Fracking là không tránh khỏi

Ông Christof Rühl (ảnh bên), nhà kinh tế trưởng và Phó chủ tịch của Tập đoàn Dầu khí đa quốc gia BP, là một trong những người cho rằng phương pháp Fracking khai thác dầu và khí đốt từ đá phiến đang gây nhiều tranh cãi hiện nay sẽ còn tiếp tục được triển khai rộng rãi trên thế giới trong những năm tới. Theo ông, Fracking thậm chí còn góp phần vào việc chống biến đổi khí hậu.

Đầu tháng giêng mới đây, Ba Lan đứng trước một tin vui: Giữa mùa đông giá rét, một doanh nghiệp năng lượng loại nhỏ của Ireland có tên là San Leon Energy lần đầu tiên khai thác trong nhiều ngày liền một khối lượng lớn khí đốt từ đá phiến. Tới đây ông Oisin Fanning, giám đốc San Leon Energy, dự kiến sẽ triển khai tiếp một loạt mũi khoan nữa. Ông này cho rằng tiềm năng khai thác tại dự án của mình ở miền bắc Ba Lan cũng to lớn không kém so với nguồn khí đốt của Mỹ.

Cho đến lúc này, chưa thể nói liệu việc khai thác khí đốt từ đá phiến có bùng nổ ở Đông Âu tương tự như ở Mỹ hay không. Tuy nhiên điều này là một sự khích lệ mạnh mẽ đối với những người từng ước ao tràn ngập khí đốt ở cả thế giới. Trong khi những người chống đối Fracking [kỹ thuật bơm nước áp lực cao trộn với cát và hóa chất để cắt phá đất đá, qua đó giải phóng dầu và khí đốt bị kẹt lại trong lớp đất đá; phần nước thải trào lên từ những giếng khoan này sau đó sẽ được đổ vào các giếng khoan khác dùng chung kỹ thuật] ái ngại nạn ô nhiễm nguồn nước ngầm ở khu vực có giếng khoan.

WirtschaftsWoche (Tuần Kinh tế): Thưa ông Rühl, nhiều nhà bảo vệ môi trường đòi các doanh nghiệp như doanh nghiệp của ông không được phép tiếp tục tìm kiếm những mỏ dầu, khí mới. Thậm chí người ta còn đòi cả các mỏ đã phát hiện không được phép khai thác triệt để, để tránh không thúc đẩy quá trình biến đổi khí hậu. Ngay cả việc khai thác khí từ đá phiến cũng là điều cấm kỵ. Phải chăng đây là một ý tưởng hay?

Christof Rühl: Không phải như thế vì chúng ta còn phải dùng nhiên liệu hoá thạch trong một thời gian dài nữa. Vì thế chúng ta vẫn phải tìm các nguồn trữ lượng mới. Và chừng nào điều này không bị cấm thì các doanh nghiệp năng lượng và các cổ đông của những doanh nghiệp đó có quyền quyết định liệu họ có sẵn sàng chịu rủi ro khi tìm kiếm những mỏ dầu và khí đốt mới hay không.

Một đòi hỏi nữa là: nhà nước cần đưa những tổn thất về khí hậu và môi trường vào giá thành của nhiên liệu hoá thạch. Phải chăng giá dầu mỏ, khí đốt và than còn quá rẻ?

Tôi tán thành cộng thêm giá carbon dioxide (CO2) vào giá của nhiên liệu hoá thạch. Tuy nhiên tôi không tin là từ đó sẽ chấm dứt việc sử dụng các nguồn nhiên liệu hoá thạch.

Thưa ông, tại sao?

Vấn đề là ở chỗ chúng ta đang nói với nhau về loại tài nguyên gì. Nếu như chúng ta có một cái giá cho CO2 ở mọi nơi trên thế giới, thì những doanh nghiệp thí dụ như doanh nghiệp khí đốt sẽ được lợi khi sử dụng khí đốt để sản xuất điện chứ không phải dùng than: một kilowatt giờ từ khí đốt chỉ sản sinh ra một nửa lượng CO2 so với điện do than tạo ra. Như vậy thì ngành than là ngành chịu trận đầu tiên. Tôi là người rất tán thành cơ chế thị trường. Nếu quyết, từ năm X các người sẽ không được phép khai thác dầu mỏ và khí đốt nữa, như vậy chẳng giúp ích cho ai cả.

Thưa ông trữ lượng dầu mỏ hiện nay có còn đủ cho những thập niên tới không? Dù gì đi nữa thì sản lượng ở các khu mỏ đang hoạt động mỗi năm giảm bình quân 5%.

Không phải như vậy! Lượng dầu khai thác trên toàn thế giới mỗi năm một tăng – và trữ lượng các khu dầu mỏ và khí đốt được phát hiện cũng tăng lên. Để bù lại cho sự giảm sút tỷ lệ khai thác ở các mỏ dầu lớn, doanh nghiệp năng lượng phải bù đắp từ những chỗ khác. Cho đến nay việc này vẫn tiến hành tốt. Vả lại chúng tôi cũng đạt được những tiến bộ kỹ thuật to lớn. Một mặt áp dụng những phương pháp mới để lấy dầu từ đá phiến, mặt khác nhờ tiến bộ kỹ thuật, chúng tôi cũng khai thác được nhiều dầu hơn từ những mỏ hiện có. Như đã nói, những trữ lượng đã phát hiện hiện nay lớn hơn so với cách đây 20 năm và còn tiếp tục tăng.

Các doanh nghiệp dầu mỏ và khí đốt như BP hy vọng nhiều vào việc khai thác từ đá phiến. Giới chỉ trích thì cho rằng chỉ có một sự bùng nổ nhất thời mà thôi.

Tỷ suất khai thác từ đá phiến cho đến nay đã làm chúng tôi bất ngờ tích cực. Đối với đá phiến dầu, chúng tôi cũng đồ rằng việc khai thác ở Mỹ trong những thập niên tới sẽ giảm sút. Nhưng điều đó sẽ được bổ sung từ các khu mỏ ở những nước khác, lượng bổ sung này sẽ cao hơn chứ không phải chỉ cân bằng. Theo tính toán của chúng tôi, đến năm 2030, khai thác dầu từ đá phiến sẽ đạt khoảng 7% so với tổng sản lượng dầu mỏ nói chung của thế giới.

Thưa ông nhưng ở các trạm xăng người tiêu dùng không cảm nhận được về sự bùng nổ này. Nếu như hiện nay có nhiều đá phiến dầu như vậy thì tại sao giá dầu mỏ không giảm?

Ngay sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cách đây sáu năm, giá dầu đã từ 152 đôla/thùng xuống còn 32 đôla/thùng. Vì vậy các nước OPEC đã giảm mạnh lượng khai thác và giá dầu lại vượt ngưỡng 100 đôla/thùng. Trong ba năm qua – với sự mở đầu của Mùa xuân Ả rập – thì việc khai thác dầu ở các nước như Iran, Libya, Syria và Ai Cập đã giảm sút tới mức chưa từng có kể từ khi Liên Xô xảy sụp đổ. Hoàn toàn tình cờ, đúng vào thời điểm đó, khai thác đá phiến dầu ở Mỹ bắt đầu bùng nổ. Sản lượng của Mỹ đã bù đắp được nguồn cung của khu vực Bắc Phi và Cận Đông. Giá dầu được ổn định trong ba năm qua chính là nhờ kết quả của các yếu tố này.

Có nghĩa là thế giới tình cờ mà thoát khỏi một cuộc khủng hoảng dầu mỏ nghiêm trọng?

Bạn có thể nói như vậy. Nhưng cũng có thể hiểu ngược lại: sự bùng nổ dầu mỏ ở Mỹ xét về khía cạnh lịch sử đã dẫn đến sự tăng sản lượng chưa từng có ở đây. Và Mỹ đã sản xuất dầu mỏ từ năm 1859! Ví thử Mùa Xuân Ả rập không làm giảm mạnh sự khai thác thì ngày nay giá dầu mỏ sẽ chịu áp lực nặng nề vì có quá nhiều tài nguyên này trên thị trường. Ngược lại, ví thử chúng ta chỉ có Mùa Xuân Ả rập thì có lẽ giá dầu đã tăng vọt. Cho đến nay sự bất ổn về chính trị và sự tăng sản lượng của Mỹ đã giữ được sự cân bằng cán cân cung cầu. Tất nhiên không ai biết tương lai giá dầu sẽ phát triển như thế nào, nhưng gì thì gì điều này không liên quan đến sự khan hiếm tài nguyên.

Thưa ông, còn tình hình đối với khí đốt như thế nào?

Đối với khí đốt, chúng tôi cũng nhận thấy sẽ diễn ra một sự bùng nổ kéo dài đối với việc khai thác từ đá phiến. Theo tính toán của chúng tôi thì trong hai chục năm tới, Mỹ sẽ khai thác khí đá phiến nhiều hơn lượng khí đốt thông thường mà nước này đã khai thác trong thời gian qua. Tỷ trọng khí đá phiến trên thế giới sẽ chiếm khoảng 20% so với sản lượng khí đốt toàn cầu. Các châu lục và các vùng lãnh thổ sẽ ngày càng noi theo Mỹ phát huy nguồn dự trữ của mình.

Dường như các nhiên liệu hoá thạch có tương lai sáng sủa. Nhưng điều này có ý nghĩa như thế nào đối với biến đổi khí hậu, thưa ông?

Đây là một câu hỏi đúng. Mọi dấu hiệu đều cho thấy nồng độ CO2 trong bầu khí quyển đang tiếp tục tăng chứ không giảm. Nếu bạn thấy những nhận thức về khoa học là có cơ sở thì đây là một tin xấu. Chừng nào mà còn chưa có giá cho CO2 thì khó có thể trông chờ vào sự thay đổi – hiện chưa có những giải pháp kỹ thuật đủ tầm cỡ cần thiết.

Thưa ông, nhưng hiện đang diễn ra sự bùng nổ đối với năng lượng mặt trời, ngày càng có nhiều ô tô chạy điện được bán ra thị trường. Chúng không cần xăng. Với tư cách là người kinh doanh dầu, ông có cảm thấy ái ngại về điều này không?

Không. Thứ nhất là vì dù có nhiều ô tô chạy điện thì lượng khí thải CO2 vẫn tăng lên – trên thế giới vẫn còn nhiều điện được sản xuất từ than. Thứ hai, ô tô chạy điện đơn thuần hiện nay vẫn ít hơn xe lai (Hybrid). Loại xe này vẫn dùng chủ yếu xăng hay diesel. Điều đó chứng tỏ vấn đề đối với dầu đâu đến nỗi tồi.

Nhưng thưa ông, dùng dầu thay thế than cũng là biện pháp lâu dài.

Hoặc chỉ là một tiến bộ nho nhỏ, điều đó đúng. Vì thế chúng tôi muốn dùng khí đốt thay cho than để chạy các nhà máy điện. Chúng tôi đã làm một bài tính: Nếu chúng ta chỉ cần thay thế một phần trăm sản lượng điện từ than đá sang khí đốt trên toàn thế giới thì có thể giảm lượng khí thải CO2 tương đương với việc tăng tỷ trọng năng lượng tái sinh lên 11%.

Vậy theo ông kịch bản nào có ý nghĩa hơn?

Điều trong thực tế có thể thực hiện ngay đó là thay thế một phần trăm sản lượng điện từ than bằng khí đốt. Ngược lại, để tăng được mười phần trăm năng lượng tái sinh là rất khó, mất rất nhiều thời gian và nhất là vô cùng tốn kém.

Vậy tại sao chúng ta lại không sử dụng khí đốt nhiều hơn, thưa ông?

Vì chẳng có ai phù hợp với vấn đề này. Giới bảo vệ môi trường thì muốn ngay lập tức phải loại bỏ tất cả các loại nhiên liệu hoá thạch. Giới công nghiệp và một số chính phủ cũng không mấy thích thú vì ở nhiều nơi trên thế giới giá khí đốt còn cao hơn giá than.

Vì thế chúng ta cần phải làm một cuộc cách mạng khí đốt?

Tôi rất thận trọng khi dùng từ cách mạng. Nhưng đúng là nhờ các công nghệ mới và nhờ tiếp cận được với khí đá phiến, chúng ta có thể thay thế than bắng khí đốt ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng hiện tại thì người ta coi Fracking là điều kinh dị. Trong khi hiện tại Mỹ nước giảm lượng khí thải CO2 mạnh nhất vì ở đó khí đá phiến giá rẻ đã thay thế được than, tuy nhiên sự liên quan này không được đề cập tới ở châu Âu.

Thưa ông, ông hãy nói điều này với những người dân ở gần các khu vực khai thác khí đá phiến.

Fracking là một vấn đề tiềm năng và mang tính địa phương còn biến đổi khí hậu là một vấn đề trừu tượng mang tính toàn cầu. Tôi nghĩ, tất cả chúng ta tiếc rằng đều biết, vì sao kết cục lại như thế.

***

Christof Rühl, 55 tuổi, từ năm 2007 là nhà kinh tế trưởng của BP. Trước đó ông làm việc tại Ngân hàng Thế giới, từng là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới ở Brazil và Nga.

Xuân Hoài dịch theo Spiegel 21.2. 2014

Tác giả

(Visited 25 times, 1 visits today)