Gắn kinh doanh với trách nhiệm xã hội

Liên tục trong năm 2008, Viettel đã đưa ra các chương trình mang tính xã hội như miễn phí đưa Internet cho trường học, hỗ trợ mỗi sinh viên mỗi tháng 25.000 đồng sử dụng điện thoại di động trong suốt thời gian đi học, hỗ trợ mỗi cán bộ chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo 50.000 đồng/tháng sử dụng điện thoại di động, hỗ trợ mỗi hộ nông dân 35.000đồng/tháng sử dụng điện thoại cố định. Những chương trình này xuất phát từ triết lý kinh doanh của Viettel với những nét tương đồng với tư tưởng của Bill Gates. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel đã trao đổi với Tia Sáng về vấn đề này.

Trong thời gian gần đây, Viettel lại liên tục thực hiện các chương trình mang tính xã hội như đưa Internet miễn phí đến trường học, hỗ trợ sinh viên… và ông có nói những chương trình này có ảnh hưởng từ những tư tưởng của Tổng giám đốc Microsoft Bill Gates. Vậy tư tưởng đó là gì?
Những chương trình của chúng tôi trong thời gian gần đây gốc là xuất phát từ triết lý kinh doanh của Viettel gắn kinh doanh với trách nhiệm xã hội, với sự phát triển bền vững của xã hội, và cũng có cú huých từ bài phát biểu của Bill Gates tại Diễn đàn kinh tế thế giới được tổ chức tại Davos, Thụy Sỹ. Trong bài phát biểu này đã có 4 ý được truyền thông. Thứ nhất, lâu nay người ta vẫn nghĩ nền văn minh của nhân loại chỉ phụ thuộc vào tầng lớp trí thức và giàu có. Hiện thế giới có 2 tỷ người nghèo, nhưng nền văn minh của nhân loại lại phụ thuộc nhiều vào số lượng người này. Thế giới của chúng ta đang phụ thuộc vào lớp người đứng ở đáy và đó là thước đo văn minh của nhân loại. Vì vậy, nếu chúng ta không nghĩ ra cách để 2 tỷ người này văn minh và giàu có lên, thì loài người khó có thể văn minh lên được.
Thứ hai, vậy cách nào để làm cho 2 tỷ người này giàu lên được? Bill Gates cho rằng, người nghèo sẽ không nghèo mãi với điều kiện khi họ nghèo chúng ta giúp đỡ họ, đưa tri thức cho họ, cho họ có cơ hội tiếp cận với thông tin thì họ sẽ có cơ hội làm giàu. Vì vậy, trong lúc họ nghèo thì chúng ta đầu tư cho họ đến khi họ giàu sẽ trở thành khách hàng của mình. Câu chuyện này giống như chúng ta đầu tư cho một nhà máy sản xuất. Việc xây nhà máy mất 3 năm, 3 năm đầu mới ra sẽ lỗ và đến năm thứ 7 mới thu lãi. Ai cũng hiểu đây là quá trình đầu tư cho nhà máy sản xuất. Thế nhưng, việc đầu tư vài trăm tỷ đồng cho khách hàng mỗi năm để khi họ giàu có họ sẽ trở thành khách hàng của mình thì ít người nghĩ đến. Tôi cho rằng, đây cũng là quá trình đầu tư giống như xây dựng nhà máy, thậm chí quá trình đầu tư này còn mang lại nhiều lợi nhuận và đặc biệt, nhiều ý nghĩa nhân văn hơn. 
Thứ 3, một doanh nghiệp thường bỏ ra rất nhiều để xây dựng uy tín và thương hiệu qua cách thức quảng cáo hình ảnh, làm từ thiện… Vì uy tín của một doanh nghiệp cũng sẽ quyết định có bán được nhiều hàng hay không. Trong xã hội hiện đại việc hơn hẳn người khác về chất lượng rất khó, nên sự khác biệt về sản phẩm không nhiều, nhưng lại có sự khác biệt lớn về thương hiệu, thí dụ như Coca Cola và Pepsi. Vì vậy, khi chúng ta bỏ tiền ra đầu tư cho người nghèo chưa có lãi nhưng sẽ tạo ra uy tín xã hội và thương hiệu. Đây là cách làm thương hiệu với chi phí tương tự nhưng có ý nghĩa nhân văn và thiết thực hơn cho xã hội.
Thứ 4, con người có yếu tố tư lợi, nhưng cũng có mong muốn được giúp đỡ người khác. Và như vậy, sẽ tạo ra vòng tròn phản ứng dây truyền cho mọi người giúp đỡ nhau và làm xã hội tốt đẹp hơn. Cách tốt nhất để doanh nghiệp có thể giúp đỡ người nghèo là tìm cách kinh doanh cho đối tượng này nhưng có lãi, vì chỉ có lãi thì mới giúp đỡ lâu dài được. Con đường để doanh nghiệp thực hiện điều đó là đầu tư cho đối tượng này, trong tương lai họ sẽ là khách hàng và quay trở lại ủng hộ doanh nghiệp đã giúp đỡ mình.
Trong 4 tư tưởng của Bill Gates được truyền tải ở Hội nghị Davos thì tư tưởng nào ông tâm đắc nhất?
Tôi ấn tượng nhất 2 quan điểm của Bill Gates là văn minh của nhân loại phụ thuộc vào người đứng dưới và người nghèo không bao giờ nghèo mãi nếu có sự giúp đỡ. Đây là 2 tư tưởng đầu tiên xuất phát quan trọng nhất. Khái niệm thứ 3 cũng rất quan trọng là việc đầu tư cho người nghèo không phải là mang đi cho mà là đầu tư cho khách hàng trong tương lai.
Ngoài chương trình mà Viettel đang làm như đưa Internet đến trường học và sắp tới là đưa điện thoại cố định HomePhone đến với người dân vùng nông thôn, thì Viettel có thực hiện tiếp các chương trình khác hay không?  
Thực ra tư tưởng của Bill Gates chỉ là cú huých cho chúng tôi. Nền tảng của các hành động này là xuất phát từ triết lý kinh doanh của Viettel. Chúng tôi quan niệm rằng, lợi nhuận mà Viettel có được là từ xã hội hơn 80 triệu dân Việt Nam tạo ra, là do kinh tế phát triển, chính trị xã hội ổn định. Viettel đã được hưởng thụ trong đó nên phải mang một phần lợi nhuận quay lại tái đầu tư cho xã hội để cho xã hội tốt đẹp hơn. Khi xã hội tốt đẹp hơn thì thị trường cũng sẽ phát triển hơn, và chúng tôi lại kinh doanh tốt hơn. Chắc chắn sẽ có nhiều chương trình tương tự như như miễn phí cho Internet trường học, điện thoại cố định cho nông dân, hỗ trợ mổ tim, mổ hàm ếch cho trẻ em nghèo… Trên nền tảng triết lý kinh doanh, hiện nay các chi nhánh của chúng tôi tại các tỉnh cũng đã thực hiện nhiều chương trình xã hội. Chẳng hạn như có chi nhánh Viettel ở tỉnh đã thực hiện lấy đóng góp của nhân viên để làm nồi cháo miễn phí cho người nghèo. Đấy cũng là hình thức giúp đỡ những người khó khăn và trả lại một phần lợi nhuận cho xã hội. Có chi nhánh thì nhận người tàn tật về làm việc cho mình. Những người khuyết tật này có thể làm các công việc phù hợp với họ như Callcenter để trả lời khách hàng. Đây chỉ là những ví dụ sinh động xuất phát từ nền tảng triết lý kinh doanh của Viettel. 
Cảm ơn ông!  

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)