Giấc mơ bắt sa mạc nở hoa

Ông Đại sứ Israel tại Việt Nam Enphrain Ben Matityau là người thích đưa ra những điểm tương đồng giữa Israel và Việt Nam. "Kibbutz" của Israel- theo ông- khá gần gũi với mô hình hợp tác xã của Việt Nam cách đây 30 năm. Ông bảo: "Tuổi thơ của tôi ở Kibbutz. Dù đi đâu, quê hương của tôi vẫn là Kibbutz, với giấc mơ bắt sa mạc nở hoa".

Từ thương nhân thành nông dân
Năm 1882, khi Đế quốc Nga ban hành “Đạo Luật Tháng 5” bài xích người Do Thái, làm “1/3 người Do Thái lưu vong, 1/3 chấp nhận cải đạo và 1/3 chết đói” (Elliot Rosenberg. Họ có từng tốt với người Do Thái?, Birch Lane Press, 11/1997). Người Do Thái phản ứng bằng nhiều cách: một số gia nhập đảng Cộng sản để làm nên nước Nga mới, một số di cư sang Tây Âu, còn khoảng 15.000 người với lý tưởng tìm lại cội nguồn đã tìm đường trở về Palestine. Đợt sóng người Do Thái đến Palestine hồi thập kỷ 80 của thế kỷ 19 được gọi là Aliyah Thứ nhất. Năm 1883, Tờ Biên niên ký Do Thái ở London viết về những người Do Thái di cư đến Palestine từ “thương nhân xanh xao, bạc nhược, đã trở thành những nông dân vạm vỡ, rám nắng và đầy nam tính” .
Đầu thế kỷ 20, một làn sóng ngược đãi người Do Thái mới bùng phát ở Nga, một làn sóng di cư mới lại bắt đầu. Những người Do Thái của đợt Aliyah Thứ hai– đồng thời là những người sáng lập ra những Kibbutz đầu tiên– đã kinh hãi khi thấy làng xóm của người Do Thái cũ giống hệt nơi họ rời đi: thay vì một cộng đồng tương thân tương ái, ở đây người Do Thái làm công việc sạch sẽ, những người làm thuê thuộc cộng đồng khác phải làm công việc bẩn thỉu. Josheph Baratz, một trong những người sáng lập Kibbutz đầu tiên viết: “Hạnh phúc được cày cấy, song chúng tôi càng ngày càng chắc rằng lối sinh sống cũ không phù hợp. Chúng tôi không mong một đất nước mà người Do Thái ở tầng lớp trên, người Arab làm thuê. Có lẽ không nên trở thành ông chủ hay thuê mướn gì cả. Phải có biện pháp tốt hơn”.
Trên khắp thế giới, người Do Thái bỏ từng xu vào những chiếc “hộp xanh” góp cho Josheph Baratz và các đồng chí mua đất ở Palestine. Năm 1909, Josheph Baratz cùng 9 đàn ông, 2 phụ nữ định cư ở vùng đất phía Nam biển Galilee, gần làng “Umm Junni” của người Arab. Khi đó họ đều là những thanh niên đôi mươi, hằng ngày làm thuỷ lợi, xây nhà và giúp những người Do Thái già cả. Sau vụ thu hoạch đầu tiên, họ tự gọi cộng đồng của mình là “Kvutzat Degania” – Đó là Kibbutz (“cộng đồng”, tiếng Hebrew) đầu tiên trên thế giới.
Những người sáng lập Kibbutz đã làm việc rất vất vả để xây dựng lại vùng đất tổ tiên và mở rộng “cách mạng xã hội”. Một người tiên phong kể lại: “Cơ thể rã rời, chân không nhấc nổi, đầu đau nhức, mệt mỏi dưới cái nắng thiêu đốt”. Một nửa thành viên không thể làm việc nổi, nhiều người trẻ rời Kibbutz tới sống ở thành phố.
Dầu khó khăn, Kibbutz vẫn tăng trưởng và mở rộng. Đến 1914, Degania đã có 50 thành viên. Một Kibbutz khác được lập ở Thung lũng Zezreel. Những người sáng lập Degania cũng rời Kibbutz của mình để truyền bá cách trồng trọt và chủ nghĩa xã hội cho các Kibbutz mới.
Nước Israel thành lập, làn sóng người Do Thái đổ về từ châu Âu và từ thế giới Hồi giáo như Marocco, Tunisia, Iraq. Được cả Mỹ và Liên Xô công nhận ngay từ ngày lập quốc, trong 3 năm đầu, Israel là nước không liên kết, sau đó mới ngả dần theo phương Tây.
Thời hưng thịnh nhất của Kibbutz là những năm 60, thậm chí chất lượng sống trong Kibbutz còn cao hơn so với bên ngoài. Đến cuối thập kỷ đó, hầu hết Kibbutz đã có bể bơi.

Lý tưởng cộng đồng
Lý tưởng đầu tiên của Kibbutz là xây dựng lại quốc gia bằng lao động. Để quyên tiền từ người Do Thái trên khắp thế giới, những thành viên Kibbutz đầu tiên đã giới thiệu công việc của mình là “bắt sa mạc nở hoa”. Khi đó các thành viên của Kibbutz- các kibbutznik- đã không lường được xung đột mà đoán người Palestine sẽ vui mừng vì lợi ích kinh tế mà người Do Thái đem tới. Những thành viên cánh tả của phong trào Kibbutz tin rằng kẻ thù của người Arab là địa chủ, không phải là người Do Thái “cùng giai cấp”.
Mơ ước của những kibbutznik đầu tiên còn vượt xa các nông dân Palestine: Họ mơ xây dựng một thế giới không còn bóc lột, tất cả đều bình đẳng, thực hiện câu nói của Marx: “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Tuy nhiên kibbutznik không phải là những người theo chủ nghĩa Marx- họ tin rằng trong tương lai vẫn sẽ tồn tại quốc gia. Những người cộng sản “truyền thống” cũng không hoan nghênh chủ nghĩa phục quốc (Zionism), kể cả việc thực hành lý tưởng cộng sản của họ. Sau cái chết của Stalin (1953) và bài diễn văn của Khrushchev, nhiều thành viên Kibbutz theo chủ nghĩa cộng sản rời bỏ lý tưởng, song vẫn còn rất nhiều thành viên khác giữ lập trường cánh tả, đến cả tận ngày
nay.
Dù thực hành lý tưởng cộng sản, các kibbutznik cũng không tin chủ nghĩa xã hội sẽ có hiệu quả ở khắp nơi. Các đảng của Kibbutz cũng chưa bao giờ kêu gọi từ bỏ quyền tư hữu. Các kibbutznik xem Kibbutz là mô hình “xí nghiệp tập thể” (collictive enterprise) trong lòng hệ thống tư bản và không bao giờ kêu gọi “chuyên chính vô sản”.

Cuộc sống tập thể
Bình đẳng là nguyên tắc cao nhất trong Kibbutz cho đến tận thập kỷ 70. Kibbutznik không có tài sản riêng như gia súc, dụng cụ, thậm chí cả quần áo. Thu nhập, đến cả quà tặng từ bên ngoài là của chung. Nếu một thành viên nhận được món quà “phi vật thể” –  như lời mời ra nước ngoài – thì buổi tối các thành viên Kibbutz sẽ họp bàn về việc chấp nhận nó.
Những đứa trẻ được sinh ra trở thành vấn đề thực sự của Kibbutz. Nếu tất cả trong Kibbutz đều là của chung, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc bọn trẻ? Câu trả lời là: tất cả, thậm chí các bà mẹ mới sinh có thể cho con của người khác bú. Với hầu hết các thành viên Kibbutz, trẻ em khiến họ “tỉnh mộng”. “Thấy những đứa trẻ đầu tiên trên trong Kibbutz giành giật đồ chơi, chúng tôi cảm thấy cay đắng. Điều đó có nghĩa, lối sống cộng đồng không diệt trừ được khuynh hướng vị kỷ. Ý niệm về một xã hội bình đẳng dần dần biến mất” (Gavron, Daniel. Kibbutz: Tỉnh giấc Utopia)
Thập kỷ 20, theo một lý thuyết rằng cô giáo chuyên nghiệp sẽ tốt hơn các ông bố bà mẹ “nghiệp dư”,  trẻ em trong Kibbutz được tách ra khỏi cha mẹ và sống tập thể trong “Xã hội trẻ em” (Mossad Hinuchi). Người ta cho rằng nhờ “Xã hội trẻ em” mà quan hệ giữa con cái và cha mẹ sẽ tốt lên do trẻ không phải chịu “phức cảm Ơ-đíp”. Người ta cũng hy vọng việc tách con nhỏ ra sẽ giải phóng người mẹ khỏi “bi kịch sinh học”: Thay vì chăm sóc con cái, phụ nữ có thể ra ngoài để làm việc và vui chơi.
Sau này được người ngoài Kibbutz đặc biệt quan tâm quan tâm tới “Xã hội trẻ em”. Thời “Xã hội trẻ em” thịnh hành, cha mẹ chỉ dành 2 tiếng mỗi ngày cho con cái. Ở Kibbutz Artzi, cha mẹ bị cấm đưa con đi ngủ. Con lớn hơn chút nữa thì có khi vài ngày không gặp cha mẹ. Một số người từng sống trong “Xã hội trẻ em” thích thú với cuộc sống đó, một số khác nửa thích nửa không. Song tất cả đều công nhận cuộc sống thiếu cha mẹ rất khó khăn. Nhiều năm sau, một người miêu tả tuổi thơ của mình trong Kibbutz: “Cứ 4 tiếng lại được bú, bị bỏ mặc và thoải mái khóc và gào, chúng tôi lớn lên mà thiếu sự chăm sóc cơ bản… Cứ đến giờ là ngồi bô. Chúng tôi được dạy dỗ để trở thành giống nhau. Nhưng tất cả chúng tôi đều khác nhau… Buối tối, khi nhóm lớn tắt hết đèn, bạn biết rằng mình sẽ tè ra giường vì sợ tới nhà vệ sinh”.
Bruno Bettelheim trong cuốn “Đứa trẻ của mơ ước” kể lại: “Trong khi bọn con gái Mỹ tự trang điểm, tỏ ra càng sexy càng tốt thì chúng tôi kín đáo, không mặc những chiếc áo hở ngực hay có vẻ thời trang”. Tỷ lệ li dị ở Kibbutz đặc biệt thấp, song số lấy nhau của những người lớn lên trong “Xã hội trẻ em” cũng ít tương đương. Nhiều người cho đó là kết quả của “hiệu ứng Westermarck” (Westermarck effect): những đứa trẻ lớn lên cùng nhau thường không chọn nhau làm bạn tình.
Lối sống, kiểu giáo dục của Kibbutz khiến Bettelheim dự đoán từ năm 1969: “Những đứa trẻ Kibbutz sẽ không trở thành lãnh đạo hay nhà triết học, sẽ không đạt thành tựu gì trong khoa học hay nghệ thuật”. Bettelheim hoàn toàn sai. Gần 30 năm sau, một nhà báo đã tìm lại những đứa trẻ mà Bettlheim từng phỏng phấn: họ rất thành công trong đủ các lĩnh vực, từ học thuật, kinh doanh, âm nhạc và binh nghiệp.

Còn lại sau giấc mơ
Đời sống vật chất khá lên đi cùng sự suy tàn của Kibbutz. Tính chất tập thể dần phai mờ từ đầu thập kỷ 80. Từ khi lắp công tơ và sử dụng điện không còn miễn phí, các gia đình phải có tài khoản riêng để trả. Dù vẫn thường xuyên thăm viếng nhau hơn bất kỳ ở đâu khác thì các gia đình trong Kibbutz đều đã có đầu DVD, internet như mọi gia đình Israel khác. Có lẽ biến đổi quan trọng nhất là các Kibbutz đã từ bỏ nguyên tắc bình đẳng và áp dụng bảng lương khác nhau. Lương của giám đốc nhà máy trong Kibbutz cao hơn nhiều công nhân. Hầu hết Kibbutz cũng đã từ bỏ “Xã hội trẻ em” để quay về mô hình gia đình hạt nhân. Lý do có nhiều. Một số cho rằng cuộc sống tập thể gây bệnh tâm lý cho trẻ em- họ vẫn còn nhớ nỗi khiếp sợ khi ở trong bóng tối, xa cha mẹ (song trẻ em trong Kibbutz hiện vẫn không giống trẻ em ở ngoài, nhiều Kibbutz cho chúng phòng riêng; một số Kibbutz vẫn còn “Xã hội trẻ em” cho trẻ từ 12 trở lên). Hình tượng kibbutznik là những người tiên phong, hy sinh bản thân và bảo vệ biên giới dần trở thành hình tượng những người kỳ quặc, sống nhờ trợ cấp trong mắt người ngoài.
Một số Kibbutz bị chỉ trích vì từ bỏ nguyên tắc chủ nghĩa xã hội và chạy theo chủ nghĩa tư bản. Kibbutz Shamir có công ty sản xuất kính quang học và niêm yết trên thị trường chứng khoán NASDAQ. Rất nhiều Kibbutz chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và kinh doanh.
Cuối thập kỷ 80, đầu 90, lượng người sống trong Kibbutz giảm hẳn. Các kibbutznik cũng không còn hy vọng biến phần còn lại của Israel, hay của cả thế giới thành xã hội tập thể. Dầu vậy họ vẫn không từ bỏ ước nguyện thay đổi thế giới bằng những công việc nhỏ bé. Kibbutznik giờ là những người tiên phong trong đấu tranh bảo vệ môi trường – một số Kibbutz chuyển sang dùng điện mặt trời. Kibbutznik cũng là các chiến sĩ tiên phong đấu tranh vì hòa bình ở Israel. Năm 2003, số lượng thành viên Kibbutz bắt đầu tăng lên sau một thời gian dài suy giảm, xu hướng đó vẫn giữ được đến tận ngày nay.
Dù thế nào, Kibbutz cũng giữ vai trò rất lớn trong xã hội Israel. Một trong những lý do khiến những người cộng sản hồi đầu thế kỷ 20 hết sức ủng hộ việc thành lập nhà nước Israel là các Kibbutz đại diện cho chủ nghĩa cộng sản ở hình thức thuần khiết nhất. Giấc mơ “bắt sa mạc nở hoa” của Kibbutz trở thành một phần của giấc mơ Israel đến tận ngày nay.

VIỆT ANH (theo tài liệu của Đại sứ quán Israel và Wikipedia)

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)