Được, mất trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007 – 2009

Cái nhìn toàn cục Chuyện khủng hoảng kinh tế toàn cầu cuối cùng là chuyện của thế giới phân cực trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh. Một thời mà cuộc đối đầu ý thức hệ đã đi vào quá khứ. Một kỷ nguyên mới xuất hiện. Kỷ nguyên của thông qua chiến tranh tiền tệ để chiếm giữ thị trường thế giới, tranh giành năng lượng và lương thực toàn cầu trong thời kỳ bùng nổ các ngành công nghiệp mới và dân số.

Người Trung Quốc đã biết sử dụng 2 lợi thế quan trọng của mình là đông dân và giá nhân công rẻ. Họ đã bắt tay vào một thời kỳ phát triển mới sau những sai lầm của thời kinh tế bao cấp. Sau 30 năm bắt tay với người Mỹ, chuyển đổi kinh tế thị trường, người Trung Quốc đã chiếm lĩnh hầu hết thị trường tiêu thụ hàng tiêu dùng trên khắp toàn cầu với chiến lược giá rẻ. Họ đã mang lại sự tăng trưởng cho đất nước họ bằng những tỷ lệ nóng 10% GDP trong suốt 13 năm liên tiếp. Khi đạt được dự trữ ngoại tệ có thể đủ sức chống lại những tay đầu cơ tài chính thế giới. Họ đã kềm giá đồng Nhân dân tệ (NDT)ở giá thấp để phục vụ cho chiến lược xuất khẩu hàng giá rẻ, mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng không thể cạnh tranh lại.
Người Mỹ đã quá tự kiêu và tự mãn đã dựa vào sự thao túng của phố Wall làm đồng USD là chủ soái cho mọi giao dịch toàn cầu. Họ còn tự mãn khi họ nắm toàn bộ các nền công nghiệp nặng đang dẫn đầu thế giới. Họ mải mê men say của kẻ vô địch sau sự sụp đổ Liên Xô cũ và Đông Âu. Một ngày đẹp trời họ choàng tỉnh giấc mơ, thì cơn nóng hầm hập đang phà ra phía sau gáy là cuộc rượt đuổi của con hổ châu Á Trung Quốc đang cận kề. Khi đảng Cộng hòa đã sử dụng đồng tiền của dân đóng thuế liên tục phục vụ cho những cuộc chiến tranh giành những vùng năng lượng trên toàn cầu. Thâm thủng ngân sách và mất lòng toàn thế giới là điều không thể tránh khỏi, để rồi họ vội vã tìm lại hình ảnh của chính mình trong con mắt của người dân sở tại và của toàn cầu.
Thế giới các nước đã phát triển Âu – Á cũng vì thói thực dụng đã tận dụng nhân công giá rẻ và đông dân của Trung Quốc. Họ đã đầu tư quá sâu vào nền kinh tế Trung Quốc hầu hết các công nghệ sản xuất hàng tiêu dùng. Thậm chí họ chỉ làm đơn đặt hàng rồi đem hàng đó về nước mình đóng lại nhãn mác để kiếm lời, mà không phải làm gì. Họ cũng đã giật mình khi con hổ ngủ bao nhiêu năm bừng tỉnh và là tai họa cho nền kinh tế với nhân công cao ngất trời của họ.
Gậy ông lại đập lưng ông vì thói thực dụng và hám lợi của thế giới tư bản đang huênh hoang tự đắc. Người Trung Quốc quay lại dạy cho họ một bài học thấm thía: Kiến ăn cá rồi có ngày cá lại ăn kiến!

Người Mỹ đã làm gì?
Họ đã thay đổi cách ứng xử bằng đưa lên một vị Tổng thống da màu thuộc Đảng Dân chủ đã từng theo Hồi giáo, để cải thiện cái nhìn thiện cảm hơn của thế giới Hồi giáo. Họ đã cải cách những lỗ hổng chết người trong quản lý tài chính, y tế, v.v… bằng cách tạo ra cuộc khủng hoảng toàn cầu, để dạy người Mỹ biết yêu nước, biết tiết kiệm và biết nhìn lại mình. Họ đã làm cho hàng loạt tổ chức tài chính đang ăn nên làm ra và chiêu dụ cả thế giới đổ tiền vào mua những tờ cổ phiếu với giá rất nóng, đi đến sụp đổ. Họ biết cách giật tiền của thế giới bằng luật phá sản và giảm giá đồng USD thống soái toàn cầu. Đã thế, họ còn buộc người Trung quốc phải mở hầu bao để cho họ mượn cho việc kích cầu lên đến hơn 800 tỷ  USD Ngậm đắng nuốt cay sau cú thua giật tiền theo phong cách Mỹ, người Trung Quốc phải cứu vớt anh bạn đối tác Mỹ để hy vọng tiến trình sụp đổ theo thuyết Domino bớt ảnh hưởng đến chiến lược xuất khẩu hàng giá rẻ của mình.
Các nhà chiến lược cho rằng thâm thủng ngân sách thương mại là nguyên nhân khủng hoảng. Các nhà quản lý tài chính thế giới cho rằng yếu kém trong quản lý tài chính là nguyên nhân. Nhưng các nhà theo trường phái thuyết âm mưu cho rằng đây là âm mưu sắp đặt của người Mỹ, mà đứng sau lưng là các nhà tài phiệt phố Wall và FED đã tạo ra để nước Mỹ có dịp tái cơ cấu mọi việc, và cũng là dịp hôi của của họ đối với thế giới còn lại, kể cả những người dân Mỹ đã và đang còng lưng làm ra của cải.

Được – Mất
Không chỉ có Trung quốc thiệt hại, mà còn nhiều nước trên thế giới bị thiệt hại theo sự suy thoái mà người Mỹ tạo ra. Singapore là điển hình rõ nhất, khi đầu năm 2009 họ tính toán lại thì hơn 50 tỷ đô la Singapore đã đi theo những sụp đổ các tổ chức tín dụng Mỹ. Châu Âu cũng không khá hơn gì khi đồng Euro tăng giá từ 1 Euro ăn chỉ 0.9USD thì sau đó chỉ vài tháng 1 Euro ăn đến hơn 1.4USD. Mọi xuất khẩu của châu Âu ngưng trệ, du lịch đi vào thời kỳ đình đốn. Mọi chống đỡ của châu Âu không thể cứu vãn những thành viên nghèo nhất như Iceland và Hy Lạp mới đây, tương lai còn Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đang chờ ngày hấp hối. Cú tung tiền của người Đức cứu Hy Lạp là muốn chứng tỏ đầu tàu châu Âu. Nó đã là miếng mồi ngon cho những cái mũi rất thính ở phố Wall làm mưa làm gió trên giá vàng, trên cuộc chiến tiền tệ đã được lắp kíp nổ chờ ngày khai hỏa.
Dù có thiệt hại do thất nghiệp và một số hủy hoại môi trường làm thức tỉnh cho sự phát triển quá nóng của kinh tế Trung Quốc chạy theo tăng trưởng GDP, mà không quan tâm đến những tai hại khác mang đến. Nhưng người Trung Quốc họ vẫn còn món lợi xuất khẩu hàng giá rẻ. Họ giữ được tăng trưởng kinh tế cao dù có khủng hoảng đi đến đỉnh điểm năm 2009 vẫn 8.7%, năm 2008 vẫn 10.4% và dự kiến năm 2010 này vẫn con số 8.8%. Ngoài ra đây là một bài thuốc cảnh tỉnh họ về vấn nạn môi trường, cơn vỡ bong bóng bất động sản và bao nhiêu di họa về một rối loạn hình thái xã hội do các quyền lợi nhóm sẽ bùng phát, khi làn sóng công nhân bị bóc lột tự vẫn liên tục mấy tháng qua. Họ đã kịp cứu nguy bằng lý thuyết xã hội hài hòa để đưa nền văn minh đến nông thôn, nơi mà lâu nay bị bỏ bê.
Tóm lại, suy thoái kinh tế đã đưa Trung Quốc lưỡng đầu thọ địch khi thế giới cùng nhau tấn công chiến lược hàng giá rẻ của Trung Quốc. Nhưng thế giới lòng tham không cưỡng lại được hàng giá rẻ. Và Trung Quốc vẫn theo đường lối: “chó cứ sủa, đoàn người vẫn cứ đi”. Và suy thoái còn giúp họ quan tâm đến phát triển nội địa, tạo công ăn việc làm trên chính đất nước họ, giúp họ hoàn thiện hơn trước đây là chỉ áp dụng chính sách một nhà nước mạnh và ổn định chính trị để phát triển, mà bỏ quên tầng lớp nhân dân bần cùng ở nông thôn như trước suy thoái kinh tế.
Người Mỹ luôn thực dụng, dù thực dụng đã là gậy ông đập lưng ông trong quan hệ giao thương với Trung Quốc. Người ta cho rằng mối quan hệ Mỹ – Trung đã đến thời kỳ như cặp vợ chồng đồng sàng nhưng dị mộng. Họ không ly dị nhau được, nhưng họ vẫn sẵn sàng tranh đua nhau giành vị thế độc tôn. Mỹ luôn lớn tiếng kêu gọi Trung Quốc phải tăng giá đồng NDT. Trung Quốc vẫn hứa và hứa, vì Trung Quốc biết đây là chiêu tuyệt kỷ để họ lấy làm sức mạnh với “thế giới còn lại”. Dù cả thế giới kêu gào hơn 2 năm qua, nhưng chỉ mới cách đây vài hôm – ông Hồ Cẩm Đào – chính thức “hứa” sẽ cải cách tài chính, nhưng theo cách riêng của họ, độc lập với mọi yêu cầu của “thế giới còn lại”.
Cuối cùng, chỉ có Mỹ và Trung Quốc có lợi trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2009. Họ giúp nhau và cho nhau vay tiền. Dù sau cuộc vay người Mỹ nâng số nợ của mình lớn nhất thế giới – hơn 9.000 tỷ USD, nhưng chỉ chiếm 6.25%GDP của Mỹ thì có thấm vào đâu. Và dù Trung Quốc tăng trưởng nóng suốt 13 năm qua, nhưng GDP của họ (8.789 tỷ USD năm 2009) cũng chỉ bằng 61.6% GDP Mỹ (14.260 tỷ USD năm 2009), trên một đất nước đông dân hơn Mỹ 4 lần. Trong khi đó, Mỹ làm được nhiều điều. Mỹ lấy lại sự tăng trưởng ngoài mong đợi của FED, lên đến hơn 3% trong mấy tháng đầu năm 2010. Số công ăn việc làm tăng thêm 29.000 trong tháng 4/2010. Công nghiệp xây dựng nhà gia tăng 5.8%. Doanh số bán lẻ chung tăng 1.6%. Thâm hụt ngân sách giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đồng Euro bắt đầu xuống dốc khi người Đức tung tiền để cứu giúp nền kinh tế Hy Lạp sắp sụp đổ. Châu Âu đang bấn loạn. Người Trung Quốc bắt đầu lạm phát gia tăng khi 44 trong 77 mặt hàng nông sản thực phẩm tăng giá từ 25% đến 100%. Tình hình tự tử của công nhân và vấn nạn thảm sát cộng đồng do áp lực cuộc sống liên tục xảy ra gần đây. Và cái bong bóng tăng trưởng đã đẩy những đầu tư bất động sản của Trung Quốc đến hồi căng phồng sắp vỡ. Ho đã khôn ngoan “hứa” sẽ cải cách tài chính sau một cuộc đua dài kềm giá đồng NDT ở mức thấp.
Suốt bốn thập kỷ qua, thế giới như một tam quốc phân tranh: Mỹ – Nga và Trung Quốc. Đầu thập kỷ 1970, người Mỹ đã kéo Trung Quốc về phía mình, kết quả là sụp đổ Liên Xô cũ và Đông Âu. Sự trỗi dậy của Trung Quốc gần đây là mối đe dọa ngôi vị số 1 của Mỹ. Họ đã dùng chiêu bài cũ khi kéo người Nga đồng thuận về phía mình. Vài tháng gần đây, người Nga đã bắt đầu thuận thảo với Mỹ về vấn đề Iran và Bắc Hàn. Cuộc chiến tranh tiền tệ kéo dài 4 năm từ 2006 đến nay đã đến hồi kết thúc. Ai được – ai mất thì đã rõ. Có phải chăng vị thế số 1 thế giới của người Mỹ đã được khẳng định lại, khi Trung Quốc tuyên bố ngưng viện trợ Bắc Hàn, và hậu thuẫn bao vây kinh tế Iran. Hai  đối tác để Trung Quốc dùng làm đối trọng với “thế giới còn lại”. Ngoài ra lạm phát cho thấy hậu quả tăng trưởng nóng suốt 13 năm qua đã bắt đầu gây tác hại, khi sàn chứng khoáng của họ bắt đầu rớt giá sâu nhất trong một năm qua. Nên họ bắt đầu tung cờ trắng để lùi lại, và tuyên bố ẫm ờ là sẽ cải tổ tài chính trong cuộc chiến tiền tệ? Hãy chờ xem đoạn kết vẫn còn dài.
Bất kỳ lãnh tụ quốc gia nào cũng thế, họ chỉ vì quốc gia dân tộc họ. Khi nguy nan, lúc thăng tiến họ đều vì mục tiêu tối hậu này. Các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thực chất là khủng hoảng thừa do lòng tham con người lợi dụng kẽ hở quản lý. Khủng hoảnh kinh tế toàn cầu là hiểm họa mà cũng là thời cơ. Quốc gia nào biết lợi dụng nó thì sẽ được lợi, và ngược lại. Đó là hai bài học rút ra trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vô tiền khoáng hậu 2007-2009.

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)