Duyên sáng chế máy nông nghiệp của chủ doanh nghiệp nhựa

Với hàng loạt máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy gieo hạt thẳng hàng, xe phun xịt dung dịch tự động và máy gặt đập liên hợp, ông Phạm Hoàng Thắng, chủ doanh nghiệp tư nhân Nhựa Hoàng Thắng (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) được tín nhiệm bởi máy móc do ông sáng chế đã đem lại hiệu quả kinh tế, hỗ trợ công việc đồng áng cho bà con nông dân suốt từ quá trình gieo hạt đến thu hoạch.

Phạm Hoàng Thắng sinh năm 1962 ở vùng nông thôn thuộc huyện Long Mỹ tỉnh Hậu Giang (nay thuộc thành phố Cần Thơ). Khởi nghiệp của ông là ngành nhựa nhưng đến năm 1999, ông chuyển sang ngành Cơ khí nông nghiệp. Năm 2003, ông chuyển về Cần Thơ thành lập Công ty TNHH một thành viên Nhựa Hoàng Thắng.

Là chủ một cơ sở sản xuất nhựa dùng cho sinh hoạt nhưng ông Phạm Hoàng Thắng lại có duyên với máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông kể: “Sinh ra trong gia đình nông dân nên từ nhỏ, tôi đã phụ giúp gia đình trong việc đồng áng. Hiểu được những cái khó nhọc của người nông dân trong các khâu canh tác lúa, tôi suy nghĩ phải làm thế nào để chế tạo ra những máy móc thiết bị hỗ trợ cho người nông dân trong quá trình canh tác lúa, giúp họ phần nào giảm bớt những nhọc nhằn, khó khăn”.

Từ những suy nghĩ này, ông Thắng đã dành nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu, thử nghiệm những sáng chế, máy móc phục vụ nông nghiệp. Ông cho rằng, việc nghiên cứu chế tạo sản phẩm hết sức khó khăn vì phải chế tạo ra các thiết bị máy móc phù hợp với môi trường luôn chịu ảnh hưởng bởi thời tiết nắng mưa, sình lầy…, trong khi đó “bản thân tôi chưa qua trường lớp đào tạo nào về cơ khí, chế tạo máy móc hay học nghề…”. Theo đánh giá của ông, nghiên cứu tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề đạt hiệu quả tốt là một việc khó làm, để biến ý tưởng thành hiện thực lại càng khó khăn hơn.

Tuy nhiên vượt qua những khó khăn đó, ông Thắng đã cho ra đời những dòng sản phẩm như máy gieo hạt thẳng hàng, máy gặt đập liên hợp, xe phun xịt thuốc bảo vệ thực vật tự động được bà con nông dân tin dùng.

Thiết bị gieo hạt thẳng hàng của ông Thắng làm bằng nhựa, nhẹ, bền, độ nhạy các hộc chứa lúa cao và người sử dụng có thể dễ dàng điều chỉnh độ rơi của lúa. Sau bốn lần cải tiến, đến nay, máy gieo hạt thẳng hàng của Hoàng Thắng đã đáp ứng được cả yêu cầu của khách hàng khó tính. Nhờ máy gieo hạt thẳng hàng này nên chi phí sản xuất giảm, lượng giống giảm tử 10 đến 15 kg lúa giống/1.000m2 đất, tiết kiệm sức lao động, phân bón, thuốc trừ sâu…

Tuy là giải pháp sáng chế khá đơn giản nhưng đã thay đổi tập quán sạ lang (gieo sạ bằng tay) của người nông dân Nam Bộ, khuyến khích người nông dân ứng dụng trong chương trình Ba giảm ba tăng (giảm giống, giảm phân, giảm sâu bệnh, tăng năng suất,  tăng chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế).

Máy gặt đập lúa liên hợp của ông Thắng chế tạo đảm bảo song song các yếu tố: hoạt động trên địa hình phức tạp, đồng ruộng sình lầy mà vẫn đáp ứng được các khâu cắt gặt, đập tuốt, sàng sẩy lấy hạt. Đây là thành quả lao động của ông Thắng sau bốn năm nghiên cứu thử nghiệm mà “điều khó khăn là mỗi lần chỉnh sửa, nâng cấp thì phải đợi đến mùa vụ thu hoạch lúa mới thử nghiệm được nên khiến cho việc chế tạo máy kéo dài thời gian”, ông Thắng chia sẻ. 

Kết quả là máy MGĐLH-180 của ông có chế tạo buồng đập, hệ thống truyền lực giúp máy hoạt động hiệu quả hơn nhiều loại máy nhập khẩu từ Trung Quốc. Nó đem lại hiệu quả cao như so với các máy gặt đập ngoại nhập cùng loại: giảm 3% lượng lúa hao hụt mà giả rẻ hơn một nửa. Một mẫu máy gặt đập liên hợp khác 4LL-1.8 còn có tính năng gặt được lúa đổ ngã, lúa ướt sương mà vẫn đảm bảo tỷ lệ hao hụt ở mức thấp nhất.

Xe phun xịt dung dịch thuốc tự động được ông Thắng nghiên cứu chế tạo nhằm giúp người nông dân tránh được độc hại trong việc phun thuốc trừ sâu bệnh. Xe gắn động cơ xài xăng , công suất một mã lực để tạo áp lực. dàn phun có thể điều chỉnh phun trên toàn tán cây hoặc phun sát gốc lúa.

Với mày mò sáng tạo này, ông Thắng đã nhận được nhiều giải thưởng như giải nhất Hội  hi Máy thu hoạch lúa các tỉnh phía Nam năm 2010, giải nhất cuộc thi Sáng chế Tp Hồ Chí Minh năm 2011, giải nhất cuộc thi Sáng chế năm 2013.

 

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)