Drone tiếp cận nông nghiệp ĐBSCL

Với giá 18.000 – 20.000 USD/1 thiết bị bay không người lái (drone), tương đương 400 – 450 triệu đồng, thời gian sử dụng năm năm, dùng phun thuốc BVTV sẽ giảm 20 – 30% lượng thuốc sử dụng, rút ngắn thời gian phun thuốc tới 80%.

Trình diễn phun thuốc bằng drone.

Thiết bị bay không người lái được sử dụng tại Nhật từ 1980 đến nay, ông Phạm Ngọc Phúc, phụ trách kỹ thuật công ty DMM Technologies (Nhật Bản), cho rằng  drone nhỏ gọn, chỉ nặng 5 – 7kg, mang theo 5 – 10kg dung dịch thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thời gian phun 10 – 20 phút cho 1ha, tốc độ bay 20km/h, phù hợp với địa hình Việt Nam. Tháng 4/2017, tại hợp tác xã  Mỹ Đông 2, drone biểu diễn mang 5 lít thuốc BVTV bay ở độ cao 2 – 3m, cự ly bay 250m, phun 10 lít thuốc BVTV trong 10 phút/ha. Giá thực nghiệm 300.000 đồng/ha, khi triển khai thực tế giá khoảng 450.000 đồng/ha, chưa tính thuốc BVTV.

Mới đây, công ty CP Đại Thành bắt đầu đưa UAV (Unmanned Aerial Vehicle) do công ty Eagle Brother UAV tại Thâm Quyến, Trung Quốc vào Việt Nam, giá bán 400 triệu đồng/thiết bị UAV.

Một tỉnh thuộc Đồng Tháp Mười “hết hồn” khi tổng hợp khối lượng thuốc BVTV mà nông dân sử dụng trong năm 2017 gần 11.000 tấn. Drone có thể làm được nhiều việc hơn, nhưng vì sao các chuyên gia bán hàng chỉ nói tới chuyện phun xịt thuốc trong khi nông nghiệp phụ thuộc hoá chất còn biết bao hệ luỵ!? Mỗi năm, Việt Nam chi 600 – 700 triệu USD nhập thuốc BVTV, thiết bị thông minh sẽ làm thay nông dân phun xịt thuốc BVTV, cách truyền thông tiếp cận nông dân về drone của các doanh nghiệp thực sự chưa mấy thuyết phục.

Ông Nguyễn Văn Hùng, phó giám đốc sở Khoa học và công nghệ tỉnh Đồng Tháp, cho rằng xét tổng thể, nền nông nghiệp nước ta vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, muốn ứng dụng các thành tựu ứng dụng công nghệ thông tin, IoT… vào thực tế thì chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp phải thông thoáng và thực sự hấp dẫn. Doanh nghiệp nước ngoài từng biểu diễn thực nghiệm phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái, nhưng giá thành còn cao. Một người nông dân chỉ có trong tay 2 – 3 công đất, công vườn thì làm sao mua nổi cái thiết bị bay 400 – 450 triệu đồng. Còn mua để làm dịch vụ thì giá cao là bất lợi. Việc cấp phép cũng không đơn giản? Muốn làm thì phải có doanh nghiệp lớn, các HTX hay trang trại có trình độ, có vốn, quy mô lớn.

Tổng giám đốc công ty CP Đại Thành, cho biết công ty đã hoàn thiện thủ tục giấy tờ liên quan đến việc cấp phép bay cho các đơn vị đăng ký sử dụng UAV, đào tạo huấn luyện, cấp chứng chỉ. Cung cấp dịch vụ và hỗ trợ bảo trì, bảo dưỡng thiết bị UAV. Theo ông, với thiết bị UAV của Trung Quốc có thể phun thuốc, gieo hạt giống, đo chỉ số bức xạ cảnh báo sâu bệnh hại…

Drone cũng có thể thu thập thông tin để tạo ra các thuật toán phát triển công nghệ hoặc ứng dụng phục vụ nuôi trồng thuỷ sản và các trang trại nuôi thuỷ sản xa bờ. Công ty Sail Drone thu thập dữ liệu, phân tích sinh khối thuỷ sản nuôi, theo dõi tình trạng môi trường cho nuôi trồng thuỷ sản ở xa bờ… Thiết bị không người lái này kết nối với máy tính bảng, điện thoại thông minh hoặc máy tính của nhà sản xuất, cho phép thu thập và phân tích thông tin toàn bộ quá trình nuôi.

Nếu nhập drone từ nước ngoài về thì không có gì khó, một nhà khoa học từ Mỹ về nước, cho biết: mất mấy tháng trời xin sản xuất drone phục vụ nông nghiệp, cứu hộ tại Việt Nam; nhưng không được, thủ tục cấp phép bay hết sức nhiêu khê.

Vân Anh – Ngọc Bích (theo TGTT)
Nguồn: Thegioihoinhap

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)