Đức lập một mạng lưới nghiên cứu mới để chống chọi đại dịch

Cùng với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu (Đức) Anja Karliczek, nhà vi trùng học tại bệnh viện Charité, Christian Drosten đã giải thích vì sao tỷ lệ tử vong vì virus corona ở Đức tương đối thấp, đồng thời đề cập tới một mạng lưới nghiên cứu mới.

“Chúng ta có ít ca tử vong vì chúng ta đã tiến hành rất nhiều chẩn đoán trong phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn”, nhà vi trùng học Christian Drosten nói trong một cuộc họp báo tại Berlin. Ông hiện là cố vấn chính phủ.

Hiện tại ở Đức mỗi tuần tiến hành khoảng trên nửa triệu xét nghiệm về corona. Ông Heyo Kroemer, chủ tịch HĐQT Charité, bổ sung, so với các nước khác cũng bị đại dịch Corona đe doạ thì Đức đã tiến hành xét nghiệm sớm hơn.

Tại cuộc họp báo này, ông cùng các chuyên gia y học và Bộ trưởng Anja Karliczek giới thiệu một mạng lưới nghiên cứu mới với lực lượng được Bộ Giáo dục và Nghiên cứu tập hợp từ các cơ quan nghiên cứu khoa học và các bệnh viện trường đại học. Theo bà Karliczek,  Thủ tưởng Đức đã gọi điện thoại cho bà đề nghị huy động và thống nhất lực lượng hỗ trợ chính phủ. Bộ Giáo dục và Nghiên cứu sẽ hỗ trợ 150 triệu Euro để xây dựng mạng lưới này. “Lực lượng đặc nhiệm quốc gia” (Nationale Taskforce) này sẽ phát triển các ý tưởng và các phác đồ điều trị hiệu quả nhất nhằm bảo vệ tốt nhất người bệnh. Các bệnh viện sẽ trao đổi kinh nghiệm và đề ra kế hoạch về những biện pháp sẽ được triển khai. Ngoài ra, họ sẽ tập hợp mọi dữ liệu liên quan đến các bệnh nhân Covid-19, nhằm có cái nhìn tổng quan về lịch sử và trạng thái  bệnh nhân.

Từ tập hợp dữ liệu này, những người đề xuất sáng kiến này, hai ông Heyo Kroemer và Christian Drosten hy vọng sẽ có cái nhìn sâu sắc về quản lý đại dịch và phát triển vác xin cũng như phương pháp điều trị. “Các bệnh viện trường đại học có sự gắn bó gần gũi nhất với người bệnh cũng như với công tác nghiên cứu”, chuyên gia Drosten nhận xét. Cùng với các cơ sở nghiên cứu khác và với cơ quan nhà nước các bệnh viện này có thể có những phản ứng nhanh nhậy, kịp thời hơn.

Theo ông Christian Drosten việc hạn chế các sinh hoạt nơi công cộng có thể được dỡ bỏ từng bước vào thời điểm thích hợp. Dù không đề cập tới thời điểm cụ thể nhưng ông cũng giải thích là việc tiến hành giãn cách xã hội này cần được người dân hiểu rõ là trước hết thực hiện ở đâu, vì ai. “Ở đây cần có tiếng nói của giới khoa học, cần có mô hình về dự báo dịch bệnh bởi sẽ không thực hiện được kế hoạch cách ly khi các nhóm có nguy cơ như người cao tuổi bị cách ly một cách đơn giản”, ông nhận định.

Theo các xu hướng gần đây nhất, Đức hy vọng sẽ giảm dần các ca lây nhiễm mới. Điều này có thể được thể hiện qua các số liệu thu thập được trong những ngày tới.

Xuân Hoài dịch

Nguồn: sug/dpa

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)