Dubna hỗ trợ Việt Nam thiết kế kênh ngang trên lò phản ứng mới

Vào đầu tháng ba tới, hai nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt sẽ tới Viện Liên hợp hạt nhân Dubna (Nga) để trao đổi với các chuyên gia ở đây về việc thiết kế kênh ngang trên lò phản ứng mới.

Chuyên gia Phòng Thí nghiệm Vật lý neutron Frank giới thiệu về lịch sử hình thành và các hướng nghiên cứu lớn tại đây.

Đó là một trong những kết quả từ chuyến làm việc vào trung tuần tháng 2/2025 tại Viện Liên hợp hạt nhân Dubna (JINR) của đoàn cán bộ Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) do TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng, dẫn đầu. Tại đây, họ đã thảo luận cùng đại diện Viện Thiết kế Chuyên ngành nhà nước thuộc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) và ban giám đốc Phòng Thí nghiệm Vật lý neutron Frank thuộc JINR. Nội dung chính của chuyến làm việc là thảo luận về việc thiết kế, chế tạo các kênh ngang trên lò phản ứng nghiên cứu mới, thiết bị trọng yếu của Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia (CNST) đặt tại Long Khánh, Đồng Nai.

Khi đi vào hoạt động, lò phản ứng nghiên cứu mới tại Trung tâm này sẽ đảm trách vai trò của lò phản ứng Đà Lạt, dự kiến sẽ dừng vận hành trong vòng hơn một thập niên tới. Vì vậy, cấu hình của lò phản ứng mới với công suất 10 MW, gấp 10 lần lò phản ứng Đà Lạt, và các kênh ngang dẫn dòng neutron ra bên ngoài để phục vụ cho các mục đích nghiên cứu, chiếu xạ, sản xuất… là điều được VINATOM hết sức quan tâm. 

Để có được những thiết kế kênh ngang khai thác tối ưu dòng neutron từ lõi lò phản ứng, VINATOM đã trao đổi và thảo luận với các chuyên gia Nga, đặc biệt là những người đang làm việc và vận hành lò xung mạnh nhất thế giới, IBR 2 ở Phòng Thí nghiệm Vật lý neutron Frank, vốn được thành lập vào năm 1956 và một năm sau mang tên nhà vật lý Ilya Frank, người được trao giải Nobel Vật lý năm 1958 cùng Pavel Cherenkov và Igor Y. Tamm khi giải thích hiện tượng tán xạ Cherenkov. Một trong những chủ đề chính trong lĩnh vực vật lý hạt nhân của Phòng thí nghiệm này là tập trung vào nghiên cứu các đặc tính neutron và vật lý các phản ứng hạt nhân siêu lạnh dưới tác động của các neutron cũng như các nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, phương pháp chế tạo và phát triển neutron cũng như thiết kế các máy dò bức xạ ion hóa. Những nghiên cứu này được họ triển khai trên lò phản ứng xung IBR-2 có thông lượng neutron lớn nhất thế giới và các thiết bị dùng để khai thác các chùm neutron. Với những năng lực này, Phòng thí nghiệm Frank đang hỗ trợ các nghiên cứu thực nghiệm do các nghiên cứu của JINR thiết kế trên lò IBR 2 bằng việc sử dụng các kỹ thuật tán xạ neutron. Bên cạnh đó, họ cũng đang hỗ trợ thiết kế hạ tầng nghiên cứu tại các lò phản ứng mới của Kazakhstan, Uzbekistan.

Do đó, VINATOM mong muốn các chuyên gia của Phòng thí nghiệm Frank thảo luận và tư vấn để nhận diện được những hướng nghiên cứu khoa học hứa hẹn trên lò phản ứng mới dự kiến xây dựng ở Đồng Nai và phát triển những thiết bị được dùng để khai thác các chùm tia neutron từ lò phản ứng; đồng thời tư vấn việc thiết kế các kênh ngang đưa dòng neutron từ lò phản ứng ra ngoài và các thiết bị đi kèm. 

Sau chuyến làm việc này, các bên đã thống nhất kế hoạch phát triển các thiết bị nghiên cứu cho lò phản ứng nghiên cứu mới và đào tạo nguồn nhân lực tại Phòng thí nghiệm Frank. Một nhiệm vụ đầu tiên trong kế hoạch này là thiết kế các kênh ngang cho dự án Tiền khả thi (FS) của Trung tâm KH&CN hạt nhân Quốc gia. “Vào đầu tháng 3/2025, hai nhà nghiên cứu ở Viện Đà Lạt sẽ sang đây làm việc. Họ là những người từng thực hiện dự án ‘Nghiên cứu phát triển thiết bị và khai thác dòng neutron nhiệt trên kênh ngang số 1 lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt’ (KC05/16-20)”, PGS. TS Nguyễn Nhị Điền, một thành viên trong đoàn làm việc của VINATOM, cho biết. “Sau khi xong FS, chúng ta sẽ tiếp tục cử các đoàn sang để làm việc với họ về thiết kế, chế tạo kênh ngang của lò phản ứng nghiên cứu mới”. 

Bài đăng Tia Sáng số 4/2025

Tác giả

(Visited 18 times, 18 visits today)