Francis Fukuyama và bước ngoặt của nước Mỹ

Năm 1989, Francis Fukuyama, lúc ấy còn là một chuyên viên ít tên tuổi trong Bộ Ngoại giao Mỹ, viết một bài làm chấn động giới trí thức Mỹ, và toàn cầu. Đó là bài “Điểm tận của Lịch sử” (The End of History), khai triển thành cuốn “Điểm tận của Lịch sử và Người cuối cùng” (The End of History and the Last Man) xuất bản năm 1992. Chứng kiến sự sụp đổ của bức tường Bá Linh và những sự thay đổi lớn lao ở Đông Âu và Liên Xô (cũ) trong những năm ấy, ông táo bạo viết: “Chúng ta đang chứng kiến không chỉ là sự chấm dứt của chiến tranh lạnh, hoặc sự đã qua của một giai đoạn lịch sử nhất định... mà còn là điểm tận của lịch sử: nghĩa là, điểm cuối cùng của sự tiến hóa ý thức hệ của nhân loại, và sự phổ cập hóa của thể chế dân chủ phóng khoáng kiểu Tây phương như là hình thức chính phủ tối hậu của loài người”.

Luận đề này của Fukuyama đã gây sôi nổi từ khi ấy (và thường được so sánh với luận đề cũng nổi tiếng không kém, song gần hoàn toàn trái ngược, về “Đụng độ giữa các nền văn minh” của Samuel Huntington). Dù không khó chỉ trích luận đề của Fukuyama, phải nhìn nhận rằng ông thường bị hiểu sai. Như Fukuyama giải thích sau này, ông không có ý cho rằng điểm tận lịch sử sẽ là một nền “dân chủ phóng khoáng” (như cụm từ này đuợc hiểu ở phương Tây), rằng lịch sử sẽ ngừng nơi đó, song chỉ muốn nói rằng mọi người, dù ở đâu, cũng có ý nguyện được sống trong một xã hội hiện đại, và lịch sử luôn luôn tiến theo hướng ấy.
Nhưng xin để dành câu hỏi “lịch sử có điểm tận hay không?” cho dịp khác. Ở đây, chỉ xin ghi lại rằng Fukuyama tiếp tục được chú ý trong những năm 1990, một phần là do nhiều tác phẩm (với nhiều ý kiến mới mẻ, ở các lãnh vực khác) ông tiếp tục cho ra đời, nhưng phần khác là do quan hệ của ông với nhóm trí thức tân bảo thủ ở Mỹ. Nhóm này (độ vài chục người) gồm một số nhà chiến lược ngoại giao và quốc phòng cao cấp, nhà báo nổi tiếng, đa số là gốc Do Thái, thỉnh thoảng có những kiến nghị kêu gọi Mỹ phải cứng rắn hơn trong chính sách ngoại giao, nhất là đối với Trung Đông (mà họ luôn luôn ủng hộ quyền lợi Israel). Khi Bush (con) đắc cử thì, tuy Fukuyama (hiện là giáo sư đại học Johns Hopkins) không tham chính, hầu hết bạn bè ông đều được giao những chức vụ quan trọng (nổi bật nhất là Paul Wolfowitz, phụ tá tổng trưởng quốc phòng). Ảnh hưởng của nhóm tân bảo thủ lớn đến nỗi hầu hết các nhà bình luận đều cho rằng chính sách ngoại giao và quốc phòng của Bush là hoàn toàn trong tay phe này.
Ai cũng đinh ninh rằng Fukuyama, với “tiểu sử” ấy, hẳn nhiệt tình ủng hộ chiến tranh Iraq, ít nhất vì mục đích “xây dựng dân chủ” mà nhóm tân bảo thủ (và không chỉ nhóm này) vẫn tin là một lý do khiến Mỹ tung quân vào Iraq. Tuy nhiên, từ giữa năm 2004 đã có dấu hiệu cho thấy quan điểm của Fukuyama về Iraq, và về chiến tranh chống khủng bố nói chung, không hoàn toàn giống với nhóm tân bảo thủ. Trong một loạt tranh luận với các “đồng chí” cũ (đặc biệt là với nhà bình luận Charles Krauthammer của báo Washington Post), Fukuyama đã bộc lộ nhiều bất đồng với chính sách Iraq của Bush (đến mức công khai ủng hộ Kerry trong cuộc bầu cử năm 2004). Cuốn “Nước Mỹ ở bước ngoặt” (America at the crossroads) vừa xuất bản, và đang gây sôi nổi ở Mỹ cũng như Âu Châu, là cố gắng của Francis Fukuyama để khai triển những ý kiến của ông về chính sách của Mỹ ở Iraq, sắp xếp lại và trình bày mạch lạc hơn những phát biểu rải rác đó đây của ông trong hai năm qua.
***
Trước hết, Fukuyama kể lại nguồn gốc của tân bảo thủ ở Mỹ. Có thể phân biệt hai nhánh cội rễ: một nhánh bắt đầu từ triết gia Leo Strauss, trốn thoát Đức Quốc Xã, sang Mỹ định cư từ năm 1937. Ảnh hưởng của Strauss là mạnh nhất qua quan niệm của ông đối với dân chủ, tự do, và liên hệ giữa nội bộ của một quốc gia và cách cư xử của quốc gia ấy đối với nước khác. Nhánh thứ hai phát xuất từ nhà chiến lược quân sự Albert Wohlstetter, nổi tiếng với chủ thuyết “đánh phủ đầu” của ông ta. Thế hệ tân bảo thủ đầu tiên là một nhóm trí thức cựu Trốt kít, đa số gốc Do Thái, cực lực chống cộng, thường gặp nhau ở Đại học Thành phố New York vào những thập niên 1930-40.
Từ những nguồn gốc khác nhau ấy, nhóm tân bảo thủ đề xuất bốn nguyên tắc. Một là, họ cho rằng chính sách đối ngoại của một quốc gia tùy thuộc vào chính trị nội bộ của quốc gia ấy (quan điểm này trái ngược với quan điểm của trường phái “thực tế”, điển hình là Kissinger). Cụ thể, họ cho rằng các quốc gia dân chủ sẽ không hiếu chiến, cư xử thân thiện hơn trong bang giao quốc tế. Do đó Mỹ phải đi mọi nơi để gieo rắc dân chủ và nhân quyền. Hai là, theo những người tân bảo thủ, quyền lực của Mỹ có thể dùng để phục vụ “đạo đức”. Ba là, họ không tin là các tổ chức và luật lệ quốc tế có thể hữu hiệu được. Và, bốn là, cũng theo những người tân bảo thủ, nhà nước không thể nhào nặn xã hội ở bất cứ đâu.
***
Từ bối cảnh ấy, và từ nhận xét về tình hình Iraq, Fukuyama cho rằng những người tân bảo thủ (và bây giờ ông tự xem như không còn thuộc nhóm ấy) đã phạm bốn lỗi lầm. Lỗi lầm thứ nhất là họ thiếu kiên nhẫn. Vì tưởng đâu khi Hussein bị lật đổ thì Iraq sẽ trở thành một nước dân chủ, Mỹ vội vã xâm lăng Iraq, không nghĩ gì về những khó khăn hậu Hussein. Lỗi lầm thứ hai của những người tân bảo thủ là họ ngây thơ tin rằng một nước Mỹ hùng cường sẽ được các nước khác ngoan ngoãn chấp nhận là một “bá quyền nhân từ”. Lỗi lầm thứ ba là họ quá sức phóng đại nguy cơ của các nhóm Hồi giáo cực đoan (để lấy cớ “đánh phủ đầu”). Lỗi lầm thứ tư là sự mâu thuẫn rõ rệt trong triết lý tân bảo thủ: Một đàng (như trong chính sách nội bộ của Mỹ) họ cực lực chống sự can thiệp của nhà nước để “nhào nặn” xã hội, đàng khác, họ lại không chút nghi ngờ là Mỹ có thể đi vào một quốc gia có một chiều sâu lịch sử và một văn hóa xa lạ như Iraq (mà họ hầu như không biết gì cả) để nhào nặn lại nước ấy. Chính điều này đã gây ra nhiều lỗi lầm khác trong thời gian Mỹ chiếm đóng Iraq.

Ngay từ đầu, Fukuyama đã chống lại chủ thuyết “đánh phủ đầu” vì ông cho rằng chiến lược này đòi hỏi biết trước tương lai, ít nhất là có nhiều tình báo chính xác – điều mà Mỹ không có. Rồi khi thấy cách Mỹ áp dụng thuyết này ở Iraq thì ông lại bị “sốc” hơn nữa vì sự bất tài của những người cầm đầu nước Mỹ hiện nay. Chẳng hạn, ông không hiểu tại sao có nhiều cách (có tính thuyết phục hơn) để biện hộ cho chiến tranh Iraq mà Bush không dùng; ông cũng hoang mang về cách Mỹ đối xử với đồng minh (như Pháp, Đức) một cách mất lòng như vậy, rồi Fukuyama không thể tin là (như ngày càng thấy rõ) chính phủ Bush đã không hề nghĩ trước cách đối phó với kháng quân Iraq.
***
Fukuyama viết: “Tôi kết luận rằng tân bảo thủ, như một biểu trưng chính trị cũng như một chủ thuyết, đã thành một thứ mà tôi không thể ủng hộ được nữa”. Fukuyama đề nghị một chính sách mới mà ông gọi là “chủ nghĩa thực tế Wilson”. Có lẽ cần nhắc lại, chủ nghĩa Wilson (theo tên Woodrow Wilson, tổng thống Mỹ từ năm 1913 đến 1921) cho là Mỹ có bổn phận đem dân chủ đi truyền bá ở những nước khác. (Trái lại, những người theo “chủ nghĩa thực tế”, như Kissinger, thì xem chính trị quốc tế như một ván cờ mạnh được yếu thua, không nước nào cần truyền bá lý tưởng gì sất). Fukuyama thêm bổ từ  “thực tế” vào “chủ nghĩa Wilson” để nhấn mạnh giới hạn của quyền lực Mỹ (không phải cái gì cũng làm được) và nhu cầu cộng tác đa phương. Fukuyama cũng “dè dặt” hơn: thể chế chính trị của một quốc gia phải tự phát từ nội bộ của quốc gia ấy, không thể áp đặt từ ngoài, nhất là khi sự áp đặt ấy là qua vũ lực.  
Fukuyama kêu gọi Mỹ nên xem chiến tranh chống khủng bố không như một chiến tranh quân sự, nhưng là một đấu tranh chính trị để mua chuộc trái tim của đại đa số người Hồi giáo trên toàn thế giới. Theo ông, Mỹ cũng nên dựa nhiều hơn vào các tổ chức quốc tế, đa phương.

Ngay từ đầu, Fukuyama đã chống lại chủ thuyết “đánh phủ đầu” vì ông cho rằng chiến lược này đòi hỏi biết trước tương lai, ít nhất là có nhiều tình báo chính xác – điều mà Mỹ không có. Rồi khi thấy cách Mỹ áp dụng thuyết này ở Iraq thì ông lại bị “sốc” hơn nữa vì sự bất tài của những người cầm đầu nước Mỹ hiện nay. Chẳng hạn, ông không hiểu tại sao có nhiều cách (có tính thuyết phục hơn) để biện hộ cho chiến tranh Iraq mà Bush không dùng; ông cũng hoang mang về cách Mỹ đối xử với đồng minh (như Pháp, Đức) một cách mất lòng như vậy, rồi Fukuyama không thể tin là (như ngày càng thấy rõ) chính phủ Bush đã không hề nghĩ trước cách đối phó với kháng quân Iraq.

Nhìn lại nguồn gốc nhóm tân bảo thủ Mỹ, họ chính là “con tinh thần” của, một bên, kinh nghiệm Đức Quốc Xã, trước đó nữa là tư tưởng cổ La Hi (qua Leo Strauss), và bên kia, tư duy chiến tranh lạnh (qua Albert Wohlstetter), có nghĩa là hoàn toàn triết lý chính trị và quân sự, không biết gì về những nền văn minh khác (ngoài Tây phương) và cũng không biết gì về phát triển kinh tế. Thực vậy, trong nhóm tân bảo thủ, chỉ có Fukuyama (người Mỹ gốc Nhật) là tương đối biết về Châu Á nhiều hơn cả (cũng có thể kể thêm Paul Wolfowitz, từng làm đại sứ Mỹ ở Indonesia). Một số chỉ trích của Fukuyama trong cuốn này có vẻ bắt nguồn từ sự hiểu biết của ông về các nền văn minh ngoài Tây phương ấy. Tuy nhiên, khó hiểu là Fukuyama vẫn không nói gì đến yếu tố dân tộc tính, cụ thể là tính bất khuất của bất cứ dân tộc nào khi bị ngoại xâm. Là một trí thức, Fukuyama đôi lúc quên rằng chính trị thực tế có những động cơ tầm thường hơn là “dân chủ” hay “tự do” Có thể có những người như Fukuyama cho rằng chính sách Bush là nhằm thiết lập “dân chủ”, “nhân quyền” ở nước khác, nhưng thực tế thì quyền lợi kinh tế, áp lực chính trị nội bộ (trong nước Mỹ)… hẳn là nhiều ảnh hưởng hơn. Nói cách khác, Fukuyama vẫn tin rằng triết lý tân bảo thủ là quan trọng, rằng nó là động cơ chính của đường lối ngoại giao và quân sự của Mỹ hiện nay. E rằng ông đã phóng đại ảnh hưởng này.
Khi những người tân bảo thủ, kể cả Fukuyama, khẳng định rằng chỉ có những quốc gia “dân chủ” kiểu Tây phương là tin được (theo nghĩa tôn trọng những cam kết quốc tế), là hiếu hòa, thì họ lại quên nhìn trong gương: nước Mỹ của họ (mà họ mặc nhiên coi là tiêu biểu của dân chủ ấy) có hiếu hòa, có “tin” đuợc không? Một điều nữa: họ không hề nói đến quyền tự quyết của một dân tộc và tự phong cho nước Mỹ quyền “thừa sai”, đem “dân chủ” áp đặt lên nước khác. Dù có thể chấp nhận “dân chủ” như một ước vọng căn bản nhất của con người, nhưng con người còn có những nhu cầu khác (cơm ăn áo mặc là trước tiên), và mỗi nước có thể có những lựa chọn khác nhau về thứ tự và lộ trình phát triển của họ.  Những người tân bảo thủ hình như không để ý đến sự khác nhau này. (Thực vậy, triết lý của Leo Strauss khẳng định sự hiện hữu của những giá trị chung, hằng cửu, nghĩa là phủ nhận sự có thể khác nhau về giá trị giữa văn hóa này và văn hóa khác.)
Oái oăm là, nhiều người tân bảo thủ (như Aaron Friedberg, trong một bài điểm sách Fukuyama) giải thích sự “không kiên nhẫn” của họ bằng cách nhìn nhận rằng quyền lực Mỹ đang trong thời tột đỉnh, và nếu Mỹ không chộp lấy thời cơ này để sắp xếp lại bàn cờ thế giới thì khó có thể làm được trong tương lai.  Nhưng luận điệu này mở ra một chỗ yếu, vì lẽ nếu sự áp đặt này của Mỹ có thành công, nhưng nếu nó gây mầm “ghét Mỹ” thì liệu Mỹ có duy trì nó nổi không, nhất là khi khoảng cách quyền lực (nhất là kinh tế) giữa Mỹ và các nước khác ngày càng nhỏ, như chính những người này nhìn nhận? Tiếc thay, đây là lối “phản biện” của phe Bush hiện nay: cho là Fukuyama “yếu bóng vía”, thiếu kiên trì, rằng Fukuyama không tin là dân Iraq yêu chuộng “dân chủ”.

Một nhận xét nữa: Sau “Điểm tận của lịch sử”, Fukuyama đã quay sang nghiên cứu về vai trò của tin cẩn trong xã hội và tính khả thi của “xây dựng quốc gia”, đưa ra nhiều ý kiến đáng chú ý. Rõ ràng là những phát hiện mới này của Fukuyama đã ảnh hưởng đến cách ông nhìn Iraq hiện nay. Tuy rằng Fukuyama có nói đến những yếu tố kinh tế trong sách của ông, ông hầu như bị ám ảnh hoàn toàn bởi chiến tranh Iraq và rộng hơn là chiến tranh chống khủng bố của Mỹ. Người đọc khó tránh ý nghĩ rằng thử thách lớn nhất cho nước Mỹ, về lâu về dài, không phải là vấn đề Trung Đông nhưng là sự trỗi dậy của Châu Á. Nói khác đi, Fukuyama, một học giả vẫn tự xem như có cái nhìn sâu về lịch sử, oái oăm thay, hầu như bị lịch sử bỏ lại đằng sau.
Fukuyama khẳng định là ông vẫn bảo lưu ý kiến của “Điểm tận của lịch sử”, vẫn tin rằng nhân loại sẽ tiến đến một nền dân chủ phóng khoáng, mọi nền kinh tế rồi sẽ là kinh tế thị trường. Tuy nhiên, người đọc quyển này có cảm tưởng Fukuyama ngày nay khiêm tốn hơn, cụ thể là trong suy nghĩ của ông về vai trò của nước Mỹ trong tiến trình đi đến “điểm tận” ấy. Nuớc Mỹ không còn là một tấm gương đạo đức mà các nước khác ngưỡng mộ, quyền lực Mỹ cũng không phải là vô địch, và nhất là những nhà lãnh đạo nước này đã tỏ ra kém khôn ngoan, thiếu sáng suốt, đến độ không ngờ. Tuy không đi quá xa như Samuel Huntington trong tiên đoán sẽ có một sự “đụng độ giữa các nền văn minh”, đọc Fukuyama không khỏi có ấn tượng rằng dù vẫn có đề nghị này, ý kiến kia, Fukuyama ngày nay bi quan hơn mười mấy năm trước. Hầu như ông cho rằng những sai lầm của chính quyền Bush ở Iraq là quá nặng nề, sẽ còn rất lâu (nếu có khi đó) mới hàn gắn đuợc.
Nhìn lại, Francis Fukuyama có cái “khiếu” bắt chộp được “màu thời gian”. Cuốn “Điểm tận của lịch sử” phản ảnh tính “đắc thắng” của Mỹ trước những sự cố ở Đông Âu, còn cuốn này, có vẻ buồn hơn, đánh dấu kinh nghiệm đau đớn của Mỹ sau thời kỳ “tân bảo thủ”. Với sự “ra đi” của Fukuyama, nhóm tân bảo thủ mất đi một nhà tư tưởng có nhiều ý kiến táo bạo.
————
* Dayton, Ohio (Mỹ)

Trần Hữu Dũng

Tác giả

(Visited 36 times, 1 visits today)