Ghép tế bào gốc tạo máu: Triển vọng và thách thức
Ứng dụng ghép tế bào gốc tạo máu ở Việt Nam dù được đánh giá là có triển vọng và nhiều tiến bộ nhưng để phát triển được kỹ thuật này vẫn phải tính đến nhiều yếu tố, mà thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề tài chính và khung pháp lý.
Trong những năm vừa qua, ứng dụng ghép tế bào gốc trong chữa bệnh đã được đưa vào Việt Nam dù muộn mằn hơn thế giới đến vài chục năm. Ứng dụng đầu tiên về ghép tế bào gốc ở Việt Nam bắt đầu từ Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM. Năm 2002, bệnh viện này đã bắt đầu tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu bằng máu cuống rốn. Bệnh viện cũng chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ khâu thu thập mẫu máu cuống rốn, sinh học máu cuống rốn, triển khai quy trình gia công, bảo quản và nuôi cấy tế bào gốc tạo máu in vitro để xây dựng ngân hàng máu cuống rốn trong nước.
Đến nay, có không dưới 10 nhóm nghiên cứu về tế bào gốc đang làm việc rải rác tại các bệnh viện và phòng thí nghiệm trong cả nước. Nhiều cơ sở y tế triển khai nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị như: Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện 108… Đáng kể như Viện Huyết học – Truyền máu trung ương tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu trị bệnh cho 37 ca; bệnh viện Truyền máu huyết học TP. Hồ Chí Minh ghép cho hàng chục bệnh nhân các bệnh lý huyết học ác tính, bệnh thiếu máu di truyền bẩm sinh hoặc suy tủy.
Mới đây, nhiều chuyên gia trong Hội thảo quốc tế về Ghép tế bào gốc tạo máu đánh giá kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu ở Việt Nam có thể sánh tầm khu vực. Việt Nam không chỉ thực hiện được ghép tế bào gốc đồng loài mà còn thành công trong nhiều ca ghép tế bào gốc tự thân. Đây là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao, chuyên môn giỏi nhưng hiệu quả lại vượt trội như: không gây suy tuỷ kéo dài, giúp người bệnh giảm bớt đau đớn so với điều trị thông thường (dùng hóa chất), giảm nguy cơ tử vong do các biến chứng nhiễm trùng, xuất huyết mang lại cuộc sống bình thường cho người bệnh từ 5 năm trở lên.
Ứng dụng hứa hẹn nhất của tế bào gốc xuất phát từ chính khả năng biến đổi thành nhiều loại tế bào trưởng thành khác nhau với đầy đủ chức năng. Bất cứ căn bệnh nào gây tổn hại mô đều có thể được điều trị nhờ liệu pháp tế bào gốc. Các ứng dụng tiên tiến trong ghép tế bào gốc tạo máu hiện đã có thể điều trị bệnh bạch cầu, bệnh u bạch huyết, nhiều bệnh rối loạn máu di truyền… Những thành tựu đó mở ra một triển vọng mới trong điều trị các chứng bệnh nan y, mang lại nhiều hi vọng cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Vuớng mắc về tài chính
Hoàn toàn có thể tin tưởng rằng ghép tế bào gốc tạo máu nói riêng và ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh nói chung sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Tuy vậy, khoảng cách từ những ca ghép thử nghiệm tới chữa trị phổ biến còn rất xa.
Phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Ghép tế bào gốc tạo máu tổ chức tại Hà Nội, GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu trung ương cho rằng cần phải có một chiến lược quốc gia về ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh, đồng thời cần có sự quan tâm một cách đồng bộ từ các cơ quan hữu quan.
Báo cáo tổng quan tình hình nghiên cứu ứng dụng ghép tế bào gốc tạo máu ở Việt Nam từ trước tới nay tại hội thảo nói trên cũng cho thấy dù đã được nhà nước quan tâm đầu tư nhiều, nhưng để đưa kỹ thuật này vào chữa trị rộng rãi còn nhiều nan giải. Với điều kiện cơ sở vật chất hiện nay, chỉ có những bệnh viện, viện nghiên cứu hiện đại của Việt Nam mới có khả năng đảm đương các thí nghiệm và ghép tế bào gốc tạo máu chữa bệnh. Mới đây, Nhà nước đã đầu tư 40 tỷ đồng để xây một phòng thí nghiệm tế bào gốc cho Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nhưng để phát triển công nghệ tế bào gốc của Việt Nam thành thương hiệu phải đầu tư hàng trăm triệu USD1.
Về phía người bệnh, những ai là người có khả năng chữa bệnh bằng phương pháp ứng dụng ghép tế bào gốc tạo máu? Các chuyên gia ghép tế bào gốc tạo máu tỏ ra quan ngại về khả năng đưa ứng dụng này vào chữa trị ở nước đang phát triển như Việt Nam. Theo tính toán của các chuyên gia trong Hội thảo Quốc tế về ghép tế bào gốc tạo máu, chi phí cho một ca ghép tế bào gốc tạo máu ở Việt Nam vào khoảng 35.000 USD, mặc dù được cho là thấp hơn nhiều quốc gia khác, nhưng vẫn là mức giá không phải người bệnh nào cũng có thể trả.
Do đó, nhiều chuyên gia và nhà quản lý nghĩ tới phương án sử dụng nguồn vốn xã hội hoá, để cho các công ty, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực hiện đại và đầy triển vọng này. Hiện ở Việt Nam đã có bốn ngân hàng tế bào gốc được thành lập, là ngân hàng tế bào gốc của Bệnh viện quân y 103, Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP. HCM, công ty cổ phần Mekophar, công ty cổ phần Ngọc Tâm.
Vướng mắc về khung pháp lý
Sử dụng nguồn vốn xã hội hoá là giải pháp để phát triển, mở rộng ứng dụng trong lĩnh vực này vào chữa trị bệnh, đây cũng là xu hướng được đề cập nhiều trong chiến lược phát triển y tế. Nhưng khi để các cá nhân và công ty tham gia lại vấp phải khung pháp lý hiện hành.
Nếu như trên thế giới, nghiên cứu tế bào gốc phải bước trên con đường chông gai vì các rào cản đạo đức, tôn giáo thì ở Việt Nam lại chưa có đầy đủ khung pháp lý quy định chặt chẽ các vấn đề liên quan tới ghép tế bào gốc tạo máu. Bản thân việc thành lập các ngân hàng tế bào gốc cũng “đi trước luật” vì chưa có quy định các ngân hàng tế bào gốc đó sẽ cho tặng hay kinh doanh như thế nào. Luật “Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” cũng chưa có điều khoản về hiến tặng tế bào gốc. Do đó, không chỉ thiếu những quy định, hướng dẫn mà còn thiếu cả chế tài xử phạt (theo Luật, không được phép kinh doanh các bộ phận cơ thể, nhưng thực tế việc này đã diễn ra. Ứng dụng ghép tế bào gốc rất rộng rãi, không chỉ trong chữa bệnh mà có thể sử dụng cho cả công nghệ thẩm mỹ, do đó không loại trừ nhiều trường hợp kinh doanh vẫn được thực hiện).
Ghép tế bào gốc tạo máu trong chữa bệnh và kỹ thuật ghép tế bào gốc nói chung sẽ ngày càng phổ biến trong tương lai. Nhưng để những ứng dụng này đưa vào chữa trị cần có những tính toán kỹ lưỡng về năng lực tài chính và quy định chặt chẽ về mặt luật pháp.
—
1. Theo ông Đỗ Việt Hà, Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP. Hồ Chí Minh, đăng trong bài Tế bào gốc, Mạnh ai nấy tiến, tiến sao nổi trên VietnamNet