi mà AI giúp kiểm tra các báo cáo), v.v. Nếu bạn sử dụng Google Spreadsheets làm phần mềm kế toán, có lẽ bạn có thể bấm “=AI” trong một ô bất kỳ của bảng tính để AI thực hiện các thống kê cho bạn.
Hiện tại, hợp tác với AI sẽ nâng cao hiệu suất làm việc của chúng ta. Sau vài năm nữa, ai không biết hợp tác với AI sẽ như là không biết sử dụng Google vào thời này. Đây là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược.
VAI TRÒ CỦA CHÍNH SÁCH
Hợp tác với AI thì có thể phổ cập, nhưng còn các chính sách hay luật về AI thì cần có sự linh động của các chính quyền để đạt được hiệu quả cần thiết. Cũng như các doanh nghiệp, quốc gia nào hiện thực hóa được tiềm năng của AI trong thì sẽ nắm được lợi thế cạnh tranh khổng lồ trong thời đại mới.
Hãy nhìn vào Mỹ: họ nắm trong tay năm công ty AI mạnh nhất thế giới: Google, Meta, OpenAI, Anthropic, và xAI. Thế nhưng ứng dụng AI trong cuộc sống hằng ngày của người dân Mỹ gần như là con số 0 tròn trĩnh.
Lấy ví dụ, ở Mỹ gần như gia đình nào cũng có một chiếc ô tô. Google và Tesla đã phát triển công nghệ xe tự lái, vượt xa khả năng lái xe của con người. Ấy thế mà hầu hết những chiếc xe lăn bánh trên đường ở Mỹ vẫn do con người tự lái. Vì sao? Giới nghiên cứu cho rằng chính quyền Mỹ quá chậm chạp trong việc thông qua các bộ luật cho phép xe tự lái được tham gia giao thông. Trong khi các nhà lập pháp Mỹ còn đang tranh luận về việc nếu xe tự lái gây ra tai nạn thì trách nhiệm thuộc về ai, Trung Quốc đã rất nhanh chóng thông qua các chính sách cho phép xe tự lái hoạt động trên đất nước của họ.
Trong việc lập trình và phát triển AI, cơ hội thử – sai và thu thập dữ liệu đóng vai trò cực kỳ to lớn. Thế nên không cần biết công nghệ của Mỹ đi trước bao nhiêu, chỉ cần các nhà lập pháp Mỹ tiếp tục chần chừ, chẳng bao lâu Trung Quốc sẽ vượt qua họ.
Không chỉ có xe tự lái, Mỹ cũng đi sau thế giới về việc ứng dụng AI trong rất nhiều lĩnh vực khác, mà tất cả là vì sự quan liêu và chậm chạp trong việc ra quyết định hành chính. Ví như trong y tế, AI hiện có thể chẩn đoán các bệnh thông thường như cảm cúm, phân tích dữ liệu MRI, X-quang, và hỗ trợ phát triển thuốc chữa ung thư. Nhưng tại Mỹ, Cơ quan Quản lý Thực-Dược phẩm (FDA) bảo thủ trong việc cấp phép, khiến các ứng dụng này chưa được triển khai rộng rãi. Ngược lại, các quốc gia như Trung Quốc hay Singapore đang thử nghiệm AI trong y tế, từ khám bệnh đến nghiên cứu dược phẩm, tạo ra bước tiến lớn trong chăm sóc sức khỏe.
Nếu Việt Nam chúng ta có các chính sách tích cực và linh động, tạo điều kiện cho AI thâm nhập vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, chúng ta hoàn toàn có cơ hội trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của AI.
GIÁ TRỊ CỦA CON NGƯỜI
Dù AI thông minh vượt bậc, con người vẫn giữ vai trò trung tâm nhờ khả năng sáng tạo, cảm xúc, và đạo đức. Hiểu được điểm mạnh, yếu của AI và học cách hợp tác sẽ giúp chúng ta xác định giá trị bản thân, qua đó không bị tụt hậu trước sự tiến bộ của máy móc.
Lấy ví dụ, ở thời điểm này (tháng 4/2025), một nhược điểm chí mạng của các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT, Grok, và Gemini, là việc các mô hình này không thể tự kiểm tra được tính đúng đắn của những gì chúng nói ra. Nếu như có một tờ báo lá cải đăng một tin tức sai lệch, các mô hình này rất dễ rơi vào “bẫy” là trích dẫn các bài báo này, từ đó đưa các thông tin sai lệch đến cho người dùng.
Nếu hiểu được nhược điểm này, chúng ta có thể ra lệnh cho AI kiểm tra lại các thông tin của mình nhiều lần, từ nhiều nguồn khác nhau. Xa hơn, chúng ta có thể yêu cầu các AI này soạn một báo cáo thông tin đầy đủ, tổng hợp từ các nguồn mà nó tìm được. Bằng cách đó, thông tin mà chúng ta nhận được sẽ khách quan và chính xác hơn.
Kể cả những lĩnh vực mà AI vượt qua con người, điều đó không có nghĩa là chúng ta mất đi niềm vui khi làm những việc đó. Cờ vua là minh chứng rõ ràng nhất cho cách con người thích nghi với AI. Dù không còn ai thắng được máy tính, phong trào cờ vua chẳng những không suy giảm mà còn phát triển mạnh mẽ hơn. Các đại kiện tướng như Vishy Anand hay Fabiano Caruana sử dụng AI để phân tích khai cuộc, nghiên cứu đối thủ, và cải thiện kỹ năng của mình. Nhờ AI, họ khám phá những chiến thuật mới, chơi cờ sáng tạo hơn. Điều này cho thấy con người không cần cạnh tranh với AI mà có thể dùng nó như công cụ để nâng cao năng lực.
Hãy cùng đón chờ một tương lai nơi con người và AI cùng nhau tiến bộ. Bằng cách hợp tác, học hỏi, và xác định giá trị bản thân, chúng ta không chỉ thích nghi với thời đại mới mà còn định hình nó theo cách của mình. AI không phải là mối đe dọa, mà là cánh cửa dẫn đến một thế giới tốt đẹp hơn, nơi giá trị của con người được khẳng định qua sự sáng tạo và đoàn kết.□
Bài đăng Tia Sáng số 8/2025