Đương đầu lạm phát
Cuộc chiến chống lạm phát chúng ta sẽ khó thành công nếu không điều chỉnh được dòng tiền chảy một cách tuần hoàn, hợp lý, kịp thời có các biện pháp nhanh chóng khắc phục hiệu ứng phụ của chính sách thắt chặt tiền tệ hiện nay.
Mặc dù chính phủ và ngân hàng quốc gia của nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, đã hết sức nỗ lực nhưng tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa có gì khả quan. Chứng khoán toàn cầu bất ổn. Kinh tế Mỹ đang đối đầu với nguy cơ suy thoái nặng nề nhất trong hơn 20 năm trở lại đây. EU và Nhật Bản đều đứng trước nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng xấu từ nền kinh tế Mỹ. Đồng USD mất giá, câu chuyện về nguy cơ sụp đổ của hệ thống tiền tệ này ngày càng được nhắc tới nhiều hơn. Dầu đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào ngày 19/2 tại thị trường New York. Vàng tăng cao chưa từng thấy, vượt mức 1000 USD/ounce (tức là trên 18 triệu đồng 1 chỉ). Niềm hy vọng của thế giới đổ dồn hết vào các nền kinh tế đang lên: Trung Quốc, Ấn Độ, Nga. Nhưng ngay chính bản thân các nền kinh tế này cũng đang phải đối mặt với áp lực lạm phát gia tăng. Tâm trạng chung của giới đầu tư toàn cầu là bất an. Bóng mây khủng hoảng tài chính, điều mà chỉ cách đây mấy tháng nhiều người vẫn cho là hoang đường, nay đã lộ cuối chân trời.
Kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Trước hết là lạm phát. Tết đã qua rồi, nhưng hầu hết giá các mặt hàng tiêu dùng chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2008 tăng 2.38% so với tháng 12/2007, trong đó tăng mạnh nhất vẫn là nhóm hàng lương thực – thực phẩm, tăng 3.76% và nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng – tăng 2,88%. Một mức tăng kỷ lục trong vòng mười năm trở lại đây. Điều đó có nghĩa là đại đa số người dân, đặc biệt là nông dân đang nghèo đi từng ngày. Bên cạnh đó, đợt rét đậm, rét hại kỷ lục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất vụ đông xuân. Thị trường chứng khoán bất ổn, VN-Index đã tụt dần về mốc 700 điểm – điều mà ít nhà đầu tư nào nghĩ tới. Trước các biện pháp thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại (NHTM) đang lao vào cuộc đua tăng lãi suất huy động. Lần đầu tiên trong lịch sử ngân hàng Việt Nam lãi suất cho vay qua đêm tăng cao đạt mức kỷ lục lên tới 43% (26/2) mà vẫn chưa có điểm dừng. Trong khi các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp dân doanh, đang lao đao đứng trước nguồn vốn vay ngày càng hạn hẹp và đắt đỏ. Đã thế, ngày 25/2, giá xăng dầu bán lẻ lại tiếp tục điều chỉnh tăng thêm 1500đồng/lít, tạo tiền đề cho một làn sóng tăng giá tiêu dùng mới.
Nỗ lực chống lạm phát của chính phủ
Lạm phát. Chúng ta hiểu mối lo thường trực của Chính phủ và hoan nghênh các biện pháp thắt chặt tiền tệ gần đây của Ngân hàng Nhà nước. Sau khi nâng mức dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng thương mại, từ 1/2/2008, NHNN đã tăng lãi suất cơ bản từ 8,25%/năm tăng lên 8,75%/năm; lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%/năm tăng lên 7,5%/năm; lãi suất chiết khấu từ 4,5%/năm tăng lên 6,0%/năm. Động thái này nhằm tăng lực hấp dẫn cho VND đồng, hút bớt lượng tiền lưu thông. Tuy nhiên mạnh tay nhất là dự định phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc bằng tiền đồng tới đây với lãi suất 7,8%/năm. Bắt buộc có nghĩa dù không muốn các NHTM đều phải mua với một định mức cho trước. NH Đầu tư và Phát triển (BIDV), NH Công thương và NH Ngoại thương phải mua 3.000 tỉ đồng mỗi đơn vị. ACB với 1.500 tỉ đồng. Sacombank – 1200 tỷ. Các ngân hàng khác gồm Techcombank, Eximbank, Đông Á… mỗi đơn vị được phân bổ mua 500 tỉ đồng. Đây là đợt hút tiền lưu thông qui mô nhất từ trươc tới nay.
Coi chừng hậu quả khó lường
Đành rằng lạm phát là lạm phát chung, chống lạm phát là sự nghiệp chung, nhưng xem ra câu chuyện này hơi lạ trong kinh tế thị trường. Các NHTM đang phải huy động vốn trong dân với lãi suất từ 10-11%/năm. Trong khi bị bắt buộc mua tín phiếu của NHNN với lãi suất 7,8%. Chưa buôn đã thấy lỗ ít nhất 2,2%/năm. Biết lỗ nhưng vẫn phải gánh. Vì sao? Vì công việc chung? Tất nhiên, NHTM sẽ không bao giờ chịu gánh một mình, họ sẽ tìm cách chia sẻ với bạn hàng. Là ai? Chính là các doanh nghiệp đang cần tiền để phát triển sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay dài hạn trên thị trường tài chính không bao xa nữa chắc chắn sẽ được nâng lên một mặt bằng mới, vượt xa ngưỡng 15%/năm hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất sẽ tăng cao, có nghĩa là giá thành sản phẩm sẽ không thể nào giảm được. Giá cả vì thế lại tiếp tục leo thang. Như vậy, nếu tình trạng này kéo dài, cuộc chiến chống lạm phát do NHNN khởi xướng với những công cụ tưởng như rất kịp thời và đúng tiêu chuẩn quốc tế nhằm mục đích ổn định kinh tế vĩ mô, giảm thiểu gánh nặng lạm phát cho doanh nghiệp và nâng cao đời sống người dân về bản chất đang trở thành cuộc đùn đẩy trách nhiệm và chi phí chống lạm phát sang cho chính họ (doanh nghiệp và người dân). Chống lạm phát như thế có thể được ngay hiệu quả trước mắt nhưng về lâu dài sẽ để lại hậu quả thật khó lường. Sản xuất đóng băng, tăng trưởng suy giảm, nền kinh tế rất dễ sa vào suy thoái, thất nghiệp gia tăng và đời sống người dân ngày càng chật vật.
Cần phải làm gì?
Tới đây, áp lực lạm phát chắc chắn còn tăng cao. Nhưng người dân không có lỗi khi lạm phát vượt ra ngoài tầm kiểm soát, cũng như không hề có lỗi khi làm xe tự chế, hay rong ruổi gánh hàng rong khắp phố phường Hà Nội tìm kế mưu sinh… Cái khó của người làm quản lý là làm sao ra được các quyết sách vừa hợp lòng dân mà lại đúng qui luật. Thực ra, ý tưởng không có tiền – sẽ không còn lạm phát đã quá lỗi thời. Tiền phải có, càng nhiều càng tốt nhưng phải đúng nơi, đúng chỗ. Ở ta trật tự đang bị đảo lộn, nơi cần tiền – không có (với khối doanh nghiệp dân doanh); nơi không cần tiền – chính xác hơn là sử dụng tiền không hiệu quả, nhiều khi sai mục đích – thì lại quá dồi dào (khối DNNN với vốn đầu tư từ ngân sách). Người ít tiền lại phải nai lưng chịu phí chống lạm phát, trong khi kẻ sẵn tiền vẫn ung dung hưởng ưu tiên. Rõ ràng, cuộc chiến chống lạm phát chúng ta sẽ khó thành công nếu không điều chỉnh được dòng tiền chảy một cách tuần hoàn, hợp lý, kịp thời có các biện pháp nhanh chóng khắc phục hiệu ứng phụ của chính sách thắt chặt tiền tệ hiện nay. Nếu không hậu quả sẽ thật khó lường, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn quá nhiều bất ổn như hiện nay.