Emile Berliner: Nhà phát minh lập hãng đĩa Deutsche Grammophon
Buổi hòa nhạc kỷ niệm 120 năm thành lập Deutsche Grammophon (DG), hãng thu âm lâu đời nhất thế giới, tại Berlin Philharmonic Hall với sự tham gia của nghệ sỹ violin Anne-Sophie Mutter và nghệ sỹ piano Lang Lang vào ngày 6/11/2018, để nhớ lại thời khắc Emile Berliner – người góp phần phát triển công nghệ điện thoại và máy ghi âm, đã lập DG.
Nhà phát minh Emile Berliner đang tìm hiểu về vật liệu phủ cho đĩa ghi của máy quay đĩa. Nguồn: DW
LTS. Nhà phát minh Đức Emile Berliner (1851-1929) là một trong những nhân vật nổi bật của giới công nghiệp thế kỷ 19. Dù thôi học vào năm 14 tuổi nhưng tinh thần học hỏi không ngừng đã đưa ông đến với những phát kiến quan trọng trong công nghệ truyền dẫn điện tín và thu âm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đồng thời góp phần mở ra những ngành công nghiệp mới ở cả châu Âu và châu Mỹ. Thành công nhưng khiêm tốn, nên tên tuổi của Emile Berliner vẫn khuất lấp đằng sau những nhà phát minh nổi tiếng thời đó như Alexander Graham Bell hay Thomas Alva Edison.
Không chỉ có nhiều đóng góp trong lĩnh vực, công nghiệp, Emile Berliner còn là một người nỗ lực hỗ trợ y tế công cộng và giáo dục như thành lập các tổ chức xã hội để ngăn ngừa bệnh dịch, xuất bản “11 nguyên tắc bảo vệ sức khỏe” cho học sinh phổ thông… Năm 1908, ông lập học bổng “Sarah Berliner Research Fellowship” dành cho các nhà nghiên cứu nữ trẻ trong lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học với mong muốn đem lại cho họ các cơ hội giáo dục ngang bằng với nam giới và góp phần tạo dựng sự bình đẳng trong khoa học. Christine Ladd Franklin trở thành phụ nữ đầu tiên được Đại học Johns Hopkins trao bằng tiến sỹ từ học bổng này. Về cuối đời, Emile Berliner còn đóng góp để tái thiết Palestine và xây dựng trường Đại học Hebrew.
“120 năm trước đây, công nghệ tốt nhất thế giới của Deutsche Grammophon đã góp phần mang âm nhạc cổ điển đến với thính giả trên toàn thế giới. Đó cũng là những điều chúng tôi đang làm hôm nay, cách chúng tôi chia sẻ các bản thu âm và các màn trình diễn của những nghệ sỹ hàng đầu”, lời phát biểu của Frank Briegmann, chủ tịch và CEO của Universal Music Central Europe và Deutsche Grammophon đã thể hiện niềm tự hào về Emile Berliner và những gì ông đã tạo dựng.
Phát minh đột phá của Emile Berliner
Để hiểu về đóng góp của Emile Berliner với ngành công nghiệp thu âm, chúng ta hãy nhìn lại bầu không khí nghiên cứu về âm học điện (electronic acoustics) vào những năm 1870. Nền tảng lý thuyết về sự truyền dẫn sóng điện tử là công lao của Heinrich Hertz – một nhà nghiên cứu có một nửa dòng máu Do Thái đã đưa quang học, âm học và điện động lực học cổ điển vào một lĩnh vực và có khám phá mang tên mình “sóng Hertz” mô tả sự truyền dẫn của sóng điện từ qua không gian, và Leo Graetz – con trai nhà sử học Do Thái nổi tiếng Heinrich Graetz và là người đầu tiên phát hiện ra hiện tượng tán sắc của sóng điện từ. Bắt đầu từ nghiên cứu của Hertz và Graetz, máy điện báo, điện thoại, radio và truyền hình đã ra đời.
Lĩnh vực mới mẻ này đã thu hút nhiều nhà vật lý, trong đó có Charles Bouseouil, một trong những người sớm tin điện có thể đưa được giọng người qua không gian và Phillip Reis – người muốn chuyển ngay lý thuyết đó thành hiện thực là một nhân vật dính líu nhiều đến những xung đột phát minh với những tên tuổi lớn nhất thời kỳ này, trong đó có Alexander Graham Bell. Reis đã cải tiến “tai điện tín” – một thiết bị bắt chước chức năng của tai người mà ông từng tạo ra một cách thô sơ khi còn nhỏ, và giới thiệu nó cho các thành viên của Hội Vật lý Frankfurt, Đức vào ngày 26/10/1861. Ông đặt tên cho nó là telephony.
Vào thời điểm đó, Emile Berliner đã được nhận vào làm trợ lý trong phòng thí nghiệm hóa học nổi tiếng của TS. Constantine Fahlberg – nhà khoa học gốc Nga khám phá ra hợp chất tạo ngọt nhân tạo saccharin. Môi trường khoa học ở đó hết sức phù hợp với Berliner. Khi không trong phòng thí nghiệm hoặc không đọc sách trong thư viện của Viện nghiên cứu Cooper, Berliner tiếp tục làm các thí nghiệm trong căn phòng của mình ở phố Columbia. Một cuốn tiểu sử Emile Berliner đã mô tả “Berliner sống ở tầng ba một ngôi nhà xây dựng theo mẫu nhà trung lưu điển hình thời kỳ đó ở Washington, trong một căn phòng giống hệt phòng thí nghiệm với dây điện, pin và hầm bà lằng vật liệu điện khác nhồi đầy mọi chỗ. Ông đã kịp lắp một bộ ‘điện thoại’ giữa cửa sổ và kho, một bộ khác với chằng chịt dây điện quanh phòng khách của bà chủ nhà trọ, vốn bị ép phải tham gia vào thí nghiệm của ông”. Trong căn phòng chật hẹp của mình, Berliner đã tạo ra các bộ mẫu thử ống vi âm và bộ truyền dẫn, hai phần cơ bản của truyền thông điện tín. Sau này chúng được tích hợp trong các loại điện thoại, radio, truyền hình và hệ truyền thanh công cộng và đem đến những tiềm năng thương mại khổng lồ.
Đầu tháng 4/1877, Berliner đã tạo ra một bộ truyền dẫn dạng màng sắt. Ông đục thủng đáy một hộp xà phòng bằng gỗ và thay nó bằng một tấm sắt để làm diaphragm rồi đặt một thanh ngang vào giữa hộp… Ông đã thử nó với một điện kế và thấy rằng dòng điện đã thay đổi. Do đó, ông có thể nhận được giọng nói một cách rõ ràng”. Cái hộp xà phòng mẫu thử này đã trở thành hộp xà phòng nổi tiếng nhất trong lịch sử khi được đưa vào Bảo tàng quốc gia Mỹ cùng nhiều thiết bị khác của Berliner vào năm 1925.
Emile Berliner bên một trong những chiếc máy quay đĩa đầu tiên của ông. Nguồn: wikipedia.
Trong vòng một tháng sau khi tạo ra mẫu thử thô sơ này, ông đã giải quyết được vấn đề nảy sinh ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh, đó là sự suy giảm của cường độ dòng điện theo khoảng cách. Bằng việc gia cố thêm một cuộn cảm ứng – phần biến áp mới khuếch đại sóng điện từ hay các xung điện và giữ cho những truyền động được liên tục, bộ truyền dẫn tín hiệu đã trở thành một công cụ giao tiếp khác thường và không còn mang dáng dấp của một thứ “đồ chơi” thô sơ nữa. Lần đầu tiên, một biến áp được thiết kế để duy trì dòng điện liên tục và trờ thành nguyên mẫu của tất cả các máy biến thế tiếp trong các trạm biến thế, nhà máy điện trên khắp thế giới và radio ngày nay.
Với những đổi mới sáng tạo này, ống vi âm đã tái tạo âm thanh một cách trung thực và đáng tin cậy, và bộ phận biến áp giúp truyền tín hiệu qua không gian hiệu quả. Như vậy từ telephony của Reis và teletrofono của Meucci, Berliner đã đi một con đường dài để trở thành một nhà phát minh với một thiết bị hữu hiệu về mặt thương mại.
Bỗng chốc Berliner trở thành nổi tiếng và nhiều người tò mò đã nườm nượp đến căn phòng của ông để quan sát các thí nghiệm, trong đó có A. S. Solomons, một nhà kinh doanh sách. Ông ta giới thiệu Berliner với giáo sư Joseph Henry, người đứng đầu Viện nghiên cứu Smithsonian và thu xếp một buổi giới thiệu tại viện vào ngày 2/10/1877. The National Republican of Washington đã viết về sự kiện này: “Buổi triển lãm thú vị tại Viện Smithsonian diễn ra chiều qua về những khám phá và phát minh của ông E. Berliner, bao gồm một dụng cụ cải tiến và những phương thức truyền tin bằng điện tín. Thiết bị đầu tiên được triển lãm này là một “điện thoại tiếp xúc” để truyền những dao động âm thanh từ chỗ này sang chỗ khác, vì vậy tạo khả năng giao tiếp cho con người. Thiết bị thứ hai là “điện thoại tia lửa điện” có khả năng truyền tia điện. Thiết bị thứ ba là một “vật chuyển giao điện thoại” được thiết kế để truyền âm thanh bằng những thay đổi trong cường độ dòng điện trong mạch điện.
Bằng sáng chế cho biến áp của Berliner đã được chấp thuận vào ngày 15/1/1878. Cho đến nay, ống vi âm và bộ biến áp – hai yếu tố của thiết bị mà giờ chúng ta gọi là điện thoại, đã được công nhận là phát minh của Emile Berliner.
Cuộc chiến giữa các nhà phát minh
Điện thoại là một trong những sản phẩm gây tranh cãi bậc nhất trong lịch sử phát minh. Đến bây giờ, người ta vẫn chưa chắc thực sự nó có đúng là do Alexander Graham Bell sáng tạo ra hay là do một trong số những người khác như Charles Bourseul, Innocenzo Manzetti, Antonio Meucci, Johann Philipp Reis, Elisha Gray, Emile Berliner… mà chỉ có thể nói rằng, chiếc điện thoại là sản phẩm của rất nhiều bộ óc, mỗi người có công phát triển một, hai chi tiết.
Tuy nhiên chỉ ở thời điểm này mọi chuyện có thể được phân định như thế, còn trong quá khứ, mọi chuyện lại diễn ra hoàn toàn khác, thậm chí còn là một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Ví dụ khi Berliner đã thông báo về sản phẩm của mình vào ngày 4/4/1877 thì bốn tháng sau, vào ngày 21/7/1877, Thomas Alva Edison đã đệ đơn xin cấp bằng sáng chế cho một thiết bị tương tự. Trước đó, Alexander Graham Bell cũng có cuộc tranh chấp về bản quyền với Reis, bất chấp việc sản phẩm của Reis được giới thiệu trước và được biết đến rộng rãi qua 50 bài báo xuất bản tại nhiều quốc gia. Ốm yếu và nghèo khó, Reis qua đời vào năm 1874 mà không có cơ hội biết rằng, hai năm sau, ứng dụng của Bell – một thiết bị phát triển từ “tai điện tín” của ông, được trao bằng sáng chế.
Biết thiết bị của mình có thể biến ước mơ điện thoại thành hiện thực, Berliner đã đề xuất bán quyền sử dụng thiết bị của mình cho Bell Company. Tháng 9/1878, đại diện của Alexander Graham Bell đã thỏa thuận với Berliner và trả ông 50.000 USD cộng thêm một vị trí được trả lương cao – kỹ sư trưởng công ty. Berliner chấp nhận. Chiếc điện thoại đầu tiên xuất hiện trên thị trường với tên gọi “điện thoại Bell-Berliner”.
Trong thời gian làm ở Bell Company, Berliner đã thực hiện nhiều cải tiến thiết bị khác, quan trọng nhất là sửa chữa sai sót của một dạng ống vi âm do Francis Blake, một nhà nghiên cứu hợp tác với Hội Khảo sát trắc địa Mỹ ở Washington, chế tạo.
Sự ra đời của đế chế Deutsche Grammophon
Khi có được một số vốn nhất định, Berliner trở về Đức vào năm 1881 và cùng với anh em trong nhà lập công ty Telephon-Fabrik Berliner. Công việc thuận lợi, công ty có chi nhánh tại Vienna, Berlin, Budapest, London, và Paris. Cùng thời điểm đó, nhiều nhà phát minh tập trung vào vấn đề tái tạo âm thanh cơ học. Một trong những thiết bị đầu tiên là của Leon Scott, ra đời vào đầu năm 1855. Scott đã rạch một rãnh xoắn ốc trên một ống hình trụ quay trong để tạo ra âm thanh và gọi đó là máy ghi chấn động âm. Năm 1859, ông bán cho các nhà nghiên cứu để phân tích âm thanh.
Cũng giống như cách làm trước đó, cả Bell và Thomas Edison đã nhanh chóng sao chép sản phẩm và tạo ra thiết bị tương tự với cùng một nguyên lý của Scott. Tuy nhiên do khôn ngoan hơn, bằng sáng chế được cấp cho Edison vào năm 1878 với thành quả đầu tiên là việc ghi lại bài bát “Mary có một con cừu nhỏ”. Tuy nhiên cả hai sản phẩm này đều không hoàn hảo: âm thanh nhỏ tí và chỉ phát trong vòng hai phút.
Nhân kỷ niệm 120 năm thành lập, Deutsche Grammophon phát hành toàn bộ các tác phẩm do nhạc trưởng Herbert von Karajan chỉ huy. Nguồn: Deutsche Grammophon.
Dĩ nhiên Berliner quan tâm đến thiết bị của Scott và thực hiện nghiên cứu độc lập về việc ghi lại âm thanh cơ học. Dẫu vậy, ông còn tham khảo những nguyên lý chính của những nhà tiên phong khác và tìm cách giải quyết khuyết điểm của các thiết bị đã có bằng việc tạo ra các vật liệu ghi âm mới, một nguyên lý ghi âm mới và một thiết bị mới để có thể phát các âm thanh được ghi lại. Vậy ông làm cách nào? Tin vào khả năng ghi của một bề mặt phẳng hơn là ống hình trụ, Berliner quyết định ghi trên các đĩa phẳng. Tìm các vật liệu có độ bền làm đĩa, ông thử nghiệm với celluloid, cao su cứng, kẽm và nhiều loại kim loại khác. Cuối cùng ông chọn nhựa cánh kiến (shellac). Các đĩa shellac đem lại âm thanh khá tốt, có khả năng sao chép với giá rẻ nên có tiềm năng thương mại lớn.
Do tạo ra cách ghi âm thanh theo chiều ngang trên đĩa phẳng thay vì tiếp xúc với ống hình trụ nên Berliner đã bổ sung thêm một cây kim. Sau đó, Berliner thiết kế một máy quay đĩa mà ông gọi là Gramophon bằng cách cắt bộ truyền dẫn của điện thoại (đây chính là ống vi âm của ông), gắn kim vào diaphragm và di chuyển nó dọc theo rãnh xoắn ốc đã được khắc bản ghi âm. Tất cả những điều đó đã đem lại lại chất lượng cho âm thanh mà không thiết bị tương tự nào trước đó làm được. Năm 1887, Berliner đã được cấp bằng sáng chế tại Mỹ và Đức. Ông liên tiếp lập công ty tại Mỹ và Canada. Bản thu âm đầu tiên được sản xuất tại Canada tháng 1/1900 (ghi một mặt). Năm 1898, Berliner lập hãng Deutsche Grammaphon Gesellshaft ở Hanover và Britain’s Gramophone Co. Ltd. để thương mại hóa sản phẩm và các bản thu âm của mình ở châu Âu. Năm 1907, một nhà máy sản xuất đĩa hát ở Hanover với những cỗ máy có thể tạo ra 200 bản sao mỗi lần chạy máy. Thành công này của Berliner đã góp phần mở ra một ngành công nghiệp thu âm và sản xuất đĩa hát trên thế giới.
Năm 1913, với sự phát triển của công nghệ, bản thu âm hoàn chỉnh một tác phẩm cho dàn nhạc đầu tiên đã được thực hiện: nhạc trưởng Arthur Nikisch và dàn nhạc Berlin Philharmonic thu âm bản giao hưởng số 5 của Ludwig van Beethoven trên 4 đĩa (ghi 2 mặt). Những bản thu âm thế hệ đầu còn xa mới đạt tiêu chuẩn trung thực trong âm thanh khi mới chỉ truyền tải một phạm vi rất hẹp của sắc thái và sự biểu cảm của tác phẩm, tuy nhiên lại trở thành những tư liệu quý để thế hệ sau này còn được lắng nghe giọng hát của các nghệ sỹ sống ở giai đoạn đầu thế kỷ cũng như tư liệu để nghiên cứu về lịch sử phát triển ngành công nghiệp thu âm.
Sự phát triển của Deutsche Grammaphon gắn liền với tên tuổi của các nghệ sỹ cổ điển và các dàn nhạc qua nhiều thế hệ. Họ tìm mọi cách có được hợp đồng của các nghệ sỹ nổi tiếng bậc nhất, lăng xê tên tuổi họ qua các bản thu âm và biến nó trở thành sản phẩm văn hóa bán chạy trên thị trường âm nhạc; ngược lại, những nghệ sỹ cổ điển cũng cảm thấy vinh dự khi trở thành nghệ sỹ độc quyền của “nhãn hiệu vàng”, một thương hiệu đầy tự hào như slogan của họ “Deutsche Grammophon là âm nhạc cổ điển”.
Thanh Nhàn tổng hợp