Đưa nghệ thuật về cộng đồng, TP Tam Kỳ được trao Giải Cảnh quan đô thị Châu Á
Làng Bích họa và Con đường Thuyền thúng – hai sáng kiến đưa nghệ thuật vào không gian sống của cộng đồng ở xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - mới đây đã đem lại Giải Cảnh quan đô thị châu Á (Asian Townscape Award) 2017 cho địa phương này.
Các bức tranh tường ở Làng Bích họa thường mô tả chân dung cư dân thuộc mọi lứa tuổi của thôn. Ảnh: Nguyễn Ngọc Pháp.
Sở hữu địa thế đặc biệt trước mặt là biển sau lưng là sông, thiên nhiên hoang sơ, văn hóa còn giữ nét truyền thống, phù hợp với phát triển du lịch dựa trên bản sắc địa phương, thế nhưng suốt bao năm nay, người dân xã Tam Thanh kiếm sống chủ yếu bằng nghề chài lưới và nuôi trồng thủy sản. Mãi cho đến giữa năm 2016, cái tên Tam Thanh mới bất ngờ xuất hiện một cách ấn tượng trên bản đồ du lịch cùng với sự ra đời của “Làng Bích họa”. Những bức tường nhà cũ kỹ ở thôn Trung Thanh, một trong bảy thôn của xã, được các họa sĩ tình nguyện Hàn Quốc và Việt Nam “làm mới” bằng những bức tranh vui tươi, sặc sỡ. Sáng kiến này của Korea Foundation đã giúp Tam Thanh thu hút hơn 1.000 khách du lịch đến thăm vào mỗi dịp cuối tuần.
Con đường Thuyền thúng dài 1,5km, chạy dọc theo các thôn trong xã.
Con đường Thuyền thúng lại là một sáng kiến nghệ thuật cộng đồng khác, nằm trong Dự án thí điểm “Phát triển Du lịch Tam Thanh với sự tham gia của Cộng đồng” do TP Tam Kỳ triển khai từ tháng 9/2016 đến tháng 6/2017. Dài 1,5km, chạy dọc theo các thôn trong xã, Con đường Thuyền thúng được trang trí bởi hơn 100 thuyền thúng cũ, phần lớn do ngư dân hiến tặng, và các họa sĩ như Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Thượng Hỷ, Lê Kinh Tài, Hiếu Mường, Đào Châu Hải, Lê Đình Nguyên, Nguyễn Nghĩa Cương…, vẽ tình nguyện. Đồng thời, dưới sự hướng dẫn của các họa sĩ, người dân địa phương cùng tham gia trang trí cho các vật dụng thúng, lu… mà gia đình vẫn đang sử dụng.
Góp phần không nhỏ vào việc làm mới cảnh quan của Tam Thanh còn có những cải tiến về hạ tầng du lịch như đặt lại tên đường cho vui hơn và ý nghĩa hơn. Những con đường trong xã trước đây được đánh số khá buồn tẻ giờ mang tên mới theo tên các loài cá nước ngọt (với những con đường chạy về phía sông) hay cá nước mặn (với những con đường chạy về phía biển). Các cột chỉ đường trong hệ thống biển báo cũng được thiết kế có thẩm mỹ, mô phỏng hình dáng mái chèo.
Bằng việc đưa nghệ thuật vào không gian sống của cộng đồng ở xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ muốn thử nghiệm những giải pháp bền vững nhằm cải thiện môi trường sống và tạo sinh kế cho người dân. Hỗ trợ TP Tam Kỳ trong nỗ lực này có hơn 70 tình nguyện viên là các giảng viên, sinh viên đến từ các đại học trong và ngoài nước như ĐH Kiến trúc Đà Nẵng và Hồ Chí Minh; ĐH Bách Khoa Đà Nẵng; ĐH Duy Tân; ĐH FPT TP.HCM; ĐH KHXH&NV TP.HCM; ĐH Quảng Nam; Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore cùng một số chuyên gia truyền thông, thương hiệu, marketing…
Giải Cảnh quan đô thị Châu Á do UN-Habitat Châu Á-Thái Bình Dương phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Đô thị Châu Á Fukuoka (Fukuoka Asian Urban Research Center), Hội Nhân cư Châu Á (Asian Habitat Society), Hội Thiết kế Cảnh quan Châu Á (Asia Townscape Design Society) tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh những mô hình thiết kế cảnh quan sáng tạo, giàu sức sống, và hài hòa với văn hóa địa phương. Lễ trao giải năm nay sẽ diễn ra vào ngày 28/9 tại TP Ngân Xuyên, thủ phủ của khu tự trị Ninh Hạ, Trung Quốc.
Tài liệu tham khảo:
Tóm tắt nội dung Dự án thí điểm “Phát triển Du lịch Tam Thanh với sự tham gia của cộng đồng” của UBND TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam