Dự án “đóng gói” văn hóa và môi trường

Có thể thấy hai vấn đề “nóng” luôn đi kèm các dự án phát triển kinh tế là văn hóa và môi trường. Có vẻ như sau giai đoạn thoát nghèo tức giai đoạn “kiếm ăn”,  bằng mọi giá với hai lợi thế tiềm năng là tài nguyên, sản phẩm thô và công nhân giá rẻ thì vấn đề bền vững từ chỗ được đặt sau từ tăng trưởng như một tính từ đi kèm đã trở thành một danh từ độc lập, một khái niệm tiên quyết, chủ động đặt điều kiện cho tăng trưởng. Bền vững có nhiều nội dung. Nội hàm của nó phong phú, phức tạp nhưng chắc chắn trong đó có hai thành tố quan trọng là văn hóa và môi trường. Nếu tăng trưởng làm hại văn hóa và môi trường thì  những thiệt hại ấy là không thể cứu vãn, bù đắp nổi. Ta đã có quá nhiều thí dụ về điều này. Mặt khác đã tới lúc sản phẩm tiên tiến muốn cạnh tranh phải đóng gói cả các giá trị văn hóa và môi trường. Không có chúng thì không thể làm ra tiền được nữa!

Triết lý cà phê trong Dự án Thủ phủ cà phê toàn cầu của Tập đoàn Trung Nguyên có tham vọng “đóng gói” ấy. Đằng sau triết lý về vai trò làm xăng dầu cho kinh tế tri thức của hạt cà phê – không phải ngẫu nhiên (!) có hình hai bán cầu não là về việc cần có một OPEC cà phê và Tây Nguyên.Về việc Buôn Mê Thuột phải đóng vai trò thủ phủ toàn cầu của vành đai cà phê thế giới nơi loại cây quý này được gieo trồng mà dân vẫn đói nghèo. Về tham vọng lấy lại sự công bằng về lợi nhuận cho họ, không để cho các nước không trồng cà phê làm giàu trên mô hôi nước mắt của người gieo trồng. Về một “văn hóa cà phê” vừa độc đáo kết tinh văn hóa Việt Nam vừa thâu tóm tinh hoa văn hóa cà phê toàn thế giới…vv và vv… Tôi vẫn thấy dự án này có nhiều điều thú vị. Dự án muốn có 65.000 ha đất ở vùng đất Bazan cà phê lý tưởng với một mô hình đồn điền kiểu mẫu cho kinh tế sinh thái, kinh tế xanh, tạo việc làm và điều kiện làm việc lý tưởng cho người dân Tây Nguyên, tạo chọ họ một “thánh địa” hay một “thiên đường”. Kết hợp với sản xuất chế biến bằng công nghệ tiên tiến là du lịch cà phê sinh thái, spa lý tưởng và du lịch văn hóa đỉnh cao với văn hóa cồng chiêng, lễ hội hoa cà phê (sẽ hơn hẳn lễ hội hoa anh đào của Nhật). Những làng văn hóa cà phê sẽ là nơi hành hương của hàng tỷ người ham uống cà phê toàn cầu. (Một “Làng cà phê Trung Nguyên” đã được gấp rút hoàn thành (chưa thật thành công lắm), nhưng lễ hội hoa cà phê thí điểm lần đầu thì đã thu hút được sự đồng thuận, thích thú của cộng đồng).

Đêm lễ hội tại làng cà phê Trung Nguyên – Buôn Mê Thuột

Nếu như môi trường được đóng gói trong các dự án du lịch tận dụng các thác nước, hồ suối, rừng nguyên sinh, thảm thực vật chữa bệnh, đá núi lửa… thì văn hóa sẽ được đóng gói trong các công trình văn hóa “kỳ vĩ bậc nhất của nhân loại”. Đó là một bảo tàng cà phê nhất thế giới, hiện đại, toàn diện, phong phú và mở! Nhiều chuyên gia cho rằng việc này khả thi; dù quy mô, tầm cỡ làm được tới đâu cũng là cần và rất hay. Đó là một ngôi đền khổng lồ bằng đá núi lửa, một đặc sản vô giá của Tây Nguyên, sánh ngang với các công trình to đẹp nhất của nhân loại như Kim Tự Tháp, Parthenon, Ăngko, Borobudur… và sẽ đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của văn minh nhân loại(!) Tất nhiên chưa mấy ai bàn đến tính khả thi của ngôi đền khổng lồ này. Song sự lãng mạn thật đáng yêu và tôi tin rằng nếu một dự án kinh tế có sự lãng mạn văn hóa thì nó sẽ thêm sức mạnh.
Dự án của Trung Nguyên có hạt nhân là muốn đóng gói văn hóa và môi trường vào sản phẩm. Đó là một hướng tiên tiến đáng được cổ vũ.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)