Du xuân cùng slogan… du lịch
Cuối tháng 11 vừa qua, trang mạng familybreakfinder.co.uk đã cung cấp Bản đồ Slogan Du lịch của các quốc gia trên thế giới bao gồm slogan của 159 nước. Đọc hết những slogan du lịch (SD) này, khác gì dạo chơi trong vườn hoa Xuân đầy những lời hay ý đẹp, đầy những gợi mở về các địa danh kỳ thú, về các đặc trưng độc đáo của biết bao đất nước cũng như khả năng sáng tạo của những người làm nên SD.
Hang Én, hang động lớn thứ ba thế giới, một điểm đến mới đang hút khách của du lịch Việt Nam.
Ta hãy bắt đầu bằng thuật ngữ “slogan”. Slogan là một dạng khẩu hiệu “liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ được quảng cáo”, thường đi cùng logo.
Slogan du lịch của Việt Nam bắt đầu xuất hiện và biến đổi như thế nào, ta hãy xem bảng sau đây.
Theo bảng thống kê trên, trong 16 năm qua, du lịch Việt Nam đưa ra bốn slogan chứa đủ bốn lần tên Việt Nam, chậm rãi giới thiệu điểm đến và mời đến; chỉ cho khách thấy vẻ đẹp tiềm ẩn rồi khẳng định nó bất tận. Thay đổi SD theo từng thời kỳ là một việc làm bình thường của tất cả các nước, nhất là nước đang phát triển mà ngành du lịch luôn thấy rằng kết quả chưa xứng với tiềm năng.
Khác với motto có truyền thống sử dụng chữ latin đa nghĩa, SD thường dùng tiếng Anh làm song ngữ nên buộc những người thiết kế slogan phải tận dụng triệt để từng con chữ để nó phát huy nhiều liên tưởng nhất trong đầu du khách. Bản đồ Slogan Du lịch… thế giới cho thấy một số xu hướng trong việc sáng tạo SD.
Một trong những xu hướng lớn nhất là gắn SD của nước mình với địa danh nổi tiếng hoặc quen thuộc trên thế giới. Có tới 22 quốc gia hiện đang làm như vậy. Ví dụ: Kyrgyzstan: Oasis on the Great Silk Road (Ốc đảo trên Con đường Tơ Lụa vĩ đại). Malawi: The warm heart of Africa (Trái tim ấm áp của châu Phi). Malta: Truly Mediterranean (Địa Trung Hải đích thực). Peru: Land of the Incas (Miền đất Inca). Tonga: The true South Pacific (Nam Thái Bình Dương đích thực).
Một xu hướng khác là dùng câu đơn giản. Nhiều nước Tây Âu – Bắc Mỹ, có thể do hoạt động du lịch đã ổn định nhiều năm, thường dùng câu đơn giản. Ví dụ – Bỉ: The place to be (Nơi đáng đến). Canada: Keep exploring (Cứ khám phá). France: Rendez vous en France (Điểm hẹn ở nước Pháp). Đức: Germany – The travel destination (Đức – Điểm đến du lịch). Italia: Made in Italy. Mỹ: All within your reach (Tất cả trong tầm tay của bạn)…
Xu hướng chơi chữ cũng khá phổ biến. Ví dụ – Djibouti: Djibeauty (Djibouti tươi đẹp). Ấn Độ: Incredible!ndia (Lạ thường Ấn Độ! – thay chữ I trong India bằng dấu “!”). Ma-rốc (Morocco): Much Mor (Nhiều hơn nữa). Slovenia: I feel sLOVEnia (Tôi thấy yêu Slovenia). Ukraine: It’s all about U (Tất cả là về Bạn/Ucraina – U là chữ đầu của Ucraina hoặc tắt của You)… Việc dùng các âm tiết có chữ cái đầu trùng với chữ cái đầu của tên quốc gia, lại là một cách chơi chữ khác như Live Love Lebanon (Sống Yêu Liban).
Ngoài ra, có nhiều nước tận dụng nét đặc thù, độc đáo của mình để làm SD, như Israel: Land of Creation (Vùng đất của Sáng tạo); Colombia: Colombia is magical realism (Colombia – hiện thực huyền ảo – liên tưởng tới Marquez); Bhutan: Land of Gross National Happiness (Xứ xở của Tổng Hạnh phúc Quốc dân – Bhutan là nước duy nhất trên thế giới dùng GNH thay cho GDP để đánh giá sự phát triển của quốc gia); Lesotho: The Kingdom In The Sky (Vương quốc trên trời – toàn bộ nước Lesotho ở độ cao trên 1.400m so với mực nước biển); Madagascar: A genuine island, a world apart (Một hòn đảo đích thực, một thế giới tách biệt – Đảo quốc Madagascar có một hệ động-thực vật khác biệt với toàn thế giới còn lại); Holland: Add some orange (Hãy thêm một ít màu cam – bạn có nhớ Cơn lốc màu Cam?)
Bản đồ Slogan Du lịch… thế giới cũng cho thấy vài trường hợp lạ, như Slovakia: Little big country (Nước lớn tí hon)! Phải hiểu sao về SD hài hước đầy mâu thuẫn này? Hay như một quốc gia không có biển, quốc gia kia toàn biển bao quanh nhưng họ đều thấy mình Simply beautiful (Đơn giản là đẹp) và cùng chọn câu này làm SD! Vấn đề bản quyền thế nào nhỉ? Đó là nước Lào hàng xóm và nước Saint Lucia ở tận mãi biển Caribbe (Trung Mỹ).
Tuy nhiên, vẫn còn tới hơn 1/6 số nước trên thế giới chưa có SD. Dễ hiểu khi phần lớn các nước đó ở châu Phi hoặc Trung Đông, đang nội chiến hoặc nghèo đói (Afganistan, Sudan…); nhưng cũng khó hiểu vì có cả những nước không nghèo đói và chiến tranh (Angola, Turmenistan).
… Và, bạn có thể tiếp tục phân loại SD từ bản đồ này theo các tiêu chí MÌNH MUỐN, hẳn sự thích thú sẽ còn kéo dài… Ví dụ như, nếu ở Việt Nam ta, từ thuở tập viết đã chép “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” – thì ở Vương quốc trên trời kia, motto của họ lại là “Khotso, Pula, Nala” (Hòa bình, Mưa, Thịnh vượng)! Ôi, Mưa!…
Phần đi tiếp trên bản đồ Bản đồ Slogan Du lịch của các nước trên thế giới thuộc về bạn.