Đưa công nghệ thông tin vào quản lý khoa học

Không thể phủ nhận, sự phát triển KHCN nước nhà còn dưới tiềm năng, và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong đó, tất cả các tác nhân tham gia vào hoạt động KHCN như: nhà khoa học, đơn vị chủ trì, nhà quản lý và doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao đều cần có sự thay đổi lớn trong tư duy, tự “cải tổ” chính mình để hoạt động KHCN thực sự khởi sắc.

PGS.TS Tạ Hải Tùng, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS) thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Trải qua 5 năm hoạt động khoa học ở trong nước, cá nhân tôi cảm nhận được sự sáng dần lên của bức tranh khoa học công nghệ (KHCN) nước nhà. Trước đây, hoạt động KHCN khá trầm lắng với sự tham gia chủ yếu của các đơn vị truyền thống như: hai viện hàn lâm, các trường đại học lớn, và dồn chủ yếu vào các nhà khoa học có tên tuổi, được xem là “cây đa, cây đề” trong từng lĩnh vực. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cùng với sự khởi sắc của kinh tế – xã hội, cộng thêm nhu cầu từ thực tiễn phát triển, cũng như “quả ngọt” từ các chính sách cử người đi đào tạo ở nước ngoài thông qua các đề án 322, 911, hay các nguồn học bổng nước ngoài, hoạt động KHCN ở Việt Nam đã có những bước thay đổi cơ bản về cả lượng và chất, hướng mạnh mẽ tới hội nhập quốc tế. Qua trải nghiệm hoạt động nghiên cứu ở cả trong và ngoài nước, tôi cho rằng, mọi khó khăn đều là khó khăn chung. Nên xem đó như “chất xúc tác” để chúng ta “nẩy” ra động lực mới, suy nghĩ mới và cách làm mới.
Không thể phủ nhận, sự phát triển KHCN nước nhà còn dưới tiềm năng, và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong đó, tất cả các tác nhân tham gia vào hoạt động KHCN như: nhà khoa học, đơn vị chủ trì, nhà quản lý và doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao đều cần có sự thay đổi lớn trong tư duy, tự “cải tổ” chính mình để hoạt động KHCN thực sự khởi sắc. Sau đây, tôi sẽ phân tích cụ thể từng vấn đề cần phải đổi mới để bức tranh KHCN ngày một tươi sáng hơn.
Thứ nhất, về công tác quản lý khoa học, bên cạnh các vấn đề được nhiều người đề cập như yêu cầu tinh giản thủ tục hành chính hay tăng quyền nhiều hơn cho nhà khoa học và đơn vị chủ trì, tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi khâu của hoạt động quản lý khoa học công nghệ: từ xét duyệt đề tài/dự án, giám sát triển khai cũng như công khai cơ sở dữ liệu các đề tài/dự án, cơ sở dữ liệu các tổ chức chủ trì, và nhà khoa học. Đây là cách để tăng cường hiệu quả quản lý, hướng tới công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh của nền KHCN.
Đối với việc “đặt hàng” và ra đề bài cho các nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu khoa học, trong một môi trường KHCN phát triển, đầu bài có thể đến từ hai nguồn: Nhà nước và các chương trình của nhà nước; các doanh nghiệp đề xuất nhu cầu và đặt hàng. Từ đấy, nhà nước sẽ chọn ra một nhóm các chuyên gia để có được các đề bài chất lượng, bám sát thực tế. Tuy nhiên, đó là viễn cảnh của tương lai. Hiện tại, nhà nước không ra đầu bài mà là các nhà khoa học (ở dưới) gửi đề xuất lên. Sau đó, cơ quan quản lý khoa học sẽ tiến hành duyệt qua nhiều cửa, và hiện tại, cửa khó nhất là có đơn vị đặt hàng. Đây chính là rào cản lớn. Do các đơn vị đặt hàng phải là các bộ, ngành, địa phương, nên việc có được các đơn đặt hàng này là rất khó khăn, đặc biệt, khi nhà khoa học gửi đề xuất đến bộ không phải là đơn vị chủ quản của mình (ví dụ: nhà KH từ  trường ĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT gửi đến các bộ ngành khác). Theo tôi, nếu muốn đổi mới, chúng ta có thể lấy mô hình Nafosted như một mô hình chuẩn ở thời điểm hiện tại với khâu lựa chọn được đưa về cho các nhà khoa học và doanh nghiệp. Và điều quan trọng hơn, cần phải đưa CNTT vào quá trình này. Lâu nay, do quá nhiều thủ tục, giấy tờ, không ít đề tài bị “ách” lại ở khâu nào đó tới hàng tháng mà không rõ nguyên nhân. Nếu ứng dựng CNTT, sẽ biết ngay bộ phận nào phải chịu trách nhiệm để có chế tài xử lý.
Một trong những điểm khác cần cải tiến là công tác quản lý quá trình triển khai đề tài. Thường sau khi thẩm định và giao đề tài xong, bộ phận quản lý KHCN coi như đã hoàn thành trách nhiệm; chỉ đến giai đoạn cuối cùng mới “can thiệp” để tiến hành nghiệm thu. Còn ở nước ngoài, mỗi một đề tài được duyệt sẽ có một chuyên viên quản lý theo sát trong từng bước triển khai. Nếu đề tài không “đi” đúng định hướng thì có thể bị “cắt” hỗ trợ. Tôi cho rằng, chúng ta nên học theo cách này nhằm tạo sức ép cần thiết với các nhà khoa học, để họ làm việc nghiêm túc và “ra” được sản phẩm.
Thứ hai, về phía doanh nghiệp, tôi có cảm giác, các doanh nghiệp Việt Nam có rất ít nhu cầu cải tiến công nghệ. Rất nhiều lần, chúng tôi đã trao đổi cùng các doanh nghiệp với thiện chí hợp tác nhưng đều không “ra” kết quả. Và với Luật KHCN mới, có khả năng, các doanh nghiệp lại càng “thờ ơ” với các nhà khoa học do được phép giữ lại 10% kinh phí từ lợi nhuận trước thuế để làm nghiên cứu khoa học. Họ hoàn toàn có thể dùng số tiền đó để thành lập các viện/trung tâm nghiên cứu  riêng và nếu như thế, các đơn vị nghiên cứu hiện có, và kể cả các doanh nghiệp “start up” – một trong những trung tâm của đổi mới sáng tạo – với nguồn lực hạn chế sẽ rất khó khăn trong cạnh tranh. Thực ra, nếu hoạt động nghiên cứu khoa học được xã hội hóa một cách lành mạnh thì cũng là điều rất tốt, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư KHCN của cả xã hội. Tuy nhiên, từ đấy cũng dễ nảy sinh những cạnh tranh không công bằng nếu cách tiếp cận của doanh nghiệp với hoạt động KHCN không đúng với mục đích tự thân của hoạt động này. Tôi cho rằng, doanh nghiệp cần nhận thức rõ vai trò của KHCN trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cần sử dụng quỹ KHCN sao cho vừa đúng mục đích, vừa hiệu quả, vừa có trách nhiệm, tránh việc sử dụng nguồn ngân sách này gây áp lực cạnh tranh không lành mạnh lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các tổ chức nghiên cứu khoa học công lập trong cùng lĩnh vực như đã và đang xảy ra gần đây..
Thứ ba, các cơ quan nghiên cứu khoa học và nhà khoa học – đối tượng thụ hưởng kinh phí đầu tư – nên nghiên cứu chuyển đổi hướng tiếp cận và hướng tới thị trường. Các nhà khoa học cần hiểu, thực chất, đó chính là tiền thuế của nhân dân và chúng ta phải có trách nhiệm khi sử dụng khoản tiền đó vào hoạt động nghiên cứu khoa học.
Tất nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, việc chuyển giao công nghệ là một thách thức lớn với các nhà khoa học. Để có thể thương mại hóa sản phẩm, nhà khoa học phải tham gia vào rất nhiều khâu ngoài chuyên môn và nếu như thế thì chắc chắn, không còn nhiều thời gian dành cho nghiên cứu khoa học. Hơn nữa, không phải nhà khoa học nào cũng có năng lực kinh doanh. Để giải quyết ổn thỏa vấn đề này, theo tôi, nhà khoa học cần định hướng hoạt động nghiên cứu của mình sao cho cân bằng giữa mong muốn cá nhân với nhu cầu thực tế của thị trường, doanh nghiệp và xã hội. Chỉ có thế, các kết quả nghiên cứu mới có tính thực tiễn cao.
Ngoài ra, các đơn vị chủ trì cũng cần tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Chúng ta có rất nhiều viện nghiên cứu, nhưng chất lượng hoạt động chưa thực sự cao. Theo tôi, nên xem tự chủ, tự chịu trách nhiệm là cơ hội, sau mới là thách thức. Cho dù đơn vị mình có được nhà nước bao cấp từng phần đi chăng nữa thì người quản lý cũng như từng cán bộ nghiên cứu vẫn cần phải thấm nhuần tư duy “cấp tiến”. Cao hơn, nên xem đấy vừa là đòi hỏi tự thân vừa là yêu cầu của xã hội.
Ghi chú: Trích ý kiến của PGS. Tạ Hải Tùng tại buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và các nhà khoa học trước thềm Xuân Đinh Dậu

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)