Elon Musk: Con người tuyệt vời nhất thế giới (Kỳ 4)
Musk trên cương vị ông chủ thì thế nào? Tôi gặp những lời tán dương anh không ngớt, nhưng cũng có những lời bình luận hết sức bất bình, thậm chí có cả cảm giác cay đắng nữa... Nhưng thường thì tôi gặp cả hai trạng thái đó ở cùng một con người.
Tới thăm các nhà máy
Các nhà máy Tesla (ở phía bắc California) và SpaceX (phía nam California), ngoài quy mô đồ sộ và tuyệt vời, có rất nhiều điểm chung với nhau.
Cả hai nhà máy đều khang trang sáng sủa, sạch sẽ với màu sơn trắng và trần nhà rất cao. Cả hai đều mang dáng vẻ của những phòng thí nghiệm hơn là các nhà máy truyền thống. Và ở cả hai nơi, các kĩ sư và thợ kĩ thuật được cố ý xếp vào làm việc chung tại một khu để họ có thể phối hợp với nhau chặt chẽ hơn, thuận tiện hơn cho việc trao đổi. Musk cho rằng những người chế tạo máy cần phải làm việc cạnh chính nơi sản xuất những chiếc máy đó. Trong khi môi trường nhà máy truyền thống không phù hợp với những kĩ sư ngồi làm việc bên máy tính, hay môi trường văn phòng truyền thống không phù hợp với những nhân viên kĩ thuật làm việc tay chân, thì một phòng thí nghiệm khang trang, hiện đại sẽ phù hợp cho cả hai. Ở cả hai nhà máy, hầu như không có văn phòng nào đóng kín, mọi người đều tiếp xúc gần gũi với nhau.
Khi tới nhà máy Tesla, điều khiến tôi ấn tượng trước hết là quy mô của nó; vì thế mà tôi không hề ngạc nhiên khi tìm hiểu và biết rằng nó có tầng hầm rộng nhất thế giới.
Nhà máy này trước đây thuộc quyền sở hữu của GM và Toyota, sau đó được chuyển sang tay của Tesla năm 2010. Đầu tiên, chúng tôi làm một chuyến tham quan khắp nhà máy, và tôi gặp vô vàn những con robot màu đỏ đang chế tạo ô tô.
Ngoài ra còn có nhiều thứ thú vị khác, chẳng hạn như một khu vực rất rộng dùng làm nơi chế tạo pin cho ô tô, và một khu khác chứa những cuộn nhôm nặng hàng chục tấn mà họ cắt ra rồi hàn vào xe.
Còn có cả một chiếc máy nén khổng lồ trị giá tới 50 triệu USD dùng để nén kim loại với áp lực nặng tới 4.500 tấn (tương đương với áp lực khi chồng 2.500 chiếc ô tô lên một vật nào đó).
Nhà máy Tesla đang nỗ lực để nâng năng suất từ 30.000 ô tô/năm lên 50.000, tức tương đương 1.000 chiếc/tuần. Những chiếc ô tô được hoàn thiện một cách nhanh chóng, vậy nên tôi thực sự kinh ngạc khi biết rằng lúc họ mua lại nhà máy này từ Toyota, năng suất của hãng này là 1.000 ô tô/ngày.
Tôi có cơ hội tới thăm xưởng chế tạo của Tesla (tôi không được phép chụp ảnh). Ở đó, các nhà thiết kế ngồi phác họa thiết kế xe trên máy tính, còn ở một góc khác của phòng trưng bày những mô hình xe bằng đất sét có kích cỡ như xe thật. Khi tôi đến, các chuyên gia đang đứng quanh mô hình chiếc Model 3 sắp ra mắt; họ tỉ mẩn nặn từng chi tiết trên xe, mài bớt từng milimet để kiểm tra độ bóng ở từng đường cong xe. Ngoài ra còn có một máy in 3D có thể nhanh chóng “in” ra một mô hình xe thu nhỏ để chuyên gia thiết kế có thể tận mắt chứng kiến phác thảo của mình ở những góc độ khác nhau. Quả là một mô hình sản xuất của tương lai.
Ngày hôm sau, tôi đến thăm nhà máy SpaceX với nhiều điều thậm chí còn thú vị hơn nữa. Nhưng tòa nhà này chứa những công nghệ tên lửa tiên tiến, mà theo cách gọi của chính phủ thì đó là “công nghệ vũ khí”, nên các blogger tự do không được phép chụp ảnh trong đó.
Dù sao, sau mỗi chuyến viếng thăm, tôi đều có dịp ngồi lại trao đổi với một số kĩ sư và nhà thiết kế cao cấp ở đó. Tôi hỏi han họ về công việc, về suy nghĩ của họ đối với công ty và lĩnh vực mà họ làm việc, rồi tôi còn hỏi thăm về mối quan hệ giữa họ với Elon và cảm tưởng của họ khi làm việc cho anh ấy. Tất cả những người tôi gặp đều rất thân thiện, cởi mở, tất cả đều toát lên vẻ thông minh tới mức dị thường nhưng không hề giả tạo. Musk từng nói rằng anh có chính sách tuyển dụng nghiêm ngặt, không chấp nhận những người khó ưa, và điều đó đã được thể hiện qua những cuộc gặp này.
Vậy Musk trên cương vị ông chủ thì thế nào?
Ta hãy bắt đầu bằng những thông tin trên Internet. Trên trang Quora có người tạo chủ đề với câu hỏi: “Làm việc với Elon Musk thì như thế nào?”
Câu trả lời đầu tiên là của một cựu nhân viên của SpaceX. Chị miêu tả cái ngày mà vụ phóng tên lửa lần thứ ba thất bại – đó là một tổn thất nặng nề cho công ty và cho tất cả những ai đã lao tâm khổ tứ hàng năm trời vì nó.
Chị nói, Elon đã kịp thời xuất hiện và có một buổi nói chuyện để động viên tinh thần nhân viên. Chị cho biết: “Sau buổi nói chuyện đó, tôi nghĩ hầu hết chúng tôi đều hân hoan trở lại như người vừa từ địa ngục trở về. Đó là sự thể hiện bản lĩnh lãnh đạo ấn tượng nhất mà tôi từng chứng kiến.”
Ngay sau câu trả lời đó là một câu trả lời nữa, của một kĩ sư SpaceX giấu tên. Anh viết: “Khi nào có người vừa rời khỏi một cuộc gặp với Elon là ta biết ngay: họ đã bị đánh cho tơi tả… Những gì bạn đã làm là chưa đủ, vậy nên bạn phải tìm ra giá trị của riêng mình. Đừng trông chờ vào những lời tán dương để tồn tại qua những tuần làm việc kéo dài tới cả 80 tiếng.”
Đọc những lời bình luận về Musk trên mạng và trong cuốn tiểu sử sắp ra mắt của Vance, tôi thấy rằng hai nhận xét trên ở trang Quora là tiêu biểu cho ý kiến của mọi người về chuyện làm việc cho Musk. Trong quá trình tìm hiểu, tôi gặp được những lời tán dương anh không ngớt, nhưng cũng có những lời bình luận hết sức bất bình, thậm chí có cả cảm giác cay đắng nữa. Nhưng thường thì tôi gặp cả hai trạng thái đó ở cùng một con người. Chẳng hạn, cũng trong chủ đề về Musk ở trang Quora trên, có người viết: “Làm việc với anh ta chẳng có gì thoải mái cả. Anh ta chưa bao giờ hài lòng với bản thân mình nên cũng chưa từng hài lòng với những người xung quanh… Vấn đề nằm ở chỗ, anh ta là cái máy, còn người khác thì không thế.” Và cũng chính người này sau đó đã thú thực rằng cách cư xử của Elon là “có thể thông cảm được”, vì rằng anh luôn bộn bề với nhiều dự án cùng lúc, và rằng “đó là một công ty tuyệt vời, và tôi yêu nó.”
Những cuộc trao đổi trực tiếp giữa tôi và các kỹ sư, nhà thiết kế của Musk cũng mang đến những thông tin tương tự. Một người trong số họ bảo tôi: “Elon lúc nào cũng muốn biết: Tại sao không thể làm nhanh hơn? Anh ấy luôn muốn mọi thứ to hơn, tốt hơn, nhanh hơn.” Cũng chính cái anh chàng ca cẩm trên vài phút sau lại kể chuyện Musk thường quan tâm và công bằng ra sao khi quy định những điều khoản dành cho những nhân viên mới bị sa thải.
Một người khác thì phàn nàn rằng anh ta đã có nhiều đêm thức trắng, nhưng vẫn quả quyết rằng được làm việc ở đây thật là hạnh phúc, và anh hi vọng mình sẽ không bao giờ phải rời đi.
Một lãnh đạo cao cấp nói về việc tiếp xúc với Musk như sau: “Mỗi cuộc trao đổi đều ẩn chứa rủi ro lớn, bởi anh ấy rất cứng đầu, và anh ấy có thể đào sâu vấn đề hơn bạn tưởng, hoặc có kiến thức sâu rộng hơn bạn về đề tài nào đó.” Cũng chính vị này, từng làm việc tại một công ty công nghệ lớn, nói: “Musk là tỉ phú thực tế nhất mà tôi từng làm việc cùng.”
Nhưng rồi tôi hiểu ra rằng, cả hai trạng thái cảm xúc ấy, rốt cuộc đều gặp nhau ở một điểm là sự kính trọng dành cho Musk. Những người làm việc cho Musk, dù họ có suy nghĩ như thế nào về cách quản lý của anh, đều rất mực tôn trọng anh, vì sự thông minh ở anh, vì đạo đức nghề nghiệp, vì lòng can đảm, và vì trọng lượng của những sứ mệnh mà anh đã và đang đảm đương – những sứ mệnh mà khi đặt bên cạnh nó, mọi công việc khác trở nên nhỏ nhặt và vô nghĩa lý.
Nhiều người trong số những người tôi nói chuyện cũng thể hiện lòng kính trọng anh vì sự trung thực ở con người anh, mà một nét thể hiện của nó là sự nhất quán của Musk. Trong những cuộc phỏng vấn rải đều suốt một thập kỷ qua, anh vẫn nói về cùng một việc, thậm chí còn dùng lại chính xác những lời anh đã nói, dù trải qua bao nhiêu năm rồi. Anh nói những gì anh nghĩ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Một nhân viên thân cận với Musk tiết lộ với tôi rằng thường thì sau mỗi cuộc họp báo hay thương thảo chuyện làm ăn, khi còn hai người với nhau, anh này thường hỏi Musk xem quan điểm thực sự của anh về những vấn đề được nói đến là gì, và thực sự thì anh nghĩ gì. Lần nào cũng vậy, Musk đều đưa ra câu trả lời chán ngắt rằng: “Tôi nghĩ cái mà tôi đã nói ấy.”
Một số người tôi gặp còn cho biết Musk rất tôn trọng sự thực và sự chính xác. Anh không ngần ngại, thậm chí còn khích lệ, những nhận xét không hay về anh, nếu anh cho rằng những nhận xét ấy là đúng. Nhưng khi báo giới nói điều gì đó sai trái về anh và các công ty của anh, anh thường nhất quyết phải lôi họ vào cuộc và bắt họ sửa sai. Anh không thích những câu nói mơ hồ mang tính quan trọng hóa vấn đề như “Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng”, hay “Giới khoa học không đồng ý”. Anh cũng từ chối thẳng thừng việc quảng cáo cho Tesla, trong khi quảng cáo gần như là việc phải làm đối với hầu hết những công ty mới thành lập, bởi với anh, quảng cáo là thứ điều khiển người khác và không trung thực.
Sự trung thực còn được thể hiện đâu đó trong những yêu cầu khắc nghiệt của Musk đối với nhân viên, bởi có thể anh là một kẻ chuyên chế, nhưng anh không hề sống giả tạo. Những nhân viên phải làm việc 80 tiếng mỗi tuần thường cũng không có gì phải phàn nàn bởi ít ra thì vị CEO của họ còn làm việc tới 100 tiếng mỗi tuần nữa kia.
Bùi Thu Trang dịch
Nguồn: http://waitbutwhy.com/2015/05/elon-musk-the-worlds-raddest-man.html
Đọc thêm:
Kỳ 1: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=112&CategoryID=43&News=8893
Kỳ 2: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=112&CategoryID=43&News=8896
Kỳ 3: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=112&News=8904&CategoryID=43