Dự án FIRST: Cần tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính

Khi chúng tôi tới Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Đức Bách, Trưởng khoa đang tất bật vừa làm thí nghiệm, chuẩn bị lắp đặt khoảng 2km đường ống để nuôi tảo Haematococcus pluvialis vừa làm hồ sơ thủ tục đón đoàn chuyên gia từ Israel sang Việt Nam để hỗ trợ nghiên cứu “Phát triển công nghệ thu nhận astaxanthin từ mô hình nuôi tảo Haematococcus pluvialis trong hệ thống photobioreactor”.


Trung tâm R&D của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, đơn vị nhận được tài trợ từ hợp phần 2B2 của dự án FIRST.

Đơn vị thụ hưởng vẫn “lúng túng” trước nhiều thủ tục

Đề tài của TS Bách là một trong hai đề xuất của Học viện Nông nghiệp Việt Nam được nhận tài trợ đợt một từ hợp phần 1A thuộc dự án FIRST cho phép các đơn vị nhận tài trợ mời chuyên gia giỏi nước ngoài sang Việt Nam để hợp tác nghiên cứu.

Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình mời chuyên gia Israel sang Việt Nam lại lâu hơn dự kiến rất nhiều, bởi vì từ khi nộp đề xuất, nhóm nghiên cứu đã phải “chờ đợi” tới gần hai năm mới được tài trợ. Sự chậm trễ này đã ảnh hưởng tới tiến độ nghiên cứu dự kiến của đề tài. Mặt khác, thủ tục nộp hồ sơ để phê duyệt và thanh toán cho các khoản chi tiêu của đề tài lên ban quản lý dự án FIRST là “phức tạp hơn hệ thống đề tài cấp Bộ1 mà các đơn vị đang thực hiện nên các nhóm nghiên cứu khá lúng túng”, chị Lê Thị Bích Liên, phó trưởng ban Hợp tác quốc tế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ với Tia Sáng. “Ví dụ, với đề xuất xin tài trợ của FIRST, khi mời chuyên gia, làm hội thảo thì phải xin xét duyệt TOR [Term of reference – điều khoản tham chiếu]. Với các khoản thanh toán của hội nghị, hội thảo trong đề tài cấp Bộ, chúng tôi chỉ đưa ra dự kiến trong kế hoạch ban đầu chứ không phải giải trình TOR và có nhiều thủ tục bằng”.

Tương tự trường hợp nhóm nghiên cứu của TS Bách, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, đơn vị đang nhận được tài trợ vào tháng 9/2016 từ Hợp phần 2B2 của FIRST cho nghiên cứu “NC&PT công nghệ sản xuất thử nghiệm và thương mại hóa sản phẩm LED dùng trong chiếu sáng nhân tạo nông nghiệp CNC tại thị trường Việt Nam” cũng phải chờ đợi trong hai năm kể từ khi nộp đề xuất. Trong thời gian này, nhóm nghiên cứu đã phải thực hiện cả chục lần giải trình về các khía cạnh công nghệ, kỹ thuật và tài chính trước các vụ chức năng của Bộ KH&CN chứ không chỉ giải trình với ban quản lý dự án FIRST. Anh Dương Đức Duy, Trưởng ban quản lý dự án Trung tâm R&D chiếu sáng, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết: “Vì bị lui lại nên chúng tôi cũng lỡ nhịp vụ mùa thanh long của các hộ nông dân mà chúng tôi đã liên kết để thử nghiệm sản phẩm”. Không chỉ gặp khó khăn trong triển khai nghiên cứu, sự chậm trễ này sẽ ảnh hưởng tới thời gian thâm nhập thị trường. Khi Rạng Đông đưa ra đề xuất nghiên cứu này đã có dự kiến sản phẩm sẽ đón đầu xu hướng trên thị trường. Nhưng tốn từng nào thời gian dành cho giải trình có nghĩa là sản phẩm đèn LED trong nông nghiệp CNC sẽ có mặt trên thị trường muộn từng đó thời gian. “Lợi thế của Rạng Đông so với doanh nghiệp nước ngoài là có khả năng xâm nhập thị trường sớm hơn họ. Nhưng với sản phẩm này, vì quá trình nghiên cứu sẽ kéo dài hơn dự kiến nên quả thật chúng tôi rất ‘sốt ruột’ vì các doanh nghiệp nước ngoài bây giờ thâm nhập vào thị trường rất nhanh chóng. Nếu mình bắt đầu trước nhưng có sản phẩm sau họ thì lại tốn thêm nhiều chi phí truyền thông, trình diễn, thuyết phục khách hàng”, anh Dương Đức Duy nói thêm.

“Vừa làm vừa điều chỉnh”

Trên thực tế, lần kêu gọi tài trợ đầu tiên vào tháng 11/ 2014 còn một số bất cập trong quá trình thương thảo tài trợ: Chưa có được quy trình đánh giá trùng lặp đề tài một cách thống nhất cho các đơn vị được thụ hưởng tài trợ; Khi điều chỉnh lại quy trình và biểu mẫu sẽ dẫn tới trường hợp các đơn vị thụ hưởng tài trợ lâm vào thế “bị động” phải sửa đổi nội dung lẫn hình thức của các hồ sơ về kỹ thuật và tài chính nhiều lần2; Trong quá trình thương thảo các đề xuất, sau khi tổ chuyên gia (TEC) đánh giá các đề xuất, các vụ chức năng của Bộ KH&CN mới kiểm tra từng nhóm vấn đề của khoản tài trợ chứ không tham gia thương thảo ngay từ đầu. Điều đó dẫn tới tình trạng mỗi khi ban quản lý dự án FIRST kiểm tra đến từng hạng mục của các đề xuất tài trợ và thấy “vướng mắc” thì lại đề nghị các đơn vị thực hiện đề tài giải trình trước các vụ chức năng của Bộ KH&CN.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án FIRST, rút kinh nghiệm từ việc kêu gọi tài trợ lần thứ nhất, ban quản lý dự án FIRST đã điều chỉnh, sửa đổi quy trình đánh giá và lựa chọn trao tài trợ. Cụ thể một số nội dung sửa đổi chính gồm: điều chỉnh tiêu chí đánh giá, bổ sung cách chấm điểm (bổ sung cách tính trọng số với từng tiêu chí đánh giá, mời thêm chuyên gia đánh giá độc lập với tổ TEC nhưng không cho điểm và xếp hạng); thay vì lấy ý kiến của các Vụ chức năng thuộc Bộ KH&CN cho từng nhóm vấn đề trong quá trình thương thảo, ban quản lý dự án FIRST mời các đơn vị chức năng cùng tham gia trong suốt quá trình đánh giá, bao gồm từ khâu đầu tiên là kiểm tra tính hợp lệ của các đề xuất cho đến khâu cuối cùng là hoàn thiện thỏa thuận tài trợ. Sự thay đổi này được ghi rõ trong Sổ tay hướng dẫn Tài trợ của dự án FIRST bản mới nhất. Lần điều chỉnh này cùng với việc áp dụng quy trình đánh giá, lựa chọn rõ ràng, minh bạch theo tiêu chuẩn quốc tế – được các nhà khoa học đánh giá là giúp “loại bỏ được tâm lý nể nang khi xét duyệt”3 đã giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm nguồn lực đánh giá. Điều chỉnh trong quy trình xét duyệt, thương thảo tài trợ lần thứ hai này của FIRST thật sự là bước cải tiến tốt trong công tác quản lý khoa học, ưu việt hơn so với cách xét duyệt đề tài theo kiểu truyền thống.

Nhờ đó, thời gian đánh giá, lựa chọn của đợt kêu gọi tài trợ lần thứ hai chỉ còn năm tháng (ký kết tài trợ vào ngày 8/5 vừa qua), ngắn hơn nhiều so với lần một. Tuy nhiên, từ quá trình xem xét tài trợ có thể thấy “các đơn vị nộp đề xuất cũng thiếu kỹ năng, kinh nghiệm và chưa quen với quy trình xin tài trợ ở quy mô lớn như dự án FIRST nên vẫn còn mất thời gian trong quá trình thương thảo. Ở các nước khác, các viện đều có bộ phận chuyên trách hỗ trợ cho các nhà khoa học một cách chuyên nghiệp nên việc chuẩn bị hồ sơ đề xuất sẽ tốt  hơn”, bà Nguyễn Thị Thu Oanh cho biết.

Vẫn còn rào cản về cơ chế tài chính

Nỗ lực của ban quản lý dự án FIRST để điều chỉnh quá trình xét duyệt, thương thảo các đề xuất tài trợ mới chỉ giúp các đơn vị thụ hưởng giảm bớt được một số thủ tục hành chính. Tuy nhiên, thủ tục tài chính, một trong những vấn đề mấu chốt khiến nhiều nhà khoa học “đau đầu” vẫn chưa giải quyết được.


TS. Nguyễn Thị Lang giới thiệu giống lúa chịu hạn đang được trồng thử nghiệm tại Viện lúa ĐBSCL. Viện lúa ĐBSCL là đơn vị được nhận tài trợ từ hợp phần 2A của dự án FIRST. Nguồn ảnh: TTXVN.

Nhiều người tin rằng dự án FIRST do Ngân hàng Thế giới ký kết tài trợ sẽ có cơ chế tài chính “thoáng”, nghĩa là chỉ xét tới kết quả đầu ra mà không “rà soát” từng hạng mục chi tiêu của đề tài. “Khi tiến hành dự án phát triển đèn LED cho người thu nhập thấp do cơ quan phát triển Anh (DFID) tài trợ, chúng tôi cũng đối ứng 51% vốn, họ chỉ yêu cầu nộp báo cáo cuối cùng để đánh giá kết quả đầu ra mà không đòi hỏi giải trình quá nhiều chi tiết về kỹ thuật, tài chính trong suốt quá trình nộp đề xuất như với dự án FIRST”, anh Dương Đức Duy cho biết. Về bản chất, số tiền tài trợ của dự án FIRST cho các đơn vị thụ hưởng được coi là tiền ngân sách, do đó, “khâu xét duyệt về mặt kỹ thuật và tài chính của dự án phải tuân thủ theo các quy định hiện hành của Việt Nam. Ví dụ, chi tiêu cho các đoàn ra công tác nước ngoài, đoàn vào, khảo sát… phải bám theo các thông tư liên bộ Tài chính – Bộ KH&CN”. Thêm nữa, “vì đây là dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ, nên khi các đơn vị thụ hưởng tài trợ mua sắm trang thiết bị thì phải tuân thủ các yêu cầu đấu thầu của Ngân hàng Thế giới, vốn chặt chẽ và mất thời gian hơn đấu thầu thông thường”, bà Thu Oanh giải thích.

Nhận xét chung về quá trình thực hiện dự án FIRST trong thời gian vừa qua, ông Suhas D. Parandekar, chuyên gia phụ trách dự án FIRST của Ngân hàng Thế giới cho rằng, những yêu cầu về thủ tục tài chính của Việt Nam vẫn là “quá khắt khe” và ví von: “Cách kiểm soát tài chính công này để chống kẻ trộm vào nhà nhưng dường như gây khó dễ cho chủ nhà nhiều hơn là để chống kẻ trộm”.

Tuy nhiên, sẽ rất khó để các doanh nghiệp nhận tài trợ của dự án FIRST hay được tài trợ từ các dự án ngân sách công khác hiểu được những vướng mắc đằng sau những quy định tài chính rất phức tạp này. Với họ, “Quan trọng nhất là chúng tôi đã bỏ ra hơn 50% vốn đối ứng và kết quả đầu ra phải phù hợp với doanh nghiệp, phù hợp với thị trường. Khi đó chúng tôi mới ‘sống được’. Chúng tôi không hiểu tại sao phải quá nhiều thủ tục rườm rà và báo cáo chi tiết đến vậy?” anh Dương Đức Duy nói. Nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục mất thời gian cho những thủ tục hành chính, tài chính thì hệ quả ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của họ, “trong dự trù của chúng tôi, hết năm 2017 là phải có sản phẩm mẫu và trình diễn đúng thời vụ thanh long. Chỉ cần chậm 1 – 2 tháng thì lại lỡ mất vụ thanh long”, anh Dương Đức Duy nói thêm.

Trong lần ký kết đợt hai cho các nhóm nghiên cứu nhận tài trợ hợp phần 1A về chuyên gia giỏi nước ngoài tại Hà Nội ngày 8 tháng 5 vừa qua, ông Lương Văn Thắng, Phó giám đốc phụ trách ban quản lý dự án FIRST cho biết: “Trong thời gian tới, chủ trương của Bộ KH&CN và Ngân hàng Thế giới là sẽ mạnh dạn thí điểm một cơ chế trao quyền tự chủ, quyền tự quyết trong hoạt động đấu thầu và chi tiêu tài chính. Tức là các đơn vị thụ hưởng tài trợ có quyền tự chủ, tự quyết chi tiêu đồng vốn như thế nào cho hiệu quả và phải tự chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. FIRST chỉ giám sát và quản lý kết quả đầu ra thay vì kiểm soát hàng ngày hàng giờ, từng chồng hoá đơn gửi cho nhau”.

“Chúng tôi rất mong chờ sự thay đổi nhằm đơn giản hóa các thủ tục tài chính, hành chính của dự án”, chị Lê Thị Bích Liên chia sẻ với Tia Sáng.
———
1 Cơ chế tài chính trong quản lý hệ thống đề tài cấp Bộ vốn đã được cho rằng còn nhiều thủ tục chưa “thông thoáng”, nên sửa đổi. Hiện nay, cơ chế tài chính của Quỹ Nafosted được các nhà khoa học đánh giá là rất thuận lợi.
2 Quy trình đánh giá tính trùng lặp của hai đề tài do Rạng Đông và Polyvac thực hiện vào tháng 2 năm 2016 cũng đã cho thấy sự chậm trễ trong quá trình thẩm định phê duyệt, giữa cơ quan quản lý dự án, các vụ chức năng và các đơn vị thụ hưởng vẫn còn “lệch pha”. Xem thêm: http://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/vi-sao-du-an-cua-rang-dong-va-polyvac-trien-khai-cham-9423
3 Ý kiến GS Trần Đức Viên trên Tia Sáng. http://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/loai-bo-tam-li-ne-nang-khi-xet-duyet-de-tai-8929

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)